Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sức ép tứ bề lên lạm phát
Hà Nguyễn - 22/05/2022 11:14
 
Giá nhiên vật liệu tăng cao, tổng cầu tăng đột biến và lạm phát chuỗi cung ứng đang là những yếu tố gây áp lực lên lạm phát Việt Nam năm 2022 và 2023.
Giá xăng liên tục tăng mạnh gây tác động dây chuyền lên cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…

Sức ép tứ bề

Ít ngày trước, giá xăng dầu lại được điều chỉnh, hơn nữa mức điều chỉnh khá cao. Giá xăng RON95 đã tăng tới 1.550 đồng/lít, gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít - một mức giá “ngất ngưởng”. Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nếu giá dầu thế giới không giảm, thì có thể, trong kỳ điều hành tiếp theo (ngày 21/5), giá xăng tiếp tục tăng và nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít.

Việc giá xăng liên tục tăng mạnh thời gian gần đây có thể nói là “cú đánh bồi” gây tác động dây chuyền lên cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu… Mặt bằng giá mới dường như đang được thiết lập.

Nhưng giá xăng dầu tăng cao không phải là nguyên nhân duy nhất gây áp lực lên giá cả, lạm phát của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có 3 yếu tố cơ bản gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022-2023. Đó là lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao và tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Kinh tế Việt Nam có đặc điểm là khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%. Điều này đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế”, ông Lâm nói và nhấn mạnh một sự thật rằng, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.

Theo ông Lâm, kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài (37% chi phí nguyên vật liệu được nhập khẩu, trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng - chiếm tới 50,98%), do đó “lạm phát chuỗi cung ứng” chính là yếu tố lớn nhất tạo áp lực đến lạm phát của Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam kiểm soát lạm phát rất tốt. Năm ngoái, lạm phát chỉ ở mức 1,84% còn bắt nguồn từ nguyên nhân tổng cầu suy giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, như giảm giá điện, giảm giá nước, giảm các loại phí..., nên giá cả không tăng cao.

Tuy nhiên, câu chuyện của năm 2022 lại khác. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021, đang “thẩm thấu” vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch. “Điều này gây áp lực lớn lên lạm phát”, ông Lâm nói.

Không chỉ ý kiến của các chuyên gia, mà trong các báo cáo kinh tế được đệ trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh về các rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Số liệu của tháng 5 phải gần 10 ngày nữa mới được công bố, song những diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tiếp tục xu hướng tăng.

“Giá dầu, sự phục hồi của sức mua sản xuất, tiêu dùng trong nước, tác động dây chuyền đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, lương thực, thực phẩm có thể gây rủi ro tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Rủi ro vĩ mô, áp lực lạm phát trên thực tế đã được dự báo từ cuối năm ngoái. Sang đến năm 2022, lại “bồi” thêm yếu tố căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine, rồi các đòn trừng phạt lẫn nhau được Mỹ, châu Âu áp dụng, khiến giá dầu, giá một loạt nguyên vật liệu cơ bản, bao gồm cả lương thực, tăng cao..., gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, chứ không riêng Việt Nam.

Áp lực lên điều hành vĩ mô

“Rủi ro lạm phát tăng cao tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định như vậy khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản, cộng thêm tác động từ xung đột Nga - Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát 2022.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021. “Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được”, ông Vũ Hồng Thanh nói và đề nghị Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân, các yếu tố chính làm tăng lạm phát để kiểm soát hiệu quả.

“Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được” cũng là điều được dự báo lâu nay.

Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ vào khoảng 3,9%. “Cuộc chiến ở Ukraine sẽ tác động ngay lập tức và đáng kể nhất đến việc tăng giá hàng hóa nguyên liệu thô và có thể làm tăng lạm phát tới 0,8 điểm phần trăm”, ông Francois Painchaud nói,

Ông Francois Painchaud cũng nhấn mạnh những yếu tố rủi ro “trái chiều” tới nền kinh tế Việt Nam. Trong khi rủi ro với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại, thì rủi ro lạm phát lại nghiêng về phía gia tăng lạm phát.

Ông Nguyễn Bích Lâm và nhóm nghiên cứu của mình thậm chí còn đưa ra các dự báo kém lạc quan hơn khi cho rằng, lạm phát năm nay sẽ ở mức 4-4,5%, còn trong năm tới có thể lên tới 5-5,5%, do độ trễ của gói chính sách phục hồi.

Standard Chartered Bank cũng đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt 5,5% vào năm 2023.

Vấn đề đặt ra lúc này là điều hành vĩ mô theo hướng nào? Đây là “bài toán khó” với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, không riêng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế đang cần thực thi các chính sách để phục hồi kinh tế.

“Không còn nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa do rủi ro lạm phát gia tăng. Chính vì vậy, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực”, ông Francois Painchaud khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất tới 8 nhóm giải pháp để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, trong đó sự hài hòa trong chính sách tiền tệ và tài khóa là một biện pháp quan trọng. “Cần sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng”, ông Lâm đề nghị.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022, lạm phát dự kiến tiếp tục tăng, trung bình 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. The Economist (EIU) thậm chí còn đưa ra dự báo rằng, lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên mức 6% trong năm 2022.
Chi phí đẩy và lạm phát
Lạm phát do nhiều yếu tố, nhưng chi phí đẩy được xem là yếu tố quan trọng nhất hiện nay và trong thời gian tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư