Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ủy ban Tài chính Ngân sách e ngại bỏ sót đối tượng phải đấu thầu
Khánh Linh - 07/11/2022 09:42
 
Ủy ban Tài chính Ngân sách chưa an tâm với cách liệt kê đối tượng điều chỉnh trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu, nghĩa là vừa chọn cho vừa chọn bỏ.
m
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trong phiên làm việc tại Hội trường sáng 7/11

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi.

Nhóm các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đấu thầu tiếp tục là mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội.

Cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, Ủy ban Tài chính Ngân sách lo ngại với cách Dự thảo Luật tiếp cận, là theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật ( vừa chọn cho vừa chọn bỏ).

“Như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh,

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ các hoạt động tại khoản 3 Điều 1 (không điều chỉnh trong luật này) thì được thực hiện theo văn bản pháp luật nào để bảo đảm quản lý chặt chẽ, bao quát toàn diện các vấn đề phát sinh trên thực tiễn.

Ngoài ra, một số hoạt động sử dụng vốn nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, nhưng cũng không được loại trừ tại khoản 3 Điều 111, cần làm rõ sẽ phải áp dụng quy định nào.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề cập đến một số hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê tài sản công; trường hợp doanh nghiệp nhà nước ủng hộ từ kinh phí hợp pháp khác; bệnh viện, tổ chức sự nghiệp thực hiện các hoạt động bán thuốc trong nhà thuốc của bệnh viện công, tiêm chủng vắc-xin dịch vụ.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan rất lớn đến khái niệm “vốn nhà nước” quy định tại khoản 32 Điều 4 của Dự thảo luật. Vì vậy, theo Ủy ban Tài chính, cần tiếp tục rà soát kỹ, quy định về khái niệm “vốn nhà nước” bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đối tác công tư…

Một số ý kiến đề nghị không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị.

Có ý kiến đề nghị, để phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị quy định trong luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được lựa chọn việc áp dụng hoặc không áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đồng tình với đề xuất bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” của dự thảo Luật Đấu thầu so với luật hiện hành, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh, việc bỏ quy định trên nhằm tạo sự đồng bộ với khái niệm doanh nghiệp Nhà nước quy định của Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần rà soát, sửa đổi quy định rõ việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước tại Luật số 69/2014/QH13 để một mặt bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, song phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, đề nghị giữ quy định phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước cấp trực tiếp, vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước từ 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng trên 1.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Liên quan đến nội dung về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Ủy ban Tài chính cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Bởi thực tế thời gian qua những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này xuất phát từ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ quy định tại khoản 3 Điều 51 quy định “Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”.

Một số ý kiến cho rằng tại Chương II (về Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư) không có quy định về lựa chọn nhà thầu theo hình thức đàm phán giá. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá.

Điều 53 cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định tại Chương 2 và quy định rõ nguyên tắc đàm phán giá, bổ sung hành vi nghiêm cấm trong đàm phán giá, trách nhiệm của các chủ thể liên quan thực hiện đàm phán giá, quy trình đàm phán giá vào dự thảo Luật.

Dư địa của Chính phủ trong gỡ khó cho đấu thầu thuốc rất lớn
Người bệnh không thể chờ thuốc thì các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế cũng không thể chờ sửa luật.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư