Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tự chủ đại học: Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền
Mộc An - 17/01/2023 08:05
 
Khó về tài chính là cái khó trầm kha, khiến các cơ sở giáo dục đại học loay hoay khi thực hiện tự chủ.

Khó nhiều mặt

Tại Tọa đàm "Giáo dục đại học: thách thức và cơ hội", bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, các trường đại học đang gặp khó trong tự chủ về tài chính. Theo đó, một số trường đang loay hoay sẽ tự chủ ở mức nào. Ví dụ, tự chủ hoàn toàn thì sẽ không nhận tiền từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu cắt nguồn thu thì không ổn định, mà phụ thuộc quá nhiều vào học phí. Cho nên rất nhiều trường lựa chọn phương án an toàn, tức là tự chủ một phần. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải tính các phương án, gỡ khó để các trường thực sự quyết tâm tự chủ.

Về phía cơ sở giáo dục, đại diện Trường đại học Ngoại thương cho rằng, các quy định liên quan tới tự chủ tài chính còn thiếu và được ban hành chậm hơn so với thực tiễn, nhiều quy định còn chồng chéo, cùng một lúc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, dù Trường đại học Ngoại thương đã xây dựng các dự án phát triển khuôn viên trường, nhưng do cơ chế về huy động nguồn lực bên ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cho nên tiến độ triển khai còn chậm.

Đại diện Trường đại học Thương mại thì cho rằng, trước khi thực hiện tự chủ, ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất của các cơ sở đại học công lập. Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn từ ngân sách giảm dần. Lúc này, nguồn thu của cơ sở đại học chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70 - 80% tổng thu. Theo một nghiên cứu, hiện nguồn thu của các trường từ ngân sách nhà nước đang giảm, trong khi nguồn thu từ học phí, lệ phí tăng lên đáng kể. Nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy được nhìn thấy rõ khi thực trạng trên tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học giữa người dân có thu nhập khác nhau.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT cho hay, về quản trị, hiện nay có không ít rào cản trong thực hiện tự chủ đại học. Theo đó, hành lang pháp lý trong cơ chế tự chủ đại học dù đã từng bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giao việc tự quyết về tuyển sinh, mở ngành, liên kết cho các trường, nhưng vẫn vướng một bất cập cơ bản, đó là yêu cầu chất lượng đi trước.

Bên cạnh đó, trong các quy định về mở ngành và đăng ký chỉ tiêu đào tạo đại học hiện nay đều quy định phải có đủ cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên. Do vậy, Trường phải chuẩn bị trước tất cả những gì cần thiết để chuẩn bị tuyển sinh như đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị đủ từ ngày 31/12 năm trước để đưa vào đề án tuyển sinh, mặc dù còn 9 -10 tháng nữa mới bắt đầu năm học mới. Điều này gây tốn kém khi phải chi phí cho lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất chưa dùng tới, cuối cùng thì các chi phí này đều tính hết vào học phí của người học.

Thay đổi về tư duy

Tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập là xu hướng tất yếu, khi nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của người học là khả năng chi trả cho việc học tập, học phí tại các trường chuyển sang tự chủ tài chính chắc chắn sẽ tăng cao, ít nhất phải gấp 2 lần học phí khi chưa tự chủ tài chính. Mặc dù Chính phủ có quy định về việc cho vay đối với người học, nhưng không phải tất cả người học đều được vay, mà chỉ có những người thuộc diện khó khăn mới được vay, điều này làm hạn chế cơ hội học tập của người học.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ tài chính đối với người học để giúp họ an tâm hơn, nỗ lực hơn trong quá trình học tập và các trường cũng an tâm hơn khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.

Để nâng chất lượng tự chủ tài chính của các trường đại học, theo ông Lê Trường Tùng, Chính phủ cần xem xét các cơ sở giáo dục đại học như một dạng cơ sở sự nghiệp công lập đặc thù, không gắn việc tự chủ của trường với mức độ tự chủ tài chính. Với trường đại học tư, việc hưởng ưu đãi xã hội hóa về thuế và đất nên là mặc định, không gắn việc ưu đãi với phải đáp ứng các tiêu chí tiêu chuẩn như hiện nay.

Ý kiến của lãnh đạo Đại học Thái Nguyên đề xuất, cần tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nhất là các lĩnh vực trọng điểm, ngành đào tạo khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học mũi nhọn. Về đào tạo, với thẩm quyền mở ngành của các trường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy hoạch ngành để cân bằng giữa ngành nhà nước đặt hàng và doanh nghiệp hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo với các trường lớn…

Ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT về ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư