Ngành kinh tế xanh Hà Nội đã và đang “trỗi dậy” mạnh mẽ hậu Covid-19, khẳng định vị thế của một trong những trung tâm du lịch hàng đầu châu Á. Thế nhưng, ngược lại chương một, sự tiếc nuối của hai vị du khách Pháp khi phải rời Hà Nội sớm phần nào cho thấy những khoảng trống khiến du lịch Thủ đô chưa thực sự đủ sức níu chân du khách lâu hơn, chi nhiều tiền hơn.

 

Với diện tích khoảng 3,3 nghìn km2 và 8,5 triệu dân, Hà Nội được xếp là thành phố Thủ đô ẩn chứa nhiều nét văn hóa, du lịch thú vị hàng đầu thế giới. Các chuyên trang về du lịch nổi tiếng thế giới như: Hoppa và Telegraph của Anh, News của Australia, TripAdvisor của Hoa Kỳ… trong các bảng xếp hạng những điểm du lịch có chi phí rẻ nhất thế giới; ẩm thực đường phố ngon nhất thế giới; thành phố có nhiều di tích, danh thắng nhất; thành phố duy nhất; bảo tàng dân tộc hấp dẫn nhất… đều không thể vắng tên Hà Nội.

 

Ngay trong thời gian “sóng thần” Covid-19 hoành hành, du lịch Hà Nội vẫn liên tiếp được vinh danh ở các “bảng vàng”, nổi lên như một “ngôi sao sáng” trên bản đồ du lịch toàn cầu.

 

Trang Trip Advisor xếp hạng Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách Top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và đứng thứ 6 trong danh sách Top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới.

 

Tạp chí Time (Hoa Kỳ) bình chọn Hà Nội là một trong 3 điểm đến của Việt Nam vào Top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới, cùng với TP.HCM và Phú Quốc (Kiên Giang).

 

Trang Holidu (Anh) chuyên về du lịch quốc tế, xếp Hà Nội ở vị trí thứ 18 (TP.HCM thứ 21, Hội An thứ 32) trong danh sách 147 thành phố tuyệt nhất để làm việc và nghỉ ngơi trên thế giới.

 

Cơ quan phân tích Deep Knowledge Analytics (DKA) xếp Hà Nội vào danh sách 50 thành phố ứng phó với đại dịch tốt nhất thế giới, ở vị trí thứ 44, trong tổng số 72 thành phố du lịch được DKA phân tích, xếp trên cả Athens của Hy Lạp hay Bucharest của Romania.

 

Cẩm nang du lịch uy tín Forbes Travel Guide (Hoa Kỳ) công bố danh sách bảng xếp hạng các khách sạn, nhà hàng và spa cao cấp đạt chuẩn 5 sao. Trong đó, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội năm thứ hai liên tiếp được xếp hạng cao nhất.

 

Bên cạnh đó, Travelers' Choice Awards 2021 là chuỗi giải thưởng do TripAdvisor tổ chức đã xếp hạng Khách sạn Hanoi La Siesta Diamond (Hà Nội) đứng ở vị trí đầu tiên trong Top 25 khách sạn tầng thượng đẹp nhất thế giới.

 

 

Phân tích những yếu tố giúp du lịch Hà Nội tỏa sáng, CEO Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan khẳng định, trước hết là nhờ sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, chính quyền thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đặc biệt, nhận thức của người dân về du lịch đã hoàn toàn thay đổi.

 

“Đại dịch cho chúng ta thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan. Vấn đề của ngành du lịch hiện nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan như hàng không, vận tải, tiêu thụ nông sản…”, CEO Flamingo Redtour nói.

 

Hơn hai năm qua, ngành du lịch Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, xây dựng và nâng cấp, khởi động nhiều sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn được giới thiệu tới du khách, có sự hợp tác giữa điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, hãng vận chuyển với các liên minh kích cầu du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại thị trường, năng lực quản trị, tiếp tục duy trì vị trí cạnh tranh, sẵn sàng để bước qua khó khăn, sớm đạt mục tiêu phục hồi và phát triển nhanh, bền vững.

 

Thế nhưng, bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ, du lịch Thủ đô vẫn không thể nằm ngoài “lốc xoáy” khủng hoảng. Cuối năm 2021, số lao động nghỉ việc trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội lên đến khoảng 90% tổng số lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người.

 

Lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động tính ước khoảng 95%; 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động với khoảng 12.600 lao động tạm thời không có việc làm.

 

Vì mưu sinh, nhân sự ngành du lịch buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác, để lại khoảng trống thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, đến nay vẫn chưa thể khỏa lấp. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng tại Hà Nội đều đang ra sức tuyển dụng nhân sự. Không ít doanh nhân thẳng thắn thừa nhận, doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, dù đã liên tục đăng tin tuyển dụng.

 

Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho biết, sau hơn 2 năm Covid-19, phần lớn lao động du lịch đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nay du lịch mở cửa, có những người quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng.

 

 

Các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đang phải cạnh tranh gay gắt trong khâu tuyển dụng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau, mà với cả các ngành nghề khác. Nguồn nhân lực du lịch phân tán mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động bổ sung mới.

 

Bên cạnh đó, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.

 

“Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú tại khách sạn, mà phải “bán” trải nghiệm. Chúng ta không thể mang đến cho du khách trải nghiệm tuyệt vời nếu thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch đang phải thu hút nhân tài tiềm năng được đào tạo bài bản và lao động có trình độ bằng mức lương hậu hĩnh”, ông Năng chia sẻ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch vừa mới bước vào giai đoạn “hồi sức cấp cứu” chưa có nguồn vốn lưu động. Thiếu nguồn lực để xây dựng sản phẩm mới cũng như quảng bá tới du khách, chào hàng tới đối tác.

 

Đặc biệt, du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phục hồi vẫn mong manh, lượng khách quốc tế chưa như kỳ vọng. Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, Hà Nội đặt mục tiêu đón 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng 6 tháng đầu năm, Việt Nam mới chỉ đạt 602.000 lượt, bằng 12% kế hoạch. Hà Nội đón 211.000 lượt khách quốc tế, đạt khoảng 10 - 15% kế hoạch.

 

“Mổ xẻ” nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế chưa đạt  kỳ vọng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành AZA Travel liệt kê những yếu tố cơ bản như: Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát triệt để, biến thể phụ BA.5 của Omicron khiến dịch bệnh lây lan nhanh, gây tâm lý “ngại” đi du lịch ngoài biên giới; xung đột Nga - Ukraine; giá xăng dầu tăng cao, tình trạng lạm phát ở nhiều nước trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của du khách… khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.

 

 

Ông Đạt cho biết, sau 4 tháng mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch, chưa có đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga, Trung Quốc… do Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

 

Mặt khác, năm 2019, Việt Nam đón gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm khoảng 66% lượng khách. Do Covid-19, các thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại; thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt, Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch. Các chuyên gia du lịch nhận định, khi những thị trường truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại, thì du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng mới có thể hồi phục.

 

Một yếu tố khác là đường bay và chuyến bay quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch, lượng vé khan hiếm. “Chúng tôi đang có một số đoàn, nhưng không thể đặt được vé máy bay, giá vé một số đường bay thậm chí đắt gấp đôi so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến lựa chọn của khách. Họ có tâm lý chờ đợi, vì giá đắt, trong khi tâm lý cũng chưa muốn du lịch xa”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

 

Không chỉ doanh nghiệp yếu, nhân sự thiếu, hạ tầng du lịch cũng đang là lỗ hổng lớn của ngành “công nghiệp không khói” Thủ đô.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ thống khu vui chơi, giải trí tại Hà Nội hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chứ chưa nói tới chuyện phục vụ khách du lịch.

 

Mặc dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc và cả nước, điểm trung chuyển và là cầu nối cho du lịch Đông Nam Á, thế nhưng, sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức.

 

Hà Nội vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của các “thượng đế”.

 

Khu Công viên nước Hồ Tây đông nghịt du khách.

 

Hà Nội hiện có Khu Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, nhưng quy mô vẫn nhỏ. Các loại hình dịch vụ giải trí tại đây không đa dạng, được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp.

 

Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí tổng hợp trong nhà ở một số trung tâm thương mại lớn chỉ đủ sức phục vụ nhu cầu giải trí của tòa nhà và số ít người dân quanh vùng. Là một vị khách yêu mến Hà Nội, ông Peter Len (du khách đến từ Bỉ) cho biết: “Tôi đã đi du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hà Nội để lại nhiều ấn tượng trong tôi với những ngôi nhà cổ rêu phong, những làng nghề độc đáo… Tuy nhiên, nếu các bạn có một khu vui chơi hiện đại, mô phỏng những nét đặc trưng của thành phố kết hợp với các trò mạo hiểm, ca nhạc, rối nước, chiếu phim… để các con tôi trải nghiệm thì sẽ càng hấp dẫn du khách. Và chúng tôi sẵn sàng chi mạnh cho các dịch vụ này”.

 

Chỉ cần dạo qua các điểm vui chơi của thành phố như Công viên Hồ Tây, rạp xiếc, trung tâm chiếu phim hay Royal City, Times City, Thiên đường Bảo Sơn… vào buổi tối hay ngày cuối tuần đều thấy đông nghịt người. Dù giá vào cửa, phí tham gia trò chơi không hề rẻ, có khi đến vài trăm ngàn/người nhưng nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt.

 

Tại các công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình, Dịch Vọng, Yên Sở… hàng ngày đón hàng trăm lượt trẻ em đến vui chơi, cuối tuần nào cũng chật cứng. Trời nắng chang chang, người lớn và trẻ nhỏ đều mồ hôi nhễ nhại, chen nhau tìm chỗ chơi. Thế mới thấy chỗ vui chơi ở Hà Nội thiếu đến cỡ nào.

 

Thế nên, nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ Hà thành vẫn hay nói vui là rủ nhau đi Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc… để chơi công viên.

 

Công viên Kim Quy được kỳ vọng sớm hiện thực hóa, trở thành điểm đến vui chơi giải trí hấp dẫn cho người dân và du khách khi đến Thủ đô. (Ảnh phối cảnh minh họa)

 

Theo ông Nguyễn Công Hoan, ở Hà Nội, có 3 đối tượng có nhu cầu vui chơi giải trí. Đó là người dân Thủ đô, từ các tỉnh, thành phố khác về sinh sống, học tập, làm việc và du khách quốc tế. Trước đây, Hà Nội xây dựng những công viên mang tính chất phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tối thiểu của người dân như: Công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình…

 

Thực chất, đây là nơi có nhiều cây xanh để người dân đi bộ, thư giãn, hoặc tham gia những trò chơi đơn giản. Nhưng, những nhu cầu đó đã qua lâu rồi, vậy mà, một thời gian rất dài chúng ta gần như không đầu tư gì cho hoạt động vui chơi giải trí nữa. Hiện tại, các khu vui chơi, giải trí ở Hà Nội quá thiếu, nói đúng hơn là gần như chưa có gì, vì chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Mô phỏng trò chơi tàu lượn gỗ sẽ xây dựng tại Công viên Kim Quy.

 

Theo các chuyên gia, hơn 2.100 sân chơi hiện nay chưa thực sự phục vụ rộng rãi cho người dân. Ngoài một số khu vui chơi đã nổi tiếng trong thành phố, một số dự án do tư nhân đầu tư thuộc loại cao cấp như sân trượt băng, bể bơi, sân trượt patin… giá vé lại quá cao và quy mô có hạn nên không phải ai cũng vào được. Con em trong những gia đình lao động nghèo đành đứng nhìn hoặc trở về với các trò chơi trên đường phố, trên sông hồ hoặc chơi games trong các quán nét lành ít hại nhiều.

 

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho biết, ý tưởng xây dựng một khu vui chơi, giải trí mang tầm quốc tế đã được những người làm du lịch mong mỏi từ rất lâu. Sở Du lịch trước đây đã từng có những đề án cụ thể nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa thực hiện được. Trong đó, giá đất, thuế đất quá cao là một trong những nguyên nhân chính.

 

Trò chơi mạo hiểm tại công viên Vipearl Land Phú Quốc.

Ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ: “Những năm qua, Hà Nội liên tiếp lọt Top những điểm du lịch rẻ nhất thế giới. Đó có thực sự là điều đáng mừng? Tôi cho đó là sự buồn, bởi điều đó cho thấy chúng ta chưa thu được nhiều tiền của khách. Thực tế, các doanh nghiệp du lịch thu tiền tour chỉ là một phần nhỏ, số tiền khách chi tiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ, quà lưu niệm, hàng hóa ở địa phương lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia đã tính toán rằng, 3/4 số tiền du khách chi tiêu khi đi xê dịch là để mua sắm”.

 

Tuy nhiên, chỗ tiêu tiền ở Hà Nội lại quá thiếu. Việc không có những khu vui chơi giải trí tầm cỡ đã và đang khiến Thủ đô lãng phí cơ hội chi tiêu của khách thông qua việc tăng thời gian lưu trú và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.

 

Gần đây, các dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội đã được phê duyệt, khởi công nhưng mãi vẫn chưa thấy bóng dáng, như Công viên Kim Quy, Công viên Hello Kitty…

 

Công viên Hello Kitty vẫn "đắp chiếu".

 

Không chỉ các khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ) tại một số khu du lịch và điểm tham quan vừa thiếu về số lượng, chất lượng dịch vụ còn yếu. Hà Nội cũng chưa có những bãi đỗ xe chuyên phục vụ du khách, chưa có bến cảng du thuyền dọc sông Hồng.

 

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Lux Group nhận định: Hà Nội có rất nhiều tiềm năng nhưng hạ tầng của Hà Nội chưa được tốt cho phát triển du lịch. Ví dụ đường sông, Hà Nội có sông Hồng rất đẹp, có Hồ Tây rất rộng lớn là những di sản vô cùng quý giá. Thế nhưng, Thủ đô lại chưa có bến du thuyền cũng không có bến thủy nội địa, dẫn đến việc phát triển du lịch đường thủy gần như “bế tắc”.

 

“Nhiều khách hàng than với tôi là đến Hà Nội bây giờ buồn quá. Hồ Tây vô cùng rộng lớn, dọc sông Hồng trải dài nên thơ nhưng chẳng có hoạt động du lịch nào xung quanh. Du lịch Hà Nội vẫn chủ yếu bám theo di sản, chưa phát huy được các giá trị, tiềm năng. Trong khi đó, Singapore, một quốc đảo nhỏ bé, ít tài nguyên, nhưng họ có rất nhiều hoạt động, từ nghệ thuật văn hóa, triển lãm, đến các hoạt động trên mặt nước”, ông Hà nói.

 

Du lịch là một ngành liên ngành, liên vùng, không chỉ ngành du lịch, mà còn phụ thuộc vào nhiều ban, ngành khác. “Trong thời gian hoạt động lữ hành, chúng tôi nhận thấy việc đón trả khách rất phiền hà. Ví dụ những xe lớn không thể vào trong khu vực phố cổ trong những khung giờ nhất định. Hầu như các khách sạn nhỏ lại ở khu phố cổ, dẫn đến việc không thể nào đón khách ngay tại khách sạn mà khách phải đi bộ từ đó ra những điểm khác rất bất tiện. Điều này khiến khách và đơn vị lữ hành cảm thấy phiền phức và nản lòng, khiến du khách mất đi sự hứng thú”, Chủ tịch Lux Group thẳng thắn chỉ ra.

 

Theo vị doanh nhân này, Hà Nội có sân bay quốc tế Nội Bài là một trong hai sân bay lớn nhất cả nước, cần phải phát huy được vai trò trung tâm, đầu tàu, kết nối các vùng khác để tạo cho du khách chuỗi trải nghiệm hấp dẫn. Hạ tầng du lịch cần phải không ngường được đổi mới để du khách không chỉ đến một lần mà đến nhiều lần. Thủ đô Hà Nội cần thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Và từ đó, tất cả các hoạt động, cơ chế, chính sách cần tạo thuận lợi cho du khách cũng như thu hút được các nhà đầu tư đến với Hà Nội.

 

 

Nhóm tác giả 10/08/2022 10:10
Back To Top