Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 14/8: Đề xuất nâng phụ cấp cho y, bác sĩ cơ sở
D. Ngân - 14/08/2022 09:33
 
Lương và phụ cấp của bác sĩ, nhân viên y tế ra trường rất thấp, khó giữ chân nhân viên y tế ở cơ sở y tế công lập.

Lương thấp, khó giữ chân cán bộ y  tế

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. 

Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.

Ảnh minh họa

Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. 

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lương. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.

Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.

TP.HCM: Sẵn sàng nguồn lực ứng phó Covid-19 khi ca mắc tăng trở lại

Ngày 13/8, Sở Y tế TP. HCM vừa có văn bản gửi đến các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế, quận, huyện, TP. Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về việc sẵn sàng công tác thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo hằng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về diễn tiến tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Việt Nam lại có tên trong danh sách các quốc gia có số ca mắc Covid-19 mới cao nhất toàn cầu. 

Theo số liệu ca mắc mới hằng ngày của Bộ Y tế và báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về số ca mắc mới tại TP.HCM cho thấy số ca mắc mới và số ca nặng trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng tăng trở lại.

Sở Y tế đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn chủ động rà soát nguồn lực về nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... để sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại.

Các đơn vị phải tổ chức tập huấn và tập huấn lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, hướng dẫn điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế tại đơn vị. Rà soát, bảo đảm sẵn sàng trang thiết bị, thuốc, phương tiện phòng hộ cá nhân, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm... cho việc điều trị người bệnh Covid-19.

Các Trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức kịp thời tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch tuyến huyện, chịu trách nhiệm triển khai hiệu quả công tác phát hiện, quản lý và chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà và các biện pháp phòng chống lây lan theo quy định.

Trạm y tế phường, xã, thị trấn, các phòng khám tư tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh Covid-19, tham gia triển khai các điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có yêu cầu, tiếp tục triển khai công tác chăm sóc và quản lý người mắc Covid-19 tại nhà qua nền tảng số quản lý Covid-19.

Còn hơn 15 triệu mũi tiêm vắc-xin Covid-19 sai thông tin

Bộ Y tế vừa có văn bản đôn đốc thực hiện cập nhật, "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; Y tế Bộ, ngành. 

Hiện còn khoảng 14 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và 15.330.708 đối tượng có thông tin CCCD/CMND nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác...) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

TP.HCM đang đứng đầu cả nước về số mũi tiêm xác minh sai thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện còn trên hệ thống với 1.491.421 mũi tiêm; tiếp sau là Bình Dương với 1.088.801 mũi; Đồng Nai đứng thứ 3 với 808.389 mũi; An Giang thứ 4 với 728.762 mũi; Hà Nội ở vị trí thứ 5 với 709.128 mũi tiêm; Các tỉnh, thành còn lại dao động từ vài chục nghìn mũi cho đến dưới 500.000 mũi tiêm...

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bản quản lý; các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Y tế Bộ, Ngành khẩn trương cập nhật dữ liệu các mũi tiêm đã thực hiện lên hệ thống. 

Đối với các mũi tiêm mới yêu cầu 100% các cơ sở tiêm chủng cập nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày. 

Bộ Y tế cũng lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ thông tin) để được giải quyết kịp thời.

Kêu gọi người nhóm máu O hiến máu

Trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tiếp nhận được 1.000- 1.200 đơn vị máu, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho 180 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu sử dụng máu nhóm O tại nhiều bệnh viện tăng cao, khiến lượng máu dự trữ nhóm O giảm hẳn.

TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: Khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O nên số lượng người bệnh cần truyền máu nhóm này luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. 

Tỷ lệ dự trữ an toàn với máu nhóm O cần đạt khoảng 50% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị, tuy nhiên đến ngày 11/8, lượng máu O dự trữ chỉ còn 36%.

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu nhóm O, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương mong người dân có nhóm máu O, đủ điều kiện sức khỏe tới hiến máu tại một trong các địa điểm:

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Thời gian từ 7h30- 19h00 tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm); số 10 – ngõ 122 đường Láng (Đống Đa); Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Thanh Trì). Thời gian từ 8h- 12h và 13h30- 17h từ thứ 3 đến Chủ nhật (nghỉ thứ 2 và ngày lễ).

Người tham gia hiến máu cũng có thể hiến máu tại các địa điểm hiến máu khác được đăng tải trên App "Hiến máu".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở về việc đẩy nhanh tiến độ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư