Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội làm gì để cứu ngành y
Nguyễn Lê - 22/06/2022 09:33
 
Câu hỏi Quốc hội làm gì để cứu ngành y có lẽ cần thêm thời gian để có câu trả lời đầy đủ hơn. Nhưng muộn còn hơn không, cử tri đang chờ sự hồi sinh của lĩnh vực này.
Cơ chế tài chính hiện nay gây khó cho việc đấu thầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc không đáng có. Ảnh: Đức Thanh

Đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã bế mạc. Đầu tuần này, các vị đại biểu bắt đầu tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp. Một trong những “kết quả” không lấy gì làm vui là Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.

Nhưng đây cũng không hẳn là giọt nước làm tràn chiếc ly “bĩ cực” của ngành y tế. Bởi ngay khi ông Long còn hàng ngày đến nghị trường với tư cách Bộ trưởng, thì có vị đại biểu trong ngành đã phải lên tiếng về nhiều thứ “tệ hơn bao giờ hết”, từ thu nhập của nhân viên y tế cho đến mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc men...

“Gần đây, có vị bộ trưởng than phiền với tôi là đến một viên Zinnat, một loại kháng sinh rất thông dụng, mà cũng không thể mua được ở cửa hàng thuốc”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói trong phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Ông Hiếu cũng chia sẻ rằng, “rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, cử tri, người bệnh đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam”. Một hệ thống mà sau những biến cố dồn dập xảy ra, “những con sâu đã bị gạt ra khỏi hệ thống, những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.

Tệ hơn bao giờ hết, nhận định “đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai” đã không vấp phải bất cứ tranh luận nào tại nghị trường, mà những thông tin từ các vị khác dường như chỉ làm cho tính chắc chắn của nhận định đó tăng thêm. Cũng là người trong ngành, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nói, với cơ chế như hiện tại, rất nhiều y bác sĩ sẽ lựa chọn cách an toàn là không làm gì cả, không mua sắm, không đấu thầu. Cuối cùng, thiệt thòi thuộc về người bệnh.

Chuyện vô lý chỉ có ở Việt Nam, theo đại biểu Lan là trong một bệnh viện có 2 loại giá tồn tại: giá bảo hiểm và giá dịch vụ y tế.

“Cơ chế tài chính hiện nay khiến các bệnh viện cực kỳ khổ sở với việc đấu thầu về thuốc và trang thiết bị y tế. Riêng đấu thầu thuốc thì đã nói mãi rồi, nhưng vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt, năm sau rẻ hơn năm trước, thậm chí có trường hợp đấu thầu, trúng thầu rồi, chọn giá rẻ nhất rồi, nhưng sau đó vài tháng, một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn, thì lại phải áp theo giá đó. Đặt vấn đề ngược lại, nếu thị trường biến động, giá xăng tăng, giá thuốc tăng liệu bảo hiểm có thanh toán tăng theo hay không. Không có”, bà Lan trao đổi với báo chí khi Quốc hội đang sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Sửa luật có phải là cứu cánh

Thường thì lĩnh vực nào đang có vấn đề nổi lên được đại biểu và cử tri quan tâm sẽ được chọn để chất vấn và sau đó yêu cầu từ Quốc hội là sẽ được nêu tại nghị quyết về hoạt động chất vấn.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội không chất vấn về lĩnh vực y tế. Nhưng Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ ba nêu rõ yêu cầu: sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Quốc hội cũng yêu cầu tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Giải pháp cụ thể để thực hiện được yêu cầu trên là gì, là câu hỏi đã được báo chí đặt ra trong cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ ba.

Câu trả lời từ Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường là, giải pháp cụ thể phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ và ngành y tế.

Có thể ông Cường nói đúng, nhưng chưa đủ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để các y bác sĩ yên tâm dốc sức cho chuyên môn trị bệnh, cứu người, đó chắc chắn là trách nhiệm của Quốc hội.

Mà, một kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ ba được báo cáo với cử tri là Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.

Việc sửa đổi còn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Với mục tiêu đó, Quốc hội không chỉ tập trung cho ý kiến về quy định liên quan trực tiếp đến khám chữa bệnh, mà còn về cơ chế tài chính, chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực phục vụ ngành y tế, giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y...

Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đạt được yêu cầu trên. Đó là yêu cầu bức thiết. Nhưng Dự thảo luật được đặt lên bàn nghị sự ở kỳ họp vừa qua, theo nhận xét của nhiều đại biểu, là còn quá sơ sài, chưa đạt mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm” như Tờ trình Dự án luật. Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ về tổ chức, bộ máy, tài chính... đều chưa được đặt ra đúng tầm mức.

Vẫn còn thời gian để Quốc hội ra tay mạnh mẽ, trước khi bấm nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Nhưng để cứu ngành y, cần một hành lang pháp lý đồng bộ, bao gồm sửa đổi các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế... Trên hết, cần ngay những quyết sách dưới luật, để cán bộ y tế yên tâm làm việc, để người bệnh không thiếu thuốc men và những thứ thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe. Những việc đó đều cần sự giám sát của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Không thay đổi, sẽ tiếp tục phải trả giá

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, liên quan vấn đề mua sắm trang thiết bị, ngành y ở thế “trăm dâu đổ đầu tằm”. Lúc bệnh nhân cần thì đặt máy (cơ chế xã hội hóa), nhưng sau đó, khi xảy ra chuyện, thì bảo hiểm y tế không thanh toán các dịch vụ này. Cái gì không quản được thì cấm, như vậy là không được.

“Cơ chế tài chính cần khẩn trương thay đổi, nếu không sẽ phải tiếp tục trả giá. Cái trả giá đầu tiên là mất cán bộ y tế ở tất cả các cấp. Tôi không ủng hộ tiêu cực, ai nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm, nhưng cần xem xét, như ông bà ta đã dạy: tu ở chùa rất dễ, nhưng tu ở chợ thì rất khó. Chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức hay chưa”, bà Lan nhìn nhận.
Đòn bẩy nào cho hợp tác công - tư trong ngành y tế?
Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến việc hợp tác giữa công-tư trong ngành y tế được luận bàn tại tại Hội thảo “Tăng cường hợp tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư