Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Quản lý đất đai khiến cử tri lo lắng
Nguyễn Lê - 22/05/2022 08:33
 
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, khai mạc sáng 23/5 tới đây.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ ba của Quốc hội.

Cử tri và Nhân dân cho rằng công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,  Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo, cử tri và Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cử tri đánh giá, những kết quả tích cực trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua thể hiện rõ sự gắn bó mật thiết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà phục hồi tích cực, song cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm và lo lắng về những thách thức lớn hậu COVID-19. Sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn. Nợ xấu có xu hướng tăng; áp lực lạm phát gia tăng, nhất là do giá đầu vào tăng như: xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp...

Việc thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới lũng đoạn thị trường cần được các cơ quan chức năng tập trung xử lý, cũng khiến cử tri lo ngại.

Theo nhận xét của cử tri và nhân dân, sự phối hợp của một số cơ quan trong xử lý công việc còn chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác phân tích, đánh giá, dự báo tình hình đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu...

Cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, đạt tỷ lệ rất thấp. Các giải pháp nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; thu hút lao động về làm việc tại các doanh nghiệp... chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bên canh đó giá xăng, dầu, giá chi phí vật liệu xây dựng và lạm phát thế giới tăng cao, giá một số nông sản thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nước phát triển tăng lãi suất làm thay đổi dòng vốn đầu tư quốc tế, khiến chi phí vốn tăng, nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát, nợ xấu trong nước; thiếu kiểm soát nên một số nguồn vốn vay bị sử dụng sai mục đích, hoặc tập trung vào các lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản...

Cử tri và Nhân dân cũng cho rằng công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các quy định về điều chỉnh quy hoạch, về thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, đấu giá đất, nhiều giao dịch về đất đai có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại đẩy giá tăng cao bất thường nhằm tạo "cơn sốt đất ảo" để kiếm lời diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố... chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và Nhân dân mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hơn nữa để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, cộng đồng doanh nghiệp, người dân yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi trở lại hoạt động bình thường và mùa hè đã đến nên nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, cần chủ động có giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời điện cho sản xuất và mọi mặt của đời sống. Cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ lạm phát nếu giá cả tiếp tục tăng lên, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của Nhân dân cả nước.

Trung ương tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Trung ương thống nhất quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư