Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu sang EU được lợi từ EVFTA
Thế Hải - 30/09/2022 09:04
 
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi hơn 2 năm đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU..
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững để khai thác EVFTA thực chất hơn.

Sau hơn 2 năm Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi (8/2020), quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt Nam - EU đạt được những kết quả ấn tượng.

EVFTA cũng được đánh giá là hiệp định thương mại tự do có mức độ thực thi nhanh nhạy nhất trong số các FTA thế hệ mới gần đây.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm thứ hai thực thi Hiệp định EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực; trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ, tăng 0,2%.

8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với 8 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 32 tỷ USD, tăng 24%; xuất siêu sang EU 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc và thiết bị (34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo |(22,2%)...

Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU, điển hình như: dược phẩm (7,6%), hóa chất (102%), gỗ và sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc (15,5%), sữa và sản phẩm sữa (29,1%), chế phẩm thực phẩm khác (45,3%) và các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

"Thương mại song phương Việt Nam - EU đạt được kết quả tích cực nhờ cú hích EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh giao thương và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch và các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ông kỳ vọng, tới đây khi Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đi vào thực thi sẽ mở ra nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng với EU.

Một chỉ dấu quan trọng trong thực thi FTA, là tận dụng ưu đãi thuế quan, EVFTA cũng là hiệp định được doanh nghiệp hiểu và tận dụng tốt.

Cụ thể, 6 tháng 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này. Con số 25% chưa tính lượng hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo GSP

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tới, để khai thác thực chất hơn EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi sản xuất mạnh mẽ hơn, chú trọng đến các tiêu chí về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững., đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu mà thị trường EU đặt ra, kể từ nhóm sản phẩm công nghiệp cho tới nông thủy sản.

EU là thị trường rộng lớn, nhập khẩu 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, dù hàng Việt tăng tốc sang EU nhưng mới chiếm chưa đầy 2% thị phần tại thị trường này. Hàng hóa được xuất khẩu chủ yếu sang Đức, Pháp, Italia, Hà Lan...

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tập trung vào thị trường lớn như Hà Lan, Đức, Pháp, Italia…chưa xúc tiến xuất khẩu sang được các thị trường còn lại trong khối, như  Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, trong khi các thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn...

Tất nhiên, EU là thị trường có tiêu chuẩn cao về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi này buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải có sự chuyển đổi để thích ứng nếu muốn gia tăng xuất khẩu bền vững.

"Thời gian tới, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sang các thị trường còn lại của khối để gia tăng kim ngạch xuất khẩu", ông Linh lưu ý.

Việt Nam - EU bàn chuyện thực thi hiệu quả EVFTA
Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư