Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai, Việt Nam sau 36 năm đổi mới thật đa sắc, đằng sau sự ồn ào, náo nhiệt của một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ là nét cổ kính, sâu lắng của lớp “trầm tích” văn hóa được bồi tụ qua hàng ngàn năm lịch sử. Một vòng quay khổng lồ, căng tràn nhựa sống, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, giữa Đông và Tây, giữa bề dày văn hiến và sự năng động phát triển thấm đẫm hơi thở thời đại.

 

Sự thay đổi nhanh, mạnh từng ngày đã khiến Việt Nam trở thành thỏi nam châm hấp dẫn những người trẻ như MC, diễn viên Charlie Win (Mỹ), doanh nhân Yoon Kyu Hee (Hàn Quốc) hay du học sinh Chan Elina Lamovna (Nga).

 

Charlie Win (Chad Winston) là một diễn viên, MC quốc tịch Hoa Kỳ đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam tròn một con giáp. Nam nghệ sĩ đem đến cho người đối diện những thiện cảm tự nhiên về một quý ông nước Mỹ thanh lịch, giàu cảm xúc qua nhiều vai trò từ diễn xuất, MC và khách mời trên những sân khấu lớn nhất của showbiz Việt Nam.

 

Dáng người chuẩn mẫu, da trắng, mũi cao, đôi mắt nâu sâu thẳm, vẻ ngoài của Charlie Win toát lên chất "độc lạ" điển hình, cộng hưởng với phong thái chuyên nghiệp cùng khả năng nói tiếng Việt rất rõ ràng, uyển chuyển của một diễn viên, MC chuyên nghiệp… khiến người đối diện ấn tượng sâu sắc.

 

Anh nhận thấy, nhiều người Việt Nam bình thường thậm chí còn có cuộc sống hạnh phúc hơn tỷ phú Mỹ.

 

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, Charlie Win không hướng đến sự nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền, bởi anh không phải người xa lạ hay một người ngoài cuộc. Ưu tiên hàng đầu của anh là cống hiến trí tuệ để lan tỏa nhiều giá trị và những điều ý nghĩa tới cộng đồng để “Việt Nam” ngày càng phát triển, hùng cường. Chính mục tiêu cá nhân đó luôn khiến Charlie kỹ lưỡng khi chọn những dự án.

 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế chính trị tại Viện Đại học California - Berkeley (UC Berkeley), Charlie Win đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa thu năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, để tìm hiểu, học tập về kinh tế chính trị Đông Nam Á và làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ về rà phá bom mìn. Và cũng là để “chạy chốn một nỗi đau tình yêu thời trẻ với mong muốn lật sang trang mới của cuộc đời”, như anh chia sẻ.

 

Khi đó, Charlie đã có kế hoạch về Mỹ học tiến sỹ và không nghĩ sẽ lập nghiệp và định cư lâu dài tại “mảnh đất hình chữ S”.

 

Charlie Win kể, sau khi kết thúc công việc tại tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn và vài tháng sinh sống, trải nghiệm, khám phá Việt Nam, anh nhận thấy đây là một quốc gia châu Á đang phát triển mạnh mẽ, rất nhộn nhịp và năng động. Cuộc sống của mọi người khá cân bằng giữa làm việc và thời gian dành cho người thân.

 

“Với tôi, điều đó thật tuyệt vời!”, nam diễn viên bày tỏ và chia sẻ lý do quyết định lập nghiệp tại Việt Nam: “Người Việt Nam cũng giống những người Do Thái chúng tôi, phải trải qua rất nhiều khó khăn trong nhiều giai đoạn lịch sử nên rất sáng tạo, nhưng người Việt còn có sự nổi trội về ứng xử linh hoạt, khéo léo. Khi gặp một vấn đề nào đó, người Việt luôn có cách giải quyết rất đơn giản. Tôi muốn học hỏi những điều đó vì sự linh hoạt rất cần thiết trong cuộc sống, nên đã gắn bó với Việt Nam đến tận bây giờ”.

 

 

Trước đây, Charlie Win chưa bao giờ có ý định làm nghệ thuật, mặc dù anh được sinh ra trong một gia đình có bà ngoại là nghệ sĩ dương cầm, ông ngoại là ca sĩ, mẹ là kiến trúc sư.

 

“Quả thực là “vạn sự tuỳ duyên”, nhiều khi không phải là mình chọn việc, mà lại là việc đó tìm đến mình như một mối duyên bất ngờ! Mối duyên với nghệ thuật của tôi khởi nguồn từ cuộc gặp gỡ với đạo diễn Trần Vịnh, năm 2018. Ông mời tôi tham gia vai sĩ quan quân đội Pháp tên Le Jean trong phim “Giọt nước của dòng sông” (11 tập), kể về chiến tranh tại Việt Nam năm 1945”, anh kể. Là người học về kinh tế chính trị châu Á và đã có thời gian làm cho tổ chức phi chính phủ về rà soát bom mìn, nên Charlie Win không chút ngần ngừ nhận ngay lời mời của đạo diễn.

 

“Trong phim “Giọt nước của dòng sông”, tôi có 30 phân loại phân đoạn với rất nhiều lời thoại, nhiều từ mình không biết. Thế nên, việc thức đêm đến 4 giờ sáng để dịch thoại rồi cố gắng luyện nói tròn lời, rõ chữ là chuyện bình thường. Nhưng tình yêu với diễn suất đã giúp tôi vượt qua hết những khó khăn, rào cản”, anh Charlie nhớ lại.

 

 

Sau thành công của vai diễn, năm 2020, anh Charlie tiếp tục được đạo diễn Trần Vịnh mời đóng vai sĩ quan Pháp có tên Lơ Rát trong phim “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”. Cũng từ đây, Charlie chính thức bước đi trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam. 

 

Rời hẳn mảng việc ở tổ chức phi chính phủ và kinh doanh giáo dục, chuyển sang làm nghệ thuật chuyên nghiệp, diễn viên, MC Charlie chia sẻ: “Không giống như cuốn sách hay bộ phim nào, cuộc sống không bao giờ đi theo một đường thẳng mà luôn có những ngã rẽ bất ngờ.

 

Chính điều đó cũng làm cho cuộc đời trở nên đáng sống. 11 năm trước, tôi sang Việt Nam, lúc đó không biết loa phường là cái gì, và chẳng hiểu phát thanh viên nói gì. Còn hiện tại, tôi đang sống ở Hà Nội, là một diễn viên, MC, từng đảm nhiệm nhiều vai khác nhau, từ nhân vật phản diện, đến chính diện, học giả, và cả kẻ ngốc…”.

 

 

Diễn viên thích sự thay đổi, họ chỉ đứng im ở một thời điểm nhất định và không chịu sống một màu. Họ luôn muốn đạt được những màu sắc xuất sắc nhất. Charlie Winston cũng vậy. Gắn bó với Việt Nam gần 12 năm, anh đã tạo được dấu ấn khá đậm nét trên con đường nghệ thuật, ở cả phim điện ảnh, truyền hình và sân khấu kịch.

 

Năm 2020, Charlie để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi vào vai chính người lính Mỹ, trong vở “Duyên định” do NSND Lê Hùng đạo diễn.

 

Ở lần đầu tiên chạm ngõ sân khấu, Charlie cho biết, đây là một vai diễn khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn xuất, sự tập trung cao độ, đặc biệt là cảm xúc phải chân thực, vì khác với phim điện ảnh hay phim truyền hình, khi đóng kịch, không thể dừng cảnh để chỉnh sửa. Ánh đèn sân khấu và khoảng cách gần sẽ giúp khán giả nhìn thấy rất rõ từng cử chỉ, hành động, cảm xúc của diễn viên.

 

 

Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nghệ sĩ người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Họ thường gây được sự chú ý qua kênh youtube hoặc tiktok. Song, bên cạnh Kyo York và Hari Won, sẽ thật khó tìm một người nước ngoài nào hoạt động sâu vào lĩnh vực nghệ thuật trong nhiều mảng đa dạng và chuyên nghiệp như Charlie Win. Bởi ngôn ngữ và văn hóa là “chướng ngại khó vượt” đối với người nước ngoài khi làm nghệ thuật tại Việt Nam.

 

Charlie Win không ngừng cố gắng và nỗ lực phi thường để trở thành sự lựa chọn uy tín của các đạo diễn, doanh nghiệp, đài phát thanh - truyền hình từ kịch sân khấu, vai diễn trong phim, đến MC cho những chương trình cấp quốc gia.

 

Ít ai biết rằng, trước khi làm nghệ thuật, Charlie Win từng thiết kế hơn 100 phần mềm cho Wells Fargo Bank (một doanh nghiệp Fortune 50), không học cấp ba, nhưng vẫn thi đậu đại học và tốt nghiệp đại học loại giỏi. Anh học chuyên ngành kinh tế chính trị, làm việc cho tổ chức phi Chính phủ về rà phá bom mìn và kinh doanh giáo dục thành công tại Việt Nam.

 

Chất nghệ thấm đẫm trong từng hơi thở, sự chuyên nghiệp và cái duyên với nghệ thuật đã giúp anh trở thành một gương mặt thân quen của khán giả truyền hình qua các chương trình giải trí như “Nhập Gia Tùy Tục” (VTV3), và các chương trình văn hóa, du lịch như “S-Vietnam” (VTV1), “VTV-Travel” hoặc trong những vai trò cố định như dẫn “Điểm hẹn cuối tuần” (Style TV), chương trình “Lunch Show” (VOV 24/7)… Đặc biệt là vai trò diễn viên với những vai diễn trong các phim: “Tổ quốc nơi cuối con đường” (VTV1), “Giọt nước của dòng sông” (VTV), “Đội thiếu nhiên du kích Đình bảng” (VTV), “Duyên Định” (Nhà hát Công an nhân dân) và các sitcom.

 

Charlie Win chia sẻ, không phải cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực hay kiến trúc, mà chính sự khâm phục về cách ứng xử linh hoạt, khéo léo trong giải quyết các tình huống, vấn đề của người Việt Nam đã khiến anh muốn học hỏi và quyết định lập nghiệp, sinh sống lâu dài tại “mảnh đất hình chữ S”.

 

 

Cho đến giờ, rất nhiều bạn bè, người thân của anh Charlie Win ngạc nhiên khi biết hiện tại anh làm việc, kiếm sống hoàn toàn trong môi trường nghệ thuật, giải trí ở Việt Nam. Bởi như anh chia sẻ, “showbiz là một môi trường khắc nghiệt, đôi khi tàn nhẫn. Không có gì đảm bảo nhất định sẽ thành công hay có thu nhập ổn định, lâu bền từ những hoạt động nghệ thuật”.

 

Nhưng Charlie cũng nhận thấy, showbiz Việt đã và đang phát triển ngày một đa dạng, cởi mở, đón nhận những tiếng nói mới, gương mặt mới đến từ các nền tảng khác nhau, chứ không chỉ tập trung ở những lĩnh vực nghệ thuật mang tính truyền thống. Khán giả, nhất là những người trẻ hứng thú với những điều khác biệt. 

 

Là người nước ngoài tại Việt Nam, nếu có vốn tiếng Việt tốt, thế giới quan độc đáo, phong phú, diện mạo khác biệt… có thể thành công ở showbiz Việt, dù không hề dễ dàng.

 

Có thể nói, Charlie đi lên từ lĩnh vực giải trí mang tính truyền thống hơn, khi phát triển kỹ năng của mình từ vai trò người mẫu quảng cáo, sau đó tham gia các vai lớn, nhỏ trong phim phim điện ảnh, truyền hình, kịch… thay vì xây dựng kênh Youtube hay Tiktok.

 

“Diễn xuất là đam mê được kết nối với khán giả thông qua các vai diễn mang đủ cả nỗi đau, niềm vui, thành công, thất bại, cả sự yếu đuối, dễ tổn thương. Thông qua đó truyền đi thông điệp nhân văn về cuộc sống”, Charlie quan niệm.

 

 

Charlie tâm sự, từ khi còn nhỏ đã không có bố, có giai đoạn mẹ bị tâm thần phân liệt. Anh đã liên tục di chuyển qua nhiều thành phố để sống và học tập cùng mẹ nên đã quen với việc đóng vai “người ngoài cuộc”, vì thế quen với việc tìm cách thích nghi. Nhưng khi đến Việt Nam và có ý định gắn bó lâu dài ở đây, Charlie nhận thấy, suy nghĩ mình là “người ngoài” sẽ chỉ tạo ra rào cản khiến anh khó kết nối thực sự với người dân nơi đây.

 

Vì thế, từ ngày đầu tiên tới Việt Nam, Charlie dành phần lớn thời gian tiếp xúc với mọi người, chịu khó học tiếng Việt và hòa nhập vào cuộc sống. “Người dân Việt Nam rất tự hào về di sản, văn hóa của mình. Tôi nhận thấy, khi bạn thể hiện sự quan tâm chân thành đến những thói quen, phong tục, cách sống của người Việt Nam thì sẽ được nhận lại tình cảm nồng hậu từ họ”, anh trải lòng.

 

 

Định cư ở Việt Nam 12 năm, văn hóa Việt Nam đã dần thấm đẫm trong Charlie, ảnh hưởng tích cực đến anh. Từ nhỏ và nhất là học về kinh tế chính trị, Charlie luôn muốn làm ở một tổ chức phi chính phủ để có thể giúp xã hội phát triển. Và ban đầu tới Việt Nam rồi quyết định sinh sống, lập nghiệp tại đây, Charlie chọn kinh doanh giáo dục mới mục tiêu giúp đất nước Việt Nam phát triển, nhưng cuối cùng anh thừa nhận “Việt Nam đã giúp tôi phát triển nhiều hơn”.

 

“Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Tôi là một người yêu nhân loại. Tôi yêu Việt Nam như yêu bố mẹ, con cái, như yêu vợ của mình. Việt Nam có những điều tuyệt vời, nhưng cũng còn những thứ không thực sự phù hợp với tôi, nhưng tôi luôn đón nhận và chấp nhận tất cả những điều đó”, Charlie bộc bạch.

 

Giờ đây, trong vai trò MC du lịch, các chương trình thực tế, và dẫn các sự kiện lớn, với nam diễn viên quốc tịch Hoa Kỳ càng có nhiều cơ hội khám phá Việt Nam. Đi dọc từ Bắc vào Nam, nhất là các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung, Charlie bày tỏ rất ấn tượng với hàng loạt danh lam, thắng cảnh tuyệt vời, đặc biệt là văn hóa dân gian truyền thống vẫn được người Việt Nam gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ về sau.

 

 

Charlie cũng dẫn các chương trình văn hóa, và hiện tại làm biên tập viên của các chương trình tiếng Anh cho VOV 5 Đối ngoại hàng tuần. Là người đã từng nghĩ mình sẽ học tiến sỹ và làm việc ảnh hưởng đến cộng đồng, anh Charlie cho biết rất yêu thích công việc này. Bởi anh sẽ chuẩn bị kịch bản, mời khách mời, phỏng vấn các lãnh đạo, nghệ sĩ, doanh nhân với nhiều chủ đề đa dạng như giải trí nghệ thuật, kinh doanh, start-up…, qua đó, lan tỏa những thông điệp đẹp về cuộc sống.

 

Và cũng hiếm có nghệ sĩ nước ngoài nào từng làm Ban giám khảo của các cuộc thi MC, dẫn 400 số trên VTV, có thể vừa dẫn chương trình lại có thể hát cùng ca sĩ, thành công ở cả vai diễn phim truyền hình và sân khấu.

 

Vì có một giọng nói trầm ấm, truyền cảm, Charlie Win cũng là lựa chọn đầu tiên tại Việt Nam của các thương hiệu lớn để đọc voice cho các TVC (như Vingroup, FPT, Sungroup, và những thương hiệu quốc tế như Pepsi, Coca Cola, Tiger Beer, Hitachi và Tiffany Diamonds. Anh cũng là gương mặt thương hiệu quảng cáo cho nhiều nhãn hiệu cao cấp tại Việt Nam.

 

 

Dù mới 42 tuổi, nhưng Charlie Win đã trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, biến cố. Từ nhỏ không có cha, mẹ bị tâm thần phân liệt và mất sớm, anh mang một tâm hồn nghệ sĩ giàu tình cảm và luôn quan tâm đến xã hội. Anh cho biết, mặc dù công việc biên tập viên không mang đến cho mình nhiều tiền bạc, nhưng mục tiêu của anh là có thể giúp xã hội phát triển bằng những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa.

 

Điều khiến anh ấn tượng nhất trong 12 năm sống và làm việc tại Việt Nam là sự đồng điệu của người Mỹ và người Việt trong niềm đam mê học hỏi, cải thiện bản thân và coi trọng nền giáo dục.

 

Đặc biệt là ở Việt Nam, Charlie nhận thấy rằng các bậc cha mẹ trên khắp đất nước, bất kể tài chính của họ như thế nào, vẫn sẵn sàng hy sinh vô điều kiện cho tương lai của con. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi các giáo viên được coi trọng ở Việt Nam đến nỗi họ có một ngày lễ riêng gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) để tôn vinh những cống hiến của nghề giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

 

 

Cả người Mỹ và người Việt đều lạc quan tin rằng bất kỳ ai cũng có thể đạt được thành công nếu họ dám ước mơ và làm việc chăm chỉ. Nơi tôi sinh ra cũng là nơi nhiều người mơ ước được đặt chân đến. “Giấc mơ Mỹ” cũng dần trở thành giấc mơ của nhiều người Việt.

 

Việt Nam hiện tại có hơn 120.000 học sinh đang đi học đại học ở nước ngoài (UNESCO, 2021), trong đó có nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Đây cũng là minh chứng cho nỗ lực cống hiến của các thầy cô Việt Nam trên mọi miền đất nước.

 

Charlie luôn tìm kiếm những dự án liên quan đến cộng đồng như bảo vệ môi trường, giảm túi ni-lông, chương trình thiện nguyện của Quỹ Hy vọng. Anh ấn tượng với những hoạt động của các nghệ sĩ dự án phát triển  làm sản phẩm giáo dục cho cộng đồng  như của Hồ Háo Hức và Nguyễn Minh Trang và dự án bảo vệ rùa biển Côn Đảo của biên tập viên Lê Bảo An và sự hợp tác của diễn viên Xuân Bắc với dự án “Sinh con, Sinh cha”. Trong năm 2023, anh dự định sẽ xây dựng một dự án khuyến kích trẻ em đọc sách.

 

Charlie bộc bạch: “Dù làm diễn viên, MC, kinh doanh giáo dục, biên tập viên hay bất cứ công việc gì, và cả khi là một người cha của con gái 9 tuổi trong gia đình, hay ở môi trường và hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn cố gắng chia sẻ, lan tỏa những giá trị nghệ thuật nhân văn, những thông điệp đẹp, từ đó kết nối cộng đồng khán giả một cách sâu đậm và ý nghĩa nhất”.

 

 

Ngay tại nhà, Charlie luôn khuyến khích con gái đọc sách. Tháng 8 vừa qua, bé đã đọc được 25 cuốn sách, được thưởng 400.000 đồng để mua đồ mình thích. Tại Mỹ, mô hình tạo thư viện sách cùng các hiệu sách khuyến khích con đọc sách để được tặng phiếu mua kem, pizza, voucher mua đồ ở hiệu sách… rất phát triển. Charlie cũng mong muốn mô hình này được phát triển rộng khắp tại Việt Nam. Bởi sách là kho tri thức vô giá của nhân loại.

 

“Sống ở Việt Nam tôi không phải người xa lạ, với cộng đồng tôi càng không phải người ngoài cuộc. Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi muốn trở thành biểu tượng cho những đứa trẻ và người dân có thể thấy chàng trai đến từ nước Mỹ xa xôi yêu Việt Nam đến nhường nào. Tôi cũng luôn khát khao lan tỏa những thông điệp đẹp, những dự án ý nghĩa cho cộng đồng người Việt và các thế hệ tương lai”, Charlie xúc động.

 

Ngay lần đầu gặp gỡ, doanh nhân trẻ sinh năm 1996, quốc tịch Hàn Quốc Yoon Kyu Hee, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Tài chính Quốc Gia (NAFICO), đã gây bất ngờ với người đối diện bởi khả năng nói tiếng Việt lưu loát, chuẩn mực như tiếng mẹ đẻ. Chàng doanh nhân tự nhận mình có “một phần Việt Nam rất lớn”, bởi dù mới chỉ 26 tuổi, nhưng chàng trai đến từ Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đã có hơn 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại đất nước hình chữ S.

 

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai không thể rời xa, ít nhất là trong khoảng 40 năm nữa, Yoon Kyu Hee chia sẻ, cuộc sống ở Việt Nam “quá là thoải mái” và hội đủ tiềm năng, cơ hội trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế. 

Năm 1993, ngay sau thời điểm Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, bố Yoon Kyu Hee - ông Yoon Sang Il, một doanh nhân năng động, thức thời đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Sau đó, ông thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật sản xuất ắc quy cho Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam tại Hải Phòng.

 

Ban đầu, ông dự định sẽ ở Việt Nam khoảng 6 tháng, nhưng sau đó nhận thấy dư địa phát triển thị trường ắc quy ở Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ”, nên ông quyết định thành lập Công ty TNHH ắc quy LAVA tại Hà Nội.

 

Năm 1999, Yoon Kyu Hee theo bố mẹ sang Việt Nam. Mới đây, khi tuổi đã cao, bố mẹ Yoon Kyu Hee quyết định về nước sinh sống, nhưng anh vẫn một mình ở lại Việt Nam, vì “đã quen với lối sống giàu tình cảm cũng như yêu đất nước Việt Nam và coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

 

Từ mầm non, các cấp phổ thông, đến đại học đều theo học tại Việt Nam, nên dù là người Hàn Quốc, nhưng tiếng Việt mới là ngôn ngữ Yoon Kyu Hee thường xuyên sử dụng. Anh nói tiếng Việt một cách hoàn hảo, thậm chí còn đúng ngữ pháp hơn nhiều người bản địa. Nếu không biết Yoon Kyu Hee mang quốc tịch Hàn Quốc, có lẽ, nhiều người sẽ nhầm anh là người Việt.

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee còn cho biết, anh là tín đồ của ẩm thực Việt Nam. Chàng doanh nhân Hàn Quốc rất thích ăn món bún đậu mắm tôm, nhiều bạn bè còn bảo anh “nghiện” món này. “Bún đậu mắm tôm là món không phải ai cũng yêu thích, thế nhưng một ngày 3 bữa, tôi đều có thể ăn món này mà vẫn thấy luôn thèm muốn”, Yoon Kyu Hee cười híp mắt.

 

Miêu tả về món ăn yêu thích của mình, Yoon Kyu Hee giống như một chuyên gia ẩm thực: “Bún đậu mắm tôm thú vị ở chỗ, nếu chấm miếng bún vào mắm tôm thì mình nghĩ sẽ thích ăn bún nhất. Nhưng khi mình ăn miếng đậu phụ rán chấm mắm tôm thì mình lại cho rằng, ồ không, sai rồi!, mình thích đậu phụ rán nhất. Tiếp đó lại ăn chả cốm, có khi mình lại thích chả cốm nhất. Tương tự, ăn miếng nem, sẽ lại nghĩ là thích ăn nem nhất… Nói chung, nếu mình ăn thứ gì cuối cùng thì mình sẽ nghĩ thích thứ đó nhất”.

 

 

Mỗi lần, người thân, bạn bè ở Hàn Quốc sang chơi, nếu có cơ hội, Yoon Kyu Hee mời họ đi ăn bún đậu mắm tôm một lần. Đa phần khi tiếp xúc với món ăn “thần thánh” này, mọi người đều cảm thấy phần mắm rất nặng mùi và thường không dám ăn, mà gọi nước mắm chanh tỏi ớt để chấm.

 

Tuy nhiên, Yoon Kyu Hee lại thích chấm bún ngập tràn vị mắm tôm. “Sự chuyển giao giữa vị mắm tôm cùng bún rất ngon. Ngọt ngọt mặn mặn thơm mùi mắm đặc trưng và có chút béo ngậy của dầu rất bon miệng. Thường thì ở quán quen hay cho bát mắm tôm của tôi nhiều lên để khỏi phải xin thêm”.

 

Yoon Kyu Hee kể: “Quãng thời gian trở về Hàn Quốc thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 2018 - 2020, rồi từ 2020 đến tháng 7/2021 không thể sang Việt Nam do Covid-19, tôi rất nhớ đồ ăn Việt Nam. Nhiều hôm, thèm món bún đậu mắm tôm như “nghén”, nhưng ở Hàn Quốc không có nơi nào bán món ăn thần thánh này”. 

 

 

Mê ẩm thực Việt, nhưng đây chỉ là một mảnh “nam châm” bé nhỏ hấp dẫn chàng doanh nhân Hàn Quốc ở lại đây sinh sống, lập nghiệp ở “mảnh đất hình chữ S”. Đối với Yoon Kyu Hee, nhịp sống ở Việt Nam không quá gấp gáp, mọi người có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè; và tính cách tình cảm, ấm áp, quan tâm đến những người xung quanh của người Việt chính là “sợi lạt mềm buộc chặt” anh ở lại đất nước đáng sống này.

 

Doanh nhân Hàn Quốc chia sẻ, rất ấn tượng với phụ nữ ở “đất nước hình chữ S”. Thậm chí từ khi học lớp 1, Yoon Kyu Hee đã nói với bố rằng, sau này sẽ lấy một cô gái Việt làm vợ, và đến giờ, câu nói đó vẫn đúng khi anh đang “cảm nắng” một cô gái Việt Nam.

 

“Con gái Việt Nam rất dịu dàng, tình cảm, biết quan tâm, chăm sóc mọi người, và cũng rất xinh đẹp”, anh cười mỉm và khẳng định: “Một trong những lý do khiến tôi muốn ở lại mảnh đất hình chữ S là vì muốn lấy một cô gái Việt Nam làm vợ”.

 

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee cảm thấy, Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tập thể, cộng đồng rất mạnh mẽ. Trong khi người Hàn Quốc đề cao cái tôi cá nhân. Anh rất ấn tượng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thắng lợi trong các trận đấu quan trọng, người Việt thường “đi bão” cho vui...

 

Yoon Kyu Hee cảm thấy cuộc sống tại Hà Nội, Việt Nam hiện “quá là thoải mái”. Ở đây, anh có những người bạn, người anh em, những đồng nghiệp và hàng xóm vô cùng thân thiện, cởi mở và chân thành với người nước ngoài. “Họ luôn muốn hiểu liệu chúng tôi sinh sống và làm việc ở đất nước này cũng như cảm nhận của chúng tôi như thế nào bằng sự quan tâm, sẻ chia vô cùng ấm áp và nồng hậu”, anh xúc động.

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee vô cùng hãnh diện khi sống ở một đất nước anh hùng. Với anh, Việt Nam là quốc gia đại diện cho văn hóa về chiến thắng và hòa bình. Trải qua những cuộc chiến khốc liệt, Việt Nam đã giành được độc lập, tự do với những chiến thắng vang dội trên chiến trường. Cách người Việt Nam sống với nhau cũng như cách họ đối xử với người nước ngoài khiến anh Hàn Quốc cảm nhận rõ nhất văn hóa chiến thắng và hòa bình của Việt Nam.

 

 

Là một người nước ngoài, Yoon Kyu Hee ví Việt Nam là quốc gia có tâm hồn của những ngôi làng. “Mặc dù sống ở đất nước gần 100 triệu dân, nhưng tôi có cảm giác, cách mọi người đối xử với nhau giống như những người trong cùng một ngôi làng có 100 người vậy. Những người nước ngoài đến Việt Nam cũng được hưởng cách đối đãi ấy. Đó là cảm giác rất đặc biệt không thể có ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác”, anh đặt tay lên lồng ngực bày tỏ sự trân trọng.

 

Doanh nhân 9X nhận định, Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút với người nước ngoài, cả khách du lịch cũng như những người tới sống và làm việc. Sự thu hút này bắt nguồn từ văn hóa. Văn hóa Việt Nam có bản sắc rất riêng và đặc sắc. Điều đó đem đến các trải nghiệm khiến người nước ngoài muốn đến Việt Nam để du lịch cũng như sinh sống. Việt Nam cũng có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách tới để tham quan và trải nghiệm.

 

 

Yoon Kyu Hee rất ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của “mảnh đất hình chữ S”. Anh đã đi du lịch và khám phá rất nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, trải dọc từ Bắc vào Nam, nhiều nhất là khu vực miền núi phía Bắc. Sự hùng vĩ của núi rừng, vẻ thơ mộng của biển cả, đặc biệt là những nụ cười hồn hậu của người dân không ít lần khiến chàng doanh nhân Hành Quốc phải “wòa” lên vì choáng ngợp.

 

Không chỉ du lịch, từ năm 2010 - 2014, Yoon Kyu Hee còn làm phiên dịch viên cho nhiều chương trình từ thiện của Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam.

 

Những chuyến đi tới các trung tâm trại trẻ mồ côi, hay các bản làng ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó ở Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… đều để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc.

 

“Dù cuộc sống còn nhiều gian khổ, trẻ em thậm chí ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng mọi người đều rất vui vẻ và lạc quan vào cuộc sống. Tôi cảm thấy điều đó thật tuyệt vời. Thiên nhiên tươi đẹp, cùng các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa cộng gộp lại với nhau đã khiến tôi dù đi đâu cũng chỉ nhớ về Việt Nam. Đây thực sự là quê hương thứ hai của tôi, mà thực ra tổng thời gian tôi sống ở Việt Nam lâu hơn Hàn Quốc rất nhiều”, đôi mắt một mí đặc trưng Hàn Quốc của Yoon Kyu Hee khẽ rung rung.

 

 

 

Nói về chuyện kinh doanh tại Việt Nam, Yoon Kyu Hee nhận xét, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rất lớn. “Việt Nam là một quốc gia đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

 

Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, ngày 1/7/2022, dân số Việt Nam xấp xỉ 99 triệu người, chiếm 1,24% và đứng thứ 15 trên thế giới. Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 33,3 tuổi. Với dân số đông và cơ cấu trẻ, đầu tư vào những dịch vụ, lĩnh vực mới mẻ, cơ hội thành công rất lớn”, Yoon Kyu Hee phân tích.

 

Hẳn đó cũng là một trong những lý do khiến Yoon Kyu Hee khẳng định, ít nhất 40 năm nữa, anh vẫn sinh sống ở Việt Nam. Với sự am tường chính trị, kinh tế, văn hóa và nói tiếng Việt như người bản xứ, ngoài đảm trách vị trí Phó tổng giám đốc NAFICO, doanh nhân 26 tuổi này còn làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc làm ăn, kinh doanh tại đất nước hình chữ S.

 

Yoon Kyu Hee chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao, nhiều tòa cao ốc, nhiều đại đô thị xuất hiện. Diện mạo của các thành phố đã thay đổi mạnh mẽ, trong thời gian ngắn và đó là một thành tựu lớn có thể so sánh với tốc độ phát triển của Singapore, Hồng Kông... Trong đó, sự đóng góp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam không hề nhỏ. Đơn cử tại Hà Nội, hai tòa nhà cao nhất Thủ đô là Keangnam và Lotte Center đều do các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư, xây dựng.

 

 

Mặt khác, người Việt Nam đang có sự thay đổi rất tích cực về thái độ tiêu dùng. Trước đây, Việt Nam luôn là một thị trường khó khăn để đầu tư, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống do thói quen tiêu dùng của người dân, họ không thích thay đổi. Đó là lý do tại sao phải mất rất lâu để McDonald’s hay Starbucks vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, người dân đã cởi mở hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống quốc tế cho dù từ các khu vực khác của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay từ các nước phương Tây. Điều đó đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến và giành lấy thị trường tiêu dùng này.

 

“Việt Nam có nền văn hóa khá tương đồng với Hàn Quốc nên việc thích ứng với văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc so với các nước phương Tây và các nước Đông Nam Á khác. Vì thế, sau Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, anh chia sẻ.

 

Chan Elina Lamovna (Lina), sinh viên đang theo học cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Việt Nam (năm thứ nhất) bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú với môi trường đào tạo chuyên nghiệp, đội ngũ giáo viên trẻ tài năng, nhiệt huyết, và cả cuộc sống giàu trải nghiệm tại Việt Nam.

 

Lina sinh năm 2004, lớn lên tại Nga. Bố cô là người Việt Nam, mẹ là người Nga. Mang trong mình dòng máu Việt - Nga, cô sở hữu hết nét đẹp của bố mẹ. Dáng cao, gương mặt thon dài, đôi mắt hai mí to, lông mày đậm, Lina vừa có sự sắc sảo, thông minh, vừa có nét hiền dịu Á Đông pha trộn hài hòa.

 

Lina chia sẻ, cơ duyên dẫn lối cho cô trở thành sinh viên Trường Quốc tế thật bất ngờ. “Có lẽ là khó tin nhưng chính chuyến du lịch kết hợp thăm bà nội và họ hàng đang sống tại Hải Phòng, Việt Nam hai năm trước đã thôi thúc tôi đến học tập tại “đất nước hình chữ S”. Đó là điều mà rất nhiều năm trước đó tôi chưa từng nghĩ tới, ngay cả khi có bố là người Việt”, Lina kể và cho biết, những ngày tháng sống tại nhà bà nội và khám phá một số điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam đã khiến cô ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp độc đáo và tuyệt vời tại nơi đây.

 

“Tất nhiên, tôi cảm nhận về Việt Nam không chỉ với tư cách là “một vị khách quá cảnh” hay khách du lịch bình thường, mà còn với tư cách như một người dân địa phương khi sống tại nhà bà nội”, Lina tâm sự.

 

Thế rồi, khi trở lại Nga, những hình ảnh, kỷ niệm ở “đất nước hình chữ S” đã khiến Lina nhớ Việt Nam rất nhiều. Vì thế, cô bắt đầu có khát khao trở lại Việt Nam để tìm hiểu thêm về quê hương của bố, học tiếng Việt, và thoát ra khỏi vùng an toàn để thử thách bản thân.

 

 

“Một ngày nọ, chính mẹ đã gợi ý cho tôi học đại học tại Việt Nam. Điều này thật đúng với tâm nguyện của tôi nên tôi lập tức lên kế hoạch trở thành du học sinh tại Việt Nam”, Lina cười tươi, đôi mắt long lanh ánh lên niềm tự hào về mẹ.

 

Thế rồi, Lina gửi thư điện tử cho Trường Quốc tế (Trường Đại học Quốc gia Việt Nam) và ngay lập tức nhận được phản hồi. “Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên về sự hỗ trợ nhanh chóng của nhà trường nên đã bị thuyết phục ngay. Tôi đã không cân nhắc thêm bất kỳ trường đại học nào khác và chọn theo học ở Trường Quốc tế”, Lina khẳng định.

 

Điều khiến cô sinh viên đến từ nước Nga xa xôi bị hấp dẫn và quyết định theo học tại Trường Quốc tế chính là công tác vận hành của Phòng Đào tạo rất chuyên nghiệp. Các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. “Khi tôi gửi thư điện tử đến trường với đơn xin nhập học, các thầy cô đã trả lời rất nhanh và hướng dẫn, giúp đỡ để tôi hoàn thành đầy đủ hồ sơ. Ai cũng sẽ bị thu hút khi được đối xử với sự tôn trọng và nhiệt thành như thế”, Lina đặt tay lên ngực bày tỏ sự trân quý.

 

 

Sau thời gian học tập tại Trường Quốc tế, Lina đặc biệt thích thú với phương pháp dạy học chú trọng làm việc theo nhóm tại Trường Quốc tế. Bởi đây là “điều hiếm thấy ở trường học tại Nga”, như cô chia sẻ.

 

Lina cũng bày tỏ sự biết ơn tới các thầy cô và nhà trường khi được rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và thuyết trình trước đám đông. “Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng, là nền tảng để tôi có thể xây đắp một sự nghiệp thành công trong tương lai”, Lina tin tưởng.

 

Mặc dù thời gian học tập tại Trường Quốc tế chưa lâu, nhưng Lina đã có rất những trải nghiệm thú vị, những kỷ niệm, ấn tượng khó quên ở ngôi trường này.

 

“Đối với tôi, khoảnh khắc không thể quên là lần đầu tiên tham gia cuộc thi tranh luận do trường tổ chức. Trong tôi, khi đó đầy ắp những lo lắng nhưng cũng thật thú vị, vì đây là lần đầu tiên tôi dự thi bằng tiếng Anh. Tôi đã có một trải nghiệm đáng kinh ngạc”, Lina chia sẻ.

 

 

Khi học tập tại Trường Quốc tế, điều Lina thấy vô cùng khác biệt là giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục của Nga thường ở độ tuổi cao, trong khi giáo viên ở trường đại học Việt Nam lại trẻ hơn nhiều. Các giảng viên của chương trình cử nhân Ngôn ngữ cô theo học không chỉ có kiến thức chuyên ngành giỏi, tài năng, mà còn có hiểu biết rất rộng về các lĩnh vực xã hội. “Tôi rất ngưỡng mộ các thầy, cô giáo. Họ có thể làm thỏa mãn bất cứ thắc mắc nào của bạn kể cả trong và ngoài lĩnh vực chuyên môn”, Lina bày tỏ và không quên chia sẻ sự thích thú khi bật mí: “Chi phí học tập, sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với tại Nga”.

 

Lina ví cuộc sống tại Việt Nam mỗi ngày trôi qua luôn ghi dấu những kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ. Đó có thể là cuộc gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè ở quán cà phê hay cùng họ thăm thú những địa điểm tại Hà Nội. Hay đơn giản là đọc một cuốn sách về tâm lý học, học ngoại ngữ, học về tâm lý xã hội, may vá, trình diễn thời trang, chơi guita… “Tôi thực sự thích việc người Việt Nam thức dậy và đi ngủ sớm, đó là một thói quen tuyệt vời và tôi cũng đang luyện tập theo thói quen này”, Lina cười.

 

 

Tại Việt Nam, Lina đã có cơ hội khám phá Hà Nội, Hải Phòng, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hội An. Kế hoạch của cô gái 18 tuổi này là đi thăm nhiều nơi nhất có thể. Sài Gòn và Đà Lạt là những nơi cô đang ao ước được đặt chân đến.

 

“Thiên nhiên của “đất nước hình chữ S” thật tuyệt vời, rất phong phú và đa dạng. Điều tôi cảm thấy vô cùng yêu thích ở Việt Nam là cây xanh có mặt ở khắp mọi nơi, dù ở nông thôn hay thành phố”, Lina bày tỏ và bật mí điều cô cảm thấy ấn tượng sâu sắc nhất khi sống ở Việt Nam là người Việt vô cùng thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ nhau.

 

“Tôi nhận thấy, họ là những con người sống rất thật, chân thành và không có xu hướng giả vờ. Dù mới đến Việt Nam được 4 tháng, nhưng tôi đã có những người bạn thân thiết. Tôi rất tin tưởng họ”, đôi mắt Lina sáng ngời.

 

Không chỉ cảnh đẹp hay tình người ấm áp, ẩm thực tinh tế cũng góp thêm sức hấp dẫn khiến Lina muốn học tập và sinh sống ở Việt Nam. Món ăn Lina yêu thích nhất là bún chả. “Từng sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng, thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị ấy cứ lưu luyến mãi không thể nào quên”, Lina kể và bảo, có lẽ tối nay cô sẽ đi ăn món này.

 

Ngoài ra, Lina cũng đặc biệt thích món bún bò Huế, với sợi bún to, nước lèo màu đỏ cam cay nồng và rất nhiều “topping” như thịt bò, giò heo, chả cua, tiết, hoa chuối, rau sống... “Mùa đông, được ăn bát bún bò Huế nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn”, Lina cười tít mắt.

 

 

Sở hữu một nửa dòng máu Việt nên Lina rất yêu văn hóa Việt Nam. Lúc nào cũng có một chiếc áo dài truyền thống trong tủ trang phục của cô. “Áo dài Việt Nam không chỉ tôn lên vóc dáng người phụ nữ mà còn thể hiện sự chỉn chu, sang trọng và tính ứng dụng. Có thể nói là hội tụ đủ những yếu tố tôi thường chú ý khi chọn trang phục nên tôi rất yêu thích áo dài”, Lina bày tỏ.

 

Hàng ngày, Lina thường gửi cho gia đình tại Nga những bức ảnh ghi lại cuộc sống ở Hà Nội hoặc chia sẻ lên Instagram. “Mẹ bày tỏ rất nhớ tôi và mong ngóng đến Việt Nam. Còn người thân, bạn bè của tôi thì rất thích thú với những hình ảnh đó và khen Việt Nam rất đẹp và khác biệt. Gia đình tôi đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Việt Nam, còn có cả những người bạn của tôi nữa. Họ sẽ đến đây để nghỉ đông ngay trong năm nay”, Lina cũng đang mong ngóng đến kỳ nghỉ đông này để được khám phá Việt Nam cùng những người thân yêu.

 

Lina sẽ học tại Trường Quốc tế thêm 3 năm nữa. Sau đó cô dự định học tiếp chương trình Thạc sĩ tại đây. Dù chưa có kế hoạch cụ thể cho nơi làm việc trong tương lai nhưng Lina mong muốn bắt đầu con đường dịch thuật của mình vào một ngày không xa. Đôi mắt long lanh hướng ra cửa sổ, Lina trải lòng: “Tôi hy vọng sẽ may mắn tìm được vị trí phù hợp với bản thân để tiếp tục học tập và làm việc tại Việt Nam- một quốc gia vô cùng đáng sống”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Còn nữa)

Hồ Hạ 31/12/2022 14:20
Back To Top