Mở đầu câu chuyện với ông Joe Damond, chúng tôi muốn kể lại một chương quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, từ khi đàm phán BTA đến nay. Đó là “Cho thương mại một cơ hội” như tựa đề cuốn sách của ông Joe Damond xuất bản năm 2013, là “Việt Nam - Lối rẽ của một nền kinh tế” như tựa đề cuốn sách của ông Nguyễn Đình Lương xuất bản năm 2021, là sự hàn gắn, là hội nhập, phát triển và trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam.

 

Trong đó, ông Joe Damond là một trong những người Mỹ đã và đang hết lòng đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Là Trưởng đoàn đàm phán BTA của Hoa Kỳ, trong 5 năm 1995 - 2000, và là một người rất yêu mến đất nước Việt Nam, theo quan sát của ông, kinh tế Việt Nam đã phát triển như thế nào trong 27 năm qua kể từ lần đầu ông đến “đất nước hình chữ S” năm 1995?

 

- Trong 5 năm 1995 - 2000, mặc dù không sinh sống tại Việt Nam, nhưng tôi đã đi lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rất nhiều lần. Kể cả khi kết thúc đàm phán BTA, tôi cũng thường xuyên đến thăm và làm việc tại “đất nước hình chữ S”, vì tôi có rất nhiều bạn bè ở đây, bao gồm cả những người bạn tôi quen trong 5 năm đàm phán.

 

Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ họ và từ đất nước Việt Nam. Vì thế, sau khi kết thúc công việc tại Chính phủ Hoa Kỳ, tôi đã xác định sẽ quay trở lại Việt Nam, ít nhất vài năm một lần. Và sau chuyến đi này, có lẽ tôi sẽ tới Việt Nam thường xuyên hơn. Việt Nam là nơi tâm hồn tôi trú ngụ, nơi trái tim tôi đã chọn, nơi tràn ngập hạnh phúc và cả những tình bạn chân thành. (cười tươi).

 

Ngay từ Sân bay Quốc tế Nội Bài, với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, tôi đã nhận thấy sự thay đổi của Việt Nam rất mạnh mẽ trong 27 năm qua. Chuyến đi từ sân bay về khách sạn cũng mất ít thời gian hơn trước rất nhiều.

 

Mọi thứ tại Thủ đô Hà Nội và Việt Nam đã thay đổi, nhưng tôi luôn luôn nhận thấy sự năng động ở nơi đây. Trước đây, trên đường phố chủ yếu chỉ xe đạp và xe máy, rất hiếm xe ô tô, nhưng ngay từ khi đó, tôi vẫn cảm nhận được những tiềm năng phong phú mà không phải quốc gia nào cũng có được.

 

Bây giờ, đi đâu tôi cũng nhìn thấy nhiều nhà hàng, quán cà phê và rất nhiều doanh nghiệp. Tôi nghĩ, đó là kết quả của những thành tựu mà chúng tôi đã góp phần đạt được trong nỗ lực đàm phán BTA trong khoảng thời gian 1995 - 2000.

 

 

Thưa ông, đàm phán BTA đã kéo dài tới 5 năm, “chìa khóa” nào đã giúp hai bên cùng nhau tìm kiếm, gọt giũa và tỉ mẩn lắp ghép từng mảnh nhỏ của niềm tin, hy vọng để tạo nên một bức tranh BTA mang tới những kết quả đẹp như hiện tại?

 

- Đàm phán hiệp định thương mại song phương là một công việc không dễ dàng. Theo tôi, “chìa khóa” cho sự thành công là sự hợp tác và tình thân mà tôi cùng trưởng đoàn đàm phán Việt Nam - ông Nguyễn Đình Lương tạo dựng.

 

 

Mặc dù trong quá trình đàm phán, có nhiều hiểu lầm và thiếu sót ở mỗi phía, nhưng cuối cùng, chúng tôi đã tìm được “lời giải” chung là không tranh cãi và nói lời chua chát. Tôi học được rằng, cách tốt nhất khi làm việc với Việt Nam là xây dựng tình bạn chân thành và sự tôn trọng lẫn nhau, nhưng vẫn phải giữ gìn sự trung thực và thẳng thắn.

 

Ông có thể chia sẻ đôi chút về tình bạn giữa ông và người đồng nhiệm phía Việt Nam của mình - ông Nguyễn Đình Lương. Trong quá trình đàm phán BTA, ông thấy những đặc điểm gì trong phong cách ngoại giao, đàm phán của ông Nguyễn Đình Lương và các thành viên đoàn Việt Nam khiến ông cảm thấy ngạc nhiên, bất ngờ?

 

- Tôi cảm thấy mình may mắn khi ông Nguyễn Đình Lương là Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam bởi vì ông ấy cực kỳ thông thái. Ông ấy bộc trực, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng lại rất kiên định đối với các lợi ích của Việt Nam.

 

Lúc đó, chúng tôi nghĩ xem làm thế nào để Việt Nam có thể điều chỉnh, thích nghi cùng với hệ thống thương mại toàn cầu WTO, hệ thống thương mại quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo ra sau chiến tranh thế giới thứ hai.

 

Cá nhân tôi là chuyên gia về hệ thống thương mại, tôi đã học nó và hiểu biết nó rất rõ. Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Lương lại hoàn toàn khác. Ông ấy được đào tạo ở Liên Xô và nói tiếng Nga. Hệ thống này không phải là một thứ mà một người Việt Nam như ông Lương lúc đó hiểu rõ. Song ông Nguyễn Đình Lương đã học và hiểu về nó một cách rất nhanh chóng để có đủ kiến thức để đàm phán với chúng tôi.

 

Tôi còn nhớ rất rõ là để bù đắp phần thiếu hụt về kiến thức thương mại quốc tế hiện đại, ông Lương đã cùng các cộng sự mò mẫm, “xới tung” hàng trăm văn bản pháp lý của WTO.

 

Suốt 5 năm, cuộc sống của ông chỉ xoay quanh những chương, điều khoản và hằng hà sa số văn bản về luật thương mại quốc tế mà ông liên tục phải tham khảo. Hễ cứ rời bàn đàm phán, ông lại trở về căn phòng ở trụ sở Bộ Thương mại và làm việc không biết đến ngày nghỉ.

 

Không chỉ ông Nguyễn Đình Lương, các thành viên đội ngũ đàm phán của Việt Nam đều như thế. Họ rất chăm chỉ và họ đọc rất nhiều tài liệu. Thế nên, mặc dù cảm quan chung lúc đó là nước Mỹ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng thực tế lại không giống như một cuộc đàm phán chỉ có lợi thế nghiêng về một phía.

 

 

Như vậy, ở phía Hoa Kỳ, chúng tôi ban đầu là bên hiểu biết hơn do khi hai bên bắt đầu đàm phán, nền kinh tế với quy mô nhỏ bé của Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn sau thời gian dài chiến tranh, còn Hoa Kỳ đã là người khổng lồ kinh tế. Thế nhưng, người Việt Nam đã bắt kịp với nhịp đàm phán rất nhanh và điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.

 

Tháng 5/1998, ông Lương cùng các cộng sự đã trao cho chúng tôi bản dự thảo được thiết kế lại dựa theo nguyên tắc và luật chơi của GATT/WTO, có nhiều điểm khác xa so với bản mà phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam hồi tháng 4/1997. Trong đó, có chương dịch vụ và nhiều điều khoản khác gần như được viết lại hoàn toàn.

 

Khi đó, tôi nói với ông Lương rằng: “Chúng tôi quá ngạc nhiên về sự tiến bộ của Việt Nam. Làm bạn với một đối tác như các ông, chúng tôi thấy cũng vui lòng”.

 

 

Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là kinh nghiệm của tôi khi đàm phán với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, người trưởng đoàn đàm phán luôn luôn là một người lớn tuổi và ông ấy sẽ là người duy nhất phát biểu, còn những người khác trong đoàn chỉ im lặng và lắng nghe.

 

Nhưng ông Nguyễn Đình Lương không như thế. Ông ấy khiến cho tôi rất bất ngờ. Ông ấy nói với đội ngũ của mình là các bạn có thể hỏi ông Joe Damond bất kỳ thắc mắc nào. Và nếu không hiểu cái gì thì cứ hỏi.

 

Thế nên, phần lớn thời gian của các cuộc đàm phán, tôi đã phải trả lời tất cả các câu hỏi từ mọi bộ, ngành của Việt Nam tham gia vào cuộc đàm phán lúc đó. Khoảng 20 đến 30 người trong một phòng họp và họ được ông Lương trao quyền, được giơ tay và hỏi bất cứ lúc nào. Tôi thấy, đó là một quyết định vô cùng sáng suốt và đúng đắn.

 

Giai đoạn 5 năm đàm phán, khi đó tôi rất trẻ, mới hơn 30 tuổi, còn ông Lương lớn hơn tôi 21 tuổi. Tôi rất nể trọng sự trung thực của ông Lương mỗi khi có một vấn đề gì đó phát sinh bên phía Việt Nam. Ông ấy không bao giờ nổi giận cả. Dần dần, chúng tôi có sự tin tưởng gần như tuyệt đối với nhau.

 

Thế nên, vào giai đoạn cuối của cuộc đàm phán nhiệm vụ của tôi là phải làm sao để Chính phủ Hoa Kỳ hiểu rằng đây là một Hiệp định tốt cho cả hai bên. Có những thứ, Việt Nam không thể làm theo yêu cầu của chúng tôi thì tôi phải quyết định xem đâu là điểm ở giữa. Điều này rất khó khăn cho tôi.

 

 

Nhưng về phía ông Lương thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, khi đàm phán BTA, Việt Nam mới khởi động quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lúc đó, Việt Nam còn điều hành nền kinh tế mệnh lệnh tập trung theo cách của mình, mà mục tiêu là “xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

 

Trong khi đó, đàm phán BTA thiết kế một khung pháp lý điều tiết mọi hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ theo định hướng một nền kinh tế thị trường. Khung pháp lý này được thiết kế dựa trên những chuẩn mực, quy định của WTO, những chuẩn mực còn xa lạ đối với hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thời đó. Đặc biệt là các nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài…

 

Một khung pháp lý mới như vậy không thể tránh khỏi những “va đập” với khung pháp lý hiện hành lúc đó của Việt Nam. Hơn thế nữa, nó còn đòi hỏi Việt Nam phải gần như làm mới hệ thống pháp luật để khớp với luật lệ quốc tế.

 

Đó chỉ là một trong những khó khăn làm minh họa cho chúng ta thấy rằng, ông Lương đã làm rất tốt việc điều phối giữa các bên để tạo ra sự thấu hiểu.

 

Cả hai chúng tôi đều vô cùng linh hoạt và phải cố gắng trung thực nhất với đối phương. Và tôi phải tin tưởng những gì ông Lương nói. Cuối cùng, chúng tôi đã cố tìm cho được những cái có thể giữa muôn vàn cái không thể, tìm cho được cái chung trong muôn vàn cái khác biệt, chăm chút từng mũi kim để gỡ dần những cuộn chỉ rối, nhặt từng hạt cát, viên sỏi để lấp đầy hố sâu ngăn cách.

 

 

Trong 5 năm đàm phán, xuất phát từ sự không hiểu gì về nhau chúng tôi đã phát triển được một tình bạn đẹp. Đó là điều tôi vô cùng trân quý, ngạc nhiên. Và đến tận bây giờ, tôi đang có một tình bạn cá nhân đáng quý với ông Lương. Đó là một trải nghiệm đẹp với cá nhân tôi.

 

Tôi còn nhớ, thời đó mọi thứ diễn ra rất khác bây giờ. Việc đi lại giữa hai nước không dễ dàng như bây giờ. Tôi mới hơn 30 tuổi, con trai đầu tiên của tôi sinh năm 1990, con gái sau sinh năm 1993, và vào năm 1995, các cháu còn rất nhỏ. Khi tham gia đàm phán BTA, một năm tôi bay đến Việt Nam rất nhiều lần. Hồi đó, chưa có Internet, mà chỉ có máy fax, nên việc bay qua bay lại là cách duy nhất để có thể đàm phán được với nhau.

 

Nhưng bây giờ nhìn lại thì tôi thấy việc không có Internet thậm chí là việc tốt hơn. Lý do là vì, khi có mặt ở một đất nước nào đó, bạn có thể học hỏi được ở đất nước đó nhiều hơn nữa. Tôi hay nói với mọi người rằng, là cách duy nhất để hiểu về một quốc gia là phải hít thở bầu không khí ở quốc gia đó, đọc nhiều sách về quốc gia đó, gặp gỡ những con người và trải nghiệm văn hóa của quốc gia đó.

 

 

BTA có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, theo ông, BTA có ý nghĩa như thế nào?

 

- Cá nhân tôi nhận thấy BTA đã tạo ra sự bùng nổ về thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.

 

Tôi nghĩ rằng, tiến trình thực hiện Hiệp định dài 130 trang này rất hiệu quả. Trong BTA có rất nhiều yêu cầu đối với Việt Nam nên trong quá trình thực hiện có lẽ sẽ có rất nhiều vấn đề. Nhưng theo những gì tôi thấy thì nó đã biến Việt Nam thành một nơi hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà đầu tư và những doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

 

Tất nhiên, mọi người luôn luôn nói về chuyện xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ rất lớn. Nhưng tôi không nghĩ đó là một vấn đề lớn. Vì điều đó cho thấy là những công ty ở Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và các loại hàng hóa mà họ không thể sản xuất được ở Mỹ. Và thực tế là các doanh nghiệp Mỹ cũng đang nhập nguyên liệu từ rất nhiều quốc gia châu Á khác. Tôi nghĩ là không có nhiều người ở Hoa Kỳ hiểu điều này.

 

 

Vậy trong thời gian tới, ông có nghĩ rằng, nếu cán cân thương mại được cân bằng hơn thì sẽ tốt hơn không?

 

- Theo như những gì tôi biết, rất hiếm có hai quốc gia nào có sự cân bằng hoàn toàn về cán cân thương mại. Sự mất cân bằng vì thế là điều rất bình thường. Tôi không nghĩ cán cân thương mại bằng nhau sẽ thực sự tốt. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến sự thông thương hiệu quả giữa hai bên hơn là sự cân bằng cán cân thương mại.

 

 

Ông Joe Damond chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu sau buổi làm việc, ngày 17/8/2022.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

 

Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

 

Một tháng sau, ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.

 

Năm năm sau, ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) tại Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ sau nhiều vòng đàm phán.

 

Kể từ khi BTA có hiệu lực (ngày 10/12/2001), Hoa Kỳ áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

 

 

 

Hồ Hạ - Linh Lê - Chí Cường 03/09/2022 08:22
Back To Top