Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Mưa” cổ phiếu ESOP giá hời
Thanh Thủy - 03/10/2019 10:27
 
Tưởng thưởng người tài bằng cổ phiếu ESOP (cổ phiếu được phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động) đang được áp dụng ngày càng phổ biến, nhưng làm sao để cân bằng lợi ích các bên vẫn là bài toán lớn tại các doanh nghiệp hiện nay.
.
PNJ phát hành ESOP nhằm tạo động lực, niềm tin và sự gắn bó với cán bộ, nhân viên trong Công ty. Ảnh: Đức Thanh.

“Củ cà rốt” tưởng thưởng

Một ngoại lệ đã xuất hiện trong đợt phát hành cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt năm 2019 của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ông Robert Alan Willett, thành viên HĐQT độc lập, dù chưa đủ điều kiện về thâm niên công tác, nhưng được mua 400.000 cổ phiếu, với giá 61.050 đồng/cổ phiếu - chiết khấu 25% so với mức giá đóng cửa 10 phiên giao dịch liên tiếp. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng một năm.

Người đàn ông đến từ Anh quốc này là cựu Giám đốc điều hành BestBuy International và hiện cũng ở trong HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa gia nhập PNJ hồi tháng 4 năm ngoái. “Mở đường ray mới trong mảng kinh doanh mới”, “đóng góp cho chiến lược phát triển và hoạt động vận hành” cùng “mong muốn gắn bó lâu dài” của ông Robert là các lý do PNJ thuyết phục cổ đông.

Ngoài 400.000 cổ phiếu bán ưu đãi cho riêng người lao động đặc biệt này, PNJ còn phát hành gần 2,23 triệu cổ phiếu cho thành viên HĐQT, thành viên ban điều hành, lãnh đạo chủ chốt thuộc PNJ và đơn vị thành viên với giá 20.000 đồng, tương đương 1/4 thị giá và thời gian hạn chế chuyển nhượng chia từng phần trong 3 năm.

“Củ cà rốt” mang tên cổ phiếu ESOP được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tưởng thưởng người tài, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán…, nơi mà nhân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ngân hàng lên chương trình/hoàn tất tưởng thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, bao gồm SeABank, VIB và sắp tới là MBBank, Techcombank.

VIB là một trường hợp khá đặc biệt vì nguồn cổ phiếu phân phối tới cán bộ, công nhân viên là cổ phiếu quỹ mua hồi cuối năm 2017 và người lao động không cần bỏ tiền mà sử dụng nguồn từ quỹ của Ngân hàng. Sau 2 năm chia cho cán bộ, công nhân viên và đợt chia thưởng cho toàn bộ cổ đông hồi tháng 7, “kho” cổ phiếu quỹ đã được phân phối hết.

Còn tại Techcombank, giá bán 3,5 triệu cổ phiếu ESOP là 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đợt phát hành lại có “ưu đãi” lớn khi không hạn chế chuyển nhượng. Với thị giá 23.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, người lao động Ngân hàng bỏ ra 1 đồng vốn đã có thể nhận 1,3 đồng lời nếu bán ngay.

Trong khi đó, MBBank cũng đặt mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hạn chế chuyển nhượng 5 năm. Đều đặn sau 2 đợt năm 2015 và 2017 phát hành lần lượt 15 triệu và 17 triệu cổ phiếu, đợt phát hành năm nay của MBBank có khối lượng tăng vọt lên 43 triệu cổ phiếu, tương đương 2% vốn điều lệ.

Hay ngay trong tháng 8 vừa qua, Chứng khoán Bản Việt vừa phát hành ESOP năm thứ hai liên tiếp với 1,7 triệu cổ phiếu. Chương trình ESOP này cũng đã được Chứng khoán SSI duy trì 5 năm qua và dự kiến tiếp tục trong năm nay.

Bài toán cân đối lợi ích

Mặc dù chịu quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng, giá phát hành cổ phiếu ESOP thông thường được chiết khấu đáng kể, bằng một nửa hay 1/3 giá giao dịch hiện tại. Trong trường hợp của Công ty cổ phần VNG, 39 nhân sự của VNG được phân phối 766.000 cổ phiếu chủ yếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, giá bán một phần nhỏ cổ phiếu là 30.000 đồng. Nhưng chỉ cách đó vài tháng, có các nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 662 tỷ đồng để mua lại 355.820 cổ phiếu quỹ của Công ty (giá bình quân 1,86 triệu đồng/cổ phiếu).

Cũng có nhiều trường hợp người lao động nghỉ việc giữa thời gian hạn chế chuyển nhượng và phải bán lại cho công ty theo giá đã mua hay diễn biến giá cổ phiếu tiêu cực khiến người lao động không đủ hòa vốn trong khoản đầu tư này. Tuy nhiên, ở phần lớn các trường hợp, đặc biệt khi doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh tốt, người lao động thường sẽ được món hời từ chương trình ưu đãi này.

Về phía công ty, có chương trình ESOP sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để thưởng cho nhân viên, nhưng cũng có chương trình huy động được tiền vừa giúp tăng vốn điều lệ, vừa bổ sung vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với giá vốn rẻ, áp lực bán chốt lời cổ phiếu ESOP lại là nguyên nhân khiến cổ phiếu gặp lực cản lớn để có thể vượt lên về giá.

Bài toán cân đối giữa lợi ích của công ty, cổ đông và nhân viên trong việc tăng lương hay phát hành cổ phiếu ESOP đều thường xuyên được đặt ra, trong đó các lá phiếu của các cổ đông tại đại hội đồng cổ đông đối với tờ trình phát hành thể hiện tiếng nói nhất định.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Techcombank, chỉ có 78,72% ý kiến cổ đông tán thành phương án phát hành cổ phiếu ESOP. Ngân hàng này cũng không phát hành cổ phiếu sau đó. Tới kỳ họp năm 2018, tỷ lệ biểu quyết tán thành đã lên 99,86%, nhưng giảm về còn hơn 95% trong năm vừa qua, phần lớn cũng vì “ưu đãi” không hạn chế chuyển nhượng. 

2-3 năm gần đây cũng là khoảng thời gian bứt phá mạnh về lợi nhuận của nhóm ngân hàng nói chung và riêng Techcombank khi ngân hàng tư nhân này lần đầu cán mốc 10.000 tỷ đồng lãi trước thuế.

Hiệu quả về tài chính là lý do thuyết phục nhất với các cổ đông khi “cân đong” trong bài toán lợi ích này.

PNJ phát hành ESOP cho cán bộ, công nhân viên năm nay là năm thứ hai liên tiếp. Nhìn lại 5 năm qua, lợi nhuận của PNJ đã tăng gấp 5,6 lần. Kế hoạch lãi ròng năm 2019 lên tới 1.181 tỷ đồng, lần đầu vượt mốc ngàn tỷ và đến nay cũng đã hoàn thành 60% kế hoạch sau 8 tháng, dù có thời gian gặp vướng với hệ thống quản trị ERP - SAP.

Chương trình phát hành ESOP, theo Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông, nhằm tạo động lực, niềm tin và gắn bó với cán bộ nhân viên trong Công ty, từ đó tạo sự gắn bó lâu dài. Hay với trường hợp của ông Robert Alan Willett, kinh nghiệm về hệ thống bán lẻ, chuỗi cung ứng và mạng lưới quan hệ (network) trên toàn thế giới của ông sẽ giúp PNJ rất lớn trong tương lai. Kỳ vọng đạt được từ chương trình ưu đãi nhân viên này rất rõ ràng trong quyết định của PNJ.

Phát hành cổ phiếu ESOP là chiến lược quan trọng trong quản trị

 Theo GS. Phan Văn Trường, người từng đảm nhiệm vị trí cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, lãnh đạo một số tập đoàn nước ngoài, phát hành cổ phiếu ESOP là một trong những chiến lược quan trọng trong hoạt động quản trị của các công ty đại chúng, nếu muốn ổn định chiến lược phát triển dài hạn.

Trong cuốn sách “Một đời quản trị”, dẫn lời dạy của người cha, ông nhấn mạnh vai trò của các nhân viên có động lực cao và nhất lòng theo lãnh đạo. Họ là những người có sự nhiệt tình, cẩn thận, báo cáo trung thành và ngay ngắn, chủ động tìm giải pháp, gắn bó với tương lai của doanh nghiệp. Theo ông, người lãnh đạo phải cho họ, cho công ty, hết tất cả những gì có thể cho, một cách thành thật, chân chính và tất nhiên vẫn hợp lý…

Bibo Mart phát hành cổ phiếu ESOP, dự kiến IPO vào năm 2020
Đợt phát hành ESOP lần này chủ yếu dành cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của công ty - thế hệ F1, F2 đã từng “nằm gai nếm mật” cùng Bibo Mart...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư