Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Minh bạch thông tin để thúc cổ phần hóa
NQS - 20/07/2016 10:13
 
Việc áp dụng Nghị định 81/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Nghị định 87/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước, với nhiều bước cải cách theo hướng tiệm cận các chuẩn minh bạch thông tin áp dụng đối với DN niêm yết, đã bước sang năm thứ hai.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Bộ Tài chính đang tính toán tiến tới chấm điểm, xếp hạng DNNN về mức độ minh bạch. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vẫn có sự chênh lệch lớn về mức độ minh bạch thông tin giữa DNNN so với các DN bắt đầu tiến hành cổ phần hóa gắn với chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và lên sàn.

Thực tế trên cho thấy mục tiêu của nhà hoạch định chính sách là thúc đẩy DNNN minh bạch thông tin tương đương như DN niêm yết chưa đạt yêu cầu. Hệ quả như nhìn nhận của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ tài chính, là đang tác động không tích cực đến nỗ lực đẩy nhanh CPH, thu hút nhà đầu tư tham gia các đợt IPO. Khi bước vào chuẩn bị các khâu cổ phần hóa, IPO, các DN mới... cuống cuồng minh bạch thông tin, còn trước đó thì lơ là, làm theo kiểu đối phó. Điều này giải thích tại sao nhà đầu tư bức xúc, ít mặn mà tham gia các đợt IPO.

“Qua kiểm tra mẫu việc minh bạch thông tin tại 9 tập đoàn, Bộ Tài chính nhận thấy, cơ bản đã công khai báo cáo tài chính, nhưng các thông tin về chiến lược, tình hình hoạt động thì chưa công khai…”, ông Tiến nói.

Để thúc các DNNN minh bạch thông tin, Bộ Tài chính đang đôn đốc các DNNN, đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn, kể cả các DNNN đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối, tuân thủ nghiêm các quy định về minh bạch thông tin.

“Trong quý III/2016, nếu các DN không công khai các thông tin thuộc nghĩa vụ phải công bố, nhất là báo cáo tài chính năm 2015, thì Bộ Tài chính sẽ có công văn nhắc nhở lãnh đạo DN, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu để thúc đẩy DN tuân thủ, đồng thời đề nghị đánh giá lãnh đạo DN về chấp hành công khai thông tin. Không đánh giá DN tốt hay xấu, mà đánh giá thẳng vào lãnh đạo DN hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là về minh bạch thông tin…”, ông Tiến cho hay.

Để chuẩn hóa kỹ thuật minh bạch thông tin, Bộ Tài chính đang phối hợp với các hiệp hội, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. HCM xây dựng quy chế về công khai thông tin của DNNN để cố gắng áp dụng trong năm nay. DNNN thuộc sở hữu của toàn dân, nên mức độ minh bạch phải cao hơn cả công ty đại chúng.

Bộ Tài chính đang tính toán tiến tới chấm điểm, xếp hạng DNNN về mức độ minh bạch, mà trước mắt là dựa trên đánh giá báo cáo tài chính, đồng thời bình chọn, trao thưởng cho các DN đạt điểm cao về minh bạch tương tự như đang áp dụng với các DN niêm yết. “DN nào không tham gia cuộc bình chọn này, chắc là có vấn đề, khi đó nhà quản lý, thị trường sẽ biết. Điều này sẽ tạo sức ép để DN cải thiện mức độ minh bạch, qua đó nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả sử dụng đồng vốn của dân, của nhà nước”, ông Tiến nói.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp trên sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức độ minh bạch thông tin giữa DNNN và DN tiến hành cổ phần hóa gắn với lên sàn. Khi đó sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin sớm về DN, để có một quá trình theo dõi, đánh giá DN trước khi đưa ra quyết định đầu tư, qua đó giảm thiểu rủi ro, chứ không phải đợi đến khi DN tiến hành IPO mới tiếp cận được thông tin như hiện tại. Đây được xem như một giải pháp mới nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, gia tăng thu hút nhà đầu tư tham gia các đợt IPO.

Nhiều tập đoàn lớn như PVN, TKV, VRG, Vinachem... "né" công bố thông tin theo quy định
Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty, các bộ, ngành, địa phương đã không nghiêm túc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư