Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
TTC trở lại với giáo dục; Vietnam Airlines sẽ giải xong Pacific Airlines; HĐQT FLC chỉ còn 2 người
Khánh An tổng hợp - 25/06/2022 09:58
 
Vietjet thêm đường bay tới Ấn Độ; Pacific Airlines có trong danh mục tái cơ cấu của Vietnam Airlines; TCC mua Đại học Yersin Đà Lạt để trở lại với giáo dục. FLC, Tân Hoàng Minh tiếp tục có tin mới.

Vietjet mở thêm 4 đường bay đến Ấn Độ

Hãng hàng không Vietjet vừa khai trương thêm 4 đường bay kết nối các điểm đến hàng đầu của hai nước Việt Nam và Ấn Độ, bao gồm TP.HCM/Hà Nội - Mumbai và Phú Quốc - New Delhi/Mumbai. 

,
Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ của Vietjet với chỉ khoảng 5 giờ bay.

Đường bay Phú Quốc-Mumbai được khai thác với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật từ ngày 8/9/2022. 

Các chuyến bay Phú Quốc-New Delhi bắt đầu cất cánh từ ngày 9/9/2022 với 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào thứ Tư, thứ Sáu, Chủ nhật. Các đường bay TPHCM/Hà Nội - Mumbai đã được đưa vào khai thác từ đầu tháng 6.

Trước đó, hai đường bay TPHCM/Hà Nội - New Delhi cũng đã phục hồi trở lại từ tháng 4 với tần suất 3-4 chuyến/tuần cho mỗi chặng. Hành khách có thể mua vé bay đến Ấn Độ với giá khởi điểm chỉ từ 427.000 đồng/chiều.

Các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ của Vietjet với chỉ khoảng 5 giờ bay trong nhiều khung giờ linh hoạt. 

Tập đoàn TTC mua Trường Đại học Yersin Đà Lạt, trở lại ngành giáo dục

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC đã xác nhận thông tin Tập đoàn này đã hoàn tất giao dịch mua lại Trường Đại học Yersin Đà Lạt.

,
 TTC trở lại với ngành giáo dục với thương vụ M&A Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Đây là thương vụ M&A mới nhất, giúp TTC sở hữu lại trường đại học vốn trước đây là thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn. Mặc dù, Chủ tịch Tập đoàn TTC không chia sẻ cụ thể về giá trị thương vụ này, tuy nhiên có thể thấy đây là bước khởi đầu để TTC trở lại với ngành giáo dục, tái lập TTC giáo dục.

Theo ông Đặng Văn Thành, sở dĩ TTC chọn Trường Đại học Yersin Đà Lạt để phát triển lại mảng giáo dục vì Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu rất mát mẻ, ôn hòa… thích hợp làm nơi để học tập và trau dồi kiến thức không chỉ cho nhiều sinh viên đến từ mọi vùng miền của đất nước mà còn cả trong khu vực.

Thành phố này còn là một trong các địa phương có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, mang đến cơ hội cho sinh viên được giao lưu, hội nhập đa dạng bản sắc văn hóa và ngôn ngữ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm để trở thành “công dân toàn cầu” trong tương lai.

Trong tương lai TTC sẽ có chiến lược mở rộng các trường đại học tại các tỉnh thành khác trên cả nước, ông Đặng Văn Thành khẳng định thêm.

Như vậy, bằng thương vụ này, TTC đã chính thức nâng quy mô hoạt động trong 6 lĩnh vực bao gồm: Nông nghiệp - Năng lượng - Bất động sản - Bất động sản Công nghiệp - Du lịch và Giáo dục.

Được thành lập ngày 27/12/2004, Trường Đại học Yersin Đà Lạt là cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên với tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư có tâm huyết.

Vietnam Airlines sẽ hoàn thành tái cơ cấu Pacific Airlines 

,
Vietnam Airlines đặt mục tiêu tập trung tái cơ cấu danh mục đầu tư, trong đó hoàn thành tái cơ cấu Pacific Airlines

Mặc dù doanh thu tăng, Công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước, theo tài liệu họp Đại hội cổ đông mới được công bố.

Năm nay, Vietnam Airlines năm nay là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên.

Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.

Vietnam Airlines cũng dự kiến vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.

Về việc bán 9 tàu bay sản xuất năm 2007-2008, Vietnam Airlines cho biết đã thực hiện bán 2 lần trong năm 2021 nhưng không thành công. Năm 2022, công ty đang triển khai bán 2 tàu thông qua hình thức thuê lại sau khi chuyển đối cấu hình sang tàu chở hàng; tiếp tục triển khai bán 7 tàu còn lại trong thời gian tới.

Hãng hàng không này cũng trình cổ đông thông qua bổ sung điều lệ về việc chuyển nhượng vốn ra ngoài Vietnam Airlines.

Cụ thể, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài công ty, bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH thực hiện theo quy định, đảm bảo các nguyên tắc tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; phản ánh đầy đủ giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc thị trường.

HĐQT Vietnam Airlines đánh giá sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc nối lại các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ không chỉ giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách mà cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho công ty, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, 2021 và quý I/2022 ghi lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm 31/3. Đó là lý do cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát.

Thêm thành viên HĐQT FLC từ nhiệm

Lần này là ông Lã Quý Hiển, theo CTCP Tập đoàn FLC công bố. Ngày 22/06/2022, ông Hiển đã nộp đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT lên Ban lãnh đạo FLC.

,
Ông Lã Quỹ Hiển, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban tài chính Tập đoàn FLC

Ngoài vai trò là thành viên HĐQT, ông Hiển đang đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban tài chính Tập đoàn FLC. HĐQT FLC đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Hiển.

HĐQT cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ của Tập đoàn FLC thông qua việc chính thức miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Lã Quý Hiển tại cuộc họp gần nhất, thời điểm miễn nhiệm kể từ ngày được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2/2022 của Tập đoàn FLC dự kiến diễn ra ngày 2/07, sau khi cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1/2022 tổ chức ngày 10/6 bất thành

Với việc có thêm một thành viên từ nhiệm, HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 của Tập đoàn FLC chỉ còn 2 thành viên gồm ông Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền.

Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026 của FLC hiện không còn bất kỳ nhân sự nào sau khi cả 3 thành viên gồm ông Nguyễn Chí Cương, bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Đăng Vụ từ nhiệm. Tập đoàn này đã chốt danh sách nhân sự mới bầu Ban kiểm soát nhưng, chưa thể bầu chính thức do phiên họp cổ đông ngày 10/6 tổ chức bất thành.

Trong khi đó, FLC hiện chưa công bố danh sách thành viên HĐQT bầu bổ sung.

Dự kiến, ngày 2/7 tới, tập đoàn sẽ tổ chức lại phiên họp cổ đông bất thường với nội dung chính là miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT và Ban kiểm soát với các cá nhân đã từ nhiệm, đồng thời bầu bổ sung nhân sự mới.

Do chưa có đủ thành viên trong HĐQT, FLC chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay.

Tân Hoàng Minh đợi hướng dẫn để chi trả tiền cho nhà đầu tư

Ngày 22/6, Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tiếp tục có buổi trao đổi với đại diện các nhà đầu tư trái phiếu cập nhật tình hình xử lý các vấn đề liên quan đến vụ án xảy ra tại tập đoàn.

Theo đó, ông Vũ Đình Luyện, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, cho biết đến ngày 22/6, số tiền tập đoàn nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) - C03 mở tại Kho bạc Nhà nước là 2.100 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch ban đầu.

Tân Hoàng Minh sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu trong tháng 7, thu xếp đạt khoảng 50-60%. Tại một buổi làm việc trước đó, đại diện tập đoàn này khẳng định số tiền không lớn hơn con số 8.500 tỷ đồng. Con số 10.000 tỷ đồng được ghi nhận trên phương tiện truyền thông là không chính xác.

,
Trụ sở Công ty Tân Hoàng Minh.

Về đề xuất chi trả cho nhà đầu tư số tiền 2.100 tỷ đồng, ông Luyện cho biết Tân Hoàng Minh mong muốn chi trả ngay, song chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này từ C03.

Trước đó, lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho biết đã gửi công văn đến C03 để đề xuất phương án chi trả như sau: Khi số tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của C03 mở tại Kho bạc Nhà nước đạt từ 10% trở lên trên tổng dư nợ của 9 đợt phát hành trái phiếu thì sẽ phối hợp cùng C03 bắt đầu trả cho các nhà đầu tư với tỷ lệ đồng đều tương ứng. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ thông tin cụ thể đến các nhà đầu tư.

Ông cho biết doanh nghiệp đang không có sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao để cùng giải quyết các công việc hiện tại. "Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh đang nỗ lực thu hồi tiền và nộp vào tài khoản của C03. Đối với vấn đề ủy quyền, việc này chưa ảnh hưởng đến công tác chuyển nhượng dự án", ông Luyện khẳng định.

Ngoài ra, đại diện tập đoàn cho biết vẫn đang tích cực chuyển nhượng các dự án như: Hai dự án ở Phú Quốc, dự án Nguyễn Thị Minh Khai, dự án Việt Tiến và dự án Ngọc Hồi.

Tại buổi làm việc, các nhà đầu tư cũng yêu cầu Tân Hoàng Minh ký văn bản đề nghị các cơ quan liên quan chi trả số tiền đã có là 2.100 tỷ đồng.

Rốt ráo thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại Vietnam Airlines
Sau khi bị tổn thương nặng bởi Covid-19, việc triển khai thành công Đề án Cơ cấu lại Vietnam Airlines đóng vai trò quyết định tới khả năng phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư