Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sức ép lớn về truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu
Hoài Sương - 03/08/2022 07:55
 
Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu từ các thị trường Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ, Canada…

Sức ép lớn

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành.

Theo ông Cẩm, việc truy xuất nguồn gốc ở nhiều quốc gia là quy định bắt buộc như Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ, Canada… đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, thị trường khi Mỹ vừa ban hành bộ luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) có hiệu lực từ ngày 21/6/2022, buộc doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra đầu vào của nguyên liệu, xác định rõ nhà cung cấp và hàm lượng tái chế.

“Xu hướng thời trang nhanh sang thời trang bền vững đang thay đổi, thậm chí, trong giai đoạn tiếp theo, sẽ có quy định về hàm lượng tái chế, yêu cầu cao hơn của truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu dệt may”, ông Cẩm nói.

Xác nhận điều này, bà Phùng Thị Minh Hằng, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho hay, doanh nghiệp đang thực hiện quy định trong hoạt động truy xuất hàng hóa để được chứng nhận làm hàng tái chế và mua bán theo quy trình chuẩn của hàng tái chế. Sau một thời gian triển khai, doanh nghiệp nước ngoài đang truy xuất thông tin sản phẩm như ngày tháng và quá trình sản xuất, đầu vào, đầu ra, chứng nhận sản phẩm…

Ngoài ra, theo ông Cẩm, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn hưởng thuế quan của các hiệp định FTA thì phải chứng minh được nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.

Nhiều trở ngại

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thừa nhận chưa nắm rõ được quy trình thực tế như lưu trữ thông tin sản phẩm, cung cấp số liệu chuẩn và chứng minh hoạt động sản xuất.

Bà Vũ Kim Thanh, đại diện Công ty Fashion Garments 2 (tỉnh Đồng Nai) thừa nhận, doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc khi các thông tin về mặt hàng vải còn chưa rõ ràng, tìm kiếm thông tin nguyên phụ liệu từ doanh nghiệp cung cấp còn chưa đầy đủ.

Mặt khác, theo bà Đặng Hồng Thùy, đại diện Công ty TNHH Sung Il Việt Nam, doanh nghiệp thương mại chuyên cung cấp vải, các thủ tục truy xuất còn chiếm nhiều thời gian của doanh nghiệp Việt và khách hàng nước ngoài. Có giai đoạn, thời gian sản xuất đi kèm quy trình truy xuất nguồn gốc tăng gấp đôi so với trước. Đặc biệt trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp để chuẩn bị các giấy chứng nhận.

Đó là chưa nói chi phí thực hiện. Theo bà Phùng Thị Minh Hằng, hoạt động truy xuất nguồn gốc nguyên liệu còn khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra tăng 10%, khó cạnh tranh với thị trường. Ngoài ra, quy trình truy xuất còn khá phức tạp và khắt khe khi phải đánh giá thường xuyên, mỗi lần đánh giá đều chịu thêm một khoản phí.

Nhiều cơ hội

Theo nhiều doanh nghiệp, với các thương hiệu thời trang hoặc doanh nghiệp toàn cầu, xu hướng lựa chọn hàng tái chế, sản phẩm xanh, đầu vào, đầu ra đúng quy định và sử dụng nguyên liệu bền vững… ngày càng tăng, nên chấp nhận giá thành cao hơn. Đây cũng là một lợi thế khi doanh nghiệp tham gia sớm các quy trình chuẩn quốc tế.

Bà Đặng Hồng Thùy cho biết, nhiều khách hàng đã tin tưởng thông qua việc truy xuất nguồn gốc, nên đơn hàng tăng 30-40%, dù giá thành sản phẩm cao hơn thị trường.

Cùng quan điểm, bà Phùng Thị Minh Hằng thông tin thêm: “Tham gia tốt hoạt động truy xuất nguồn gốc, so với năm 2020, đơn hàng xuất khẩu của TNG tăng 103% trong năm 2021 và tăng 218% trong nửa đầu năm 2022”.

Để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên phụ liệu, ngành dệt may cũng đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi, thực hiện tốt quy định truy xuất hàng hóa, bởi nhiều thị trường quốc tế đang lựa chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất xanh và sử dụng nguyên phụ liệu dệt may bền vững.

Tăng trưởng ngành dệt may dự báo giảm tốc trong nửa cuối năm 2022
Ước tính, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư