Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thương vụ IPO quy mô lớn chờ cơ hội
Anh Hoa - 23/11/2022 12:57
 
Các ứng cử viên IPO muốn niêm yết cổ phiếu ra công chúng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng khi tham gia thị trường vì họ sẽ phải đối mặt với mức định giá thấp hơn nhiều so với mức cao của năm 2021.
Gojek - một ứng dụng từ Indonesia vừa huy động thành công 1,3 tỷ USD 

Nhà đầu tư Thái Lan muốn kích hoạt thương vụ IPO từ Việt Nam

Các chuyên gia thị trường vốn và IPO của Deloitte trong khu vực Đông Nam Á vừa có cuộc gặp gỡ với giới truyền thông để tiết lộ một phần thông tin về hoạt động IPO của thị trường khu vực năm 2022 và triển vọng năm tới.

Trong các thông tin Deloitte công bố trong 10 tháng đầu năm 2022, điều thất vọng là vắng bóng những con số về thị trường IPO Việt Nam trong bốn tháng gần đây. Thị trường chỉ tương đối sôi động trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán & đảm bảo Deloitte Việt Nam, trước những bất ổn trên thị trường toàn cầu và trong nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư thận trọng hơn trong nửa cuối năm. Chỉ có 6 đợt IPO thành công với giá trị 65,05 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, có 3 thương vụ lớn thuộc về Tôn Đông Á, Nova Consumer, Green+.  Deloitte Việt Nam chờ đợi một số thương vụ IPO bom tấn còn đang ấp ủ.

Trong khi đó, trong hơn 10 tháng của năm nay, Thái Lan và Indonesia đứng đầu bảng khu vực Đông Nam Á về IPO. Mỗi nước huy động được trên 2 tỷ USD, chiếm 76% tổng số tiền huy động được của cả khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan chứng kiến số vốn IPO được huy động cao nhất trong số các sàn giao dịch tại Đông Nam Á, với tổng số 2,5 tỷ USD huy động được qua các đợt IPO. Một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã trở lại mức trước đại dịch, khi số tiền huy động được trong năm nay ngang bằng với số tiền huy động được từ năm 2017 đến 2019 (trên 2 tỷ USD mỗi năm).

Đáng chú ý, năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài, vốn vắng bóng trong những năm đại dịch, đang quay trở lại đầu tư vào thị trường chứng khoán Thái Lan.

Thị trường tiếp tục chứng kiến một số đợt IPO từ nhiều ngành khác nhau trên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), trong đó nổi bật là doanh nghiệp có liên quan đến sản phẩm tiêu dùng nhanh, dịch vụ tài chính và doanh nghiệp xây dựng. Bà Wilasinee Krishnamra, lãnh đạo phụ trách dịch vụ IPO, Deloitte Thái Lan tiết lộ, có 39 công ty đang trong quá trình chuẩn bị niêm yết vào năm 2023.

Sự sôi động tại thị trường Thái Lan khiến Kiatnakin Phatra Bank Pcl, một trong những công ty tư vấn hàng đầu về IPO của Thái Lan đang nhắm mục tiêu đưa các công ty Việt Nam và Campuchia niêm yết trên thị trường chứng khoán Bangkok.

Ông Anuwat Ruamsuke, người đứng đầu bộ phận đầu tư và thị trường vốn, ngân hàng Kiatnakin Phatra đang làm việc với một số công ty Đông Nam Á để thu hút đầu tư thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan. Theo ông Anuwat Ruamsuke, với mức định giá tốt, thị trường Thái Lan đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ các đợt IPO. Ngân hàng Kiatnakin Phatra đang cố gắng mở rộng các thị trường vốn trong khu vực bằng chuyên môn và khả năng dẫn đầu của mình.

Mục tiêu của Kiatnakin Phatra tham gia cùng các công ty trong ngành như Bangkok Bank Pcl và Kasikornbank Pcl khi đưa các công ty trong khu vực lên sàn là nhằm mở rộng ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán.

Dân số già cùng sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty tài chính, công nghệ mới đã khiến Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, phát triển chậm nhất khu vực trong một thập kỷ qua.

Từ năm 2018, Thái Lan đặt tham vọng mở rộng và kỳ vọng về tiềm năng niêm yết kép, niêm yết chéo và chứng chỉ lưu ký cho các công ty đại chúng tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay Thái Lan vẫn chưa thu hút được công ty nước ngoài nào niêm yết tại đây.

Theo Bloomberg, từ đầu năm 2021, Kiatnakin Phatra đã dàn xếp 4 đợt IPO, trị giá đến 849 triệu USD, đứng đầu so với đối thủ Bangkok Bank và Morgan Stanley. Tuy nhiên, trong năm nay, Kiatnakin Phatra chỉ có một thương vụ có giá trị là Thai Life Insurance Pcl và kế hoạch huy động khoảng 20 tỷ baht của nhà máy sản xuất thực phẩm Betagro Pcl.

Bom tấn chờ thêm cơ hội

Hồi đầu năm nay, các chuyên gia đều dự đoán, số lượng niêm yết IPO sẽ giữ ổn định trên cả khu vực Đông Nam Á. Nhưng đến thời điểm này, số tiền huy động được giảm một nửa so với năm trước. So với năm 2021, trong năm nay khu vực Đông Nam Á chứng kiến số vốn IPO huy động được giảm 52%.

Đáng chú ý, các thị trường IPO ở khu vực này đang tràn ngập những đợt niêm yết quy mô nhỏ hơn. Dữ liệu của Deloitte cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được 6,3 tỷ USD từ 136 đợt IPO, trong khi năm 2021 đạt 13,3 tỷ USD từ 152 đợt IPO.

Trong năm nay, thị trường chỉ xuất hiện hai đợt IPO bom tấn đến từ Indonesia. Cụ thể, PT GoTo Gojek Tokopedia Tbk với 1,1 tỷ USD và PT Global Digital Niagra Tbk, hay còn được biết đến với cái tên “BliBli”, đứng thứ hai với 516 triệu USD huy động được. GoTo và Blibli tham gia nhóm các công ty công nghệ đang phát triển ở Indonesia đã niêm yết trong những năm gần đây. Trong khi tại Thái Lan, có đợt IPO của Thai Life Insurance, trị giá 937 triệu USD. Điều này có nghĩa là các công ty lớn hơn đang ẩn mình hoãn niêm yết để đón đầu các điều kiện thị trường tốt hơn.

Các chuyên gia của Deloitte cho rằng, trong thị trường đầy thách thức hiện nay, những doanh nghiệp quy mô nhỏ có nhu cầu huy động vốn nhiều hơn. Dự báo trong năm 2023, toàn khu vực chưa lộ diện nhiều thương vụ IPO bom tấn.

Riêng thị trường Việt Nam khiến nhà đầu tư, tư vấn ngóng một số thương vụ. Điển hình là VinFast - thành viên của Vingroup (HoSE: VIC) đang xem xét IPO tại Mỹ sớm nhất vào tháng 1/2023. Công ty này có thể gọi vốn ít nhất 1 tỷ USD từ đợt IPO, nhưng mọi chuyện còn phụ thuộc vào lãi suất.

Hiện VinFast đang đàm phán với các nhà đầu tư cũng như xem xét tình hình thị trường để xác định thời gian IPO cụ thể. Vào tháng 4/2022, VinFast đã nộp hồ sơ tiến hành IPO tại Mỹ. Trước đó, tháng 11/2021, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, kiêm Chủ tịch VinFast toàn cầu cho biết, khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán 5 - 10% cổ phần. Giá trị của VinFast có thể đạt 25 tỷ USD đến 60 tỷ USD sau IPO.

Tháng 7/2022, VinFast ký thỏa thuận với các ngân hàng để gọi vốn ít nhất 4 tỷ USD cho kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ.

Ngoài ra, hai tên tuổi trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics là Tiki và Giao hàng tiết kiệm cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngóng đợi.

Trong đó, Tiki dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, nhưng nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn muốn đẩy kế hoạch này lên sớm 1 năm. IPO có thể thông qua hình thức SPAC, sáp nhập với công ty thâu tóm chuyên nghiệp.

Việc IPO thành công tại Mỹ có thể mang lại lợi ích lớn trong việc huy động vốn của Công ty. Nếu IPO thành công, Tiki có thể mở đường cho tăng cường đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ non trẻ của Việt Nam. Hồi tháng 5/2022, Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn thứ ba của Tiki sau khi là đối tác chiến lược mua 10% cổ phần đã giúp Tiki đẩy nhanh kế hoạch IPO tại Mỹ. Tháng 11/2021, Tiki đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng đầu tư do AIA Insurance dẫn dắt. Mục đích là nhằm mở rộng thị phần thương mại điện tử, cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai. Các nhà đầu tư trước đây bao gồm Sumitomo Corp, JD.com và Northstar Group.

Trong khi đó, Giao hàng tiết kiệm cũng đang nhắm đến một đợt IPO trong nước vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 để huy động vốn và đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực logistics. Mức định giá của Giao hàng tiết kiệm lên tới 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, đang có nhiều thông tin cho thấy, các nhà đầu tư ngoại vào Giao hàng tiết kiệm đã có cơ cấu phân chia cổ phần trước khi IPO. Cụ thể, Giao hàng tiết kiệm đã về tay SEA Ltd hay Kerry Logistics…

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chứng khoán. Việc tăng lãi suất có thể kích thích nhiều công ty có nền tảng kinh doanh tốt tìm cách niêm yết, tận dụng thị trường chứng khoán để có nguồn đầu tư đa dạng và rẻ hơn.

Riêng thị trường Singapore, giới đầu tư nhận thấy có một sự thay đổi đang diễn ra trong dòng vốn và các doanh nghiệp muốn IPO đang chuyển trụ sở chính sang Singapore. Thậm chí, không loại trừ các tên tuổi có nguồn gốc ở Việt Nam, nhưng chuyển qua đăng ký ở Singapore. Điều này mang lại nhiều cơ hội hơn cho thị trường IPO của Singapore.

“Nếu thị trường Singapore có thể tận dụng sự thay đổi này, thì 2 đến 5 năm tới, rất có thể là những năm vàng son cho thị trường IPO của chúng tôi”, ông Darren Ng, Phó lãnh đạo dịch vụ IPO, Deloitte Singapore cho biết.

Cũng liên quan đến kế hoạch thực hiện các thương vụ IPO, ông Paul Go, Trưởng nhóm IPO toàn cầu của EY cho rằng, mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và khả năng chứng minh lợi nhuận vẫn có thể đạt được định giá tốt hơn và hưởng lợi từ thị trường vốn.

Porsche lên sàn, giải “cơn khát” cho thị trường IPO toàn cầu
Thương hiệu xe hơi hạng sang Porsche sẽ tiến hành IPO tại châu Âu vào cuối tháng 9 với giá trị thương vụ vào khoảng 75 tỷ USD, trở thành thương vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư