Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Viettel thêm sáng chế được bảo hộ tại Mỹ; Kinh Bắc xây khách sạn 5 tỷ USD; Bầu Đức bắt tay Dược phẩm Đông Á
Khánh An tổng hợp - 28/05/2022 09:50
 
Trong khi Viettel, Tập đoàn Kinh Hắc, Hoàng Anh Gia Lai... có nhiều kế hoạch lớn, thì Mai Linh vẫn lỗ luỹ kế hơn 1.400 tỷ đồng... là một số thông tin đáng chú ý tuần qua.

Viettel có thêm 2 sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ

Tháng 5/2022, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX), một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức được Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho 2 công trình thuộc lĩnh vực quang điện tử và công nghiệp vật liệu.

.
Viettel là doanh nghiệp có số lượng đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam.

Sáng chế "Hệ quang học gương cầu cho thiết bị ảnh nhiệt sóng trung" ra đời vào năm 2017, giải quyết bài toán tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo được camera core, giảm thiểu tối đa việc phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, sáng chế "Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp chịu nhiệt độ cao" giúp sản xuất vật liệu đáp ứng được các điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực quân sự.

Số lượng các sáng chế của Viettel ngày càng tăng, bao trùm trên cả lĩnh vực quân sự, dân sự, khẳng định vị thế tiên phong công nghệ, hướng tới mục tiêu trở thành nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel. Đến nay, Viettel đã được cấp 56 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và được USPTO cấp 11 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.

Các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ đã minh chứng cho năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất, chế tạo công nghệ cao. Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ, bằng sáng chế do Mỹ cấp được coi là cơ sở tham chiếu có giá trị trong trường hợp cần đăng ký sáng chế tại một quốc gia khác.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2021, Viettel là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam.

Mới đây, 2 công trình thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Viettel cũng đã được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng nhà nước cao quý nhất về khoa học và công nghệ.

Những thành tựu của Viettel xuất phát từ việc luôn duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đổi mới sáng tạo. Viettel đã thu hút các kiến trúc sư trưởng, kỹ sư đầu ngành có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất và làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ cao. 

Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của Viettel được tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc nghiên cứu, sáng chế. Viettel đồng thời cũng có chính sách khen thưởng đặc biệt cho tác giả có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích...

Kinh Bắc xây khách sạn 5 tỷ USD tại Hải Phòng

Thông tin được đích thân ông ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề "Theo dấu người khổng lồ" của Báo Đầu tư.

.
Ông Đặng Thành Tâm tham gia Talkshow Chọn danh mục với chủ đề "Theo dấu người khổng lồ" của Báo Đầu tư.

Ông thông tin về việc ký kết với Tập đoàn Hyatt (Mỹ) để đầu tư dự án khách sạn 5 tỷ USD tại Hải Phòng. Cụ thể, Kinh Bắc đã đền bù và giải tỏa xong, đất đã sẵn sàng và đã nộp cả tiền sử dụng đất.

Dự án 5 tỷ USD này gồm một chuỗi các công trình như xây dựng 1.000 phòng khách sạn và resort, không những thế còn có 1.000 căn villa và 1.000 căn hộ cao cấp.

Theo báo cáo thường niên 2021, tính đến 31/12/2021, Kinh Bắc đang quản lý gần 5.216 ha đất phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 4,22% tổng số diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và xấp xỉ 1.178 ha đất phát triển khu đô thị, dân cư. Trong đó, 1.013 ha đất khu công nghiệp thuộc 4 khu đã được lấp đầy 100% và một khu có diện tích 426 ha đã lấp đầy 96,78%.

Công ty đang tăng tốc đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN và KĐT bao gồm: KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ; KCN Tràng Duệ mở rộng; Cụm công nghiệp Hưng Yên, Cụm công nghiệp Long An; Đại dự án Tràng Cát.

Quý I/2022, doanh thu thuần của KBC giảm 65,5% còn 691,6 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng  - mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu giảm 82,3% từ 1.794,1 tỷ đồng còn 317,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 523,3 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ.

Bầu Đức bắt tay với Dược phẩm Đông Á lập công ty buôn bán thực phẩm

HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập công ty con trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm.

Công ty con sẽ có tên Công ty cổ phần BAPI Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL), trụ sở đặt tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Bapi HAGL có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó HAG góp 55%, tương ứng 27.5 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á chiếm 40% cổ phần; bà Hoàng Thị Kim Nhung góp 5% vốn điều lệ BAPI.

Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Đinh Văn Lộc.

,
Dược phẩm Đông Á có nhà máy sản xuất tỏi đen có diện tích lớn nhất Việt Nam vào năm 2020.

Ông Lộc sinh năm 1971, hiện tại là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á có trụ sở tại Hà Nội. Công ty Thương mại Dược phẩm Đông Á ra đời với lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là kinh doanh dược phẩm ở miền Bắc. Sau đó, doanh nghiệp mở rộng dần sang các lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, logistics, kho vận, phân phối.

Những năm gần đây, Công ty này tập trung nguồn lực cho mảng thực phẩm chức năng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tỏi đen có diện tích lớn nhất Việt Nam vào năm 2020.

Trước đó, ông Đoàn Nguyên Đức – bầu Đức, Chủ tịch HĐQT HQGL đã nhắc tới quyết định kết hợp với đối tác chuyên phân phối thịt heo là CTCP Bapi để tiêu thụ và phân phối sản phẩm thịt heo ăn chuối. Dự kiến, sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường trong tháng 7 này.

Theo kế hoạch, HAGL sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt trong năm 2022 (trong đó gồm 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm chuồng trại tại Campuchia), nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 cụm với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2,400 con heo nái và 60,000 con heo thịt).

Lỗ luỹ kế hơn 1.400 tỷ đồng, Mai Linh vẫn đầu tư thêm đội xe

Mai Linh lỗ bốn năm liên tiếp, trong đó hai năm gần nhất lỗ đậm vì hoạt động kinh doanh taxi sa sút, nâng lỗ luỹ kế lên trên 1.400 tỷ đồng.

,
Mai Linh ước tính đến cuối năm có đội xe gần 17.000 chiếc, trong đó khoảng 290 xe mới được đầu tư.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Tập đoàn Mai Linh ghi nhận khoản lỗ sau thuế 271 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 185 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết kiệm đáng kể nhưng công ty vẫn không tránh được khoản lỗ nặng vì taxi – mảng kinh doanh cốt lõi – bị ngưng trệ trong nhiều tháng theo yêu cầu chống dịch của Chính phủ.

Năm ngoái, Mai Linh có doanh thu 1.070 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch. Ban lãnh đạo công ty cho biết dịch vụ taxi đóng góp khoảng 72% vào tổng doanh thu, giảm mạnh so với mức gần 82% của năm trước. Nguồn thu còn lại đến từ cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phụ tùng, cho thuê phương tiện, quảng cáo.

"Trong thời gian đại dịch, doanh thu hoạt động vận tải giảm sút nghiêm trọng nên công ty phải triển khai các ngành nghề mới như logistic và bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ, đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội)", Chủ tịch HĐQT Hồ Huy viết trong báo cáo thường niên.

Công ty đã lỗ liên tiếp bốn năm từ khi hợp nhất ba công ty ở ba miền thành Tập đoàn Mai Linh năm 2018. Lỗ luỹ kế khiến vốn chủ sở hữu của công ty vào cuối năm ngoái còn chưa đến 3 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả xấp xỉ 4.200 tỷ đồng.

Trong báo cáo công bố vài ngày trước, HĐQT Mai Linh thừa nhận công ty đang mất cân đối tài chính bởi không tránh khỏi những ảnh hưởng từ việc kinh tế sụt giảm; thu nhập người lao động bấp bênh; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Công ty cũng lo ngại xăng dầu tăng giá và chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hồi phục được sau dịch sẽ kéo dài tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh.

Dù vậy, Công ty vẫn đề ra mục tiêu cải thiện các chỉ tiêu tài chính nhờ tín hiệu hồi phục ban đầu của lĩnh vực kinh doanh taxi. Cụ thể, doanh thu năm nay dự kiến tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, lên 1.673 tỷ đồng và lãi sau thuế 38 tỷ đồng.

Công ty ước tính đến cuối năm có đội xe gần 17.000 chiếc, trong đó khoảng 290 xe mới được đầu tư.

Viettel có thêm 2 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ
Tháng 5/2022, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) vừa được USPTO cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho hai công trình thuộc lĩnh vực quang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư