Khi tận mắt thấy những búp trà quen thuộc do chính tay mình làm ra từ cây chè trong vườn nhà được người Trung Quốc mua về, chế biến rồi bán gấp 300 lần giá trị, niềm tự hào dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, nghệ nhân, nông dân Đào Đức Hiếu kiên quyết không bán nguyên liệu nữa, mà phải làm trà thành phẩm. Đồng thời quyết tâm thay đổi tư duy của người dân để nâng tầm giá trị trà Shan tuyết cổ thụ mang thương hiệu Suối Giàng, thương hiệu trà Yên Bái, thương hiệu trà Việt Nam.

 

 

Sau chuyến tham dự festival trà lớn nhất thế giới tại Thâm Quyến (Trung Quốc) năm 2019, Giàng A Hiếu thay đổi toàn bộ phương cách kinh doanh trà. Lúc đầu, anh chủ yếu chỉ bán trà nguyên liệu, nên đến festival trà với hơn 4.000 đơn vị tham gia để học hỏi những gian hàng trà Việt. Nhưng tìm mãi tận ngày thứ ba mới thấy gian hàng rất nhỏ của Việt Nam nằm trong góc của khu phụ kiện về trà.

 

Tay bắt, mặt mừng anh hỏi: “Thế mọi người đi được nhiều chưa?”. Họ trả lời: “Sao mình phải đi, họ phải đến với mình chứ?”. Câu trả lời đó khiến anh sượng sùng, vì nghĩ rằng, thật ngược đời, muốn vươn ra thế giới mà không chịu học hỏi. Gian hàng trà của Việt Nam với những thương hiệu mấy chục năm chỉ vỏn vẹn là một ô 9 m2, trong khi những đơn vị khác, gian hàng là cả một khu nhà rất rộng, có thể bày được hàng chục bàn trà một lúc.

 

Tại festival, Hiếu gặp một trà nương rất trẻ người Trung Quốc, nên đem trà của mình ra nhờ thẩm định. Pha xong cô bảo rằng: “Chú mang loại trà chưa đủ 4 năm sang đây làm gì? Bọn cháu phải để ítnhất 5 năm, trở thành lão trà mới mang đi pha”. Đúng là trà đó mới để được 3,5 năm. Ngạc nhiên tột độ, nông dân Giàng A Hiếu hỏi: “Thế cháu năm nay bao nhiêu tuổi?”. Cô bé đáp: “Cháu 13 tuổi”. Anh hỏi tiếp: “Cháu có bao nhiêu năm kinh nghiệm về trà rồi?”. Cô bé đáp: “Cháu có 10 năm kinh nghiệm”. Vậy là, cô bé này 3 tuổi đã được học về trà.

 

Ngồi kế bên, ông nội của cháu bé biết Hiếu ở Việt Nam sang mới hỏi rằng: “Cậu đi mua trà hay bán trà?”. Hiếu trả lời: “Tôi làm trà”. Ông hỏi tiếp: “Thế cậu ở đâu? Suối Giàng tỉnh Yên Bái, Tà Xùa tỉnh Sơn La hay là Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang? Việt Nam có nhiều điểm có trà Shan tuyết cổ thụ,nhưng chỉ có 3 địa điểm trên biết cách làm trà”. A Hiếu trả lời: “Tôi ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái”. Ông hỏi tiếp: “Thế cậu có biết cây trà này không?” và giơ ra đúng bức ảnh cây trà trong vườn của Hiếu.

 

 

Khi biết Hiếu là chủ vườn trà, ông cụ niềm nở bảo: “Lão bản” tức ông chủ và tiếp đón khác hẳn. Ông cụ mời anh vào uống trà, sau đó còn mời về nhà ăn cơm. Hiếu khoe với ông cháu họ rằng, nếu cứ có trà Shan tuyết là ông chủ, thì ở trên núi Suối Giàng toàn là lão bản hết.

 

Nghe A Hiếu nói vậy, ông cụ bình một câu: “Dân Việt đã bao năm ngủ quên trên vàng xanh mà không biết rằng mình rất giàu có. Việt Nam chỉ là cái vườn của chúng tôi thôi. Dân Việt cứ trồng trà đi, thu hoạch trà đi rồi lại mang hết sang đây thôi”.

 

“Nghe câu nói vô tình ấy, dù ngoài mặt tỏ ra bình thản, nhưng tim tôi đau nhói đến tận cùng”, anh tâm sự và tự hỏi: “Ở Hồng Kông đã từng đấu giá 1 kg lảo trà 37 tỷ đồng. Tại sao người Việt Nam lại không có những sản phẩm này? Tại sao Việt Nam chỉ có trà ngon chứ không có trà quý (lảo trà)?”.

 

“Khi tận mắt thấy những những búp trà quen thuộc do chính tay mình làm ra từ cây chè trong vườn nhà được người Trung Quốc mua về, chế biến rồi bán gấp 300 lần giá trị, niềm tự hào dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, tôi kiên quyết từ nay không bán nguyên liệu nữa, mà phải làm trà thành phẩm”, anh xúc động kể.

 

 

 

Đó cũng là lý do năm 2019, anh Hiếu sáng lập và làm Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng (kết hợp sản xuất trà với làm du lịch). Thành công của Hợp tác xã khiến ngay cả lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng phải bất ngờ khi đồng bào Mông địa phương có thể làm việc theo nề nếp, quy củ. Họ tuân thủ nghiêm túc quy định mặc đồng phục lao động màu xanh, tổ trưởng mặc áo màu cam; mọi người đi làm đúng giờ; muốn nghỉ thì xin phép trước; không uống rượu trong giờ làm việc…

 

“Thủ lĩnh” Giàng A Hiếu kể: “Để các tổ viên làm việc nghiêm túc, chúng tôi từng định áp dụng điểm danh bằng vân tay, nhưng bà con ở đây lao động nhiều, vân tay mòn hết, không nhận diện được. Sau cứ đến giờ làm việc thì các tổ chụp ảnh check-in, tổ viên đến muộn từ 3 phút trở lên bị phạt 50.000 đồng, đồng thời tổ trưởng cũng bị phạt 100.000 đồng. Thế nên, từ 30 phút trước khi điểm danh, mọi người đã gọi điện bảo nhau đi làm đúng giờ”.

 

Thành công của Hợp tác xã giờ đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho tỉnh Yên Bái về việc thay đổi tư duy và thói quen của bà con người Mông.

 

 

Ở Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, nghe theo hướng dẫn của Giám đốc Đào Đức Hiếu, bà con người Mông đã thay đổi hoàn toàn cách làm trà. Họ chọn lựa kỹ từng búp trà khi thu hái. Búp 1 tôm 2 lá non thì làm trà xanh. Búp 1 tôm 2 lá, trong đó có 1 lá trưởng thành thì làm hoàng trà. Búp 2 lá trưởng thành hẳn thì làm hồng trà. Còn bạch trà thì chỉ hái búp 1 tôm.

 

Sau khi hái, chè sẽ được xếp từng lá vào nong để khô sương, ngót bớt nước và vò nhẹ để búp và lá trà được ma sát với nong tre, dập sơ nhằm kích thích quá trình lên men ban đầu trong khoảng 3-5 tiếng trước khi đưa vào quy trình sao khép kín.

 

Sau đó, trà xanh được chế biến theo kiểu sao suốt; hoàng trà để héo rồi mới sao; hồng trà không sao, chỉ vò ủ lên men rồi phơi; còn bạch trà sẽ ủ từng búp một mà không vò, để lên men tự nhiên 100%.

 

 

Giàng A Hiếu bật mí, để tạo ra phẩm trà tốt nhất, người hái không dùng móng tay để ngắt, mà dùng hai ngón tay bẻ nhẹ búp trà mới mọc lên sau 5-6 tháng ngủ đông. “Tôi là người tiên phong trong việc cho người làm cầm cái gắp tre gắp từng búp trà bày ra mẹt để phơi héo tự nhiên rồi mới lên men”, nghệ nhân cho biết.

 

A Hiếu cũng thường ngủ cùng trà để đảm bảo quy trình, đêm thức dậy cầm cái gắp lật từng búp trà nhỏ tí xíu một. Một mẻ trà cũng phải đạt đủ 2 sương 3 nắng như một vị thuốc cổ truyền. Anh kể: “Khi học cách làm trà của vùng Vân Nam (Trung Quốc) và Đài Loan, sư phụ người Đài Loan đã làm như thế. Tôi thắc mắc làm vậy bao giờ mới ra được 1 kg trà? Ông trả lời rằng: “Nếu con muốn bắt kịp với thế giới, muốn bán được 1 kg trà giá 1 tỷ đồng trở lên thì hãy làm như thế, còn không cứ làm theo cách cũ”.

 

Cách cũ là hái về một rổ to rồi bốc rải, cánh nọ đè lên cánh kia, búp nọ đè lên búp kia. Những nghệ nhân trên thế giới nhìn bã trà khi pha cũng có thể biết được toàn bộ quá trình làm”. 

 

Và khâu dưỡng trà đặc biệt quan trọng. Để trà ngon dần lên theo thời gian, cần đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, quan tâm kỹ lưỡng giống như “chăm trẻ sơ sinh” vậy.

 

 

Đau đáu nâng tầm giá trị chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, anh Hiếu cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay không phải là mở rộng vùng nguyên liệu. Bởi, hiện đã có sẵn hàng ngàn gốc trà vài trăm năm tuổi rồi. Không thể chờ vài trăm năm nữa mới có cây chè Shan tuyết cổ thụ để thu hoạch, mà cần phải tìm cách tăng giá trị sản phẩm.

 

Với việc áp dụng công nghệ mới, cách làm mới, hợp tác xã do anh sáng lập và điều hành đã tạo ra được những dòng trà vĩnh cửu, càng để lâu càng quý, mỗi năm tăng giá khoảng 20%, cao hơn cả giá vàng. Việc khó nhất của A Hiếu là phải thuyết phục người dân không bán ngay, mà lưu giữ lại để “nuôi trà” thành trà quý (đại lão trà). Khi ấy, cả thế giới sẽ biết đến trà Suối Giàng, thậm chí mỗi 1 kg trà có thể bán được hàng tỷ đồng.

 

“Đó không phải là câu chuyện phù phiếm, mà trên thế giới, đã có rất nhiều vùng trà cổ thụ làm được rồi”, nghệ nhân nói.

 

 

Bao đời chủ yếu làm trà xanh, giờ đây, từ cây trà Shan tuyết cổ thụ, bà con người Mông ở Suối Giàng có thể làm ra nhiều dòng trà theo chuẩn quốc tế. Trước đây, 1 kg trà Suối Giàng có giá 300.000 đồng, nhưng bây giờ có thể được bán đấu giá tương đương với 300 triệu đồng/kg. Vô hình trung, Hiếu đã tăng giá trị của trà Suối Giàng lên 1.000 lần. Trà Suối Giàng giờ bán đắt nhất cả nước. Nhờ đó, nhiều hộ dân từ chỗ hàng tháng trông chờ mấy trăm nghìn đồng trợ cấp của Nhà nước, giờ đã mua được cả ô tô.

 

Đến nay, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã phát triển lên tới hơn 100 thành viên cùng làm trà. Các sản phẩm trà của Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã được đưa vào Khách sạn Metropole (Hà Nội) và sân bay, nhà hàng 5 sao và đưa ra thế giới thông qua đường ngoại giao của các bộ, ngành.

 

 

 

Cũng từ khi ấn tượng sâu sắc và khâm phục trà nương 13 tuổi sau chuyến tham dự festival trà tại Thâm Quyến, năm 2020, Giàng A Hiếu vận động một số bạn trẻ để xây dựng lớp học mang tên “Sharing class room” (lớp học sẻ chia).

 

Anh cùng nhóm sáng lập và người dân trong thôn cùng góp công, góp tiền để xây dựng lớp học sẻ chia tại bản Mới (xã Suối Giàng) dạy ngoại ngữ, dạy cách làm trà và kỹ năng sống cho các em miễn phí vào buổi tối. Lớp học thứ 2 ở bản Pang Cáng cũng đang được hoàn thiện và sắp đi vào hoạt động. Ngoài nhóm sáng lập “lớp học sẻ chia”, A Hiếu cũng kết nối với tổ chức Tầm nhìn thế giới và các giáo viên của Vinschool và Phòng Giáo dục huyện Văn Chấn để đồng hành cùng các bé.

 

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu sáng lập, dạy miễn phí cho trẻ em và đồng bào Mông, tại lớp học “Sharing class room” (lớp học sẻ chia).

 

Cùng với đó, Hiếu cùng những người bạn tiếp tục hành trình xây dựng ngôi làng hạnh phúc mang tên Nahi Village. Bởi theo anh, con người ta luôn hướng đến hai giá trị, đó là sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc. “Hạnh phúc của người dân Suối Giàng không phải là cái gì lớn lao, có khi chỉ là con đường được sửa lại để người dân về đến cửa nhà đôi chân không bị dính bùn lầy. Đó là sự vui vẻ, hài hòa và hài lòng với cuộc sống”, anh phân tích.

 

Ngôi làng hạnh phúc có diện tích không quá lớn, được bắt đầu bằng lớp học sẻ chia với thông điệp “Hãy cho đi một phần những gì mình đang có”. Đi tiếp vào trong là ngôi nhà trung tâm để người dân đón du khách lên đó trải nghiệm đặc sản “tứ đại danh trà” Suối Giàng; được hòa mình vào những điệu múa khèn, tiếng sáo Mông và các làn điệu dân ca, dân vũ. Ở đó, bà con mang những sản vật của địa phương để giới thiệu, quảng bá…

 

Dẫu vậy, với Giàng A Hiếu, đây mới chỉ là những thành công rất nhỏ trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho người dân miền sơn cao Suối Giàng. Sau dịp Tết Nguyên đán năm 2022, anh nhìn thấy một người vợ bế con vẫy tay chào chồng để xuống núi mưu sinh. Đó là sự ly hương, ly nương vì sinh kế không đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống. “Có cái gì đó vừa khắc khoải, vừa nhói đau dâng lên trong lòng, tôi đồng cảm với họ, thấu hiểu nỗi niềm của họ. Bởi suốt những năm qua, tôi đã dành phần lớn thời gian cho mảnh đất Suối Giàng và sống xa vợ con”, anh tâm sự.

 

Giàng A Hiếu muốn người Mông phải tự hào về ngôi làng của họ, hãnh diện về ngôi làng do bàn tay họ tự làm nên. Từ đó, anh bắt đầu chinh phục một thử thách mới, đó là vận động người Mông làm nhà cho chính người Mông. Đó là lý do mô hình “Giàng House - Nhà của bản em” khởi động đầu năm 2022 với mục tiêu sẽ có 100 ngôi nhà mới do chính người Mông xây dựng rải rác khắp bản làng.

 

Đến nay, đã có 17 hộ đăng ký tham gia, trong đó 5 ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện. Mẫu nhà được kiến trúc sư Đào Đức Hiếu thiết kế gồm 2 tầng. Tầng 1 được xây dựng chắc chắn để đáp ứng nhu cầu của gia chủ, tầng 2 là không gian mộc mạc, truyền thống để du khách có không gian trải nghiệm nét kiến trúc đặc sắc của người Mông.

 

 

“Giàng House - Nhà của bản em” tọa lạc ngay giữa bản. Năm nếp nhà khang trang có mái gỗ Pơ mu, cột gỗ, tường đá và có cây đào trước cổng. Giàng House làm bằng tay, tất nhiên sẽ còn những cây cột cong vênh, những mái nhà còn hở, nhưng người Mông cảm thấy tự hào vì ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đôi tay của họ. Những người thợ đó sẽ về sửa sang lại ngôi nhà của mình, thoáng mát và khang trang không kém gì Giàng House. Họ sẽ tiếp tục phát triển nghề và truyền dạy cho lớp trẻ dựng nhà gỗ trên núi. Cứ như vậy mà những nét kiến trúc bản địa được bảo tồn.

 

Người Mông phục vụ tại Giàng House mặc đồng phục, nghỉ việc đã biết xin phép. Chuyện này không có gì to tát với người Kinh, nhưng với người Mông là “kỳ tích” chưa từng có.

 

 

Trước đó, năm 2021, Hiếu vận động 14 hộ dân sống gần nhau phá bỏ hàng rào, mở rộng đường để làm mô hình làm mô hình kinh tế chia sẻ. Khi đó, Enna Glamping ra đời, là làng trà, cắm trại, ẩm thực có sự phục vụ của người dân bản địa. Ở đây, du khách được trải nghiệm trọn vẹn cảm giác hoà mình với thiên nhiên và tận hưởng những sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ danh tiếng.

 

Với nghề kiến trúc sư, anh Hiếu thiết kế nhà miễn phí cho người dân, nhưng với điều kiện họ phải giữ lại mái nhà bằng gỗ pơ mu là nét truyền thống kiến trúc nơi đây; rồi phải làm lùi vào trong, không được sát đường; phải trồng hoa đào và các loài hoa bản địa quanh nhà; phải xây tường đá…

 

Giàng A Hiếu cười vui: “Cái hay nhất là tư duy của người Suối Giàng bắt đầu chuyển biến và quan tâm đến du lịch. Họ tự sửa sang cái cổng nhà đẹp hơn, giữ gìn mái ngói pơ mu, xây bức tường đá, trồng hoa trước vườn nhà để có không gian sống đẹp hơn, tốt hơn”.

 

 

“Tôi nói với họ là muốn người ta mang tiền đến thì hãy sửa sang lại ngôi nhà, quét dọn sạch sẽ, trồng hoa quanh nhà, lắp nước nóng, thay chăn gối màu trắng sạch sẽ. Những điều này có vẻ không dễ dàng đối với cộng đồng người Mông cả năm chỉ tắm đôi lần, và chỉ giặt quần áo vào mùa nắng. Vậy mà, nhiều người trong số họ đã tin theo tôi”, Giàng A Hiếu kể và cho biết, một lần, anh Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam ghé thăm Suối Giàng, anh ngạc nhiên khi thấy Giàng House đúng như mô hình kiến trúc nông thôn mà những người tâm huyết đang muốn xây dựng và bảo tồn.

 

A Hiếu chia sẻ thật tâm: “Thú thực, trước đó tôi chưa từng nghĩ về sứ mệnh bảo tồn kiến trúc nông thôn. Tôi làm Giàng House và Enna Glamping đơn giản vì muốn tạo sinh kế cho người Mông, giảm bớt tình trạng ly hương, để mọi người dân có sinh kế tại chính nơi họ sinh ra và lớn lên. Không còn phải đi làm xa, người vợ không phải xa chồng, người bố không phải xa con và người con trưởng thành có thêm thời gian chăm sóc bố mẹ già…”.

 

“Bây giờ, người Mông đã bắt đầu thay đổi tư duy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch. Nhiều hộ biết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chỉnh trang nhà cửa và tổ chức các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch nên việc liên kết các hộ với nhau để làm du lịch là một cách làm mới. Qua đó, giới thiệu về nét văn hóa đặc trung của dân tộc Mông và đẩy mạnh quảng bá giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đến với bạn bè quốc tế”, anh Hiếu phấn khởi.

 

Đến nay, khoảng 50 hộ dân ở Suối Giàng đã bắt đầu khai thác dịch vụ lưu trú, bình quân mỗi hộ có thể tiếp đón từ 10 - 20 người cùng lúc. Từ một đỉnh núi heo hút không ai lưu trú qua đêm, đến nay, cuối tuần Suối Giàng phục vụ khoảng 4.000 – 5.000 lượt du khách. Một tháng đón được từ 20.000 – 25.000 lượt khách. Mỗi năm phục vụ hơn 100.000 khách. Và tương lai con số này sẽ không ngừng tăng lên.

 

 

 

Tôi hỏi Giàng A Hiếu có sợ rằng một ngày kia, khi các tiềm năng phát triển du lịch Suối Giàng được đánh thức, sẽ có nhiều nhà đầu tư nhảy vào vùng đất này và phá vỡ cảnh quan kiến trúc nơi đây? Anh bảo rằng, đã có ít nhất 6 nhà đầu tư có ý định rót vốn vào vùng đất này. Khi họ lên gặp Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy (hiện ông Duy là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), anh Duy bảo “cứ về gặp A Hiếu ở bản Pang Cáng”. Họ sang gặp Chủ tịch tỉnh, anh Trần Huy Tuấn lại bảo “về đấy có Giàng A Hiếu, yên tâm”. Rồi họ sang phòng Phó chủ tịch tỉnh, câu trả lời vẫn là: “Anh có cậu em Giàng A Hiếu trên ấy hay lắm, cứ liên hệ để được tư vấn”.

 

Sự trân trọng đó của lãnh đạo tỉnh Yên Bái thật đáng quý. Bởi họ hiểu rằng, A Hiếu muốn phát triển du lịch vùng đất Suối Giàng một cách tử tế. A Hiếu muốn xây dựng một cộng đồng người Mông đoàn kết để cùng nhau xây dựng xứ sở hạnh phúc của riêng mình.

 

Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn từng gặp A Hiếu bày tỏ ý định nhổ bỏ những gốc trà cổ thụ để phân lô bán nền xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng ở Suối Giàng. Thậm chí, ông ta nói rằng đỉnh núi Suối Giàng chỉ có 5.000 người dân thì mình làm một khu tái định cư cho họ là xong.

 

Giàng A Hiếu nói thẳng: “Xin chúc mừng anh và cũng xin chia buồn với anh. Ý tưởng của anh sáng tạo quá, Bà Nà Hill ở Đà Nẵng hay thậm chí các địa danh du lịch nổi tiếng của thế giới họ còn phải mời người dân lên ở để tạo ra bản sắc văn hóa thì anh lại muốn di dân đi. Anh mà di dân thì thất bại ngay lập tức. Bởi bao giờ mới kêu gọi được 5.000 người dân sống trên một đỉnh núi hả anh?”

 

 

Mặt khác, trà cổ thụ quý hiếm đối với cả thế giới, thế mà anh định chia lô bán nền làm biệt thự nghỉ dưỡng, có nghĩa là anh đang phá đấy chứ có đóng góp được gì đâu. Đỉnh núi này mà thiếu đi những sắc màu thổ cẩm, thiếu đi những chiếc váy hoa xòe, thiếu đi tiếng khèn, tiếng sáo Mông và cộng đồng nói tiếng Mông thì chỉ là vùng đất vô hồn.

 

Còn nếu bất cứ ai muốn lên đây đầu tư cùng bà con phát triển không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, Giàng A Hiếu sẵn sàng thiết kế miễn phí ngôi nhà để tặng họ. Thế rồi, lần lượt các nhà đầu tư đều bỏ ý định đầu tư dự án xâm hại vùng chè.

 

 

Có một câu nói mà Giàng A Hiếu luôn tâm đắc, đó là: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, tức là nghèo hèn thì ở trung tâm thành phố không ai ghé thăm, nhưng giàu có thì ở tận trên đỉnh núi cao vẫn có người đến chơi thường xuyên. Vậy, chúng ta đặt câu hỏi rằng, giàu hay nghèo có phải do tiền bạc quyết định không? Câu trả lời là, không phải.

 

Giàng A Hiếu không phải người nhiều tiền, nhưng bất cứ khi nào anh có mặt ở không gian văn hóa trà Suối Giàng, thì lúc đó những người bạn tứ xứ sẽ kéo về thăm, đàm đạo và trao đổi kỹ nghệ làm trà. Chính họ đã giúp cho thương hiệu trà Suối Giàng lan tỏa muôn nơi.

 

“Với người đồng bào Mông cũng vậy, bao đời nay, họ dựa vào thiên nhiên để sống. Chỉ 100 bóng đèn led chiếu rọi thôi đã làm xáo trộn cuộc sống của một cộng đồng rồi, huống hồ là những khách sạn, tòa nhà chọc trời bê tông cốt thép. Có thể những thứ đó giúp cho người dân bản địa có thêm nhiều việc làm, nhiều tiền hơn đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, họ sẽ chẳng tìm thấy hạnh phúc đích thực khi sống ở nơi không thuộc về mình”, nghệ nhân trà phân tích.

 

Bên cạnh đặc sản trà Suối Giàng, hiện Hiếu đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề rèn dao để bà con vừa lao động, vừa khai thác dịch vụ du lịch trong chính ngôi nhà của mình để không chỉ thoát nghèo, mà phải làm giàu.

 

Hiếu hạnh phúc khi giờ đây bà con người Mông ở Suối Giàng coi anh như người dân tộc thiểu số. Trong các lễ hội hay cuộc họp, mọi người bảo nhau đừng mời A Hiếu uống rượu, để A Hiếu còn giữ cái miệng thưởng trà để đi thi thế giới.

 

 

(CÒN NỮA)

 

XEM TIẾP LỜI TÒA SOẠN

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 1

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 3

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 5

HỒ HẠ THỰC HIỆN 02/09/2024 09:02
Back To Top