Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sàng lọc trái phiếu, chuyên gia chỉ ra 3 tiêu chí cơ bản
Thanh Thủy - 04/11/2022 09:15
 
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không phải sản phẩm tiết kiệm, lãi suất càng cao thường đi kèm với việc rủi ro cao. Chuyên gia từ FiinRatings chỉ ra 3 tiêu chí để sàng lọc trái phiếu.

Trái phiếu không phải sản phẩm tiết kiệm, cần các tiêu chí sàng lọc

Tiếp tục câu chuyện về trái phiếu, tại Talkshow Chọn Danh mục do Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán tổ chức sáng ngày 4/11 với chủ đề “Khôi phục niềm tin”, một trong các câu hỏi nóng được đặt ra là cách nhà đầu tư có thể làm để nhận diện rủi ro và các tiêu chí để sàng lọc khi đầu tư trái phiếu.

Theo ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích Xếp hạng tín nhiệm và Thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, có ba rủi ro nhà đầu tư cần nắm bắt khi đầu tư trái phiếu. Một rủi ro mà tất cả các trái chủ cần quan tâm và cũng là rủi ro cốt lõi khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FiỉnRatings xét tới là rủi ro tín dụng.

“Chúng tôi không dựa vào các yếu tố như tài sản đảm bảo, bảo lãnh mà dựa hoàn toàn vào yếu tố chính là rủi ro tín dụng, đánh giá năng lực trả nợ của tổ chức phát hành. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử kinh doanh, lịch sử phát triển cũng như các yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp diễn ra trong quá khứ. Mặc dù nó không phải câu trả lời cho hành động của tổ chức phát hành trong tương lai, nhưng nó nói lên hành vi trong quá khứ cũng như hiện tại”, ông Khang cũng nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Khang - Trưởng phòng Phân tích Xếp hạng tín nhiệm và Thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings

Cùng đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm rủi ro thanh khoản, nghĩa là khả năng sang nhượng trái phiếu. Đây là một trong những rủi ro mà nhà đầu tư phải hiểu rất rõ và trao đổi với các tổ chức phân phối về cách thức khi có nhu cầu chuyển nhượng.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể còn gặp rủi ro định giá lãi suất. Lãi suất mà nhà đầu tư nhận được có thể không tương xứng với rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, do không nắm rõ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc lãi suất cao nhưng nhà đầu tư lại chưa hiểu rõ rủi ro mà họ gặp phải trong quá trình nắm giữ trái phiếu.

Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đây không phải sản phẩm tiết kiệm, nên mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao. Chia sẻ một số tiêu chí tài chính cơ bản nhất mà nhà đầu tư cần phải xem xét và trao đổi với tổ chức phát hành, tổ chức phân phối trước khi tiến hành mua bán trái phiếu, ông Khang nhấn mạnh về tiêu chí đòn bẩy tài chính.

Một doanh nghiệp vay nợ nhiều sẽ rủi ro cao hơn doanh nghiệp không vay nợ. Đó là yếu tố đầu tiên cần xem xét, đặc biệt trong môi trường lãi suất biến động mạnh như những tháng gần đây. Doanh nghiệp nào có cơ cấu đòn bẩy tài chính lớn, phần nào sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi theo chiều hướng lãi suất tăng cao… là những câu hỏi mà nhà đầu tư cần tìm lời giải đáp.

Tiêu chí thứ hai là khả năng chi trả lãi vay được tính bằng thu nhập trước lãi suất, thuế và khấu hao chia cho chi phí lãi vay. Nếu hệ số này nhỏ hơn 1, tức thu nhập trước lãi suất, thuế và khấu hao thấp hơn chi phí lãi vay trong một thời gian dài thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lãi vay, thậm chí là gốc vay của trái phiếu.

Yếu tố cuối cùng là khả năng chi trả nợ gốc, bởi điều trái chủ quan tâm đó là phải rút về được phần gốc. Để đánh giá, ông Khang cho biết FiinRatings đang sử dụng hệ số nợ vay tài chính chia cho thu nhập trước lãi vay, khấu hao và thuế để đưa ra tính toán.

“Thông thường con số này cần được xem xét dựa trên thời gian nợ bình quân của doanh nghiệp. Để đơn giản hoá vấn đề, nhà đầu tư có thể hình dung như sau, với 1 doanh nghiệp, nếu cần thời gian 5 năm mới trả được gốc vay trái phiếu, trong khi thời gian trả gốc trái phiếu chỉ 2-3 năm thôi thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp vấn đề trong việc đáp ứng lịch trả nợ”ông Khang lý giải thêm.

Hiểu khẩu vị rủi ro của bản thân

Bên cạnh việc hiểu rủi ro của trái phiếu được đầu tư, nhà đầu tư phải hiểu được khẩu vị rủi ro của chính mình. Bà Nguyễn Thị Hoạt, Chuyên gia từ công ty chứng khoán TCBS cho rằng xác định khẩu vị rủi ro của mình, chấm điểm rủi ro là điều quan trọng không kém để quản trị rủi ro khi đầu tư trái phiếu.

“TCBS có công cụ giúp nhà đầu tư chấm điểm khẩu vị rủi ro, có đánh giá toàn diện về kinh nghiệm đầu tư, hiểu biết tài chính, khả năng chịu rủi ro, mức chấp nhận được tổn thất tài chính”, bà Hoạt cho hay. Cũng theo chuyên gia từ TCBS, nhà đầu tư nên chấm điểm định kỳ khẩu vị rủi ro, từ đó công ty chứng khoán có thể đưa ra được sản phẩm phù hợp, giúp nhà đầu tư hiểu mình và có lựa chọn tốt. Cùng đó, khi đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin. Để có thông tin, điều cần thiết là yêu cầu có sự công khai minh bạch từ tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành.

Bà Nguyễn Thị Hoạt - Chuyên gia từ công ty chứng khoán TCBS

Cùng quan điểm với ông Khang, chuyên gia từ TCBS cho rằng sau khi có thông tin công khai minh bạch, NĐT phân tích nhận diện rủi ro, kết hợp tìm hiểu thông tin để giảm thiểu rủi ro, lựa chọn danh mục phù hợp, chọn trái phiếu càng công khai minh sẽ càng giảm rủi ro. Hoặc chuyển tiếp việc phân tích đánh giá doanh nghiệp cho các các đơn vị chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, quỹ mở trái phiếu. Việc hiểu đúng, hiểu đủ thì mới tránh tâm lý hoang mang khi có thông tin bất lợi, tránh tình trạng bán tháo ảnh hưởng tổn thất tài chính.

Tỉnh táo để lựa chọn trái phiếu trên thị trường
Với việc các khuôn khổ pháp lý được củng cố và hoàn thiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư