Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chính phủ kiến nghị giữ mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6 - 6,5%
Khánh An - 25/07/2021 22:13
 
Giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là quyết tâm của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phản hồi các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội trường chiều 25/7

Có dư địa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2021

Bắt đầu bài phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chiều 23/7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội vì các ý kiến góp ý tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch kinh tế - xã hội 2021-2025.

“Đây là các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao, chia sẻ, đồng hành và cổ vũ động viên của Quốc hội với Chính phủ  trong công cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đưa đất nước nhanh chóng vượt qua giai đoạn dịch bệnh, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Tuy nhiên, khi đề cập đến những băn khoăn của nhiều đại biểu về mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6-6,5% là tương đối cao, sẽ khó khăn khi thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dư địa và cơ hội thực hiện là có, dù tình hình có khó khăn

Theo Bộ trưởng, cơ hội của 6 tháng cuối năm còn rất nhiều, đặc biệt là chúng ta có khí thế mới sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công với quyết tâm mới, có nhiều quyết sách quan trọng, sau khi đã tổ chức lại, kiện toàn hệ thống chính trị.

Tác động tích cực từ xu thế phục hồi của nền kinh tế thế giới và nhiều chính sách, giải pháp trong bối cảnh Covid-19 đã phát huy hiệu quả.

Đó là việc đẩy mạnh phê duyệt các quy hoạch, các chính sách hỗ trợ hiệu quả đời sống của người lao dộng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa,  hợp tác xã; các giải pháp hỗ trợ thị trường xuất nhập khẩu, củng cố và chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như quá trình chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giải  phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công...

“Điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là phải kiểm soát và phải đầy lùi dịch bệnh Covid -19, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, các khu công nghiệp. Đây là điều kiện cần quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi phát biểu tại Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động linh hoạt, điều chỉnh trọng tâm hợp lý giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với tăng trưởng kinh tế, gắn liên với bối cảnh và tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo

Tuy nhiên, thách thức thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, rất lớn.

Sau 6 tháng, nhiều khó khăn của nền kinh tế đang nổi lên, từ nhập siêu trở lại, thu hút FDI đang chậm hơn, Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một số ít thị trường. Các thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Giải ngân đầu tư công chậm.

Đặc biệt, giá cả một số mặt hàng cơ bản tăng, gia tăng khả năng lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội, gây khả năng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Trong khi đó, chiến lược vắc xin còn gặp  nhiều thách thức. Tỷ lệ dân số được tiêm chủng của Việt Nam còn thấp.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang rất khó khăn. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận chiếm 33,86%. Còn 3 tháng đầu năm 2021, có khoảng 60% doanh nghiệp phát sinh doanh thu. Còn 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng cao. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui tăng 25% so với  cùng kỳ...

“Trong số này đã xuất hiện một số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ dạo cập nhật tình hình doanh nghiệp, kịp thời có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp chính sách tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Với việc tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ phó thường trực, sẽ tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.

Ngoài ra, đang có liến nghị chính sách có thể giãn hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp... Sưa đổi các quy định về Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo cơ chế luồng xanh cho hàng hóa của doanh nghiệp và người dân...

“Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo”, Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, trong phần trả lời ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu gói hỗ trợ mới về thuế và phí, tầm khoảng 24 ngàn tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư