Con đường đưa trà vào khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole Hanoi để chinh phục Accor - tập đoàn số 1 thế giới về nghỉ dưỡng; rồi tiếp tục mang trà Việt đi chinh phục các khách sạn khác; tổ chức tiệc trà cho Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đón các nguyên thủ và đại sứ... là hành trình bền bỉ của nghệ nhân trà Đào Đức Hiếu mà có lẽ nhiều người nghĩ đó là kỳ tích. Tất cả đều nhờ một ý chí không thay đổi và mỗi ngày lại tăng lên, hừng hực cháy trong tim Giàng A Hiếu: “Phải xuất khẩu những cực phẩm trà mang thương hiệu Việt Nam với giá trị cao”.

 

 

Kể về hành trình đưa trà vào Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, Hiếu kể, năm 2020, một lần tới Metropole, khách sạn lâu đời nhất Hà thành (xây dựng từ năm 1901), không thấy trà Việt trong menu, khi dò hỏi thì biết lý do: “Trà Việt Nam không đủ tiêu chuẩn”. Trước đó cũng có trà sen Hồ Tây, nhưng lại ghi “Make in Indian”. Một lần nữa, niềm tự hào dân tộc trong Hiếu trỗi dậy mạnh mẽ, anh hỏi trà Việt muốn vào khách sạn cần đạt những tiêu chuẩn gì và quyết tâm làm cho bằng được.

 

Mang theo những minh chứng cho thấy trà Shan tuyết Suối Giàng đạt tiêu chuẩn của Pháp, anh Hiếu thuyết phục lãnh đạo Metropole: “Tôi muốn giúp khách hàng của Metropole được trải nghiệm tinh hoa trà Việt, một phẩm trà có thể giúp chăm sóc sức khỏe của con người, một niềm tự hào quốc gia của chúng tôi”.

 

 

Nhưng cùng với đó, anh đưa ra 3 điều kiện: “Trà của tôi phải ở trang đầu tiên của menu trà, giữ nguyên tên Suối Giàng; Giá cao nhất trong bảng trà vì đó là trà cổ thụ, dòng Shan tuyết, phẩm trà cao nhất theo đánh giá trên thế giới; và trong menu phải kể câu chuyện về vùng trà của tôi”.

 

7 tháng sau, phía Metropole đồng ý. Và 4 năm nay, trà Shan tuyết Suối Giàng chiếm vị trí đầu trang menu trà của khách sạn 5 sao này.

 

Metropole thuộc Tập đoàn Accor lừng danh thế giới, nên sản phẩm trà của người Mông ở Suối Giàng cũng đã được hiện diện ở một số khách sạn 5 sao khác thuộc hệ thống Accor như Legacy Yên Tử, Movenpick…

 

 

Chưa hài lòng với những gì đã có, Đào Đức Hiếu vẫn tiếp tục đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tăng thêm giá trị cho trà Việt. “Mục tiêu của tôi là làm ra loại trà có thể bán với giá 1 tỷ đồng/ kg. Đây không phải là điều quá viển vông, vì trà Đại hồng bào của núi Vũ Di Sơn (Trung Quốc) đang bán với giá 10,4 triệu nhân dân tệ/kg, tương đương 37 tỷ đồng/kg”, nghệ nhân trà thổ lộ.

 

 

Và cũng với cách làm không bán nguyên liệu trà, mà bán sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn cao; bán trà bằng gram chứ không bán trà bằng tấn, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng của anh Hiếu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu”.

 

Tại một số hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã mang theo hộp trà Shan tuyết Suối Giàng của “Giàng A Hiếu” để kể câu chuyện truyền cảm hứng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, đa giá trị.

 

Trước đó, trong dịp lên thăm vùng trà Shan tuyết Suối Giàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gặp và rất ấn tượng với A Hiếu nên động viên: “Một sản phẩm nông nghiệp có tư duy đa giá trị, kinh tế tuần hoàn như thế thì hãy mang “xuống núi”, xuống Thủ đô để lan tỏa câu chuyện này với những người làm nông nghiệp và với những bạn trẻ để định hướng cho họ có thêm một cách làm”.

 

Nghe lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Giàng A Hiếu quyết định đưa trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xuống núi, về Thủ đô Hà Nội. Anh thuê một tòa nhà 6 tầng làm văn phòng trưng bày sản phẩm để thực hiện dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”, cũng chính là nơi chúng tôi đang thưởng trà và trò chuyện. Ở đây, anh mong muốn trà không đơn độc một mình, mà còn có nhiều sản phẩm làng nghề khác nữa.

 

 

“Các làng nghề bây giờ thường không có tính kế tiếp, mất nghề, bỏ nghề là nỗi đau khiến giới trẻ như chúng tôi ra nước ngoài không trả lời được với bạn bè thế giới là Việt Nam có gì”, anh trăn trở. Bởi điều đó đối ngịch với hình ảnh ngay khi anh xuống sân bay Vân Nam (Trung Quốc), thủ phủ trà lập tức thấy 18 thương hiệu trà quốc gia của Trung Quốc đập vào mắt. Ra khỏi sân bay sẽ thấy đèn đường hình lá trà, ngã ba, ngã tư bày những bộ ấm chén khổng lồ…

 

Hiếu cho biết, đã làm mọi việc để trà Shan tuyết Suối Giàng trở thành dân bảo, xã bảo, huyện bảo rồi tỉnh bảo. Mục tiêu của anh là tất cả du khách đến với Yên Bái đều được thưởng trà Shan tuyết Suối Giàng, tất cả các lễ hội trên địa bàn đều dùng trà Shan tuyết Suối Giàng làm quà tặng, các trụ sở, ban, ngành của tỉnh đều dùng trà Shan tuyết Suối Giàng.

 

Mỗi vụ, Giàng A Hiếu chọn những búp chè tốt nhất để chỉ làm ra 1.000 hộp trà theo phiên bản giới hạn của năm. Trả lời câu hỏi: “Vậy anh bán được không và giá chắc rất cao?”. Anh Hiếu từ tốn nhấp một ngụm trà rồi cười: “Trà hảo hạng thế này, nhưng năm đầu tiên, tôi không bán được hộp nào, mà còn bị nhận xét là “điên”. Nhưng thực lòng, tôi vẫn vui, bởi mọi người có thể lấy mức giá mới của tôi ra để so sánh và bán được giá cao hơn trước gấp 2 đến 3 lần.

 

Năm thứ hai, bắt đầu có dấu hiệu mới khi một số người quan tâm, tìm hiểu xem trà nào ngon nhất ở Suối Giàng và đến. Tôi giải thích vì sao mà trà đó giá cao bằng cách cho họ xem clip quá trình hái, quá trình làm rồi hỏi ông có sẵn sàng trả giá đó không? Có người sẵn sàng trả giá gấp mấy lần. Năm thứ hai đó, tôi bắt đầu túc tắc bán được. Đến năm thứ ba thì mọi người bắt đầu đến để hỏi đích danh loại trà ngon đó đâu”.

 

 

Hiếu bảo, tâm lý trà rẻ là bởi mọi người xưa chỉ uống trà xanh có giá bán 500.000 đồng/kg, trong khi anh lại bán 6 triệu đồng/kg. Còn trà Shan tuyết cổ thụ quý hiếm, Giàng A Hiếu làm ra được chọn lọc từ những búp trà tốt nhất ở những cây từ 300 năm tuổi trở lên. Búp chè được người dân bản địa thu hái vào lúc ban mai, khi sương còn giăng trên từng lá non. Những cây chè hàng trăm năm tuổi chỉ sống bằng linh khí đất trời, không phun tưới bất cứ loại nước hay hóa chất nào. Trà được lên men tự nhiên, nên càng để lâu càng có giá trị.

 

Hiện nay, phẩm trà đang bán đắt nhất là bạch trà có giá gần 19 triệu đồng/ kg, nhưng chưa phải quý nhất, đắt nhất là những loại trà nghệ nhân Hà thành đang giữ lại và quyết bảo quản lâu, đó chính là bánh “Thập trà Long đỉnh” để từ năm 2018, một loại trà vàng càng để lâu, càng lên men, càng quý. Và còn có cả những hũ bạch trà 500 gram có khóa, có đồng hồ đo ẩm để nếu đặt ở chỗ không đạt chuẩn sẽ phải chuyển đi, làm từ năm 2016, giá khoảng 3.000 USD, tương đương hơn 100 triệu đồng/kg.

 

 

 

Từ thực tế làm thương hiệu, tiêu chuẩn, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đạt OCOP 4 sao, rồi xây dựng giá mới gấp 10-15 lần giá người dân đang bán, Giàng A Hiếu đã tập hợp tất cả những nghệ nhân làm trà trong xã và nói với họ rằng, trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng sẽ trở thành “quốc bảo” và phải được bán với giá gấp mười lần giá hiện tại. Và muốn bán giá như vậy, mọi người phải thay đổi cách thu hoạch, chế biến, bao bì tiêu chuẩn quốc tế và đăng ký bản quyền, thương hiệu…, đặc biệt nhất phải thu hái chọn lọc, bởi vì nguyên liệu ban đầu quyết định chất lượng sản phẩm.

 

“Ngày xưa, thầy hiệu trưởng trường Vân Nam (Trung Quốc) nơi tôi theo học từng cất trà trong két sắt, còn tiền thì cất ở hộc tủ. Với những nghệ nhân trà thế giới, trà quý hơn tiền là vậy. Nếu trà Việt Nam chỉ mãi bán lấy số lượng, không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và giá trị, thì mãi chỉ là “vùng nguyên liệu” và làm lợi cho quốc gia khác có thương hiệu về trà mà thôi”, Hiếu nói và cho biết, sư phụ người Đài Loan của anh sau khi uống đã nhận xét những loại trà đó đã đạt mức giá 1 tỷ đồng/kg rồi, nhưng quan trọng là bán ở đâu, ai chứng nhận?

 

Đúng vậy, Hiếu vẫn đang trăn trở: “Thị trường Việt Nam ai sẽ chấp nhận giá đó? Còn mang ra thế giới đấu giá hay dự thi thì anh vẫn chưa có điều kiện thực hiện?. Nhưng không bỏ cuộc, bằng cách đi “chậm mà chắc”, Giàng A Hiếu đang nỗ lực tạo tâm thế mới để đưa thương hiệu trà Việt chinh phục thế giới. Bởi anh tin cứ cố gắng sẽ có ngày đi tới đích.

 

“400 năm trước Việt Nam đã từng xuất khẩu trà Việt ra thế giới qua thương cảng Hội An. Những hóa đơn xuất khẩu trà lưu giữ tại Bảo tàng Hội An là bằng chứng rõ ràng. Việc của tôi là khôi phục lại thương hiệu trà Việt để chinh phục thế giới”, anh nói.

 

 

Với sự nhạy bén của một thạc sĩ thương hiệu và truyền thông marketing, doanh nhân Đào Đức Hiếu đã quy tụ các sản phẩm trà shan tuyết Suối Giàng về 4 dòng trà chuẩn quốc tế: Green Tea (Diệp trà - trà xanh); Yellow Tea (Hoàng trà - trà vàng); Black Tea (Hồng trà - trà hồng); White Tea (Bạch trà -trà trắng). Tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm được in bằng 4 thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, để phục vụ những thị trường và khách hàng chính, trong đó nêu rõ thông tin cụ thể về 4 dòng trà.

 

Đặc biệt, trên mỗi hộp trà Suối Giàng đều có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ nhỏ “Tea Brand in Vietnam”, truyền tải thông điệp về thương hiệu trà Việt. Tiếp đến, anh không ngừng chinh phục, chứng minh đạt các tiêu chuẩn quốc tế để có “giấy thông hành” sang các thị trường ngoại. 

Với Trà shan tuyết cổ thụ thì càng để lâu càng quý và dược tính trong trà càng cao, hàm lượng những chất chống lão hóa (EGCG) trong trà cực kỳ cao. Nhờ đó mà Trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã nổi tiếng hàng trăm năm qua.

 

Nhưng, quý hiếm nhất là Bạch Trà, mỗi vụ chỉ thu hái được hơn chục kilogram. Sau khi thu hoạch, các nghệ nhân sẽ làm các búp chè lên men tự nhiên bằng các kỹ thuật tỉ mỉ bí truyền để từ nhiều cân chè tươi cô lại thành Bạch Trà. Bạch Trà pha ra có màu vàng rất nhẹ và trong, uống vào lại có vị trà ngọt nhẹ đặc biệt tinh tế. Bạch Trà chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và cực kì có lợi cho sức khỏe.

 

 

Bạch Trà được đánh giá là một loại thuốc bổ tuyệt vời, là một trong những quà tặng quý giá của thiên nhiên, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật, là lá chắn bảo vệ tế bào, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch, chống đột quỵ, hạn chế cholesterol, chống oxy hóa và ngăn chặn tế bào ung thư, làm giảm tỷ lệ mắc các chứng Parkinson và Alzheimer.

 

Vì độ quý hiếm của Bạch trà nên chuyên gia người Nhật đã tư vấn cho nghệ nhân Đào Đức Hiếu thiết kế hộp đựng màu đen để nhiều người tò mò hỏi. Khi đó, anh sẽ có cơ hội chia sẻ nhiều hơn về cực phẩm trà này.  

 

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu bật mí, trà Suối Giàng có nhiều điểm nổi trội, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ngoại quốc. Chẳng hạn, so với một loại trà trung du của Đài Loan, trà cổ thụ Suối Giàng có hàm lượng EGCG (chống lão hóa) cao hơn khoảng 100 lần. Trà cổ thụ sống trong mây, quang hợp rất ít nên lượng tanin và cafein cũng ít, không gây mất ngủ cho người uống trà.

 

“Chúng tôi muốn chinh phục Nhật Bản trước vì đây là thị trường khó tính nhất thế giới. Nhật Bản chỉ có trà trung du, không có trà cổ thụ như ở Suối Giàng. Sau khi chúng tôi gửi mẫu đất, nước, trà của mình để họ xét nghiệm, họ nhận định “trà của các bạn tốt hơn của chúng tôi”. Trà của Nhật đáp ứng tiêu chuẩn Organic (hữu cơ). Còn trà Shan tuyết Suối Giàng là trà rừng, được trời dưỡng, đáp ứng yêu chuẩn Hoang dã - tiêu chuẩn cao hơn hữu cơ”, nghệ nhân khoe.

 

 

Trong lúc chờ Nhật Bản cấp chứng chỉ tiêu chuẩn Organic, Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đang nỗ lực để đạt được Chứng nhận Halal nhằm chinh phục thị trường các nước Hồi giáo. Anh và các cộng sự cũng đang cố gắng để có Chứng nhận Ecocert và Tiêu chuẩn Organic của châu Âu.

 

Hiếu mạnh dạn đề xuất ý tưởng tổ chức Asia Tea Festival tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất nhằm “kéo cả thế giới về Việt Nam”, cho thế giới biết Việt Nam có những vùng trà cổ thụ tự tin đối đầu với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, và Việt Nam sẵn sàng gia nhập “cuộc chơi 20 tỷ đô” của thị trường trà cổ thụ toàn cầu.

 

 

Trăn trở lớn nhất của Nghệ nhân Đào Đức Hiếu trên hành trình đưa trà Việt ra thế giới đó là sự thiếu đoàn kết của những người làm trà trong nước: “Tà Xùa có cái hay của Tà Xùa, Sùng Đô có cái đặc biệt của Sùng Đô, Suối Giàng có truyền thống của Suối Giàng, Tây Côn Lĩnh có sự thăng hoa của Tây Côn Lĩnh, Hà Giang là anh cả của vùng trà cổ thụ. Thế nhưng, vẫn đang có tình trạng nhà này chê trà của nhà kia, ai cũng cho rằng, trà nhà mình mới là ngon nhất. Không có sự đoàn kết dẫn đến việc khó bắt tay nhau để đi xa được, mới chỉ quanh quẩn trong một “cái ao” rất nhỏ. Để ra “biển lớn”, ghi danh Việt Nam trên bản đồ trà thế giới, chúng ta cần đoàn kết”.

 

Hiếu báo tin vui, đầu năm 2024, anh ra mắt thương hiệu “Thập trà Long đỉnh”, quy tụ sản phẩm trà từ 10 đỉnh núi, vùng trà danh tiếng, xây dựng chuỗi phân phối Vietnam Teashop để cùng bắt tay nhau ra thế giới.

 

“Tôi nghĩ rằng, đầu tiên mình sẽ chọn trà cổ thụ để làm hướng đi cho Việt Nam nhằm tạo thương hiệu cho trà Việt Nam. Bởi những cây trà này đang sống thật vài trăm năm tuổi. Tất cả các vùng trà cần có truy xuất nguồn gốc”, anh chia sẻ.

 

 

Bộ sưu tập “Thập trà long đỉnh” kể câu chuyện về vẻ đẹp hoang sơ và hương vị tinh khiết của 10 đỉnh núi trà nổi tiếng nhất tại Việt Nam, ở đó những con rồng Việt đang ẩn mình trực trỗi dậy. Từ đỉnh Suối Giàng thơ mộng, quanh năm mây vờn sương ở Yên Bái, đỉnh Tà Xùa huyền bí ở Sơn La, đến đỉnh Phìn Hồ hùng vĩ ở Hà Giang… Mỗi một phẩm trà thượng hạng là một câu chuyện riêng, chứa đựng hương vị độc đáo.

 

Đằng sau hộp sơn mài đen nhỏ bé này là cả một quá trình làm việc miệt mài cùng sự tâm huyết mà các nghệ nhân tinh hoa của làng nghề Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) đã tạo nên với mong muốn sẽ đem đến một tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật, vừa trang trọng và tinh tế cho người trải nghiệm.

 

Bên trong chiếc hộp ấy còn chứa đựng biết bao tinh hoa, sương sớm của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, tất cả được gói ghém qua bốn phẩm trà Shan tuyết cổ thụ thơm ngon thượng hạng. Đây không chỉ là một món quà mang giá trị về sức khỏe, mà còn thể hiện sự trân trọng và biết ơn mà người tặng muốn gửi đến cho chủ nhân của chiếc hộp.

 

Đặc biệt, tên của chủ sở hữu sẽ được khắc chìm trên bề mặt hộp một cách chỉn chu và tinh tế, như một dấu ấn của sự cá nhân hóa. “Thập trà Long đỉnh” như một tác phẩm nghệ thuật đắt giá viết lên câu chuyện đầy tính ly kỳ và lôi cuốn của những đỉnh núi cao hùng vĩ, trải dài trên “mảnh đất hình chữ S”.

 

Bộ sưu tập mang đến một hành trình khám phá thú vị khó quên, nơi hương vị và màu sắc hòa quyện, giữa không gian và thời gian, tạo nên một trải nghiệm đầy ý nghĩa và trọn vẹn. Và đó còn là tâm huyết từ những đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tinh hoa Việt tạo nên.

 

 

Từ khát vọng đưa người dân ở một đỉnh núi thoát nghèo, giờ đây mơ ước của Giàng A Hiếu đã nâng tầm với khát khao đưa thương hiệu trà Việt đi chinh phục thế giới, không chỉ trà Shan tuyết ở Suối Giàng, mà còn ở nhiều đỉnh núi khác. Thế nên, anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm trà cũng như kiến trúc không gian văn hóa trà. Bởi với Đào Đức Hiếu, không có trà ngon hay dở, mà là sự khác biệt trà giữa các đỉnh núi.

 

Anh cũng đang tính đến việc thử nghiệm hái trà đêm trăng, bởi: “Ở Suối Giàng có 9 trên 12 tháng trong năm nằm trong sương mù. Bình thường ở đây, cách một đoạn đã khó nhìn thấy nhau, vậy mà trong đêm trăng xa như thế mây mù bị xua tan, vẫn nhìn thấy trăng hẳn là nó có nhiều năng lượng dồn vào búp chè. Để biết khác biệt cụ thể thế nào sẽ cần khoa học chứng minh bằng cách lấy phẩm trà của đêm trăng để đem đi phân tích rồi so với phẩm trà hái bình thường”.

 

Cũng trong năm 2024, Hiếu cùng cộng sự mắt thương hiệu trà Shansen, kết hợp trà Shan tuyết với hoa sen tạo thành thương hiệu trà khắc phục được 10 nhược điểm của trà sen truyền thống, có thể khiến người Việt Nam tự hào khi nói chuyện với bạn bè quốc tế.

 

10 ƯU ĐIỂM CỦA TRÀ SHANSEN:

 

Thứ nhất, thay vì dùng trà xanh truyền thống để ướp trà sen có hạn sử dụng, việc dùng hoàng trà giúp càng để lâu càng có giá trị.

 

Thứ hai, trà vùng trung du chưa chứng minh được về organic và an toàn, nhưng trà cổ thụ trên vùng núi cao được chứng minh độ an toàn, là trà organic vì sống tự nhiên.

 

Thứ ba, trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đã có chỉ dẫn địa lý toàn cầu số 122.

 

Thứ tư, dùng trà trung du, một sản phẩm trà sen chỉ dùng vài nước là hết vị, nhưng dùng trà cổ làm trà sen có thể pha được từ 10 đến 15 lần.

 

Thứ năm, phương pháp ướp xổi trà sen với phương pháp thu hái chưa đúng cách khiến mất mùi, mất chất của sen. Còn trà Shansen thu hái sen bằng cách cắt thân sen dưới nước và lập tức đưa vào ống (giống ống đựng tinh chất để dưỡng hoa lan) rồi buộc kín miệng sau đó mới đưa lên khỏi mặt nước giúp giữ lại dưỡng chất nuôi hoa.

 

 

Thứ sáu, cách ướp trà sen xổi thường bảo quản ngăn đá, còn trà Shansen hút chân không và sấy thăng hoa nên thuận tiện cho việc mang đi biếu, tặng.

 

Thứ bảy, trà Shansen đạt OCOP 4 sao, đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận 5 sao. Sản phẩm cũng đạt tiêu chuẩn ISO và xét nghiệm đạt tất cả các chỉ số an toàn, đủ tiêu chuẩn cho trẻ sơ sinh sử dụng. Sản phẩm được đóng gói bằng cách ép viên giống như một loại thuốc nhằm đảm bảo tiệt khuẩn.

 

Thứ tám, trà Shansen có câu chuyện và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đây là sản phẩm có thể làm quà tặng của đất nước vì tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả tiêu chuẩn Halal của các nước Hồi giáo.

 

Thứ chín, trà Shansen có dòng Shansen Milk Tea là trà sữa sen, một loại thức uống được tạo ra cho giới trẻ, rất an toàn và được đón nhận.

 

Thứ mười, ứng dụng trà Shansen vào xây dựng các tour du lịch để du khách được tìm hiểu về trà kết hợp học cắm hoa sen.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu bật mí, dự kiến tháng 12 anh sẽ ra mắt Shansen Milk Tea, Trà sữa di sản để chăm sóc giới trẻ Việt Nam với trọn niềm tự hào. 

 

Nhưng người viết chia sẻ thêm với Hiếu ưu điểm thứ 11 của trà Shansen. Đó là thể trạng của bản thân nếu uống trà sen truyền thống khi bụng rỗng sẽ cảm thấy xót ruột và đói cồn cào. Nhưng khi dùng trà Shansen, dù không ăn sáng và hiện đã là 14 giờ, nhưng vẫn không hề cảm thấy xót ruột, không thấy đói. 

 

Anh Hiếu cười bảo: “Cảm ơn nhà báo chứng thực cho điều này. Thực tế, trà cổ thụ sống trên núi cao đi vào cơ thể rất nhẹ nhàng và cung cấp năng lượng cho cơ thể, nên sẽ không thấy đói”.

 

Từ những thành công của trà Shansen và làm thương hiệu trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, Hiếu đã tư vấn cho quận Tây Hồ (Hà Nội) làm truy xuất nguồn gốc từng vườn, từng đầm, từng nhà trồng sen để biết mỗi bông sen được trồng ở đâu, có sản lượng một vụ là bao nhiêu bông sen.

 

 

 “Lúc đó, trà Shan tuyết cổ thụ kết hợp với sen sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao để nâng tầm giá trị của sen Hồ Tây, nhất là sen Bách Diệp rất quý hiếm. Khi ấy, chúng ta hoàn toàn có thể tại ra phẩm trà quốc bảo của Việt Nam. Để từ đó, kết hợp với văn hóa thưởng trà và không gian trà Việt giới thiệu tới du khách”, nghệ nhân phân tích.

 

Từ năm 2024, anh Hiếu bắt đầu xây dựng một chiến lược mới cho câu chuyện “Con đường của trà Việt”. Những gì làm được ở Suối Giàng chỉ như là bước đầu tiên trong dự án của cuộc đời anh. Mục tiêu lớn của Giàng A Hiếu là làm cho trà trở thành “quốc bảo”. “Tôi xem Suối Giàng như mô hình mẫu để phát triển thương hiệu cho trà cổ thụ ở 9 vùng trà cổ trên cả nước, và sau đó là các vùng trồng trà hữu cơ”, anh nói.

 

 

Với mục tiêu này, Đào Đức Hiếu còn rất nhiều việc phải làm! Chẳng hạn, phải có một hệ thống “Vietnam Teashop Organic” để mọi người có thể mua trà hữu cơ từ khắp mọi nơi trên đất nước. Du khách nước ngoài khi đến Việt nam chỉ cần đến đây là mua được trà chất lượng. Rồi anh dự kiến tổ chức “Mountain tea festival” để đưa các nghệ nhân trà thế giới về thẩm định và giới thiệu trà Việt Nam. Ở đó, còn có các cuộc thi trà cũng như hoạt động đấu giá để định giá lại trà cổ thụ của chúng ta.

 

“Và một mục tiêu lớn nữa là cùng người dân ở các vùng nguyên liệu làm trà tử tế”, anh trăn trở.

 

Theo nghệ nhân, hai năm gần đây, trà trên các đỉnh núi cao được người dân Thủ đô và người dân Việt Nam bắt đầu tiếp cận. Bởi vì họ quan tâm đến sức khỏe, quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng bây giờ không chỉ yêu cầu cần có truy xuất nguồn gốc để biết đó là trà an toàn, mà còn muốn biết trà được làm từ cây chè số bao nhiêu. “Truy xuất nguồn gốc chính là yếu tố quan trọng để trà Việt tạo dựng và định vị thương hiệu với thế giới”, nghệ nhân trà nhấn mạnh.

 

 

(CÒN NỮA)

 

XEM TIẾP LỜI TÒA SOẠN

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 1

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 2

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

XEM TIẾP CHƯƠNG 5

 

HỒ HẠ THỰC HIỆN 02/09/2024 09:02
Back To Top