Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài, tinh hoa bốn phương. Hà Nội đã được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”…

 

Đó là những chất liệu tuyệt vời để dệt nên ngành kinh tế xanh Hà Nội giàu bản sắc, độc đáo, khác biệt, ấn tượng. Thế nhưng, lộ trình biến những tiềm năng, tài nguyên để Hà Nội định vị được thương hiệu điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, những nguyên nhân chủ quan đòi hỏi Hà Nội phải tự thân tháo gỡ.

 

 

Du khách Tiberghien Frederec đến từ Pháp:

 

Khi mới đến Hà Nội, tôi cảm thấy như lạc vào một hành tinh khác đầy sự khác biệt và thú vị, nhưng cũng tràn ngập sự vô lý. Những bà chủ quán rửa bát ngay trên vỉa hè cạnh thùng rác. Trên con phố sầm uất và bụi bặm này, tôi thấy nhiều xe ô tô xịn nhập khẩu giá hàng tỷ đồng đi qua chậm chạp như rùa gây tắc đường kinh khủng.

 

Hà Nội có lúc thật cổ kính, thanh lịch, quyến rũ, đài các, hào hoa không đâu sánh bằng, nhưng có khi lại như một khu rừng bê tông bẩn thỉu, gây cảm giác bối rối, khó chịu. Người dân vẫn có ý thức thấp về vệ sinh công cộng. Đây là một vấn đề nan giải ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đó là chưa kể tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng như bãi biển, bờ hồ, kênh nước, các điểm du lịch. Mặc dù hành động này không thuộc về số đông, nhưng lại gây hình ảnh xấu xí trong mắt du khách nước ngoài.

 

Du khách Tiberghien Frederec (bìa trái)

 

Một ví dụ phổ biến khác là nhu cầu an toàn vệ sinh của khách hàng bị coi nhẹ. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều cảnh khó tin như khi mua bánh mì hay thanh toán ở quán ăn, bác chủ quán vừa đưa cho tôi tiền thừa vừa chạm vào thực phẩm mà không dùng găng tay. Hay khi tôi vào nhà vệ sinh công cộng,  thấy nhà vệ sinh thiếu xà phòng hay giấy vệ sinh. Nhiều quán ăn bình dân ở Việt Nam không có bồn rửa tay, khi tôi bảo chủ quán mình muốn rửa tay trước khi ăn, chủ quán tròn mắt bất ngờ như thể rửa tay là một yêu cầu bất thường.

 

Hà Nội là một thành phố mang tính biểu tượng mà không phải ở đâu cũng có. Tôi ngỡ ngàng trước những chiêm nghiệm mới tại một Thủ đô hơn ngàn năm tuổi. Nhưng giao thông, không khí, ý thức công cộng là những vấn đề cần được quan tâm khắc phục và nâng cao hơn nữa. Như vậy, những câu chuyện bất tận về Hà Nội sẽ hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn!.

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Lux Group:

Du lịch nội địa đang phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, lượng du khách quốc tế phục hồi rất chậm so với kế hoạch đề ra.

 

Hà Nội đang sở hữu kho tài nguyên di sản, văn hóa đặc sắc có thể tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm mới giàu cảm xúc. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đang chuyển động chậm hơn và ít có sự đổi mới sáng tạo cũng như chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc.

 

Du lịch Hà Nội chưa được định vị trong lòng du khách. Câu hỏi tại sao lại phải đến Hà Nội còn mờ nhạt cả với khách quốc tế và khách Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ du lịch của Hà Nội còn yếu và thiếu. Đơn cử, Hà Nội có con sông Hồng rất đẹp, có Hồ Tây rất rộng lớn là những di sản vô cùng quý giá. Thế nhưng, chúng ta lại chưa có bến du thuyền cũng không có bến thủy nội địa dẫn đến việc phát triển du lịch đường thủy gần như “bế tắc”.

 

Chúng tôi có nhu cầu phát triển du thuyền cho khách tham quan sông Hồng ngược lên phía Bắc đến miền đất Tổ Phú Thọ hoặc xuôi xuống Hạ Long, nhưng không thể thực hiện.

 

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Lux Group.

 

Tôi nghĩ rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể cho phép bay thủy phi cơ từ Hồ Tây xuống Hạ Long, để khách không cần vất vả ra sân bay Nội Bài mới trải nghiệm được.

 

Hạ tầng du lịch cần phải không ngừng được đổi mới để du khách không chỉ đến một lần mà đến nhiều lần. Khu vực ven sông Hồng, có thể triển khai nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn hai bên bờ sông cũng như những công trình mang tầm cỡ gắn liền với sự phát triển của sông Hồng. Đặc biệt là chiếu sáng của đô thị cho sông Hồng đẹp cả ngày, cả đêm và những du thuyền chạy trên sông để du khách có thể trải nghiệm.

 

Hiện nay, khi phát triển đến một thời điểm nào đó, chúng ta không thể tăng được lượng khách vì quá tải. Do đó, cần khai thác tối đa lượng khách có thể đón để họ chi tiêu nhiều hơn, đến rồi họ vui hơn, thỏa mãn hơn và chi tiêu đến đồng đô la cuối cùng. Đó là sự thành công của ngành du lịch và tôi nghĩ Thủ đô Hà Nội của chúng ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm, từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau là thời gian thu được nhiều tiền nhất của khách.

 

Họ đi chơi thì phải vui, phải có nhiều trải nghiệm và đa dạng các trải nghiệm. Ban ngày, khách có thể đi chơi ở ngoại thành và các thành phố khác, nhưng tối họ có thể trải nghiệm cuộc sống về đêm nhộn nhịp, trải nghiệm những chương trình văn hóa nghệ thuật như thực cảnh tinh hoa Bắc Bộ, chúng ta hoàn toàn có thể làm ở Hồ Tây.

 

Doanh nhân Phạm Hà cho rằng, Hà Nội đang bỏ phí tiềm năng khai thác dịch vụ di lịch trên mặt nước, nhất là hồ Tây và sông Hồng.

 

Hay xung quanh Hồ Tây có thể tạo ra bến du thuyền để tạo cho du khách nhiều trải nghiệm hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều tiền hơn. Thành phố cần tạo ra những cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào những lĩnh vực đó vì những đặc thù của ngành là đầu tư rất lâu mới có thể thu lợi. Cần phải tạo ra những cơ chế tốt, nếu Hà Nội kêu gọi đầu tư bến du thuyền thì chúng tôi hoàn toàn đầu tư để tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn, tạo nên sự náo nhiệt của thành phố để không chỉ phục vụ khách quốc tế mà cả người dân Hà Nội.

 

Kinh tế ban đêm không chỉ dừng lại ở phố đi bộ, mà kinh tế ban đêm phải tạo ra được những cảm xúc cho du khách và cơ hội để tiêu tiền. Ví dụ, cầu Long Biên, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được khu vực kinh tế đêm nhộn nhịp. Dưới chân cầu có thể tổ chức những chương trình nghệ thuật văn hóa, triển lãm tại những trụ cầu ở bên dưới. Có thể mô phỏng 36 làng nghề, 36 phố phường của Hà Nội. Mỗi ô bán những sản phẩm trải nghiệm, đồ thủ công mỹ nghệ của những ngôi làng. Hay tổ chức những đêm nhạc, những chương trình văn hóa nghệ thuật giúp cây cầu di sản trở thành không gian hấp dẫn.

 

Hà Nội là trung tâm du lịch ở miền Bắc và cả nước. Du khách đến Hà Nội sau đó mới đi các nơi khác như Hải Phòng, Hạ Long, Ninh Bình hay các tỉnh phía Bắc. Do đó, Hà Nội đang là trung tâm thì phải đóng vai trò trung tâm để làm sao khách đến thuận tiện hơn, đến dễ dàng hơn và làm sao liên kết được các vùng để tạo ra được những trải nghiệm cho du khách. Để khách ở lâu hơn.

,
Hoạt động xúc tiến du lịch tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

 

Hà Nội là điểm đến đầu tiên và kết thúc của hành trình thì phải tạo được ấn tượng đáng nhớ cho du khách. Đồng thời tạo sự thuận tiện cho khách đến và đi tới những nơi khác. Hà Nội cần làm sao để định vị thương hiệu cho du lịch Thủ đô thực sự hấp dẫn trong mắt du khách trong nước và quốc tế. Và để Hà Nội trở thành trung tâm du lịch của châu Á, điểm đến của châu Á mà du khách chọn là điểm đến thay vì những điểm đến khác.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel:

 

Du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm, việc mở rộng phố đi bộ là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, những nhà tổ chức cần tăng tính tương tác qua lớp học hoặc không gian trải nghiệm mở ngay tại không gian đi bộ và các hoạt động này cần liên tục được đổi mới và đa dạng hơn.

 

Khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần là điểm đến thú vị với du khách
Tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần, khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội năm 2014 (Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện) là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch.

 

Để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ, trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn. Việc ra đời các tuyến phố đi bộ cần kết nối với nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau.

 

Doanh nhân Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel.

 

Nếu các phố đi bộ khác không có đặc trưng nổi bật thì khó có thể khiến người dân, du khách thường xuyên lui tới, có chăng họ chỉ tò mò thời gian mở cửa ban đầu rồi một đi không trở lại. Bản thân Hồ Gươm và vùng phụ cận vốn đã đông đúc, là nơi có sẵn mọi dịch vụ và là tâm điểm trong suy nghĩ của mỗi người về Hà Nội. Đơn cử, Hà thành có rất nhiều khu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trải đều tại các quận, huyện, nhưng người dân vẫn có xu hướng ưu tiên các khu trung tâm như Hồ Gươm. Đây là thách thức đòi hỏi các không gian đi bộ cần tìm được ưu thế vượt trội, khác biệt để hút khách.

 

Phố Trịnh Công Sơn mang tên người nhạc sĩ tài ba của Việt Nam thì nên là nơi tập trung của văn hoá, giới văn nghệ sĩ. Quy hoạch hàng quán, trang trí nên tập trung vào giới văn nghệ sĩ. Còn phố đi bộ Ngọc Khánh sắp khánh thành gần khu Kim Mã - Thủ Lệ vốn tập trung nhiều nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc thì hãy lấy chủ đề là phố đi bộ kiểu Nhật - Hàn, tập trung các quán hàng theo phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc như cosplay, hiphop... Hay phố đi bộ hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang có thể mở vào các tối trong tuần thay vì mở cuối tuần.

 

Khi chưa tìm ra nét đặc trưng, khả năng chinh phục khách hàng thì các phố đi bộ mới đừng vội “chín ép” để rồi “chết yểu” hoặc là nơi hoạt động kinh doanh thuần túy, thậm chí xô bồ, nhếch nhác.

 

Doanh nhân Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, phố đi bộ Hồ Gươm không phải là mô hình kiểu mẫu cho tất cả các khu phố đi bộ khác.

TS.KTS Emmanuel Cerise, Giám đốc PRX - Vietnam:

 

Là một Thủ đô, đương nhiên Hà Nội phải phát triển. Hà Nội không thể đứng ngoài xu hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa. Nhưng tôi luôn khát khao nhìn thấy một Hà Nội dung dị, quyến rũ, đài các như lần đầu tôi tới đây vào năm 1997.

 

Tất nhiên, không phải là giữ hình ảnh đó nguyên như cũ mà vẫn phải có cái mới. Có cái mới nhưng không đồng nghĩa với việc để xảy ra những vấn đề nổi cộm như giao thông quá tải, không khí chất lượng ở mức đáng báo động và ô nhiễm tiếng ồn. Tất nhiên, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng ba vấn đề này cần sớm được khắc phục.

 

Thông qua một số kinh nghiệm phát triển du lịch của vùng Ile-de-France, TS. KTS Emmanuel Cerise nhấn mạnh việc cần thiết kết nối các điểm đến du lịch trong nội thành và ngoại thành Hà Nội.

 

TS. KTS Emmanuel Cerise, Giám đốc PRX - Vietnam.

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan PRX - Vietnam là đưa những kinh nghiệm, sáng kiến thành công của vùng Ile-de-France để vận dụng, nghiên cứu giải pháp cho du lịch Hà Nội. 10 điểm đến quan trọng nhất của Vùng Ile-de-France có những điểm không nằm trong nội thành Paris, tiêu biểu như Disneyland, mỗi năm đón khoảng 15 triệu lượt khách.

 

Năm 2019, Thủ đô Paris (Pháp) trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về khai thác du khách với trên 60 triệu lượt khách, mang về nguồn thu khoảng hơn 20 tỷ Euro.

 

Bộ máy hành chính của vùng Ile-de-France có Ủy ban Du lịch vùng Ile-de-France (gọi tắt là CMT), tập trung phát huy các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch cho những điểm đến nằm ngoài Paris. Điều này giúp lượng khách tới những điểm đến trong Paris cũng dịch chuyển sang những điểm khác ngoài trung tâm Thủ đô nước Pháp.

 

Một trong những sáng kiến nổi bật nhất của CMT là thành lập mạng lưới liên kết gọi là mạng lưới Paris - “Paris và nhiều hơn thế nữa”. Mạng liên kết này gắn kết Paris và 8 điểm đến xung quanh.

 

Sáng kiến thể hiện ở rất nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Đầu tiên là thực hiện các hoạt động quảng bá mới giữa 8 điểm đến này với nhau. Chỉ cần đến một trong 8 điểm, các “thượng đế” sẽ có thông tin của 7 điểm còn lại.

 

 

Thứ hai là kích cầu du lịch bằng gói combo vé tham quan ưu đãi cả 8 điểm. Giải pháp tiếp theo là xây dựng trang website chung để quảng bá về tất cả các điểm đến khi du khách vào tra cứu thông tin tại trang trang này. Đặc biệt, họ cùng nhau phối hợp để tổ chức các tour chuyên đề kết nối cả 8 điểm.

 

Sáng kiến thứ hai là của Công ty vận tải xe buýt trong nội thành Paris. Dựa trên các tuyến buýt khai thác hàng ngày, nhưng trên bản đồ dừng đỗ, đơn vị này thể hiện các điểm tham quan liên quan đến những công trình di sản, kiến trúc của Paris, giúp hành khách có thể lựa chọn đi trên tuyến buýt đó để tham quan vẻ đẹp của các công trình kiến trúc.

 

Gần như không cần đầu tư gì, chỉ cần biên tập lại bản đồ xe buýt của các tuyến để du khách biết họ sẽ được tiếp cận với điểm đến nào khi đi trên một tuyến xe buýt.

 

Sáng kiến tiếp theo là tổ chức “Những ngày di sản châu Âu”, được khởi nguồn từ Pháp sau đó lan rộng sang rất nhiều nước châu Âu. Tất cả các công trình kiến trúc có giá trị di sản mà bình thường được khai thác với tư cách công cụ hoặc trụ sở của các cơ quan công quyền, người dân không được phép vào thăm quan thì đến “Những ngày di sản văn hóa châu Âu”, tất cả các công trình này đều mở cửa và cho người dân tham quan miễn phí. Những ngày đó, người dân ở các tỉnh, vùng khác của Pháp, du khách quốc tế cũng đổ về Paris để tham quan, chiêm ngưỡng những công trình này.

 

Chính quyền Thủ đô Paris có rất nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân có thể vào tham quan, đặc biệt trong số đó là điều tiết giao thông khi họ quy hoạch các điểm gửi xe bên ngoài ngoại ô Paris để người dân dùng phương tiện công cộng và đi vào thành phố đến tham quan các điểm. Tương tự, Việt Nam có “Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11”, Hà Nội cũng có thể vận dụng kinh nghiệm này, chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm hấp dẫn không hề nhỏ.

 

 

Hà Nội và Vùng Ile-de-France có nhiều điểm tương đồng. Hà Nội có hệ thống các điểm đến thu hút du khách cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch rất tốt. Bên cạnh đó, Hà Nội có rất nhiều điểm đến du lịch nằm bên ngoài các huyện ngoại thành.

 

Chúng ta có thể kiểm chứng điều này rất dễ, khi gõ từ khóa tìm kiếm các điểm đến nổi bật của Hà Nội, sự xuất hiện tập trung rất nhiều ở khu vực trung tâm thành phố như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, Khu phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long tứ trấn… Tuy nhiên, có rất nhiều điểm đến nằm bên ngoài khu vực nội thành Hà Nội như các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái; các di tích nổi bật như di tích Cổ Loa, đền Sóc, vùng núi Ba Vì… Bên cạnh đó còn có một số điểm đến mới mang tính đương đại như Công viên giải trí Thiên đường Bảo Sơn.

 

Nếu kết nối được các điểm đến này với nhau và xây dựng thành các tour du lịch chuyên đề, với những câu chuyện hấp dẫn, Hà Nội có thể tạo ra được những lộ trình tham quan mới, những câu chuyện mới để kể cho du khách. Qua đó, họ sẽ thêm hiểu lịch sử Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã trải qua những giai đoạn từ thời phong kiến, cứu quốc, thuộc địa, cách mạng và hiện đại như thế nào.

 

Xu hướng hiện nay khách đi du lịch tự túc ngày càng nhiều. Vì thế, khi họ có nhiều thông tin, có thể họ sẽ ở lại lâu hơn để trải nghiệm và khám phá.

 

Không khí lễ hội khu vực phố cổ đem lại cho du khách một trải nghiệm vô cùng ấn tượng

 

Khi nỗ lực kết nối các điểm đến, chúng ta cần hướng tới các dịch vụ du lịch có tính mở rộng hơn. Không chỉ đơn thuần là giới thiệu đơn lẻ từng điểm đến mà cần kết nối các điểm đến đó với nhau để kể cho du khách rất nhiều câu chuyện khác nhau nhằm đưa họ khám phá những nét văn hóa riêng của Hà Nội và Việt Nam nói chung. Bởi, khách quốc tế đến Hà Nội hay Việt Nam lần đầu, để hiểu được văn hóa của một vùng đất mới sẽ hết sức khó khăn, phức tạp. Họ cần có câu chuyện kết nối được các điểm đến cùng chủ đề.

 

 

Do đó, Hà Nội cần xây dựng những tour chuyên đề riêng cho du lịch Hà Nội như: truyền thống khoa bảng, thi cử của Việt Nam; mối liên hệ giữa các phố nghề trong khu phố cổ và làng nghề xung quanh Hà Nội; lịch sử Hà Nội qua các thời kỳ; câu chuyện tâm linh, tôn giáo của văn hóa Hà Nội… để hấp dẫn du khách.

 

Để mang đến nhiều trải nghiệm cho người dân và du khách, ở Paris, các dịch vụ kinh tế đêm cơ bản như hộp đêm, quán ba, tụ điểm ca nhạc, chiếu phim khá đa dạng. Nhưng quan trọng hơn, Paris và vùng Ile-de-France rất chú trọng tổ chức các sự kiện về ban đêm thường kỳ và cả bất thường.

 

Hoạt động thường kỳ tiêu biểu phải kể tới như “Ngày hội âm nhạc quốc gia” vào tháng 6 hàng năm. Ngày hôm đó, suốt từ sáng đến tối khuya, tất cả các nghệ sĩ, nhạc công chuyên và không chuyên đều chơi nhạc theo đam mê để phục vụ công chúng miễn phí dưới sự tổ chức quy củ của cơ quan chức năng.

 

Hay “Lễ hội Đêm trắng ở Paris” kéo dài 1 hoặc 2 đêm. Khi đó, những công trình kiễn trúc, di sản đồng loạt mở cửa đón người dân và du khách tham quan buổi tối. Thậm chí, họ còn tổ chức thêm những không gian biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm để phục vụ người xem.

 

Ngoài ra, các bảo tàng chọn 1 ngày trong tuần mở cửa đến tối muộn. Các bể bơi cũng vậy, vì đối với người Pháp, bơi cũng là một hình thức giải trí.

 

Khi những sự kiện đó diễn ra, Paris và Vùng Ile-de-France tổ chức các dịch vụ mang tính hỗ trợ cho người dân, du khách. Đơn cử, tổ chức các chuyến tàu điện ngầm, taxi hoạt động xuyên đêm; mở thêm các tuyến xe buýt dành riêng cho ban đêm.

 

 

Trong trạng thái bình thường mới, Hà Nội cần bắt tay ngay vào đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm phục vụ phát triển du lịch. Bởi, ngoài lợi nhuận khổng lồ, kinh tế đêm còn giúp thu hút khách hàng, nâng cao nội lực quảng bá, marketing tự nhiên hữu hiệu. Phát triển kinh tế đêm mang lại “lợi ích kép”, khi vừa tạo ra lợi ích về tài chính, vừa góp phần thu hút du khách, thỏa mãn nhu cầu của du khách.

 

Ban đầu, không nhất thiết phải tạo thêm những điểm vui chơi mới mà hãy khai thác các điểm hiện có còn nhiều dư địa. Chẳng hạn, các di tích, bảo tàng mỗi tuần định kỳ mở cửa 1 buổi tối muộn hơn cũng có thể tạo sức hút riêng. Sau đó, tiến tới tổ chức các sự kiện ban đêm như “Đêm Hà Nội” chẳng hạn. Khi có nhiều điểm hoạt động về đêm giống như thí điểm phố đi bộ, dần dần sẽ phát huy hiệu quả và được duy trì.

 

Hà Nội cũng không nhất thiết phải làm hình thức đại trà với tất cả các điểm mà trước mắt tập trung vào những nơi người dân và du khách có nhu cầu tham quan lớn như nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Chúng ta cần mặc định kinh tế đêm là từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Cần sắp xếp các hoạt động, dịch vụ thành chuỗi liên hoàn khép kín, không chồng chéo lên nhau và phủ kín khoảng thời gian ban đêm. Như vậy mới tạo ra được nền kinh tế đêm phát triển, ngành công nghiệp không khói ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh và đặc biệt là dòng tiền không bao giờ “ngủ”.

 

Thủ đô Hà Nội 1010 tuổi cổ kính, hoa lệ nhưng cũng rất năng động. Để du khách mãi yêu và muốn gắn bó với mảnh đất này, Hà Nội cần mãi giữ vẻ dung dị, quyến rũ, đài các vốn có và sản sinh thêm thật nhiều trải nghiệm, kết nối tất cả thành những câu chuyện hấp dẫn để níu chân du khách thật lâu.

 

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

 

Dịch Covid-19 đã được khống chế nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin, nên việc mở cửa du lịch  là cần thiết để thúc đẩy ngành kinh tế xanh phát triển sau hơn 2 năm đóng băng.

 

Tuy vậy, do hiện tại tình hình dịch trên thế giới phức tạp, trong nước ngoài dịch Covid-19, thì đậu mùa nguy cơ rình rập, cúm A, sốt xuất huyết cũng tăng cao nên các biện pháp chống dịch tại Thủ đô cần tiếp tục được duy trì.

 

Để phát triển kinh tế nói chung, trong đó có ngành Du lịch nói riêng, chúng ta nới lỏng, nhưng không buông lỏng, trong bối cảnh hiện nay cần chuyển từ nghiêm cấm sang kiểm soát rủi ro.

 

Điều đó có nghĩa nguy cơ dịch ở khâu nào, sẽ ngăn chặn khâu đó trong một phạm vi nhỏ nhất có thể, tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, du khách và người dân.

 

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

 

Với du lịch Hà Nội, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát dịch, do đây là ngành kinh tế đặc thù có các dịch vụ tập trung đông người, nên ý thức chống dịch của doanh nghiệp, khách du lịch cần được coi trọng.

 

Chẳng hạn, tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng việc đeo khẩu trang và công tác khử khuẩn cần được tăng cường, bởi có đây là không gian kín, nguy cơ dịch cao và dễ bùng phát nhanh, mạnh nếu xuất hiện ổ dịch.

 

Nói như vậy cũng không phải là yêu cầu 100% cơ sở hay du khách phải đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi chỗ. Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang dự thảo văn bản để quy định cụ thể nơi nào thì bắt buộc đeo khẩu trang, nơi nào có thể tự nguyện nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến công tác của doanh nghiệp và du khách.

 

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội ở thời điểm này chưa cao, lo ngại lúc này là việc bảo vệ an toàn, tránh lây lan dịch trong nước. Vì vậy, Thủ đô cần làm tốt công tác tuyên truyền để du khách nội địa thực hiện biện pháp phòng dịch, tự bảo vệ mình cũng như các thành viên đi cùng trong đoàn. 

 

Với lo ngại của nhiều người về làn sóng mới, tôi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin và công tác phòng chống dịch được tăng cường thì nguy cơ sẽ giảm rất nhiều.

 

 

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội:

 

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đã đón trên 8,6 triệu lượt khách, trong đó có trên 200.000 lượt khách quốc tế. Đây là dấu hiệu rất tích cực với ngành du lịch. Những con số trên là kết quả của việc triển khai đồng bộ rất nhiều các giải pháp mà ngành du lịch Thủ đô đã phải nỗ lực trong thời gian vừa qua.

 

Thứ nhất, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và tổ chức các sự kiện, các lễ hội để thu hút khách đến sau thời kỳ mở cửa trở lại do Covid-19 để có thể phục hồi nhanh.

 

Thứ hai là tăng cường xây dựng cho các nhóm sản phẩm du lịch mới, có tính độc đáo và hấp dẫn, có sự khác biệt phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách thời kỳ sau phục hồi. Tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh thân thiện. Qua đó xây dựng lòng tin và sự thoải mái cho du khách khi đi du lịch.

 

Thứ ba là những con số rất ấn tượng vừa chia sẻ là sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của tất cả những người làm du lịch Thủ đô. Tuy nhiên khi du lịch tăng trưởng chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề đau đầu đối với những nhà quản lý du lịch như tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách, các tệ nạn đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

 

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

 

Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ thành phố Hà Nội hết sức quan tâm là công tác quảng bá điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. Cùng với đó là các hoạt động liên kết, nhằm phát triển du lịch bền vững.

 

Sở Du lịch Hà Nội xác định, công tác quảng bá cần được thực hiện có lộ trình, kéo dài trong khoảng thời gian nhất định và liên tục.

 

Đầu tiên là truyền thông thay đổi nhận thức của người dân và du khách cũng như những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch, để họ có nhận thức đúng đắn, cùng xây dựng được môi trường du lịch xanh và bền vững.

 

Sự bền vững ở đây là chúng ta sử dụng, khai thác các tài nguyên một cách hiệu quả nhất và tránh lãng phí. Môi trường xanh này đối với các cơ sở chúng tôi phát động rất lâu rồi, như việc sử dụng nước tiết kiệm, sử dụng lại khăn…

 

Trong thời gian tới, khai thác tài nguyên đối với các khu, điểm du lịch sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn, đặc biệt là các loại hình mới như du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái. Việc gìn giữ được môi trường du lịch nơi khách đến là điều rất quan trọng. Chúng tôi cũng đã tham mưu Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, có trách nhiệm. Doanh nghiệp khai thác cũng là doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm, kinh doanh du lịch có trách nhiệm.

 

Đầu tiên là nhận thức đến hành động giữ gìn môi trường xanh.

 

Thứ hai là vì các quy định của pháp luật có những chế tài, thể chế rõ, cụ thể và mạnh mẽ hơn để du khách, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xác định rõ đó là trách nhiệm của mình. Chế tài này cần được hướng dẫn cụ thể để  mọi người nghiêm túc thực hiện.

 

 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động theo hướng xanh và coi đó là nguồn tài nguyên vô giá để khai thác, sử dụng và trân trọng để phát triểm lâu dài

 

Về các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu du lịch Thủ đô, chúng tôi xác định và định hướng phát triển du lịch đô thị. Ở trong du lịch đô thị bao hàm rất nhiều các loại hình, trong đó du lịch MICE là một trong các loại hình chúng tôi quan tâm. Cùng với đó là du lịch văn hóa và lịch sử về Hà Nội cũng như các loại hình văn hóa đặc sắc lâu đời, các di tích lịch sử được UNESCO công nhận...

 

Với định hướng đó, sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu để Ủy ban Nhân dân Thành phố trình Hội đồng Nhân dân và kiến nghị hỗ trợ các khu điểm du lịch để xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao.

 

 

Về hỗ trợ kinh phí để xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao đã được UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 3928/QĐ-UBND về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

 

Tôi hy vọng với sự đồng bộ về cơ chế, chính sách cũng như sự hỗ trợ của thành phố và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của người dân, chúng ta sẽ xây dựng được các khu, điểm du lịch chất lượng cao. Từ đó mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

 

Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều làng nghề truyền thống, đội ngũ nghệ nhân, nhân sự giỏi. Các sản phẩm du lịch làng nghề là những sản phẩm đóng góp rất nhiều vào giá trị của chuỗi giá trị của ngành du lịch, đặc biệt là các sản phẩm quà tặng. Các sản phẩm trải nghiệm du lịch làng nghề cũng là loại hình đang hút khách trong và ngoài nước. Tôi hy vọng trong thời gian tới, loại hình du lịch làng nghề sẽ phát triển mạnh mẽ.

 

Hiện nay, Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng mô hình làng nghề du lịch để làm thí điểm trước, sau đó nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng du lịch làng nghề đối với các quận, huyện trên địa bàn thành phố, để làm sao mỗi một làng nghề, mỗi một địa phương đều có những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, góp phần thu hút du khách.

 

Tôi cũng rất hy vọng những nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp, ngành du lịch Thủ đô sẽ khởi sắc, bứt phá và sớm đạt được các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ này cũng như những năm tiếp theo.

 

 

TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

 

Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

 

Hà Nội có 3 yếu tố khác biệt, nổi trội về du lịch, đó là: Vị trí Thủ đô - cửa ngõ, trung tâm kinh tế xã hội của đất nước. Cũng là nơi phân phối khác tạo ra vị thế ngành du lịch; Hai là có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội lâu đời tạo nên sự khác biệt; Yếu tố thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Ba yếu tố đó sẽ góp phần dẫn dắt du lịch Hà Nội trở thành ngành du lịch mũi nhọn của nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, ngành du lịch Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Thiếu không gian vui chơi cộng đồng chất lượng cao, thiếu sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; chất lượng nguồn nhân lực ở một số khâu, một số bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư đúng mức…

 

TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

 

Những vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự sẽ khiến du khách lo ngại, ảnh hưởng đến du lịch. Do đó ngành du lịch cần phải có biện pháp, đề xuất ứng phó kịp thời, có hiệu quả để tránh ảnh hưởng đến du lịch Thủ đô.

 

Riêng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch Hà Nội nói riêng được xác định là “trái tim” của ngành du lịch, nên cần chủ động rà soát lại hoạt động, đổi mới sáng tạo, hòa nhập vào xu hướng bứt phá thị trường... Doanh nghiệp tính toán và đi sâu vào nhóm nhu cầu mới của ngành du lịch, khai thác tối đa xu hướng thị trường và đáp ứng thị hiếu du khách. Đối với những vấn đề doanh nghiệp không vượt khó được thì chính quyền thành phố Hà Nội và ngành phải đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ, tìm giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

 

Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nhiều cơ chế chính sách và thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý cho ngành du lịch phục hồi và phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thúc đẩy hoàn thiện quy hoạch ngành du lịch không chỉ dừng lại ở giải pháp, mà là hướng đến mục tiêu và động lực. Điển hình, đầu tư cho ngành du lịch cần giải quyết bài toán căn cơ và dựa trên khai thác tiềm lực xã hội; đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá trên thị trường du lịch quốc tế bên cạnh thị trường nội địa.

 

Trong đó, du lịch được thành phố xem là ngành quan trọng của nền tảng kinh tế, không chỉ bởi sự đóng góp vào tổng thu kinh tế, mà còn là ngành dịch vụ tổng hợp tạo nhiều việc làm. Ngành du lịch có tính liên ngành, xã hội hóa cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho ngành nhiều ngành khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

 

 

(HẾT)

 

Nhóm tác giả 10/08/2022 10:10
Back To Top