Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Vinamilk và Kido chia tay Vibev; Ông Bùi Thành Nhơn trở lại Novaland; WinCommerce chơi lớn trong năm 2023
Khánh An tổng hợp - 04/12/2022 10:34
 
Vinamilk và Kido chia tay Vibev; Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại Chủ tịch HĐQT Novaland; WinCommerce chơi lớn trong năm 2023 với kế hoạch mở mới 1.500 điểm bán. Chủ sở hữu Heo ăn chay mua doanh nghiệp. Chuỗi gia dụng của FPT Shop chạm mốc 200 cửa hàng.

Vinamilk và Kido chấm dứt lương duyên mang tên Vibev

Thay mặt hội đồng quản trị, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Kido vừa ra quyết định thông qua việc dừng và giải thể Công ty TNHH liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev do Vinamilk và Kido đồng thành lập. 

,
Vibev đã bị thua lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng sau gần hai năm hoạt động.

Nguyên nhân giải thể được ông Thành đưa ra là "trước những ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, những biến động khó đoán tại thị trường trong nước, cùng với đó là một số thay đổi trong định hướng phát triển của Tập đoàn Kido".

Cùng thời điểm, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - cũng thông báo về việc giải thể liên doanh trên. 

"Do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido", bà Liên chia sẻ lý do giải thể.

Theo thông tin được công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào đầu tháng 12/2022, phía Vinamilk cho biết sẽ "phối hợp với Kido và Vibev trên tinh thần hợp tác để thực hiện các thủ tục giải thể Vibev theo quy định pháp luật". 

Trước đó vào ngày 9/6/2020, Vinamilk và Kido bất ngờ thông báo sẽ thành lập liên doanh mới có tên gọi Vibev. Liên doanh này tập trung sản xuất kinh doanh nước giải khát (trà, trà sữa...), các loại kem và thực phẩm đông lạnh. 

Đến 1/3/2021, Vibev chính thức được thành lập, có tổng vốn đầu tư ban đầu 400 tỉ đồng, trong đó Vinamilk góp 51% (204 tỷ đồng) và Kido góp 49% (196 tỷ đồng).

Vào thời điểm đó, ông Mai Xuân Trầm, Tổng giám đốc Vibev, cho biết ở thị trường Việt Nam ngành giải khát không gas là nhóm ngành vô cùng tiềm năng. Về nước tươi hay đồ uống tươi, các đơn vị cung ứng trên thị trường hiện nay đa số là quy mô nhỏ, công nghệ kỹ thuật còn hạn chế và phục vụ trong phạm vi nhỏ.

Vì vậy, liên doanh mới sẽ khai phá thị trường này dựa trên thế mạnh của cả hai, từ đó thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thức uống không cồn có lợi cho sức khỏe.

Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất của Kido, có thể thấy đến cuối quý 3/2022 giá trị khoản đầu tư của Kido tại Vibev đã bị giảm còn 160 tỷ đồng (tỉ lệ sở hữu vẫn 49%). Đồng nghĩa với việc Vibev đã bị thua lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng sau gần hai năm hoạt động.

Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại cương vị Chủ tịch HĐQT Novaland

“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của Novaland vì bản thân cho rằng đã là doanh nhân thì cần chấp nhận đối mặt khó khăn và thách thức. Tôi hiểu trở ngại này vừa vượt qua, khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục tỏa sáng, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ.

,
Novaland đang thực hiện thủ tục xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi cơ cấu HĐQT.

Việc trở lại của ông Bùi Thành Nhơn là một trong những nội dung của Đề án tái cấu trúc Novaland mà Novaland đang thực hiện thủ tục xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi cơ cấu HĐQT.

Công ty điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 và bầu lại thành viên HĐQT. Theo đó, HĐQT của Novaland đã nhận đơn từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT của ông Jeffrey David Perlman, ngày hiệu lực từ 30/11.

Trước tình hình biến động kinh tế vĩ mô thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, HĐQT cùng ban điều hành Tập đoàn Novaland đưa ra những giải pháp mạnh mẽ. Cụ thể, Tập đoàn tinh giảm các ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược.

Song song mời chuyên gia, các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới giúp tái cấu trúc, Novaland đặt mục tiêu đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty cho biết đang cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY-Parthenon, công ty luật YKVN… đánh giá tổng thể tình hình để đưa ra giải pháp tái cấu trúc toàn diện.

20/1/2022, ông Bùi Thành Nhơn đã từ nhiệm chức danh này kể từ 20/1 và đồng thời không tham gia vào HĐQT của doanh nghiệp. Khi đó, ông cho biết lý do là để tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ tập đoàn NovaGroup để trao quyền cho đội ngũ mới.

Ông Bùi Thành Nhơn là nhà sáng lập và là Chủ tịch HĐQT NovaGroup. Ông Nhơn được ghi nhận là một trong những chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại TP HCM khi thành lập Công ty TNHH Thành Nhơn từ năm 1992 - tiền thân của NovaGroup hiện nay.

WinCommerce dự kiến mở mới hơn 1.500 điểm bán trong năm 2023

WinCommerce là nền tảng bán lẻ hiện đại lớn hàng đầu Việt Nam với hơn 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích, có mặt tại 62 tỉnh, thành. Mỗi tháng, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa “tươi ngon thượng hạng” đến 30 triệu lượt khách hàng, mang lại sự tăng trưởng cho các nhà sản xuất nội địa và quốc tế.

,
Năm nay, WinCommerce tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ mới.

Năm nay, WinCommerce tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ mới. Đồng thời, doanh nghiệp ra mắt thành công hệ sinh thái WINLife, khai trương gần 100 cửa hàng WIN, thu hút hơn 500.000 khách hàng tham gia chương trình hội viên tính đến tháng 11.

Tiếp đà phát triển, trong năm 2023, Công ty dự kiến mở mới hơn 1.500 điểm bán, đưa quy mô toàn chuỗi chạm mốc 5.000 siêu thị và cửa hàng, có mặt tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, WinCommerce phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt một cách trọn vẹn, tăng trưởng doanh thu vượt trội.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan  chia sẻ: “Dù thị trường gặp nhiều khó khăn, WinCommerce vẫn liên tục mở rộng, đầu tư và đổi mới để trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu. Năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai chương trình hội viên WIN ra toàn hệ thống, đưa số lượng hội viên lên 10 triệu người, phát triển mô hình partnership (đối tác) cung ứng hàng hóa và các sản phẩm tài chính”.

Mục tiêu đến năm 2025, WinCommmerce sẽ kết nối 30-50 triệu người tiêu dùng Việt thông qua 8.000 siêu thị - cửa hàng và mô hình partnership số 1 thị trường; doanh thu online chiếm 10% doanh thu; tăng số lượng khách hàng phục vụ mỗi ngày từ 600.000 nghìn lên 2 triệu”, ông Danny Le nói thêm.

Chủ sở hữu thương hiệu Heo ăn chay tiếp tục mua lại doanh nghiệp chăn nuôi

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) vừa thông qua nghị quyết nhận chuyển nhượng 717.282 cổ phần, chiếm 99,9% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Chăn nuôi Kim Hợi (trụ sở tại Bình Phước, thành lập từ năm 2016). BAF giao cho đại diện là bà Bùi Hương Giang thực hiện thương vụ. 

,
BAF vừa thông qua nghị quyết nhận chuyển nhượng 99,9% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Chăn nuôi Kim Hợi.

Về BAF, Công ty vừa công bố dòng Heo ăn chay độc quyền tại Công ty mình. Được biết, heo BaF được nuôi bằng “cám chay” độc quyền tại Công ty.

Tương tự HAGL (heo ăn chuối bán độc quyền tại cửa hàng Bapi Food), thịt heo BaF và các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả giò… hiện được bán độc quyền tại chuỗi cửa hàng Siba Food và mô hình xe bán thịt Meat shop. Đến nay, hệ thống có khoảng 60 cửa hàng Siba Food và 250 Meat Shop. Kế hoạch đến 2023 sẽ mở rộng lên 100 cửa hàng Siba Food và 1.000 cửa hàng Meat Shop.

Quý III/2022, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.920 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn giảm rất mạnh, lợi nhuận gộp tăng gấp 3 lần lên 215,6 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế quý BAF là 158 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với quý 3/2021. Mỗi ngày BAF "bỏ túi" 1,75 tỷ đồng lợi nhuận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BAF đạt 4.890 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Giải trình về kết quả trên, BAF cho biết 9 tháng qua, sản lượng và doanh thu tăng do cơ cấu đàn dần đi vào ổn định, các trại mới đã đi vào vận hành. Cùng với đó, giá heo hơi trung bình quý 3 tăng 21% so với năm trước, tác động làm chỉ số kinh doanh tăng.

Chuỗi gia dụng của FPT Shop chạm mốc 200 cửa hàng

FPT Shop tổ chức khai trương cửa hàng gia dụng thứ 200. Đây là cột mốc sau 1,5 năm từ khi nhà bán lẻ này lấn sân sang lĩnh vực mới này, hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ năm 2021. Gia dụng cũng là ngành hàng mũi nhọn được hệ thống tập trung phát triển.

,
FPT Shop tổ chức khai trương cửa hàng gia dụng thứ 200.

Đại diện FPT Shop cũng chia sẻ thêm về kế hoạch trong năm 2023 sẽ tiếp tục mở rộng, nâng số cửa hàng gia dụng lên 400 và có mặt đầy đủ 63 tỉnh thành đất nước, trở thành địa điểm uy tín và thân thuộc nhất với tất cả khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Shop sẽ chú trọng tới chất lượng sản phẩm và các nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản. Bước đầu, các sản phẩm thuộc thương hiệu Iris Ohyrama – một trong những thương hiệu gia dụng nổi tiếng tại Nhật Bản sẽ được bán độc quyền tại FPT Shop.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, chuỗi FPT Shop có 745 cửa hàng, tăng thêm 98 cửa hàng so với đầu năm 2022. Ngoài ra, Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm.

Vibev chính thức tiến vào thị trường nước giải khát tại Việt Nam
Vibev đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư