Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Sát thủ thầm lặng" gây ra cái chết trắng mỗi năm
D.Ngân - 14/05/2022 08:00
 
Dù khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, song hiện mục tiêu giảm tác hại gây ra do khói thuốc vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần nâng hiệu quả thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Hàng triệu cái chết trắng mỗi năm

Hút thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% tổng số các loại ung thư ở người. Riêng đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% các trường hợp mắc.

Thuốc lá là thủ phạm chính gây ra căn bệnh ung thư phổi.

Nam giới từng hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 25 lần và có nguy cơ ung thư thanh quản gấp 13 lần so với người không hút thuốc lá.

Các chuyên gia khẳng định hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng và làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người.

Vì thế, người nghiện thuốc lá sẽ tạo ra áp lực và cả gánh nặng về kinh tế cho chính gia đình mình do mắc bệnh hiểm nghèo buộc phải chữa trị kéo dài. Điều này sẽ càng trở nên khó khăn hơn đối với các gia đình ở khu vực nông thôn, vốn còn đang thiếu thốn và nghèo đói.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, trong thế kỷ 20, trên thế giới đã có khoảng 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Nghĩa là bình quân mỗi năm, ước tính có gần 6 triệu ca tử vong do thuốc lá gây ra. Dự báo con số này sẽ có thể còn lên tới 8 triệu ca tử vong/năm do tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn đang có xu hướng tăng cao hàng năm; trong đó, 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 ca tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá

Do những nguy hại như trên, Tổ chức WHO cũng đã nêu ra đánh giá rằng thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong trực tiếp cho một nửa số người sử dụng nó.

Cùng với đó là hàng trăm nghìn người khác cũng đang phải chịu ảnh hưởng gián tiếp, cho dù họ không hút thuốc lá. Vậy nên nếu đem so với các nguy cơ khác thì nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao.

Thậm chí, sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ thứ 2 trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của người dân ở các nước đang phát triển.

Cụ thể, đối với những người thường xuyên hút thuốc, có một nửa sẽ bị chết sớm do quá trình sử dụng thuốc lá kéo dài. Đồng thời, một nửa trong số này thường chết vào độ tuổi trung niên, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi khoảng từ 15 - 20 năm của cuộc sống. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá cũng là nguyên nhân chủ yếu của hơn 25 căn bệnh nan y hiện nay.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tuổi thọ trung bình của những người hút thuốc thông thường sẽ bị rút ngắn hơn so với người không hút (khoảng từ 5 - 8 năm).

Bên cạnh đó, hút thuốc còn làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở người (từ 30 - 80%), chủ yếu là do mắc phải các căn bệnh ung thư (tiêu biểu nhất là ung thư phổi); ngoài ra, còn có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh về tim mạch và một số bệnh lý khác…

Hậu quả của khói thuốc lá thụ động cũng đang gây ám ảnh. Giới chuyên gia cho rằng, khói thuốc lá có thể tồn tại khá lâu trong không khí (tới 5 giờ đồng hồ), kể cả khi mắt của chúng ta không còn nhìn thấy hoặc mũi không ngửi thấy mùi khói thuốc nữa. Vì thế, đây cũng chính là "môi trường có khói thuốc lá" là loại môi trường vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người.

Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khỏi thuốc lá ngay tại nơi làm việc. Đáng sợ hơn, hút thuốc lá thụ động cũng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thì cũng dễ mắc các căn bệnh giống như ở những người hút thuốc.

Phụ nữ và trẻ em cũng là một trong hai đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc một cách thụ động. Đối với phụ nữ khi mang thai, nếu như hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây những biến đổi xấu trong sự phát triển của bào thai.

Do đó dễ bị sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Nguy cơ sảy thai ở những phụ nữ có hút thuốc lá cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa; đồng thời, tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính (hen suyễn); làm giảm sự phát triển chức năng của phổi; gia tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh…

Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400 gram. Mặt khác, trẻ hút thuốc thụ động sẽ kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Nâng hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 

Để phục vụ mục tiêu giảm tác hại do thuốc lá gây ra, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời trong đó nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Tuy nhiên, sau 12 năm kể từ ngày có hiệu lực tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi công sở, bệnh viện…vẫn còn diễn ra. Thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát, dẫn tới vi phạm ở nhiều nơi mà chưa bị nhắc nhở, xử lý, khiến việc thực thi quy định cấm chưa mang lại hiệu quả cao. 

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngang nhiên hút thuốc, dù khu vực đó có biển cảnh báo “cấm hút thuốc lá”.

Còn đối với các điểm công cộng như bến xe, nhà ga thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến, tuy nhiên cũng chủ yếu dừng ở việc nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt, vì vậy chưa răn đe được người dân.

Với các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn diễn ra. Các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong nhà, cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực ít người qua lại như ban công, hành lang, cầu thang, căng tin. Chưa kể, việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở địa điểm nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho hay, mặc dù công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi do còn tồn tại nhiều hạn chế như lực lượng thanh tra thiếu, thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm đến việc thanh, kiểm tra công tác phòng chống tác hại thuốc lá. 

Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới vẫn còn cao. Năm 2020, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới là 42,3%, nữ giới là 1,7%), tỉ lệ tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn còn cao ở một số địa điểm như nhà hàng, khách sạn, quán bar, café,…; thuốc lá được sử dụng và bày bán tràn lan...

Ngoài ra, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (Thuốc lá điện tử, Thuốc lá không đốt nóng, Thuốc lá hút Shisha); Thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi; Ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người dân người dân còn chưa cao...

Còn theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỉ lệ người dân sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng đang gây ra những khó khăn nhất định.

Theo bà Hải, hiện hầu hết các bệnh viện mới tập trung vào việc tuyên truyền, vận động bệnh nhân, thân nhân người bệnh không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, chứ chưa đủ nhân lực để tổ chức lực lượng thanh tra nhằm kiểm tra, giám sát và xử phạt các vi phạm.

Ngoài ra, hiện các nhân viên y tế của bệnh viện khi tham gia công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đều phải kiêm nghiệm nên thời gian bị hạn chế.

Đồng thời, do chưa có các nghị định và thông tư quy định, hướng dẫn việc xử phạt các vi phạm về phòng chống tác hại của thuốc lá nên việc thi hành Luật một cách nghiêm ngặt và hiệu quả cũng gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu y tế quốc gia và thực thi hiệu quả Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2021, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh người dân về vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Thông qua phần mềm này, người dân sử dụng điện thoại thông minh có thể tham gia vào quá trình thực thi và giám sát chính sách, pháp luật. 

Các cán bộ thực thi được nâng cao nhận thức và các kỹ năng tiếp nhận, xử lý các báo cáo vi phạm của người dân gửi đến. Với những kinh nghiệm triển khai tại 2 quận, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ nhân rộng, triển khai mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng trong thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn quốc. 

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, các cá nhân trực tiếp tham gia vào dự án. Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ và sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc tăng cường việc tuân thủ và thực thi Luật và các quy định môi trường không khói thuốc”, bà Hải nhấn mạnh. 

Mức thuế với thuốc lá hợp pháp càng cao, buôn lậu càng nhiều
Nếu chỉ tăng thuế đối với thuốc lá hợp pháp, thì sẽ không giải quyết được tình trạng buôn lậu thuốc lá, và khi lơi là việc chống buôn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư