Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thứ trưởng Trần Duy Đông: GDP năm 2022 có thể tăng 8%
Nguyễn Lê - 30/09/2022 08:44
 
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày báo cáo.

Tiếp tục phiên họp thứ 9, sáng 30/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, số liệu kinh tế xã hội tháng 9/2022 đã được công bố ngày 29/9. Nhưng hồ sơ phiên họp chuẩn bị trước đó nên chưa kịp cập nhật.

Tuy nhiên, báo cáo được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trình bày ngay sau đó đã cập nhật các con số của tháng 9/2022, trên cơ sở đó dự báo tăng trưởng của cả năm cũng đã tăng lên.

Cụ thể, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trước đó, tốc độ tăng trưởng GDP được ước đạt 7 - 7,5%. Nhưng trên cơ sở GDP quý III là 13,67%, 9 tháng 8,83%, dự kiến mới khả năng GDP cả năm đạt 8%, Thứ trưởng Trần Duy Đông giải thích.

Kết quả nổi bật tiếp theo của năm 2022 được nêu tại báo cáo là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao.

Toàn cảnh phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, sáng 30/9

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới. Công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, sách giáo khoa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả. Các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt so với năm 2021. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.

Về những hạn chế, khó khăn, Thứ trưởng cho biết còn 1/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung trong những tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng nêu rõ, tập trung tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19. Dự báo, theo dõi chặt chẽ,  diễn biến chính sách của các nước lớn, là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước, mục tiêu chính sách tiền tệ. Thúc đẩy tăng thu NSNN, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề câp giải pháp các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động sửa đổi, hoàn thiện. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN.

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và phòng, chống tiêu cực, lãng phí.

Tăng trưởng GDP đã về mức trước đại dịch?
Quý III/2022, GDP đạt tốc độ tăng trưởng (theo quý) cao nhất từ trước đến nay, tăng 13,67%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư