Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tài chính tiêu dùng tăng trưởng hậu M&A
Vân Linh - 24/11/2022 08:09
 
Thị trường tài chính tiêu dùng đang dần phục hồi, đặc biệt với những công ty tài chính đã có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài thông qua các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A).

Trên đà tăng trưởng

Trong cho vay tài chính năm 2022, FE Credit đã lấy lại “ngôi vương” lợi nhuận trong quý I/2022. Tuy có sụt giảm trong 2 quý trước đó do tăng trích lập dự phòng rủi ro, song FE Credit luôn nổi bật với sự đầu tư bài bản vào công nghệ và chuyển đổi số, nhằm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng.

Đầu năm nay, FE Credit xác lập kỷ lục M&A trên thị trường tài chính khi bán 49% vốn cho Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG). Thông qua việc sở hữu FE Credit, SMFG không chỉ mong muốn tận dụng cơ hội từ sự phát triển của Việt Nam, mà còn hy vọng sẽ hỗ trợ công ty tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân Việt Nam.

Với HD Saison, Công ty đạt tổng thu nhập 1.300 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng gần 3% so với cùng kỳ, lãi trước thuế 258 tỷ đồng. Trước đó, HDBank đã bán 49% cổ phần công ty tài chính trên cho Tập đoàn Credit Saison vào đổi tên thành HD Saison. Đây là sự cộng hưởng giữa 2 định chế tài chính lớn của Việt Nam và Nhật Bản, nhằm đem lại sự liên kết hợp tác chặt chẽ để tối ưu những thế mạnh, kinh nghiệm kinh doanh và tận dụng nguồn lực, kỹ thuật công nghệ giữa hai đơn vị.

Bước sang năm 2022, nền kinh tế cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ… mở cửa trở lại đã thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng. Để kích cầu cho vay tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính tích cực triển khai nhiều chương trình ưu đãi, nhờ vậy tăng trưởng tín dụng của ngành này cũng tăng mạnh.

M&A có còn sôi động?

Tài chính tiêu dùng tại Việt Nam luôn được xem là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, nhiều công ty tài chính đã bán vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Ngoài HD Saison, FE Credit, MB cũng đã bán cổ phần Công ty tài chính Mcredit cho Shinsei Bank từ năm 2016. Sau thương vụ này, MB nắm giữ 50% cổ phần tại Mcredit, Shinsei Bank nắm giữ 49%, còn Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành nắm giữ 1%.

Cuối năm 2021, SHB chuyển nhượng vốn tại SHB Finance cho Krungsri - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG của Nhật Bản. Theo đó, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước cũng như cơ quan quản lý có liên quan, SHB chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Trong khi đó, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam (100% vốn nước ngoài) mua lại 100% Công ty Tài chính Prudential Việt Nam sau khi đã thâu tóm mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ Việt Nam trong năm 2019.

Cũng trong năm 2019, Lotte Finance, một công ty con của Lotte Card, đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh. Lotte Card vào Việt Nam và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỷ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Ngân hàng Techcombank trong năm 2017...

Thương vụ bất ngờ và thu hút sự chú ý là việc Tập đoàn Srisawad (Thái Lan) đề nghị mua lại Công ty Tài chính ALC I của Agribank đang làm ăn bết bát, thua lỗ lớn, thậm chí âm cả vốn chủ sở hữu. Srisawad không chỉ sẵn sàng hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank (200 tỷ đồng), mà còn trả hết cả phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank (323 tỷ đồng) để được sở hữu hoàn toàn công ty này. Biên bản thỏa thuận giữa hai bên đã được ký kết, chỉ chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước là Srisawad có thể tham gia thị trường tài chính Việt Nam...

Hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy, thị trường này rất tiềm năng và còn nhiều dư địa tăng trưởng, với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ. Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể đạt mức 20%/năm. Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch “săn tìm”, mua lại công ty tài chính. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Vì thế, theo nhiều dự báo, những thương vụ M&A trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động trong thời gian tới.

Xu hướng số hóa mạnh mẽ trong ngành tài chính tiêu dùng
Số hóa sẽ là chìa khóa để giúp ngành tài chính tiêu dùng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tương lai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư