Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nỗi sợ nhỏ và hoảng loạn lớn
Chỉ trong ít ngày qua, 3 ngân hàng Mỹ đóng cửa, một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ bị mua lại, một ngân hàng khác ở Mỹ được hỗ trợ để tránh bị vỡ… Bài báo trên tờ Economist gọi đây là một cuộc hoảng loạn do các ngân hàng nhỏ gây ra. Cùng nhìn lại để phân tích bản chất câu chuyện.
Khách hàng chờ rút tiền tại Silicon Valley Bank. Ảnh: S.T

Cuộc hoảng loạn do các ngân hàng nhỏ ở Mỹ gây ra

Thứ nhất, đây là một cuộc hoảng loạn do “các ngân hàng nhỏ” (từ mà một bài báo trên tờ Economist dùng) gây ra. Nguyên nhân sâu xa là do tiền không còn rẻ và đột nhiên xuất hiện nhiều khó khăn cho các ngân hàng phòng ngừa rủi ro không tốt hoặc quá tập trung vào một mảng kinh doanh.

Châm ngòi cho những bất ổn diễn ra mấy tuần qua trong hệ thống ngân hàng Mỹ là chuyện Silicon Valley Bank (SVB) bị cơ quan bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) đóng cửa vì lâm vào tình trạng bị rút tiền ào ạt, có lúc bị rút đến trên 40 tỷ USD/ngày. Không một ngân hàng nào có thể tồn tại với tốc độ bị đổ xô rút tiền như vậy.

SVB có cả hai vấn đề vừa đề cập ở trên. Một là, ngân hàng này không phòng ngừa rủi ro lãi suất cho lượng trái phiếu gần 100 tỷ USD trên bảng cân đối của mình. Không ai hiểu vì sao quản trị rủi ro của SVB tệ đến như vậy. Nhưng, ở nhiều ngân hàng khác tại Mỹ, thì những khoản đầu tư trái phiếu cũng đều đang lỗ, chỉ là lỗ ít hơn SVB, do có phòng ngừa rủi ro. Nguyên nhân là do lãi suất tăng kéo theo lợi suất trái phiếu tăng, mà theo nguyên tắc vận hành, thì lợi suất trái phiếu tăng kéo theo giá trái phiếu giảm.

Hai là, SVB tập trung phục vụ các công ty công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Chỉ tập trung vào một phân khúc kinh doanh đồng nghĩa với rủi ro. Trong đại dịch Covid-19 và sau đó là giai đoạn tiền rẻ, những khách hàng này có nhiều tiền mặt và gửi tiền vào SVB. Lượng tiền gửi ở SVB tăng đột biến, từ 60 tỷ USD vào quý I/2020, lên đến hơn 190 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Nhưng sau đó, năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn với các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp. Dòng tiền chảy vào các quỹ mạo hiểm giảm mạnh trong năm 2022,  các quỹ này bắt đầu cạn tiền và phải rút tiền gửi ở SVB về. Lượng tiền gửi của SVB giảm từ gần 200 tỷ USD vào tháng 3/2022 xuống chỉ còn hơn 170 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Thua lỗ trái phiếu, khách hàng thì đồng loạt rút tiền, nên SVB sụp đổ không có gì là lạ.

Sau khi SVB sụp đổ, người ta bắt đầu quan tâm đến những ngân hàng có rủi ro tương tự và cũng đổ đi rút tiền ở những ngân hàng này. “Quân domino” thứ hai là Signature Bank (New York) - một ngân hàng có quan hệ nhiều với giới tiền mã hóa.

Trước SVB và Signature Bank, thì Silvergate Bank cũng lâm vào tình trạng bị chính chủ sở hữu tuyên bố giải thể.

Signature Bank và Silvergate Bank đều là “ngân hàng thân thiện” với giới tiền mã hóa.

Sau “bộ ba” nói trên, hiện tại, ngân hàng đang được tập trung hỗ trợ là First Republic Bank. Vào cuối tuần lễ giao dịch kết thúc ngày 17/3, 11 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank trong một động thái hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng này và trấn an người gửi tiền. Nếu First Republic bị vỡ nữa, có thể sẽ tạo ra một đợt sụp đổ domino lớn hơn đến các ngân hàng nhỏ trên toàn nước Mỹ.

Vào thứ Ba, ngày 21/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có động thái trấn an bằng tuyên bố, Chính phủ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các ngân hàng nhỏ “nếu cần”.

Việc nhấn mạnh vào các ngân hàng nhỏ cho thấy, đợt hoảng loạn này đang bắt nguồn chủ yếu từ nhóm ngân hàng nhỏ ở Mỹ. Nhưng, câu chuyện không dừng ở đó.

Lây lan ra tận châu Âu

Điều khiến giới phân tích ngạc nhiên là cuộc hoảng loạn bắt nguồn chủ yếu từ nhóm ngân hàng nhỏ ở Mỹ đã lan ra châu Âu và nạn nhân đầu tiên lại là Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Credit Suisse hơn 160 năm tuổi, đang quản lý hơn 1.500 tỷ USD tài sản (quy mô lớn hơn GDP của Thụy Sĩ) và được xếp hạng là một trong 30 ngân hàng có ảnh hưởng lớn lên hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy Credit Suisse thua lỗ liên tục trong mấy năm nay, song nếu nhìn vào bảng cân đối và tình hình kinh doanh, không thể nói ngân hàng này ở vào tình trạng xấu như SVB hay những ngân hàng nhỏ khác ở Mỹ. Thế nhưng, Credit Suisse cũng bị rút ròng 10 tỷ USD Mỹ trong một ngày vào tuần trước.

Dưới sức ép của Chính phủ Thụy Sĩ (theo Financial Times, thì bao gồm cả Mỹ và Pháp), Credit Suisse cuối cùng cũng phải bán mình cho một ngân hàng Thụy Sĩ khác là UBS với giá chỉ hơn 3 tỷ USD (trong khi vốn hóa là hơn 8 tỷ USD). Các cơ quan quản lý cho rằng, cần phải khống chế câu chuyện mất niềm tin vào ngân hàng bằng cách để một ngân hàng “khỏe” hơn tiếp quản Credit Suisse.

Đầu tuần này, mọi việc đã có phần bình ổn, khi mà giá cổ phiếu ở nhiều thị trường Âu - Mỹ - Á đều tăng trở lại. Nhưng tổn thất do việc tăng lãi suất toàn cầu và sự cố gây mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng thì vẫn còn như một dòng nước ngầm âm ỉ. Nhiều ngân hàng sẽ kéo dài chuỗi thua lỗ khi lãi suất tiếp tục tăng. Dù vậy, ngân hàng có thể chỉ mới là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Đâu là “tảng băng chìm” tiếp theo?

“Lãi suất tăng cao đang bắt đầu gây đổ vỡ, còn nhiều điều sẽ diễn ra nữa” là một nhận định trong bài báo “This isn’t 2008, but that’s cold comfort” (“Đây không phải là năm 2008, nhưng đó là một lời trấn an vụng về”) do cây bút John Stepek viết trên Bloomberg.

Rõ ràng, sự chuyển biến nhanh từ lãi suất dưới 0,25% sang trên 4,5% trong thời gian ngắn kỷ lục là một diễn biến chính sách chưa từng diễn ra trong vài thập kỷ gần đây, khiến đa số những người đang hoạt động trên thị trường tài chính không có sự chuẩn bị kỹ càng. Sự chủ quan, thiếu chuẩn bị với những tác động của lãi suất tăng nhanh đã dẫn đến những ván cược không được phòng ngừa rủi ro đầy đủ và tác động của nó sẽ vẫn tiếp tục.

“Lãi suất tăng cao và ở mức cao lâu hơn sẽ thử thách khả năng ‘gồng lỗ’ của nhiều tổ chức”, một người bạn đầy kinh nghiệm với ngành ngân hàng ở Australia đã nhận xét như vậy. Một khi ai đó không “gồng lỗ” được nữa, sẽ có “quân domino” tiếp theo.

Các ngân hàng trung ương có thể cố gắng “dập lửa” ở phía ngân hàng, còn các định chế tài chính phi ngân hàng thì sao? Nhiều định chế cũng đã lấy tiền đi đầu tư rủi ro cao và cho vay. Chắc chắn, hiện tại, không ít trong số này đang “gồng lỗ” và tìm cách cắt lỗ.

Khác với những đợt khủng hoảng trước đây, mạng xã hội toàn cầu hiện nay đã phát triển nhanh chóng, đi kèm với đó là khả năng khuếch đại tin đồn. CEO Credit Suisse đã ngầm chỉ trích rằng, chính mạng xã hội đã khiến Credit Suisse lâm vào tình thế khốn khó như vừa rồi.

Ngân hàng trung ương không thể kiểm soát sự lây lan tin đồn và hoảng loạn trên mạng xã hội. Việc tạo lập niềm tin vào hệ thống tài chính trở nên khó khăn hơn.

Mạng xã hội và sự mập mờ của các định chế tài chính phi ngân hàng là một môi trường tuyệt vời để nỗi sợ lây lan. Người ta đang bắt đầu đồn đoán về “tảng băng chìm” tiếp theo.  Tôi nghi ngờ rằng, điều bất ngờ có thể đến trong vài tháng nữa, khi một ngành kinh doanh vay nợ cao trong nền kinh tế bắt đầu thua lỗ nặng và chính các định chế phi tài chính đang cho họ vay nhiều hơn các ngân hàng...

Việt Nam có thể làm gì?

Rất nhiều yếu tố, như lãi suất toàn cầu tăng cao, sản xuất sụt giảm, công ty vay nợ lớn…, nằm ngoài kiểm soát vĩ mô của chính phủ. Chính sách lúc này chỉ có thể gia cố các “công sự phòng thủ”. Có 3 điểm phải gia cố.

Một là, khả năng tạo niềm tin cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ. Bài học từ SCB ở Việt Nam và SVB ở Mỹ cho thấy, mấu chốt là phải đảm bảo người gửi tiền không bị mất tiền. Khi hoảng loạn, người dân sẽ đổ xô đến ngân hàng để rút tiền về. Vì vậy, khẳng định tiền gửi sẽ được bảo đảm, ngay cả khi nó vượt mức bảo hiểm tiền gửi tối đa có vai trò rất quan trọng.

Đang có sự tranh cãi về việc nhà nước có nên đứng ra đảm bảo cho tất cả người gửi tiền hay không. Trong bối cảnh của Việt Nam, một sự đảm bảo như vậy có thể giữ an toàn cho toàn hệ thống, nhưng cũng có cái giá không nhỏ, đó là rủi ro đạo đức (các ngân hàng cứ làm bậy, đến khi đổ vỡ thì được bảo đảm, vì đã bắt hệ thống làm “con tin”). Lựa chọn điểm cân bằng ở đâu để đảm bảo niềm tin cho người gửi tiền trong bối cảnh có rủi ro lây lan hoảng loạn xảy ra là một điều cần tính đến.

Hai là, rà soát lại những tổ chức tài chính phi ngân hàng, nhưng có hoạt động cho vay và quản lý tiền cho khách. Một nghiên cứu về mảng “ngân hàng ngầm” này với những số liệu rõ ràng là cần thiết để đánh tan những lo ngại về nó ở Việt Nam cũng như để Nhà nước có sự chuẩn bị.

Ba là, cho phép các cơ quan điều hành chính sách kinh tế - tài chính có sự linh hoạt cần thiết trong bối cảnh đặc biệt để lựa chọn mục tiêu. Các mục tiêu ổn định tỷ giá, hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ không phải lúc nào cũng có thể đồng điệu. Ở một thời điểm, các cơ quan này cần có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ, đồng thời được lựa chọn mục tiêu nào cần ưu tiên hơn.

Như trường hợp của Thụy Sĩ, họ sẵn sàng thay đổi luật lệ do viện dẫn lý do khẩn cấp mà không cần thông qua 6 tuần lấy ý kiến cổ đông Credit Suisse như thường lệ và thẳng tay sáp nhập UBS - Credit Suisse. Có thể, sẽ có những kiện cáo sau này từ vụ việc đó, nhưng họ phải chấp nhận. Thời điểm khẩn cấp thì không thể cầu toàn.

Nói chung, đảm bảo nỗi sợ nhỏ không bị khuếch đại thành hoảng loạn lớn là hướng đi chủ yếu để đảm bảo ổn định vĩ mô trong một môi trường phức tạp như hiện nay.

“Chúng ta liệu có ở trong giai đoạn khủng hoảng ngân hàng 2007 - 2009 không?”. Tôi đặt câu hỏi như vậy với một vài lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia về giám sát ngân hàng nhân một sự kiện ở Đại học Bristol và một sự kiện hội thảo trực tuyến.

Câu trả lời đồng thuận là: “Không, hệ thống ngân hàng đang vững hơn thời điểm năm 2007 nhiều”. Nhưng giám đốc tài chính (CFO) của một ngân hàng thuộc thế hệ mới (fintech) có thêm một câu làm tôi chú ý. Anh ấy nói: “Tôi hy vọng tình hình không quá tệ”.

Sự ám ảnh về cuộc khủng hoảng gần nhất ở giai đoạn 2007 - 2009 đã làm lệch hướng nhiều phân tích. Nếu nhìn vào năng lực của các ngân hàng, mức độ giảm giá của thị trường nhà đất cũng như an toàn vốn, thì tình hình hiện nay rất khác năm 2007. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có gì đáng lo ngại, chỉ là vấn đề khác đi mà thôi.
Vụ Silicon Valley Bank sụp đổ: Bài học không “bỏ trứng vào một giỏ” cho startup Việt
Vụ ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ có thể không trực tiếp tác động đến startup Việt, nhưng vẫn để lại những bài học quan trọng với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư