Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam và ông Phạm Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường Minh Việt, một người sinh ra ở Palestine và gắn bó với Việt Nam 42 năm, một người sinh ra ở Việt Nam nhưng đã sống và làm việc ở Hoa Kỳ 30 năm; điểm chung của hai nhân vật điển hình này là một tâm hồn Việt Nam và tình yêu sâu nặng với “đất nước hình chữ S”. 

 

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam khiến bất cứ người Việt nào có cơ hội tiếp xúc cũng phải ngỡ ngàng vì “kỹ nghệ” nói tiếng Việt thậm chí rõ ràng, chuẩn ngữ pháp hơn rất nhiều người bản địa. Đặc biệt hơn là sự am tường văn hóa, lịch sử vùng miền trải dọc từ Bắc vào Nam trên “dải đất hình chữ S” của vị Đại sứ, điều mà không phải người Việt Nam nào cũng tỏ tường.

 

Bên bàn trà trong phòng làm việc ở Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, lịch lãm trong bộ vest cùng phong thái chuyên nghiệp của một nhà ngoại giao, cộng hưởng với gương mặt rạng rỡ và đôi mắt “biết cười”, ông Saadi Salama say sưa kể về tình yêu, đam mê với những ngóc ngách văn hóa, lịch sử Việt Nam một cách đầy cuốn hút.

 

Ông khẳng định mình không phải là một vị khách quá cảnh tại Việt Nam, mà trong ông có một phần Việt Nam rất lớn. Với Đại sứ Palestine, Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, một đất nước đáng đến và đáng sống.

 

 

Ngược về quá khứ 50 năm trước, Đại sứ Saadi Salama khi còn là cậu học sinh 12 tuổi ở Palestine đã tìm hiểu về Việt Nam. “Tôi đã xem truyền hình, đọc báo về Việt Nam. Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc (Việt Nam), tập trung vào các thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, nhằm đạt được mục tiêu chính trị trên bàn Hội nghị Paris. Bởi vì cũng giống như nhân dân Việt Nam, nhân dân Palestine luôn mang trong mình khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập, khát vọng tự do”, đôi mắt ông long lanh nhìn về hướng hai lá cờ Việt Nam và Palestine phía bên phải bàn làm việc.

 

Tình cảm đó càng ngày càng sâu đậm, như một người bạn luôn tìm hiểu và dõi theo những cuộc đấu tranh tại Việt Nam. Và Việt Nam đã để lại ấn tượng rất tuyệt vời về một dân tộc anh hùng, một cái tên mà ông luôn luôn quan tâm.

 

Đến khi Việt Nam giành thắng lợi, hoàn toàn thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân ông, mà nhân dân Palestine đều vui mừng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập.

 

 

Đại sứ bộc bạch: “Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Chúng tôi củng cố thêm niềm tin vào tương lai, vào con đường độc lập dân tộc giống như con đường Việt Nam đã chọn và đã chiến thắng. Mặc dù chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó”.

 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chàng thành niên Saadi Salama mang trong mình những hoài bão chuẩn bị đi du học ở nước ngoài khi nhận được học bổng của nhiều nước. Trong số đó, cái tên Việt Nam rất nổi bật, Saadi Salama khi ấy đã không hề dè dặt một chút nào và chọn Việt Nam ngay lập tức.

 

 

Khi mới tới Việt Nam, ông đã có tình yêu lớn với mảnh đất này, nhưng sự hiểu biết về Việt Nam của ông hầu hết liên quan đến tinh thần chiến đấu, ý chí bất khuất và sự hy sinh của người Việt Nam để giành được độc lập, tự do. Một dân tộc đấu tranh cho lẽ phải giống như dân tộc Palestine. Và chỉ có thế. Còn cuộc sống hàng ngày, văn hóa của người Việt, với ông lại như “một trang giấy trắng”.

 

Chàng thanh niên 19 tuổi đến từ Trung Đông cảm thấy mọi thứ từ phong tục tập quán, thói quen hàng ngày, ẩm thực, kiến trúc… khác rất nhiều so với Palestine. Nhưng sau một thời gian sống và học tập rồi làm việc tại Việt Nam, ông đã phát hiện ra rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa dân gian hai nước.

 

“Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi. Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là quê hương của tôi, không khác gì với đất nước Palestine nơi tôi sinh ra”, Đại sứ xúc động đặt tay lên lồng ngực.

 

 

Từng làm việc tại nhiều cơ quan ngoại giao của Palestine ở nước ngoài, trong đó Việt Nam là nơi đại sứ Saadi Salama gắn bó và làm việc lâu nhất. Ông cũng là một trong số ít những người nước ngoài đã sống ở Việt Nam và đã theo dõi những bước phát triển của đất nước Việt Nam 42 năm qua, từ năm 1980 đến nay.

 

“Tôi có thể khẳng định với tất cả bạn bè nước ngoài và các bạn Việt Nam rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã có những bước phát triển đáng kể, mà tôi có thể viết cả một cuốn sách. Và bật mí với nhà báo là tôi sắp ra mắt cuốn sách về Việt Nam có tựa đề “Câu chuyện Việt Nam của tôi” (My Vietnamese Story)”.

 

Đại sứ kể, lần đầu đến Việt Nam năm 1980, ông thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình, nhưng cũng cảm nhận được, nhân dân Việt Nam sống vất vả.

 

Tất cả mọi người dân Việt Nam khi đó đều như nhau cả, phụ nữ cũng như nam giới. Nam giới mặc một chiếc quần kaki với sơ mi màu trắng, phụ nữ diện quần lụa đen với sơ mi và đội một chiếc nón. Người nào cũng đi xe đạp, đi làm từ sáng và đều mang theo một chiếc cặp lồng để mang thức ăn từ nhà đến cơ quan. Việt Nam những năm đó phải nhập gạo của nước ngoài, chủ yếu là gạo Ấn Độ với 5% tấm.

 

Vậy mà giờ Việt Nam có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tuỳ thuộc vào mùa vụ. Việt Nam giờ cũng là quốc gia đóng góp vào việc đảm bảo an ninh toàn cầu khi xuất khẩu nhiều hải sản, nông sản nhất thế giới, nếu nhìn về cà phê, về các loại hạt như điều… Đó rõ ràng là sự thành công rất rực rỡ.

 

 

Nhìn ra cửa sổ, Đại sứ nhớ, Hà Nội những năm 1980, nhà cao nhất cũng không thể quá 5 tầng, còn giờ Hà Nội cũng như TP.HCM đã có nhiều toà nhà có thể là cao nhất Đông Nam Á. “Đấy cũng là hình ảnh của thành công, của cố gắng” ông chia sẻ và khẳng định: “Chỉ trong vòng hơn 35 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu nhìn ra, so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng làm, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì rõ ràng sự thành công, những thành quả của Việt Nam đã đi xa hơn rất nhiều”.

 

Theo Đại sứ, những thành công nói trên phản ánh hai điều. Điều thứ nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã quyết định những chính sách phù hợp với điều kiện đất nước. Thứ hai, người dân Việt Nam rất chịu khó và luôn sẵn sàng nắm vững cơ hội để đưa cuộc sống của cá nhân mình cũng như đất nước mình vươn lên.

 

Đặc biệt, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Đại sứ cho biết đã được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Việt Nam trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng.

 

Và trong gian nguy, người Việt lại cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao - điều có lẽ vừa đến từ truyền thống văn hóa, vừa đến từ những bài học thực tế của một quốc gia đã trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt trong lịch sử.

 

Nếu không có ổn định chính trị, an ninh xã hội, không có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực, lao động thông minh thì làm sao phát triển đất nước như vậy được.

 

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước các bạn đã xác định cho mình một con đường đi đúng hướng với mục tiêu vượt qua khó khăn do chiến tranh gây ra và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở chính sách đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng những năm 1985, 1986 của thế kỷ trước”, Đại sứ khẳng định.

 

 

Không chỉ vượt qua khó khăn, sự vươn mình mạnh mẽ của “đất nước hình chữ S” trên mọi lĩnh vực đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc, ngưỡng mộ và đánh giá cao tất cả những điều đó.

 

Đại sứ cũng khẳng định, yếu tố quan trọng nhất làm nên những thắng lợi của Việt Nam trước đây và bây giờ chính là tinh thần đoàn kết, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của người dân.

 

Chia sẻ về “kỹ nghệ” nói tiếng Việt tuyệt đỉnh và sự am tường lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống Việt Nam một cách sâu sắc của mình, ông Saadi Salama cho biết, ban đầu, mục tiêu của ông đến Việt Nam không phải là để trở thành Đại sứ. Điều đó là một cơ duyên và công việc Đại sứ đã chọn ông.

 

Trước đây, Đại sứ rất thích trở thành nhà báo, thích khám phá, tìm hiểu văn hóa. Từ đam mê cá nhân, ông luôn luôn đi tìm những cái hay, cái đẹp, những điều mới lạ. “Chính dân tộc Việt Nam đầy khác biệt và quyến rũ đã khiến tôi bị mê hoặc, bị đắm chìm trong thế giới đầy sắc màu ở nơi đây. Với tôi, người Việt Nam là kiến trúc sư của mọi thắng lợi. Tôi bị lôi cuốn bởi thái độ, cách suy nghĩ, phong cách, cách sống và cuộc sống nề nếp của người Việt Nam”, ông thổ lộ.

 

Tất cả cứ âm thâm, lặng lẽ mà âm vang, vốn xa lạ lại trở nên quen thuộc, gần gũi như hơi thở, thôi thúc ông phải tìm hiểu và tìm hiểu thật sâu sắc, phải đi đến tận cùng để trả lời mọi thắc mắc, nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của bản thân.

 

Rất nhiều người tò mò Việt Nam làm sao có thể chiến thắng được những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới? Làm sao từ một nước đói nghèo lại có thể đạt được những thành công lớn về kinh tế? Nếu không tìm hiểu về con người Việt Nam, cách suy nghĩ của người Việt Nam từ xa xưa thì sẽ không thể tìm được đáp án.

 

 

Vị Đại sứ luôn thích hai loại ngoại giao là ngoại giao chính thức và ngoại giao nhân dân. Ông luôn luôn gắn bó với người Việt Nam để tìm hiểu thêm thật nhiều lĩnh vực. Điều đó giúp cho kho kiến thức về Việt Nam của ôngngày càng đầy lên.

 

“Làm nhà ngoại giao cũng giống như đi du mục. Tôi đã làm việc ở nhiều nước, nhưng Việt Nam là nơi tôi có thời gian gắn bó lâu nhất. Sự gắn bó của tôi ở Việt Nam sẽ tiếp tục vì tôi đến Việt Nam không phải chỉ là một vị khách quá cảnh. Tôi giống như một người Việt Nam xa quê hương đã hai, ba mươi năm nhưng không thể quên được hương vị của món canh chua hay món rau muống. Mỗi lần xa Việt Nam, tôi luôn có cảm giác đang đi xa nơi mà mình rất trân quý. Đó là nơi có những kỷ niệm đẹp trong đời của tôi. Cứ ra nước ngoài là tôi lại phải tìm một nhà hàng Việt Nam để có thể dùng món ăn Việt”, Đại sứ bộc bạch.

 

Đại sứ muốn gửi thông điệp tới người Việt Nam rằng: “Các bạn Việt Nam ơi! Trên hành tinh này có rất nhiều người ngưỡng mộ và quý mến đất nước của các bạn. Và họ sẵn sàng dành cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc Việt Nam”.

 

 

 

Là người duy mỹ, yêu nghệ thuật và văn hóa, Đại sứ Saadi Salama thích kịch và dân ca quan họ Bắc Ninh nhất. Nhưng ông cũng rất yêu nghệ thuật của Việt Nam nói chung.

 

Khi còn là sinh viên, tìm hiểu và thưởng thức hát chầu văn, ông thấy đây là một loại hình nghệ thuật rất tuyệt vời, mang tính cộng đồng cao và có thể biểu lộ nội tâm sâu sắc.

 

Ông cũng rất thích nhạc Trịnh. Khi mới đến Việt Nam vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đi qua các quán cà phê ở Hà Nội, ông thường thấy người ta bật nhạc Trịnh. “Tôi thích rất nhiều bài của “thiên tài” âm nhạc Việt Nam và đặc biệt thích bài “Quỳnh hương”. Những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “rất dễ đi vào lòng người”. Nó có thể nói về tình yêu, sự lãng mạn, về nỗi buồn, mất mát và có thể là về những câu chuyện nào đó mà tôi biết là chính ông đã phải đón nhận trong đời thực”, Đại sứ nói và bày tỏ: “Cảm giác ông đã để lại cho chúng ta một vườn hoa âm nhạc. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó những bông hoa màu vàng, những bông hoa màu đỏ và cả những bông hoa màu trắng. Sự đa dạng trong âm nhạc của ông vừa dễ đồng cảm vừa khiến ông có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn chúng ta”.

 

 

Đại sứ Saadi Salama cũng rất mê “Truyện Kiều”. Theo ông, bất cứ ai muốn tìm hiểu về Việt Nam, muốn biết cách tư duy của con người Việt Nam thì nhất định phải đọc “Truyện Kiều”.

 

Điều ông thấm thía nhất khi đọc “Truyện Kiều” là thông điệp: “Chúng ta cần phải sống có nề nếp, có đạo lý, có kỷ cương. Ví dụ trong một gia đình, nếu không có sự kính trọng người lớn tuổi và sự thương yêu, chăm sóc người nhỏ tuổi thì mọi giá trị xã hội tan vỡ hết”.

 

 Đại sứ Saadi Salama tham gia hiến máu tình nguyện.

 

 

Hiện nay, Đại sứ Saadi Salama có vợ người Việt Nam và 4 con đã thành đạt. “Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy!”, ông cười sảng khoái và lý giải, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài, Palestine cần có nhiều dân số để phục vụ cho nhu cầu của đất nước mình.

 

“Khi người ta hỏi là “đã đến từ đâu?” thì các con tôi luôn trả lời: “Tôi là người nửa Palestine, nửa Việt Nam”. Mà đối với những người hiểu về Palestine và Việt Nam, khi nghe câu trả lời ấy, người ta thường nói: “Ôi trời ơi, hai dân tộc anh hùng, hai dân tộc đấu tranh không mệt mỏi, hai dân tộc sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mình, vì độc lập, vì tự do”. Điều đó làm các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra chúng và tạo động lực cho các con tôi tiếp xúc, giao lưu với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tạo cho chúng thế mạnh để trở thành công dân toàn cầu”, Đại sứ tự hào kể.

 

Sự nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt Nam và Palestine cũng tạo cho các con của ông một kho tàng kiến thức, giúp chúng trở thành những đối tác của những người nước ngoài muốn tìm hiểu về một gia đình đa văn hóa.

 

Các con ông cũng rất tự hào và chúng có thể lồng ghép hài hòa và khéo léo giữa phong tục tập quán của Palestine và Việt Nam để ứng xử linh hoạt với xã hội, giúp chúng trở thành những công dân toàn cầu.

 

Đại sứ Saadi Salama đi chợ Hôm tại Hà Nội.

 

Đại sứ rất ủng hộ và cổ vũ những giá trị gia đình truyền thống của người Việt Nam. Khi đến các gia đình Việt Nam ăn cơm, ông thấy những người ít tuổi không bao giờ cầm đũa ăn mà không mời những thành viên lớn tuổi hơn mình. Trong gia đình, người ít tuổi làm bất cứ điều gì cũng phải xin phép người lớn tuổi. Điều đó thật quý giá trong xã hội hiện đại ngày nay nên cần giữ gìn và phát huy.

 

Có một khác biệt khá rõ trong văn hóa gia đình Palestine và Việt Nam được Đại sứ phát hiện là ở Việt Nam, người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

 

Bản thân Đại sứ Saadi Salama rất thích đi chợ. Gần nhà ông có chợ Hôm và không tuần nào ông không tới đó. “Tôi nhấn mạnh là đi chợ nhé! Rất hiếm khi tôi vào siêu thị”, ông khẳng định và cho biết đi chợ vì có hai mục tiêu. Thứ nhất là mua sắm, thứ hai là có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng.

 

Đại sứ luôn luôn nói với mọi người rằng, chợ là hồn của Việt Nam. Khi đến chợ, ông có thể giao tiếp với nhiều người, tìm hiểu cách sống, ngôn ngữ của họ, khám phá tư duy, cách nghĩ của họ. Vì thế, với ông, chợ là nơi đểgiải trí và tìm hiểu về văn hóa của người Việt Nam. Điều đó không thể được trải nghiệm trong siêu thị.

 

 Đại sứ Saadi Salama cùng bạn bè thưởng thức cà phê Lâm.

 

Thông thường, Đại sứ Saadi Salama chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì tôi muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho khách. Còn khi không có khách, chủ yếu ông nấu và gia đình ông ăn món Việt Nam. Đại sứ lý giải, món ăn Palestine cũng rất ngon, ông cũng rất thích, nhưng chúng không tốt cho sức khỏe bằng những món ăn của Việt Nam. Hơn nữa, cách ăn dùng đũa của người Việt Nam cũng giúp giảm lượng thức ăn đưa vào miệng hơn là dùng thìa của người Palestine.

 

Cá nhân Đại sứ rất thích ăn những món bún, miến, đặc biệt là phở Việt Nam. Hằng tuần, ít nhất phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà, không thì không chịu được.

 

Khi mới sang Việt Nam, ông không thích mùi nước mắm, nhưng giờ nếu một tuần không ăn đồ ăn có nước mắm thì sẽ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

 

 

Đại sứ bày tỏ rất tự hào và vui khi nhìn thấy phở Việt Nam tìm được vị trí quan trọng trong tâm hồn và trí nhớ của những người nước ngoài và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam.

 

Ông nghĩ rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam rất quan trọng. Việt Nam là một quốc gia có diện tích không lớn, nhưng lại có bờ biển dài, lãnh hải rộng lớn, sự đa dạng về thổ nhưỡng, môi trường khí hậu. Miền Bắc có bốn mùa, miền Nam có hai mùa. Miền Bắc có núi, miền Nam có đồng bằng và sông ngòi màu mỡ. Sự đa dạng đó tạo thế mạnh để Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới.

 

Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời và hiếm người nước ngoài nào sinh sống ở đây cảm thấy không hài lòng vì đồ ăn.

 

 

Dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam luôn để lại trong trái tim mỗi người một động lực, một cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta luôn có thể cùng nhau nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan nhất của mình.

 

Việt Nam không chỉ là một nơi mọi người đến để thưởng thức đồ ăn ngon, để khám phá những con phố đẹp hay tắm tại những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Việt Nam là một kho tàng văn hóa. Khi tiếp xúc với người Việt Nam, chúng ta sẽ học được thêm nhiều điều đáng quý.

 

“Tôi ở đây và tôi thấy những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và họ cũng rất hài lòng khi sinh sống và làm việc ở đây. Được sống và làm việc tại Việt Nam là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống”, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ.

 

Đại sứ Saadi Salama cho biết, ông có nhiều người bạn Việt Nam hơn người Palestine

 

Ông Saadi Salama sinh năm 1961, tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…

 

Ông là một trong số ít người nước ngoài có thể nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Ông được coi là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập.

 

Quá trình làm việc của ông Saadi Salama tại Việt Nam:

 

+ Năm 1982 – 1983, là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam.

 

+ Năm 1989 - 1991, là Phó đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

 

+ Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

 

+ Từ 2019 đến nay, là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

 

Ông Phạm Tuấn Anh là người có song quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ, một nhân vật Việt Nam tiêu biểu về lòng trung thành, sự tận tâm, tinh thần hiến dâng cho quê hương được xếp đặt hài hòa trong tình yêu nhân loại. Câu chuyện cuộc đời ông Phạm Tuấn Anh là nguồn cảm hứng tích cực cho những người trẻ Việt Nam sinh ra trong các gia đình nghèo dũng cảm và quyết tâm bước ra thế giới để hướng về và trở về phụng sự quê hương, đất nước.

Ông Phạm Tuấn Anh (biệt danh Gấu) sinh năm 1976 tại Bắc Ninh và lớn lên ở Hà Nội. Ông đến Mỹ năm 1997, bắt đầu học cao học năm 1998, và sống tại Washington DC từ năm 2004.

 

Số phận đã sắp đặt một cách khác thường để chàng trai Gấu mới 19 tuổi được Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson (vai trò như Đại sứ Hoa Kỳ lúc hai nước chưa bổ nhiệm đại sứ) mời làm người phiên dịch. Nhờ thế mà Phạm Tuấn Anh đã là một chứng nhân của tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ ngay từ buổi đầu.

 

Năm 1998, ông nhận được học bổng và theo học tại trường Ngoại giao và Hành chính Công mang tên Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ là Woodrow Wilson thuộc đại học danh tiếng Princeton.

 

Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho bà Charlene Barshefsky, Đoàn thương mại Hoa Kỳ trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, năm 2000.

 

Sau này, ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trước khi làm người tư vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ, rồi sáng lập và quản lý Trường Minh Việt (MVA) tới nay.

 

Ở Việt Nam, người ta biết đến ông Phạm Tuấn Anh rõ nhất trong vai trò là người phiên dịch cho Tổng thống Obama và Phó tổng thống Biden trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015. Cuộc hội đàm của Tổng thống Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng là sự kiện lịch sử đánh dấu mốc 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 2 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

 

Tiếp đó, vào tháng 5/2016, ông lại là phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Ông cũng được biết chính là người đề xuất những câu thơ Kiều được trích dẫn trong những bài phát biểu “lay động trái tim người Việt” của các lãnh đạo Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là người phiên dịch, người kết nối trong nhiều cuộc gặp, sự kiện quan trọng khác giữa lãnh đạo Việt - Mỹ trong những năm qua.

 

Cuộc đời ông Phạm Tuấn Anh trong 25 năm qua là một chuyến đi dài và thú vị, như cách ông nói, đó là một “hành trình ánh sáng” nhiều ý nghĩa. Hành trình này không chỉ thú vị ở mức độ cá nhân, mà còn có ý nghĩa công cộng tốt đẹp đáng ngưỡng mộ đến từ những nỗ lực của ông chung tay bồi đắp quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

 

Sinh ra trong một gia đình cha mẹ đều là những người làm nghề giáo, nên mong muốn làm giáo dục là khát khao hiển hiện tự nhiên trong ông Phạm Tuấn Anh.

 

Dù bận rộn đi làm việc cho những tổ chức phát triển, nhưng ông vẫn luôn nghĩ mình là người may mắn có được cơ hội học tập ở Mỹ thì một cách trả ơn cuộc đời là mang những cơ hội tương tự cho người khác. Với suy nghĩ đó, bên cạnh công việc chuyên môn, ông cũng thường xuyên hỗ trợ dạy dỗ và kèm cặp khoảng 20 bạn trẻ tới Mỹ học tập và làm việc rất thành công trong 20 năm trước khi mở Trường Minh Việt.

 

 

Năm 2018 là thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump và ông không có liên quan gì đến công việc của Chính phủ Hoa Kỳ. Lúc rảnh đọc Facebook thấy một số bạn bè viết tiếng Anh còn sai ngữ pháp. Nhân có nghề tay trái làm biên tập tiếng Anh, ông quyết định mời các bạn bè Facebook học lại ngữ pháp tiếng Anh với mình. Hàng ngày, ông sẽ giảng những vấn đề về ngữ pháp theo cách dễ hiểu và học phí chỉ là 1 USD/một tuần học.

 

Với học phí thấp như thế, ngay lập tức có rất nhiều người tham gia học, nên ông đặt tên chương trình là Tiếng Anh bạn Gấu (TABG).

 

Lúc đó, tình cờ ông cũng tìm được chương trình Zoom -  công cụ hữu hiệu để kết nối các thầy cô giáo ở Mỹ với học sinh ở Việt Nam. Tháng 7/2019, ông Phạm Tuấn Anh thành lập Trường Minh Việt (Minh Viet Academy - MVA) là trường online với các giáo viên Mỹ đa số có bằng cao học và chứng chỉ giảng dạy chương trình phổ thông của Mỹ cho học sinh Việt Nam. Năm nay là năm thứ tư MVA vận hành và có 14 cấp lớp cho các học sinh từ 3 đến 17 tuổi.

 

Ông Phạm Tuấn Anh luôn khát khao mang một nền giáo dục quốc tế đến cho học sinh Việt Nam với chi phí rất thấp. Là một trường học với chương trình học của Mỹ, giáo viên Mỹ, nhưng học phí của MVA rất thấp, trung bình chỉ vài chục USD một tháng. Tính ra học phí trung bình một giờ học chỉ khoảng 25.000 đồng mà cha mẹ không cần đưa đón con vất vả.

 

Ông Phạm Tuấn Anh dạy học qua ứng dụng Zoom.

 

Giải pháp của ông là làm sao để đưa các cháu ra nước ngoài bởi vì thế giới rất rộng lớn và nhu cầu cho người lao động trí thức trên thế giới hiện nay rất cao. Tức là trí tuệ của người Việt Nam mình có nhiều cơ hội phát triển trên thế giới.

 

Để làm được điều đó, đầu tiên, MVA dùng công nghệ để mang kiến thức thế giới, Tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, đến cho thật nhiều học sinh Việt Nam để họ có căn bản tốt nhất để trở thành những người lao động chất lượng cao.

 

Sau đó, đưa họ ra thế giới để học hành thêm, để khai phá hết tiềm năng, tài năng của họ. Cuối cùng gửi họ tới các công ty lớn của thế giới như là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. “Đây cũng là xuất khẩu lao động nhưng không phải xuất khẩu lao động như trước đây chúng ta làm với lao động phổ thông chuyên môn thấp. Tôi muốn xuất khẩu những người lao động chất lượng rất cao mà thế giới sẽ phải trả những khoản lương rất cao cho họ”, ông Phạm Tuấn Anh nói và đặt câu hỏi: Các công ty công nghệ thế giới trả lương cho nhân viên 200.000 USD/năm là việc rất bình thường. Hãy thử tưởng tượng chúng ta gửi được 10.000 người lao động chất lượng cao như vậy ra thế giới thì lợi ích cho đất nước sẽ lớn nhường nào?

 

Những năm qua, ông Phạm Tuấn Anh đã đạt được thành công ban đầu với MVA. Hàng nghìn học sinh MVA hàng ngày ngồi học thoải mái bằng tiếng Anh với giáo viên Mỹ. Tất cả các em giờ đã trở thành những học sinh Mỹ đúng nghĩa, trong khi vẫn ngồi ở Việt Nam. Chi phí học phí cho gia đình chỉ khoảng 2 USD/ngày là mức học phí đa số các gia đình có thể chịu được.

 

Năm 2022-2023 này, học phí của MVA đã giảm một nửa so với năm đầu. MVA cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm học phí nữa để giúp cho càng nhiều học sinh Việt Nam từ các gia đình nghèo, vùng kém phát triển có thể đi ra thế giới.

 

Là một đứa trẻ nhà nghèo từ Việt Nam bước chân đi ra thế giới trong hành trình ánh sáng, được đến tận Nhà Trắng là trung tâm của quyền lực thế giới, ông nói trong lòng ông luôn tràn ngập cảm giác biết ơn. Dường như có một năng lực siêu nhiên, tâm linh nào đó đã dẫn dắt cuộc đời ông đi xuyên qua bao ma trận để đến được nơi đồng xanh có hoa trái ngọt lành.

 

Với khát khao cháy bỏng đưa được thật nhiều học sinh, thanh niên Việt Nam đi ra toàn cầu, MVA đã bắt đầu đi vào hợp tác với các địa phương. Ví dụ, ở Lạng Sơn có Công ty Xuân Cương vừa hợp tác với MVA và muốn áp dụng mô hình của Minh Việt cho con cái của khoảng 700 nhân viên của họ.

 

Mô hình giáo dục của Minh Việt rất rẻ, rất hợp với các công ty hay các tổ chức hay các tỉnh muốn mở rộng mô hình giáo dục quốc tế cho trẻ em với chi phí thực sự rất thấp. Học phí thấp đến mức mà bất kỳ tỉnh nào dù nghèo đến bao nhiêu cũng có thể cho học sinh học được. Và khi làm việc với các tỉnh thì MVA sẵn sàng giảm học phí thấp nữa.

 

“Tôi tin rằng, bất kỳ tỉnh nào quan tâm hợp tác với MVA thì chỉ 1 đến 2 năm sau họ sẽ thấy chất lượng của học sinh tại địa phương trên thước đo học sinh quốc tế sẽ tăng lên rất nhanh”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

 

Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Anh đã cùng Viện Toán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tạo ra chương trình Toán cho các học sinh tiểu học và trung học phổ thông mang tên Câu lạc bộ Toán Kỳ lân (Unicorn Math Club - UMC). Đây là một hướng mà chúng tôi làm với tinh thần tình nguyện. Các chi phí ban đầu cho chương trình này do chúng tôi tài trợ để đưa toán đến cho các học sinh Việt Nam.

 

Đặc biệt, Minh Việt Academy đã xây dựng và ra mắt trường Toán lấy tên là trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Maths - MVSM) vào ngày 5/11/2022. “Cha đẻ” MVA và MVSM khẳng định: “Đây là thành quả lớn nhất của tôi trong năm nay”.

 

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, cả thế giới đang là Toán, tương lai chắc chắn sẽ chỉ là Toán. Cho con học Toán là cho con một cơ hội làm chủ thế giới ngày mai.

 

Mong muốn của Trường Toán Minh Việt là mỗi năm có thể đào tạo chừng 10.000 học sinh Việt Nam giỏi toán và giỏi Tiếng Anh với hiểu biết thế giới. Sau đó đưa họ ra thế giới. Họ sẽ mang lại những nguồn lợi kinh tế hàng tỷ USD cho đất nước.

 

 

Hiện nay, trong cuộc cách mạng số, cách mạng dữ liệu, cách mạng của học máy, cách mạng của trí thông minh nhân tạo, cả thế giới cần những người lao động chất lượng cao, có tiếng Anh tốt và có hiểu biết về toán thật tốt. Đây là một cơ hội cho Việt Nam bắt kịp với thế giới và Trường Toán Minh Việt mong muốn đi đầu trong lĩnh vực giảng dạy Toán nâng cao bằng tiếng Anh cho học sinh. Các em sẽ trở thành những người lao động tri thức tương lai đi ra thế giới để làm vinh dự cho đất nước, mang lại những lợi ích thực tiễn cho gia đình và Tổ quốc.

 

Chi phí học tập trung bình mỗi học sinh với trường Toán sắp mở là khoảng 400 USD/năm (12 tháng) hay chừng 5.000 USD/12 năm học, dưới 1 triệu đồng/tháng cho cả lớp Toán và lớp tiếng Anh (20 buổi/tháng) và các lớp bổ trợ khác nếu có. Các gia đình khó khăn có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Minh Việt.

 

Các gia đình chỉ cần đầu tư cho các con vài chục ngàn đồng mỗi ngày với chương trình học Toán cộng tiếng Anh đều do các giáo viên Mỹ dạy. Số tiền đầu tư không đáng là bao nhưng học hết chương trình này với chúng tôi, học sinh có cơ hội 95% có mức lương đi làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học ở mức 200.000 USD/năm. Ông Phạm Tuấn Anh nói vui với mọi người rằng, không có vé số nào trên đời chắc ăn hơn vé số này.

 

 

Thừa nhận mình đã trải qua thời điểm vinh quang nhất của cuộc đời, giờ đây đối với ông Phạm Tuấn Anh, sự thành công và tiền bạc, danh vị và sự nổi tiếng khi mà công chúng thừa nhận kết quả lao động của chỉ là một rất nhỏ.

 

Điều quan trọng nhất ở trong cuộc đời là một cảm giác hạnh phúc, có nghĩa là mình vững tin vào bản thân mình. Mình luôn đắm chìm trong một cảm giác bình an, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa.

 

Với ông, bí quyết của hạnh phúc chính là phục vụ chứ không phải là được phục vụ. Đó là điều cực kỳ quan trọng. “Nếu chúng ta có một thứ hạnh phúc chỉ là được phục vụ, tức là chúng ta có vị thế cao, có tiền bạc rồi người ta phải cầu cạnh, tung hô, thán phục, thì đó cũng chỉ là thứ hạnh phúc thoáng qua, không bền vững và là thứ hình thức ở bên ngoài. Nhưng thứ hạnh phúc ở bên trong sẽ bền, sẽ lâu, sẽ tạo ra niềm vui mãi mãi để giúp chúng ta có sức lực để vượt qua những thứ đau khổ đó chính là được phụng sự con người”, ông tâm niệm.

 

Mỗi người đều đi cùng một hành trình giống nhau là hành trình xuyên qua cuộc đời. Mỗi người đi một kiểu, nhưng hành trình đó không bao giờ là dễ với tất cả mọi người nếu không nói rất khó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hỗ trợ làm sao cho hành trình đi xuyên cuộc đời của càng nhiều người trở nên càng dễ hơn càng tốt. Chỉ khi đó chúng ta mới thể hiện được hết ý nghĩa của cuộc đời của chính minh.

 

Quan niệm của Hiệu trưởng Trường Minh Việt là phải biết chia sẻ, phải gánh vác, phải đỡ đần, phải trở thành chỗ dựa cho người khác đi tốt hành trình cuộc đời của họ trong phạm vi có thể của chúng ta. Chúng ta làm hết sức có thể được thì sẽ có hạnh phúc cho riêng mình. Khi làm cho người khác vui và đỡ bất hạnh thì chính hạnh phúc trong lòng chúng ta sẽ lấp đầy những khổ đau. Và bây giờ, ông Phạm Tuấn Anh biết mình đang thực sự hạnh phúc khi được phụng sự quê hương trong tinh thần thế giới.

 

Ông Phạm Tuấn Anh (bìa phải) là người phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Còn nữa)

 

Hồ Hạ 31/12/2022 14:20
Back To Top