Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Quay cuồng tỷ giá, lãi suất; nóng kênh đầu tư cuối năm
T.L - 06/11/2022 09:51
 
Áp lực về lãi suất, tỷ giá tiếp tục đè nặng lên cả doanh nghiệp lẫn nhà điều hành, thanh khoản ngân hàng tiếp tục căng, băn khoăn tìm kênh đầu tư... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
TIN LIÊN QUAN

Điều hành tỷ giá trong tâm mắt bão

Theo GS. Trần Ngọc Thơ, trong thời kỳ hỗn loạn, USD tăng giá do là nơi trú ẩn an toàn. Nhưng thật lạ lùng nếu tiền đồng lại mất giá quá mạnh, trượt xa khỏi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Nghệ thuật điều hành của cơ quan quản lý sẽ được đánh giá cao nhất vào lúc này.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang “chè chén” trong cuộc vui tăng lãi suất, bất chấp các quốc gia, nhất là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, phải gánh chịu hậu quả: tiền đồng cũng như hầu hết tiền tệ các nước mất giá mạnh, dự trữ ngoại hối sụt giảm nhanh, lãi suất tăng vọt để khống chế đà tăng của tỷ giá so với USD. Đó là điều mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ mô tả: “kinh tế toàn cầu đang trong tâm mắt bão”.

Không có bài vở hoặc sáng kiến tối ưu ghìm cương tỷ giá mà không phải trả giá lớn khi đang trong tâm mắt bão và hoàn lưu của nó, chỉ có lựa chọn xấu thứ nhất, thứ hai…, thứ n. Việt Nam và Trung Quốc có cơ chế điều hành tỷ giá khá tương đồng (đều dựa trên 2 yếu tố chính là tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá, cùng với một số biện pháp kiểm soát vốn). Bài học lịch sử khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phá giá nhân dân tệ vào năm 2015 và cách họ ứng xử với việc Fed tăng lãi suất từ đầu năm 2022 đến nay có giá trị đối chiếu hữu ích với Việt Nam.

Vào thời điểm năm 2015, khi nhận thấy tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu sụt giảm, PBOC có ý định tăng tỷ giá USD/nhân dân tệ lên 2% để hỗ trợ xuất khẩu. Nhận thấy nhân dân tệ mất giá mạnh, PBOC sau đó dường như mất phương hướng: lập tức bán dự trữ ngoại hối can thiệp, thiết lập kiểm soát vốn, tuyên bố “lằn ranh đỏ” vùng mục tiêu tỷ giá con số 7 (7 nhân dân tệ đổi 1 USD), sau đó dừng can thiệp, nới lỏng kiểm soát vốn, rồi lại can thiệp… PBOC liên tục xoay trục khiến thị trường mất niềm tin. Kết quả, chỉ trong năm 2015, PBOC mất tổng cộng 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Trong khi đó, kể từ khi Fed tăng lãi suất đến nay, nhân dân tệ mất giá 12% so với USD, mức xấu nhất kể từ năm 1994, nhưng PBOC chỉ bán khoảng 104 tỷ USD dự trữ ngoại hối. PBOC rất thoải mái để cho nhân dân tệ mất giá theo thị trường, nhưng theo một cách rất trật tự (chỉ can thiệp khi có yếu tố đầu cơ).

Bài học rất có giá trị cho cơ quan điều hành: trong thời kỳ hỗn loạn, tuy để cho thị trường có tiếng nói nhiều hơn, nhưng nhà nước vẫn định hướng để cho đồng tiền giảm giá, theo cách càng ít mất trật tự, ngân hàng trung ương càng ít tốn nguồn lực.

Do được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế vĩ mô khá tốt, tiền đồng thuộc dạng mất giá ít nhất so với đồng tiền của các nước trong khu vực. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn tương đối dư địa giảm giá tiền đồng. Nhưng thị trường tài chính không tôn trọng những lập luận ổn định vĩ mô, rất ít người chú ý các nguyên tắc cơ bản trong thời kỳ hỗn loạn. Kỳ vọng giảm giá mạnh tiền tệ vẫn có thể bị kích hoạt, bất kể trạng thái cơ bản của nền kinh tế.

Hiện tại, NHNN khó thể làm gì nhiều để thay đổi các động lực cơ bản đằng sau việc USD tăng giá. Các nỗ lực đảo ngược xu hướng thị trường có thể thất bại hoặc với cái giá phải trả rất lớn: mất nhiều dự trữ USD hoặc lãi suất tăng quá cao (nhưng như bài trước đã phân tích, lãi suất cao có thể lại làm lạm phát cao hơn). Lúc này, can thiệp trên thị trường ngoại hối chỉ nhằm 2 mục tiêu: trì hoãn nhưng không thể ngăn xu hướng trượt giá của tiền đồng; đảm bảo rằng, nếu tiền đồng giảm giá so với USD, sẽ diễn ra chậm và ổn định, tránh tạo tác động tâm lý thị trường và làm tăng áp lực kỳ vọng lạm phát.

Giải pháp cấp thời vào lúc này là cơ quan điều hành cần đánh giá trung thực để tháo gỡ và khơi thông những điểm nghẽn đang tồn tại trên thị trường ngoại hối, cả về 2 phía cung và cầu. Để tăng cung USD, cần tạo cơ chế thoáng hơn để mở rộng các kênh đầu tư thu hút ngoại tệ từ các dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Về phía cầu, hạn chế tối đa các nhu cầu ngoại tệ chưa cấp thiết, ngoại trừ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thiết yếu. Cũng có thể nghĩ đến việc áp dụng một số biện pháp kỹ thuật tạm thời hạ nhiệt cầu ngoại tệ. Chẳng hạn, để hạn chế cầu ngoại tệ kỳ hạn, có thể làm khó NHNN quản lý áp lực tỷ giá trong tương lai, có thể nghiên cứu áp đặt các khoản dự phòng rủi ro khoảng 20-30% đối với các giao dịch trên hợp đồng kỳ hạn tại các ngân hàng (cách mà một số ngân hàng trung ương trên thế giới áp đặt tạm thời trong tình thế khẩn cấp). Các giải pháp kỹ thuật dù chỉ có tác dụng ngắn hạn, nhưng sẽ hạn chế đáng kể tình trạng mất trật tự trên thị trường ngoại hối.

Với một nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, lạm phát thấp, tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới, thật vô lý nếu giá trị tiền đồng trượt quá xa khỏi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.

Với lãi suất USD khoảng 4%, trong khi lạm phát tại Mỹ lên đến 9%, USD đang có mức lãi suất thực âm 5%. Trong khi đó, tiền đồng có lãi suất xấp xỉ 10%, trong khi lạm phát Việt Nam không đến 4%, lãi suất thực dương của tiền đồng hiện ở mức khoảng 6%. So sánh chênh lệch lãi suất thực giữa hai đồng tiền, chênh lệch lãi suất thực của tiền đồng so với USD giãn rộng lên đến 11%.

Như vậy, sau khi trừ lạm phát, gửi tiền đồng hấp dẫn hơn nhiều so với USD. Trong thời kỳ hỗn loạn, đúng là USD tăng giá do là nơi trú ẩn an toàn, nhưng thật lạ lùng nếu tiền đồng lại mất giá quá mạnh, trượt xa dần khỏi các yếu tố cơ bản. Nghệ thuật điều hành của cơ quan quản lý sẽ được đánh giá cao nhất vào lúc này. NHNN phải xuất hiện kịp thời vào lúc tỷ giá bị định giá sai lệch đáng kể.

Nhưng như thế nào là sai lệch đáng kể? Nếu tuyên bố quá rõ vùng mục tiêu tỷ giá? Có khi lợi bất cập hại vì sẽ mất nhiều dự trữ và tăng mạnh lãi suất. Hay là “mù mờ” chiến lược? Đây là giải pháp khả dĩ. NHNN không khẳng định, nhưng phải truyền thông phát tín hiệu nguy hiểm khi “đèn vàng nhấp nháy”.

Mấu chốt cho thành công của nghệ thuật là làm thế nào để thị trường nhận biết thời điểm “đèn vàng nhấp nháy”? Dáng đi của tỷ giá trung tâm sẽ là tín hiệu. Đây là biến số phản ảnh ý đồ của cơ quan điều hành muốn gì (trong khi biên độ tỷ giá 5% phần lớn lại do thị trường quyết định).

Chẳng hạn, tỷ giá trung tâm cho đến cuối tháng 10/2022 tăng 1,3%, tăng khá mạnh so với mức điều chỉnh 1,1% suốt 9 tháng đầu năm. Giả dụ đà tăng cứ tiếp tục với nhịp điệu như thế đến cuối năm, phải chăng cơ quan điều hành hàm ý vẫn còn trong vùng “đèn xanh”, tức có thể còn tăng tiếp? Giả dụ đà tăng có xu hướng chậm lại, phải chăng cơ quan điều hành muốn phát tín hiệu “đèn vàng nhấp nháy” để tỏ rõ thông điệp cứng rắn? Nếu yếu tố đầu cơ xuất hiện, ai đó sẽ thua: Chính phủ là “người chơi lớn nhất”, sẽ làm mọi cách, bằng bất kỳ công cụ thị trường và hành chính nào có thể.

Ngoài ra, “thuyết phục đạo đức”, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như nhiều thành viên thị trường, cũng là một cách phát tín hiệu “truyền miệng” tới thị trường.

Với mức lãi suất đang ở mức quá cao, tăng thêm một chút nữa thôi, sẽ giết chết tăng trưởng (bài thứ nhất phân tích tắt cầu dao nhu cầu - tăng lãi suất - chẳng những hủy diệt nhu cầu, mà còn cả nguồn cung).

Còn sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp? Dự trữ ngoại hối tích lũy tương đối lớn trong thời gian qua có công sức đáng kể của NHNN, nhưng cũng có nhiều yếu tố khách quan. Lãi suất USD ở mức cận 0% gần một thập kỷ khiến dòng vốn chạy nhiều vào các nền kinh tế mới nổi tìm lợi suất cao, trong đó có Việt Nam. Làn sóng săn lợi suất cao hầu như khó thể lặp lại sắp tới. NHNN khó thể mua USD nhiều như trước đây. Dự trữ ngoại hối trong thời kỳ bình thường vốn rất quan trọng, sẽ có giá trị cao nhất trong thời điểm khủng hoảng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), “thời khắc đen tối nhất của kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến”.

Tiếng tíc tắc sắp “chuyển sang tín hiệu đèn đỏ”, nhưng không phải do đồng hồ chạy nhanh, mà bởi tại con người. Nếu tiền từ đầu tư công được tiêu đúng kế hoạch, kênh thị trường trái phiếu không bị đột ngột đứng hình, cách xử lý tình huống trên thị trường tài chính chuyên nghiệp hơn, thanh khoản sẽ không quá căng thẳng, niềm tin sẽ không bị đổ vỡ, lãi suất sẽ không quá cao, tỷ giá sẽ tăng một cách có trật tự nhiều hơn.

Hơn bao giờ hết, có lẽ vào thời khắc này, nền kinh tế đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các khoản đầu tư công và sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa tài khoá và tiền tệ để hoá giải bài toán tỷ giá đang trong tâm bão. 

Doanh nghiệp giữa vòng xoáy lãi suất và tỷ giá: Đòn bẩy tài chính trở thành gánh nặng

Trong xu hướng các đồng nội tệ mất giá lan rộng khắp châu Á cũng như toàn cầu, từ những ngày cuối tháng 9/2022, lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam đã biến động mạnh.

 Rạng sáng 3/11, không ngoài dự đoán của giới đầu tư cũng như lộ trình đã được vạch ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại một lần nữa mạnh tay điều chỉnh lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát.

Chưa đầy 9 tháng trước, tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Fed, đa số thành viên cho rằng, khung lãi suất điều hành đến cuối năm 2023 chỉ ở mức 2,25 - 2,5%; quan điểm bi quan nhất cũng chỉ tính đến khả năng lãi suất điều hành tăng lên 3,5 - 3,75%. Như vậy, sau đợt điều chỉnh vừa qua, khung lãi suất điều hành đã vượt qua cả mức dự báo bi quan nhất hồi tháng 3/2022.

Ngay sau cuộc họp vào cuối tháng 7/2022, lãi suất điều hành của Fed đã trở về mức trước đại dịch. Theo số liệu từ ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) theo dõi 37 ngân hàng trung ương, lãi suất điều hành của 32/37 quốc gia đã vượt thời điểm khi Covid-19 được công nhận là đại dịch trên toàn cầu. Còn lại, 3 ngân hàng trung ương trở về/duy trì mức lãi suất trước đại dịch và chỉ có 2 ngân hàng trong nhóm theo dõi này là Trung Quốc và Malaysia chưa trở về mức cũ.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát được ưu tiên hàng đầu sau “cú sốc" giá năng lượng, quá trình giảm lãi suất kích thích tăng trưởng đã bị đảo ngược. Để bảo vệ sức mạnh đồng bản tệ đối với các đồng tiền khác và trước sự lên giá của hàng hóa, Việt Nam cũng không thể tránh được “vòng xoáy” tăng lãi suất.

Sau thời gian dài giữ ổn định, vỏn vẹn hơn một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, với mỗi lần điều chỉnh đều có bước tăng rất lớn (1 điểm phần trăm) vào ngày 23/9 và 17/10. Hai cặp lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn tăng lên 4,5% và 6%, so với mức 4% và 6% từ đầu năm 2020.

Trước đó, từ cuối tháng 7, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã nóng lên. Sau động thái này, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã nhanh chóng dâng cao. Lãi suất cho vay khó lòng giữ nguyên, nhất là đối với các hợp đồng áp dụng mức lãi suất thả nổi (tính bằng lãi suất tiền gửi cộng biên độ).

Khi nhiều đồng tiền lớn trên thế giới mất giá so với USD, tiền đồng (VND) đã có thời gian “neo” sát và giữ được ổn định với USD. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực bằng các biện pháp bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối hay sau đó là động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND vẫn bật tăng mạnh từ cuối tháng 9/2022.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD mua chuyển khoản đến cuối quý III đã tăng 4,81% so với đầu năm, trong khi nửa đầu năm mới tăng 2,19%. Cập nhật đến ngày 31/10, tỷ giá đã tăng 8,65%. Dẫu vậy, so với với một số đồng tiền khác như yên Nhật (JPY), euro hay nhân dân tệ (CNY), VND đến nay đã không còn lên giá mạnh như trước.

Theo Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, áp lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động tỷ giá, do việc tăng giá của USD so với VND đã được bù đắp bởi sự yếu đi tương đối của euro và yên Nhật so với đồng nội tệ. Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, nhiều doanh nghiệp đang chịu tác động kép bởi biến động tỷ giá và lãi suất.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) phải chi trả bình quân hơn 4,72 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi ngày trong quý III/2022. Lãi vay xấp xỉ 435 tỷ đồng cả quý - mức cao kỷ lục trong các quý hoạt động của “ông lớn” ngành bán lẻ này, tăng 17,4% so với quý liền trước và gấp 2,65 lần cùng kỳ năm trước.

So với quý III/2021 - khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi các lệnh giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng 32% về doanh thu và 15% về lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là quý thứ ba liên tiếp, lợi nhuận MWG đi lùi. Tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu thuần các quý thường quanh khoảng 0,5%, nhưng đã tăng vọt lên 1,1% và 1,3% ở hai quý gần đây.

MWG “tận dụng” khá nhiều vốn vay. Tại thời điểm cuối quý III/2022, vay và nợ ngân hàng ngắn và dài hạn xấp xỉ 22.825 tỷ đồng, chiếm 37% trong cơ cấu nguồn vốn. Chi phí lãi vay dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng phần trội thêm cũng là nguyên nhân kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của Công ty. Lãi suất tăng đã làm tăng mạnh chi phí tài chính tại các doanh nghiệp vay nợ lớn.

Đây không phải là gánh nặng thật sự lớn đối với các doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu và dòng tiền về ổn định như MWG. Tuy nhiên, câu chuyện lại hoàn toàn khác ở nhóm doanh nghiệp tôn thép. Cách đây một năm, đòn bẩy tài chính từng giúp khuếch đại lợi nhuận khi giúp các công ty thép mở rộng quy mô nhanh chóng. Còn hiện tại, đây lại là gánh nặng dìm kết quả kinh doanh thua lỗ sâu hơn.

Chi phí lãi vay tăng trên 20% tại Hoà Phát, TISCO, Pomina, Tôn Nam Kim, thậm chí tăng gấp rưỡi như ở SMC. Điều khó ở giai đoạn này là doanh số bán hàng thu hẹp và các công ty chấp nhận giảm biên lợi nhuận, thậm chí không ít công ty kinh doanh dưới giá vốn do nhu cầu tiêu thụ giảm.

SMC lỗ gộp 66,6 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi lãi 234 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Sau khi tính thêm chi phí lãi vay, chi phí bán hàng…, khoản lỗ sau thuế kỳ này tăng lên 222 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC lãi gộp 338 tỷ đồng, chưa bằng phần lẻ của mức lãi 1.359 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong khi khoản lãi vay 112 tỷ đồng chỉ chiếm phần nhỏ trong lợi nhuận gộp hồi quý III năm trước, thì con số lãi vay 9 tháng đầu năm nay tăng gấp rưỡi (lên 163 tỷ đồng) lại “bào mòn” gần một nửa lãi gộp của Công ty. Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh lỗ chồng thêm lỗ vì lãi vay, tuỳ vào mức độ đòn bẩy và lãi suất của các khoản vay theo hợp đồng tín dụng.

Tại MWG, thay vì đi vay chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, Công ty đã giảm khoản vay ngắn hạn và vay mới gần 5.970 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Theo phía Công ty, đây là động thái tái cơ cấu nợ, chuyển một phần nguồn tài trợ vốn lưu động từ nợ ngắn hạn sang dài hạn đáo hạn năm 2025 với lãi suất “rất tốt so với thị trường chung”. Cơ cấu nợ cũng là một phương án để ứng phó với bối cảnh xu hướng lãi suất còn khả năng đi lên.

Một số doanh nghiệp đang tính phương án trả trước hạn một phần khoản nợ cũ, nhưng phương án này cũng cần cân nhắc trong tổng thể bài toán cân đối dòng tiền và phần chi phí khi phải trả thêm phí trả trước hạn (thường khoảng 2% với các khoản tín dụng trong nước).

Đối với nhóm doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài bằng USD để tài trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thì rủi ro tỷ giá đã thành hiện thực. Dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Hoà Phát - “ông lớn” đứng đầu về doanh thu trong ngành thép đến cuối quý III/2022 xấp xỉ 65.500 tỷ đồng. Công ty còn có các khoản vay bằng USD trị giá hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất thả nổi. Mặt bằng lãi suất dềnh lên trên toàn cầu. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND bật mạnh trong quý III/2022 đã khiến phần chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá lên hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu chưa đến 3%, khiến Hoà Phát chỉ lãi gộp 1.001 tỷ đồng. Cú tăng sốc của tỷ giá đã “đánh bay” toàn bộ phần lãi trên. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, Hoà Phát lỗ ròng 1.785 tỷ đồng.

Theo ước tính của Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI, việc USD tăng giá 1% so với VND sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Hoà Phát vay USD và nguồn thu bằng ngoại tệ thông qua xuất khẩu vẫn chưa thể bù đắp rủi ro.

Các biện pháp phòng ngừa biến động tỷ giá bằng các hợp đồng bảo hiểm là tấm lá chắn hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay. Dù vậy, ngay với Vingroup - nơi phần lớn các khoản nợ bằng USD đã được phòng ngừa biến động tỷ giá, thì biến động kép của tỷ giá và lãi suất cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp. Lỗ chênh lệch tỷ giá đã làm tăng chi phí tài chính tại tập đoàn này trong 9 tháng đầu năm thêm 3.194 tỷ đồng. Trong số đó, phần lỗ chênh lệch tỷ giá chưa ảnh hưởng đến dòng tiền trong kỳ là gần 3.060 tỷ đồng.

Khác với các doanh nghiệp nặng gánh nợ USD, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hưởng lợi kép từ sự hồi phục của nền kinh tế cùng nhu cầu vận chuyển hàng không và đồng yên Nhật mất giá. Trong 9 tháng, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ gốc ngoại tệ là 2.214 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá trong kỳ cũng gấp hơn 10 lần, đạt 33 tỷ đồng. ACV có khoản nợ bằng đồng yên Nhật 12.000 tỷ đồng với lãi suất cố định, tương đương hơn 20% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, tất cả doanh thu từ hành khách quốc tế của Công ty được tính bằng USD, nên cũng tiếp tục hưởng lợi từ việc USD lên giá.

Tương tự, Viettel Global ghi nhận phần chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá 1.068 tỷ đồng, gấp 2,87 lần mức lãi 9 tháng năm 2021, từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính công ty con ở nước ngoài cùng lãi chênh lệch khi đánh giá lại các khoản nợ bằng đồng tiền Mozambique và USD. Riêng khoản lãi này đã đóng góp 19% trong tổng lợi nhuận trước thuế (5.550 tỷ đồng) của Tổng công ty.

Bên cạnh các công ty đi vay bằng các ngoại tệ mất giá mạnh hơn tiền đồng, thì các doanh nghiệp có số dư tiền mặt lớn đang gửi ngân hàng cũng đang hưởng lợi trong môi trường vĩ mô thay đổi hiện tại. Dù vậy, đây vẫn chỉ là các điểm sáng lẻ loi giữa phần đồng doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực bởi biến động kép.

Nhiều sai phạm ngành ngân hàng được phát hiện qua thanh tra

Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (5/11), đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nêu vấn đề, thanh tra ngân hàng vừa qua đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn phức tạp, tinh vi. "Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong thanh tra ngân hàng và giải pháp căn cơ tới đây là gì?", ông Khoa chất vấn. 

f
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hằng năm, cơ quan này phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ kế hoạch định hướng thanh tra, trong đó có thanh tra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ngành ngân hàng. Thanh tra lĩnh vực này thường tập trung vào quản lý tiền tệ, cấp tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu chứng khoán, nợ xấu ngân hàng, phòng chống rửa tiền...

Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc nhà băng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.

Những năm qua, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra một vụ việc tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là Ngân hàng Đại Chúng (PvcomBank); thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank); hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB).

Kết quả, thanh tra ngành ngân hàng đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách bất cập. Việc này đã góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật ngành ngân hàng. Một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan này chuyển cơ quan điều tra.

Ông Phong lấy dẫn chứng, quá trình thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an. Các vụ việc này đã được cơ quan điều tra tiến hành tố tụng.

Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã được đưa ra xét xử và đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phong cho hay.

Ngân hàng gia cố bộ đệm chống nợ xấu

Số dư nợ xấu của Ngân hàng NCB tăng gấp 5,3 lần so với cuối năm trước, từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% lên 14,72%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn 3 lần, lên 1.353 tỷ đồng.

NCB cho biết, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022. Nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng cao, nên kết quả 9 tháng đầu năm, NCB báo mức lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 205 tỷ đồng.

Xét về số dư tuyệt đối, tới thời điểm hiện tại, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng tới 177%, từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.679 tỷ đồng.

Với VIB, nợ xấu nội bảng tại thời điểm cuối tháng 9/2022 là 5.309 tỷ đồng, nợ nhóm 5 chiếm 2.419 tỷ đồng (tăng 83% so đầu năm). MB, ACB có số dư nợ xấu tương ứng là 4.415 và 4.056 tỷ đồng...

Thực tế, khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN hết hiệu lực, nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu, nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới dự báo tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng nhanh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đẩy mạnh phát mại tài sản đảm bảo trong lúc này cũng khó khăn vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng.

Số liệu về tình hình kinh doanh quý III/2022 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, nhiều nhà băng đã mạnh tay trích lập dự phòng ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Chẳng hạn, tại ABBank, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 19% so với cùng kỳ, lên 962,8 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022. Lãnh đạo ABBank cho hay, sở dĩ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do Ngân hàng trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt, đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo thông tư mới. Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp Ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.

Tại Saigonbank, vào thời điểm cuối tháng 9/2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 183 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Sacombank mạnh tay trích dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2,3 lần cùng kỳ, với 5.550 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm nay, VPBank dành hơn 15.141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Trước việc các ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng rủi ro, gia cố “bộ đệm”, theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, một phần nguyên nhân do việc các tổ chức tín dụng chấp hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy, số lượng ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% ngày càng gia tăng. Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 200% khá phổ biến, trong đó đáng chú ý nhất là Vietcombank với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 500%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100% cho thấy, trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi được, thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để xử lý và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Còn nếu trường hợp nợ xấu thu hồi được, ngân hàng có thể hoàn nhập dự phòng, từ đó được xem như “của để dành” cho tương lai. Vì thế, ngân hàng có chiến lược phòng thủ và sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng duy trì mục tiêu kép là tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.

Agriseco Research thuộc CTCP Chứng khoán Agribank ghi nhận, đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Điều này sẽ giúp những ngân hàng này củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai. 

Lãnh đạo ngân hàng lý giải nguyên nhân thanh khoản hệ thống “căng”

Trao đổi với nhà đầu tư chiều 2/11, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc VPBank cho hay, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là bảo vệ thanh khoản, tạo sức bật tăng trưởng giai đoạn tới.

Số liệu của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng gần 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động vốn tăng thấp hơn cùng kỳ và chênh lệch lớn với tín dụng tạo áp lực thanh khoản lớn cho hệ thống.

Theo bà Thảo, có nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống chịu nhiều áp lực, nhất là từ cuối quý 3/2022 và trong suốt tháng 10, Ngân hàng Nhà nước hút tiền đồng về qua kênh tín phiếu; doanh nghiệp và người dân do khó tiếp cận tín dụng (do room tín dụng hạn hẹp) phải trang trải bằng vốn tự có, giảm gửi tiền vào hệ thống ngân hàng; một số doanh nghiệp lớn phải tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn; một số sự việc xảy ra thị trường ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu và tạo áp lực thanh khoản lên thị trường liên ngân hàng…

Trong bối cảnh trên, theo bà Thảo, mục tiêu hàng đầu của VPBank là bảo vệ thanh khoản. Trong thời gian này, ngân hàng liên tục củng cố, đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản trị hệ thống. Kể từ cuối tháng 9/2022, khi VPBank được NHNN cấp thêm room tín dụng và lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, VPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đảm bảo cạnh tranh về vốn.

Liên quan đến các sự việc gần đây, lãnh đạo VPBank khẳng định VPBank không có các giao dịch tín chấp hay có dư nợ nào với các ngân hàng, tập đoàn xảy ra sự cố thời gian qua (gồm cả tín dụng và TPDN). Tuy vậy, khó khăn của bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng khiến thanh khoản của hệ thống bị ảnh hưởng.

Việc củng cố thanh khoản của VPBank được cho là nhằm tạo sức bật tăng trưởng thời gian tới, do ngân hàng này vừa được NHNN bổ sung thêm room tăng trưởng tín dụng, cũng như chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Xét về vốn, VPBank là một trong những ngân hàng có tiềm lực vốn dồi dào nhất hiện nay. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của VPBank đã đạt trên 100.000 tỷ đồng, thuộc nhóm ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống.

Từ 8/11 tới, gần 2,24 tỷ cổ phiếu trả cổ tức của VPBank về tài khoản nhà đầu tư, ngân hàng cũng sẽ hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỷ đồng, thành quán quân vốn điều lệ toàn hệ thống.  

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an toàn vốn của VPBank cũng nằm trong top dẫn đầu cho thấy dư địa tăng trưởng là rất lớn: LDR ở mức 76% (cách xa trần 85%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27% (yêu cầu hiện nay là 37%); Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất đạt 15.2%, nằm trong top dẫn đầu toàn ngành…

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBaNK ĐẠT GẦN 20.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, hoàn thành 66% kế hoạch cả năm. Mặc dù sự phục hồi của FE Credit chậm hơn dự kiến song năm nay, lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank có thể vượt mục tiêu đề ra, do đó lợi nhuận ngân hàng hợp nhất khả năng sẽ chạm mức mà ĐHĐCĐ thường niên đề ra.

Đáng lưu ý, dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank đạt gần 70% dư nợ và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, tín dụng cho vay ô tô tăng trưởng 23%, cho vay mua nhà tăng trưởng tới 39%.

Mặc dù chính sách gần đây của Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp song lãnh đạo VPBank tin tưởng những khó khăn của doanh nghiệp sẽ sớm được tháo gỡ, không gây ra áp lực nợ xấu. Tính tới 30/9/2022, nợ xấu của VPBank vẫn ở dưới 2%.

“Về dài hạn, với tiềm lực vốn rất lớn, chúng tôi có tham vọng tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên bảo vệ thanh khoản để nếu kịch bản xấu nhất xảy ra vẫn đảm bảo được thanh khoản cho ngân hàng và hỗ trợ tốt cho hệ thống. Riêng năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm, chúng tôi tin tưởng có thể hoàn thành đạt kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch cam kết với cổ đông”, bà Thảo cho biết.

Kiểm soát huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị phải kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

 Trong báo cáo vừa gửi tới đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (giảm so với thời điểm 30/6/2022 là 784.575 tỷ)

Tuy nhiên, thị trường bất động sản là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản.

Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các Dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. 

Về vấn đề vốn, theo Bộ trưởng, tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ cấu nguồn lực cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý (chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án). Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.  

Bộ trưởng đánh giá, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong Quý III/2022, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Để khắc phục các tồn tại liên quan đến vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, phải có giải pháp kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Bên cạnh đó, phải kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2019 đến nay, Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các địa phương đã tăng cường thanh tra, xử lý các cá nhân sai phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện một số sai phạm chính sau: Kinh doanh không đủ điều kiện năng lực về tài chính; bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng; Tổng số tiền thu các đợt của khách hàng mua nhà trước khi bàn giao nhà vượt tỷ lệ quy định mà không có thoả thuận với khách hàng…

Ngoài ra, tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng huy động vốn, mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện còn diễn ra tại một số dự án, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng, người mua,…

Thời gian qua, các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương cũng đã tích cực phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

Kênh đầu tư cuối năm: “Ngồi im” là thượng sách?

USD tăng giá chưa từng thấy, cổ phiếu rất rẻ, bất động sản cũng bắt đầu giảm giá…, song nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư “ngồi im” mang tiền gửi ngân hàng, chớ nên vội vã “bắt đáy” các kênh đầu tư rủi ro.

Quyết định tăng lãi suất sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào sáng mai (giờ Việt Nam) sau phiên họp chính sách ngày 1-2/11/2022. Theo dự báo của giới chuyên gia, lần này, Fed sẽ tiếp tục thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa.

Ngay trước thềm Fed tăng lãi suất, ngày 25/10/2022, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng thêm 1% với một loạt lãi suất điều hành và là lần tăng lãi suất thứ hai liên tiếp trong 2 tháng gần đây. Với các động thái mạnh tay của NHNN, giới chuyên gia kỳ vọng, tỷ giá sẽ không tăng mạnh thêm nữa từ nay đến cuối năm.

Tuy vậy, ngay cả khi tỷ giá tăng, theo các chuyên gia, NHNN vẫn có biện pháp để bảo vệ giá trị tiền đồng (điển hình là NHNN tăng lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần trong 2 tháng gần đây). Nói cách khác, dù USD trên thế giới đang tăng rất mạnh, song nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi trong bối cảnh hiện nay. Hiện lãi suất tiến kiệm trên thị trường đã lên tới 11%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở ngân hàng, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán, bất động sản giảm mạnh. Giá đất nền nhiều khu vực đã giảm 10-20% vẫn không có người mua, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán chỉ bằng 1/5 giai đoạn đỉnh điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, “ngồi im là thượng sách”. Nói cách khác, ôm tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hiện nay là kênh đầu tư tốt nhất.

Theo ông Khánh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng còn “bất động” từ nay đến cuối năm. Thị trường chứng khoán hiện khá hấp dẫn, song vẫn còn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư ít am hiểu về thị trường tài chính không nên vội vã bắt đáy, mà nên để tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục của mình. Sai lầm của nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư chứng khoán, bất động sản là không định vị được mình đang ở đâu, cứ lao theo đội lái, trong khi không có kiến thức, bị cuốn theo lòng tham và sự sợ hãi, nên thiệt hại nặng nề.

Với nhà đầu tư cầm tiền mặt, lựa chọn trong thời điểm này khá dễ dàng. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư “kẹp” chứng khoán, bất động sản, lựa chọn là khá khó khăn.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, giai đoạn vừa qua, tâm lý nhà đầu tư chịu nhiều bất ổn do các tin tức bắt bớ. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tăng mạnh tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, làn sóng bán tháo lần này chủ yếu là ở nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nhóm nhà đầu tư kỳ cựu vẫn đang nắm giữ cổ phiếu chờ tín hiệu hồi phục. 

Ông Ngọc khuyến cáo, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu trong vùng này, mà nên bình tĩnh (trừ cổ phiếu xấu thì có thể cân nhắc cơ cấu danh mục). Với nhà đầu tư đang cầm tiền muốn giải ngân, dù vùng giá hiện tại của thị trường rất hấp dẫn, song chỉ phù hợp với nhà đầu tư mua tích lũy trung, dài hạn, không phù hợp với nhà đầu tư muốn bắt đáy lướt sóng ngắn hạn.

Với bất động sản, theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường thời gian tới vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp bất động sản khát vốn, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường bất động sản cũng có sự phân hóa rõ nét: phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (nhất là căn hộ) vẫn tăng giá do khan hiếm nguồn cung, trong khi bất động sản đầu cơ đang giảm giá khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng đã phải giảm giá cắt lỗ bất động sản, bởi không chịu nổi gánh nặng lãi vay.

TS. Phạm Anh Khôi, kinh tế trưởng, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính bất động sản Dat Xanh Services cho biết, phân khúc bất động sản đầu cơ đã có dấu hiệu giảm giá. Tuy vậy, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, giá bất động sản vẫn tăng đều đặn, nhất là các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật. Vì vậy, đầu tư bất động sản giai đoạn này, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào phân khúc có nhu cầu thật tại những khu vực có hạ tầng đầy đủ, dân số đông, tránh đầu tư dàn trải. 

Một kênh đầu tư khác được đông đảo nhà đầu tư cá nhân lựa chọn trong 3 năm gần đây là trái phiếu doanh nghiệp. Sau sự cố Tân Hoàng Minh, VKC Holdings, An Đông…, một số nhà đầu tư lo lắng kéo nhau đi đáo hạn trái phiếu trước hạn, gây ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp phát hành và cả công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá kỹ loại trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ. 

Được biết, một số doanh nghiệp phát hành đã không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, mà đề nghị nhà đầu tư giãn, hoãn nợ theo nhiều hình thức: trả chậm cộng lãi suất phạt, hàng đổi hàng (với bất động sản)… Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nên chấp nhận ngồi lại với doanh nghiệp để giãn, hoãn nợ, hạn chế tối đa hình sự hóa để tránh thiệt hại cho cả hai bên.

v

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư