Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam sẽ có Bộ chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Kỳ Thành - 04/08/2022 08:02
 
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam hiện có một khoảng trống, đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Ngày 3/8, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn Khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam (PII).

PII là tên viết tắt của cụm từ “Public sector Innovation Index”. Hơn 2 tháng nay, nhóm chuyên gia của NIC và UNDP Việt Nam đã cùng nghiên cứu, tìm ý tưởng với mong muốn xây dựng khung chỉ số này nhằm góp sức thúc đẩy khu vực công đổi mới.

Tại Việt Nam, theo lộ trình được nhóm chuyên gia NIC và UNDP chia sẻ, việc xây dựng PII dự kiến thực hiện theo 7 bước, trong đó bước 1 là xây dựng khung khái niệm và hệ thống chỉ tiêu; bước 2 là tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo hôm nay là hội thảo đầu tiên nhằm tham vấn ý kiến của giới chuyên môn trong câu chuyện "rất khó và rất mới" này tại Việt Nam.
Hội thảo tham vấn chuyên gia về khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công tại Việt Nam.

Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội.

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đổi mới sáng tạo mang đến những tác động tích cực, như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 86% đối với quan hệ hợp tác; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội. Động lực của đổi mới sáng tạo mang lại đó là, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân; 65% trường học và viện nghiên cứu sẽ tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo; 62% bằng độc quyền sáng chế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về đổi mới sáng tạo giữa khu vực công và khu vực tư ở tất cả các quốc gia. Cụ thể, khu vực công hoạt động theo logic chính trị và tiến hành các hoạt động được tài trợ từ ngân sách (thuế) nhằm tạo ra hàng hóa công được xác định về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của công dân.

"Các động lực chính của đổi mới sáng tạo trong khu vực công là sự lan toả phi lợi nhận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, đối với khu vực doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận, nên tuân theo logic thị trường", ông Võ Xuân Hoài cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đổi mới sáng tạo là cần thiết ở cả khu vực tư và khu vực công; trong đó, với đối khu vực công, đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội để khu vực công dẫn dắt, định hướng khu vực tư phát triển và gia tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia NIC & UNDP do TS. Phạm Thị Thu Trang trình bày cho biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có khung đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công, trên cơ sở đó Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc cũng đề xuất khung khái niệm Bộ chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công tại Việt Nam.

Mục đích của Bộ chỉ số tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất, cung cấp cái nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thứ hai, đo lường năng lực đổi mới sáng tạo tổ chức công lập trong khu vực công; thứ ba, giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức trong khu vực công; thứ tư, làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc xây dựng một bộ chỉ số sáng tạo nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, đổi mới sáng tạo trong khu vực công có vai trò quan trọng, tạo ra sự đột phá thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều địa phương chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nên để xây dựng bộ chỉ số khả thi và phát huy hiệu quả thì cần có sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, các ngành, có như vậy bộ chỉ số mới phát huy được hết giá trị trong quá trình thực hiện trong thực tế.

Đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, nếu Việt Nam xây dựng được bộ chỉ số này sẽ góp phần thúc đẩy tích cực thay đổi khu vực công.

Ông Thạch cho biết, theo khảo sát của VCCI, nhiều đơn vị công có những sáng kiến, thay đổi trong việc cung cấp dịch vụ công và trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, cần tìm hiểu những sáng kiến nào đang hiệu quả tại các địa phương, bộ ngành và nếu đo lường được sẽ rất hữu ích trong việc khích lệ, nhân rộng ra nền kinh tế.

Ông Thạch góp ý, phạm vi đánh giá về đổi mới sáng tạo để tính chỉ số cho từng đơn vị phải nằm trong thẩm quyền, trong chức năng và nhiệm vụ được làm, đồng thời cần sử dụng kết hợp cả phương pháp tự đánh giá và khảo sát dư luận từ bên ngoài, để tăng tính khách quan khi công bố kết quả.

Việt Nam và Nhật Bản hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
JCCI và JETRO sẽ hỗ trợ hoạt động do NIC tiến hành nhằm hỗ trợ phát triển các công ty khởi nghiệp và các công ty đổi mới sáng tạo của hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư