Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu lao động tháng 9 cao gấp hơn 10 lần cùng kỳ
Thùy Liên - 11/10/2022 16:29
 
Thị trường xuất khẩu lao động bắt đầu hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 người, đạt 114,47% kế hoạch cả năm.
f
Xuất khẩu lao động phục hồi mạnh

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2022 là 8.180 người (2.687 lao động nữ), gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đài Loan với 5.027 lao động (trong đó có 1.485 lao động nữ); Nhật Bản: 2.775 lao động (1.164 lao động nữ), Trung Quốc: 168 lao động nam, Singapore: 49 lao động nam, Hungary: 46 lao động (37 lao động nữ), Hàn Quốc và Liên Bang Nga mỗi nước: 21 lao động nam, Algeria: 18 lao động nam, Hồng Kông và Ba Lan mỗi nước: 17 lao động nam và các thị trường khác.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động (37.299 lao động nữ) đạt 114,47% kế hoạch năm 2022. Đầu năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động.

Trong 9 tháng đầu năm, Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất với 51.859 lao động (23.421 lao động nữ), Đài Loan: 44.584 lao động (13.329 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.668 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.498 lao động (02 lao động nữ), Trung Quốc: 643 lao động nam, Rumania: 540 lao động (102 lao động nữ), Hungary: 522 lao động.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc, bàn về thúc đẩy đưa lao động Việt Nam có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: phía Việt Nam đánh giá cao chủ trương, chính sách của Hàn Quốc trong việc mở rộng tiếp nhận lao động kỹ thuật nói chung và lao động ngành đóng tàu nói riêng.

Đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ vấn đề thiếu hụt nhân lực tại Hàn Quốc và mở ra nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Hai vị Thứ trưởng thống nhất những quan điểm để hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh việc đưa lao động có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc, đồng thời, tăng cường phối hợp thông tin để quản lý và giám sát nhằm hạn chế các vấn đề phát sinh có liên quan đến người lao động tại Hàn Quốc gây ảnh hưởng không tốt đến chương trình; sớm nghiên cứu và ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận lao động kỹ thuật ngành đóng tàu.

Trước đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản - JITCO đã phối hợp tổ chức Hội thảo tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch COVID-19.

Hiện có trên 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng đối với Nhật Bản, trong hơn 30 năm qua, có trên 350.000 thanh niên Việt Nam đã tới quốc gia này để thực tập kỹ năng. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích do điều kiện làm việc và sinh hoạt phù hợp, thu nhập cao. Do già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp, thời gian tới, nhu cầu về lao động nước ngoài của Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng lên. Người sử dụng lao động Nhật Bản ưa thích và mong muốn tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam.

Đây là các yếu tố có thể khẳng định trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều lao động, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.

Mở cửa đường bay: Xuất khẩu lao động hụt cả nguồn cung lẫn thị trường
Một số thị trường tiếp nhận lao động bắt đầu tuyên bố mở cửa trở lại. Tuy vậy, sau 2 năm gần như đóng băng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư