Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nóng cuộc chiến cạnh tranh thị phần môi giới chứng khoán
Thanh Thủy - 03/02/2023 08:12
 
Giao dịch trên thị trường chứng khoán hạ nhiệt phần nào đã làm thu hẹp đáng kể doanh thu từ mảng môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán. Sức nóng cạnh tranh trên thị trường này càng thêm nhiệt.
Thị trường chứng khoán quý IV/2022 đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Miếng bánh nhỏ lại

VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 ở mức 1.007,09 điểm, giảm gần 1/3 so với cuối năm 2021. Cùng với những cú rơi sâu của điểm số, dòng tiền trên thị trường cũng qua nhiều phiên trầm lắng khi nhiều nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát. Trên sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng, giảm 21,24% về giá trị so với bình quân năm 2021. 

Dù vẫn là mức thanh khoản “đáng mơ ước” giai đoạn trước đây, nhưng miếng bánh thị trường năm qua đã thu hẹp đáng kể. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS - công ty dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán, chỉ thu về 550 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới, bằng phân nửa cùng kỳ.

VPS trở thành công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần trên sàn HoSE từ quý I/2021 và duy trì vị trí này suốt 2 năm qua, nhưng thị phần trong quý IV/2022 đã giảm xuống 14,81%, từ mức 18,71% quý liền trước và mức 17,12% cùng kỳ năm 2021. Cả năm 2022, doanh thu môi giới của VPS giảm hơn 9% - thấp mức giảm bình quân toàn thị trường.

Trong khi đó, doanh thu môi giới của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI giảm gần 60% trong riêng quý IV/2022 và giảm 32,2% trong cả năm. SSI tiếp tục đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thị phần giao dịch cổ phiếu sàn HoSE, dù thị phần giảm mạnh từ 11,05% xuống 9,84%.

Không riêng hai “ông lớn” VPS và SSI, doanh thu môi giới giảm ở hầu hết công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường chung thu hẹp. Cả năm 2022, doanh thu môi giới của 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần giao dịch sàn HoSE giảm gần 19,4% so với năm trước.

Dòng tiền e dè hơn không chỉ tác động trực tiếp đến doanh thu môi giới của nhóm các công ty chứng khoán. Nhu cầu sử dụng các khoản vay ký quỹ (margin) để làm đòn bẩy tài chính cũng thu hẹp đáng kể, đặc biệt trong quý IV/2022. Tại VPS, dư nợ margin cấp cho các khách hàng tại ngày 31/12/2022 xấp xỉ 6.170 tỷ đồng, giảm 4.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Nhiều công ty chứng khoán đã giảm hàng ngàn tỷ đồng dư nợ margin chỉ trong 3 tháng cuối năm, đứng đầu là Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) giảm 6.545 tỷ đồng. SSI cũng giảm 4.515 tỷ đồng margin, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cắt giảm xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Cùng với nghiệp vụ môi giới, lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng đóng góp tỷ trọng lớn ở các công ty chứng khoán và ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở quý vừa qua.

Áp lực cạnh tranh nóng hơn

Thống kê ở 5 công ty chứng khoán dẫn đầu, tổng thị phần nhóm này chiếm tới 46,29% giao dịch trên sàn HoSE, nhỉnh hơn năm 2021 (46,23%), cao hơn đáng kể năm 2020 và năm 2019. So với năm 2021, Mirae Asset Việt Nam đã giành thêm thị phần và lọt vào top 5. Tuy nhiên, không có thay đổi ở 4 vị trí dẫn đầu. VPS, SSI, Công ty cổ phần VNDirect và Công ty cổ phần Chứng khoán HSC tiếp tục giữ vững vị trí của mình.

Đây đều là các công ty chứng khoán lớn đã liên tục củng cố năng lực tài chính trong 2 năm qua, một phần nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay ở giai đoạn thị trường tăng nóng, một phần nhằm tận dụng sức nóng của thị trường và triển vọng của công ty để triển khai thành công các đợt huy động vốn. So với thời điểm cuối năm 2019, quy mô vốn điều lệ của cả 4 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần đều tăng bằng lần, như VPS gấp 1,63 lần, SSI 2,92 lần, VNDirect 5,52 lần, hay HSC tăng vốn gần gấp rưỡi.

Giữ được thị phần khi tổng quy mô giao dịch toàn thị trường thu hẹp khiến nhiều công ty chứng khoán đánh đổi bằng hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu riêng mảng môi giới đã giảm đáng kể. Ở top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần, doanh thu môi giới giảm chưa đến 20%, nhưng lãi gộp mảng này giảm tới 28,2%. Biên lợi nhuận gộp mảng môi giới của VPS giảm từ 22% trong quý IV/2021 xuống còn 12% quý IV/2022. SSI chỉ gần hòa vốn ở mảng môi giới trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước, cứ mỗi 100 đồng doanh thu môi giới, chỉ cần bỏ ra 63 đồng chi phí.

Nhiều công ty khác cũng chấp nhận kinh doanh không đủ bù chi phí như Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), hay Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS). Dù nguồn thu chính vẫn đến từ tự doanh trái phiếu, VPBankS đang thúc nguồn thu từ môi giới và cho vay ký quỹ. Riêng ở mảng môi giới, công ty này chấp nhận bỏ 10 đồng chi phí, dù nhận về chưa đến 6 đồng doanh thu.

Xu hướng tăng vốn của các công ty chứng khoán đã chậm lại đáng kể trong năm 2022. Song gần đây, TCBS công bố bản kế hoạch tăng vốn “khủng” khi dự kiến có thêm hơn 10.000 tỷ đồng từ các cổ đông.  

Với quốc gia có dân số trẻ như Việt Nam, tỷ trọng đầu tư thường lớn hơn kênh đầu tư lãi suất cố định. Theo nhiều chuyên gia, dù có những nhà đầu tư rời khỏi thị trường trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhưng các nhà đầu tư cá nhân, với sự nhanh nhạy, cũng sẽ quay lại rất nhanh, đồng thời có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn về nơi đặt tài khoản nhờ sự cạnh tranh từ các thành viên thị trường.

Dù thanh khoản thị trường đã sụt giảm đáng kể ở năm 2022, tín hiệu đáng mừng là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán. Đây là con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động, vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm giai đoạn từ 2016 đến 2021. Đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản.
Năm Quý Mão, để tiền vào kênh nào, gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán
Gửi tiết kiệm đang là kênh sinh lời tốt, lãi suất nhiều ngân hàng lên mức cao. Trong khi chứng khoán, bất động sản vẫn cần cân nhắc thêm, thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư