Trải qua ba năm chống trả “cơn cuồng phong” mang tên Covid-19, Việt Nam giờ đây mang diện mạo đầy mới mẻ, sôi động, vươn mình mạnh mẽ tựa như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống. Từ thân cho đến ngọn, những cành cây xù xì, gân guốc bồng cựa quậy bật chồi non tươi mơn mởn, trong xanh như ngọc đón ánh nắng tinh khôi sau mùa đông lạnh giá thu mình.

 

Khi đi dọc từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây hay đơn giản là có cơ hội du lịch hoặc làm việc, học tập ở Việt Nam, dường như bất kỳ ai cũng dễ dàng cảm nhận được Việt Nam - “Con hổ mới của châu Á” như một “thực thể sống” giàu xúc cảm, có vui buồn, có lắng đọng, có hân hoan, náo nức, có “chất riêng” và một “tâm hồn” khác biệt, thật dung dị, quyến rũ, mê động lòng người.

 

Dẫu vậy, trong sự “trỗi dậy” mạnh mẽ hậu Covid-19, “Đất nước hình chữ S” vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức để khẳng định vị thế của một trung tâm du lịch hàng đầu, một “Con hổ mới” của châu Á.

 

 

Để thu hút du học sinh, nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch, trước tiên, Việt Nam cần phải duy trì những thành quả đã đạt được và không ngừng phát triển. Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc tạo môi trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, du khách và du học sinh quốc tế. Nhưng chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa.

 

Với môi trường đầu tư, kinh doanh, cần phải có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nướcngoài “làm tổ”. Trong đó, quảng bá và đầu tư cho hạ tầng du lịch cũng rất quan trọng. Bởi trước khi quyết định đầu tư ở một quốc gia nước ngoài, nhà đầu tư thường đi du lịch và tìm hiểu ở đó có thực sự tiềm năng không.

 

Nguồn nhân lực du lịch cũng cần phải được chú trọng hơn nữa. Họ phải là những người có đam mê, có tri thức cao, sáng tạo và phục vụ nhu cầu của khách chứ không phải đơn thuần là bán những gì mình có. Đặc biệt, cần phát triển dịch vụ du lịch cho những dòng khách có tôn giáo, có những đòi hỏi đặc thù về ẩm thực để mở rộng thị trường.

 

Tôi nói như vậy là bởi Việt Nam đang là một trong những quốc gia đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới. Vậy thì cần phải nghiên cứu văn hóa của các nước để sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản đúng với nhu cầu của các thị trường, từ đó làm tăng giá trị hàng hóa. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để chế biến nông sản theo tiêu chuẩn Halal cho những người theo đạo Hồi. Đây là thị trường rộng lớn ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

 

Là người sống phần lớn cuộc đời ở Việt Nam, nhưng tôi hiếm khi đi khám ở bệnh viện tư hay bệnh viện quốc tế.Tôi thường tới các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội. Tôi biết bác sĩ ở đây rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm.

 

Gần đây, tôi muốn khám xương khớp. Tôi gọi cho một người bạn Việt Nam xem bác sĩ nào giỏi ở các viện tuyến đầu để tôi tới đó khám. Bạn tôi không chỉ giới thiệu mà do biết tôi ngần ngại, còn nhanh tay điện thoại cho bác sĩ, hẹn lịch luôn cho tôi. Có "quen biết" và còn là một Đại sứ, tôi được khám tận tình, chu đáo, nhanh chóng. Bác sĩ kê đơn thuốc tốt và bệnh của tôi thuyên giảm.

 

Khi nhập viện, tôi thấy y bác sĩ luôn hỏi các bệnh nhân: "Người nhà đâu?", "Thế không có người nhà đi cùng à?". Người nhà sẽ chạy đôn chạy đáo đi nộp tiền viện phí, đi lấy kết quả xét nghiệm, kiêm luôn việc chăm nom bệnh nhân nặng. Và người nhà phải làm công việc quan trọng nhất là "thiết lập quan hệ" với y bác sĩ để được lưu tâm hơn.

 

Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên. Ở các bệnh viện nước ngoài, người nhà bệnh nhân được mời ra ngoài đầu tiên. Thân nhân không được phép vào, trừ những giờ thăm theo quy định. Ở Việt Nam, không có người thân hay không biết "gọi điện cho người thân" là mọi việc dễ gặp khó khăn, không chỉ trong lĩnh vực y tế.

 

Trong lĩnh vực hành chính, "nhất thân, nhì quen" cũng trở thành thông lệ. Từng làm đại sứ nhiều nơi, tôi biết, ở nước ngoài, nếu thật sự thân quen, bạn cũng được ưu tiên hơn nhưng không thể nhanh chóng và khác biệt như ở Việt Nam.

 

Tôi suy nghĩ mãi về điều này, tại sao "nhất thân, nhì quen" lại phổ biến ở Việt Nam hơn ở nhiều nước khác. Có một số nguyên nhân, trong đó có văn hoá "duy tình" thấm rất sâu trong lòng xã hội Việt Nam.

 

Người Việt vốn duy tình, tức là chú trọng phương diện tình nghĩa hơn các khía cạnh khác trong mọi vấn đề. Người Việt có câu "Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình". Tôi biết, một số cơ quan Việt Nam vẫn có xu hướng chọn lựa nhân sự theo góc độ tình cảm. Những cán bộ gắn bó hàng chục năm với cơ quan thường được xem là "lão làng", thậm chí được đưa con cháu vào hưởng suất thế chỗ khi họ nghỉ hưu. Ai cũng hiểu, nghĩa cử ấy là tốt nếu người được tiếp nhận có đủ năng lực cần thiết để đáp ứng công việc. Nhưng không thiếu trường hợp, người tuyển chọn vẫn vì tình cảm mà bỏ qua khía cạnh này, khiến bộ máy có nhiều cán bộ thiếu trình độ.

 

Cách giải quyết theo kiểu "tình đi trước lý" như vậy có thể chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định. Trong bối cảnh một xã hội hiện đại và ngày càng hội nhập, mọi thứ sẽ phải khác đi mới hiệu quả được. Nhà nước Việt Nam cũng đang nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nghĩa là mọi công việc được giải quyết trên cơ sở luật pháp, chứ không phải trên quan hệ thân hữu.

 

Vấn đề là làm thế nào để thực sự có xã hội pháp quyền khi văn hoá "thân quen" vẫn ăn sâu bám rễ như hiện nay. Tôi cho rằng, quan trọng nhất là giáo dục. Tận dụng "quen biết" để giành lợi thế cho mình là phản ứng tự nhiên của con người nói chung. Vì thế, ở các quốc gia phát triển, các khoá học liên tục được triển khai trong các cơ quan, công ty nhằm đào tạo cán bộ về quy tắc đạo đức, trong đó việc tạo điều kiện cho quan hệ thân hữu và thiên vị cá nhân không được chấp nhận.

 

Tôi chưa thấy giáo dục về việc này được đẩy mạnh trong các cơ quan, công sở ở Việt Nam. Tận dụng sự "thân quen" vẫn được coi như "chuyện thường ngày ở huyện", thậm chí được chọn là đường tắt để giải quyết các vấn đề khó.

 

Một số cá nhân có quan hệ sẽ được hưởng lợi từ cách làm này, nhưng toàn bộ hệ thống thì không thể tiến lên bằng "đường tắt". Một xã hội phải được duy trì theo nguyên tắc pháp trị, duy lý và bình đẳng giữa các công dân.

 

Giáo dục là biện pháp đi trước. Giám sát là biện pháp đi sau. Hai chân này giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp quyền bền vững và vận hành xã hội hiệu quả. Tôi tin chắc rằng khi Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu hơn nữa, thói quen này sẽ dần dần thay đổi.

 

 

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là câu áp dụng được cho tất cả chúng ta ở mọi nơi.

 

Người ta không cần phải đi những chuyến đi nước ngoài đắt tiền mới nhận được lợi ích của việc lên đường. Mỗi chúng ta đây đều từng ra khỏi quê hương, ra khỏi lũy tre làng, ở những vùng quê xa đi về thị trấn, lên huyện, lên tỉnh, tới các thành phố lớn để học tập và làm việc. Những hành trình cá nhân đó cũng là những cơ hội trải nghiệm và học tập, cơ hội mở mang nhận thức.

 

Mỗi chuyến đi như vậy giúp chúng ta học được thêm rất nhiều điều. Chúng ta trở thành một phiên bản cải thiện của chính bản thân mình. Nếu như chúng ta cứ ở lại quê hương, dù có đọc sách hay xem tivi, thì chúng ta vẫn là một người ở mãi sau lũy tre làng. Chúng ta không biết món sushi là cái gì, ly trà sữa là gì, không biết máy ATM là gì.

 

Thế giới là một thứ hàng hóa công cộng mang nặng tính chung. Là hàng hóa công cộng, nó không thể loại trừ ngăn ngừa bất kỳ ai hưởng thụ nó. Tất cả chúng ta hoàn toàn có quyền đi ra thế giới để trải nghiệm cảm giác thế giới này là của chúng mình. Bước chân đi ra khỏi nơi chúng ta sinh ra lớn lên là bước đầu tiên phải làm để tiếp nhận quyền sở hữu của chúng ta đối với thế giới.

 

Mỗi chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời thôi. Chúng ta cần phải sống làm sao để luôn có một phiên bản cải thiện của chính mình. Rời quê hương đi ra, tức là chúng ta đang nỗ lực để cải thiện, cải tạo chính bản thân mình.

 

Càng đi xa, chúng ta càng có nhiều phiên bản giống như cái bánh sừng bò có nhiều lớp bột, nó được nhào nặn bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lớp gấp. Mỗi lần chúng ta đi ra thế giới là một lần nhào bột và thu thập kiến thức, những điểm tốt của thế giới vào bản thân của chúng ta.

 

Đi xa giúp cải thiện tầm nhìn của chúng ta với hiểu biết khác biệt, suy tư khác biệt, triết lý khác biệt, nhờ vậy chúng ta luôn tự cải thiện trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

 

Khi đi ra thế giới, chúng ta cũng không chỉ cảm nhận thế giới tốt hơn, mà còn thông qua thế giới để cảm nhận ngược lại chính mình tốt hơn. Chúng ta đi thì chúng ta mới biết lũy tre làng của chúng ta như thế nào, chúng ta mới biết sự tương đồng, tương phản của quê hương so với thế giới. Khi ở quê hương, chúng ta như người dí sát mắt vào một bức tranh và không thể thấy hết những chi tiết ở trong đó. Chúng ta cần đi ra thế giới và nhìn ngược lại về quê hương để có cái nhìn tổng thể.

 

Tôi đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ đi ra thế giới. Những bước đi đầu tiên chập chững thường khiến chúng ta lo sợ, e ngại. Đi ra thế giới không chỉ đơn giản như đi shopping, mà là cơ hội để hiểu bản thân và hiểu xã hội, hiểu đất nước, hiểu con người, hiểu chính mình.

 

Tôi áp dụng triết lý đó với các con ở trong gia đình. Mỗi năm, các cháu sẽ được đi thăm hai nước. Hiện nay, một bạn 15 tuổi và một bạn 10 tuổi đã đi được gần 40 quốc gia. Có những quốc gia, các cháu đã đi nhiều lần.

 

Tôi mong muốn trẻ em Việt Nam cũng được như vậy. Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi khám phá nước ngoài, nhưng việc mong muốn đi ra thế giới là việc cực kỳ quan trọng bởi vì mong muốn bước chân ra đồng nghĩa với việc mong muốn cải thiện bản thân, tạo ra phiên bản tốt hơn, mới hơn của bản thân mình, sống một cuộc sống khai thác trọn vẹn tiềm năng con người có sẵn ở trong mình để làm sao cuộc sống làm người ngắn ngủi này có vẹn tròn ý nghĩa.

 

Ở tuổi 46, bí quyết hạnh phúc của tôi chính là phục vụ chứ không phải được phục vụ. Quan niệm của tôi là phải biết chia sẻ, phải gánh vác, phải đỡ đần, phải trở thành chỗ dựa cho người khác đi hành trình cuộc đời của họ.

 

Hạnh phúc với tôi thực ra rất đơn giản. Hạnh phúc chính là làm cho người khác hạnh phúc. Hạnh phúc chính là chia sẻ và phụng sự. Hãy đi ra thế giới để nhìn về, để đồng hành và trở về phục sự quê hương, phụng sự đất nước.

 

 

Du lịch Việt Nam được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để “đất nước hình chữ S” đi nhanh hơn trên hành trình đó, điều quan trọng nhất là giữ cho điểm đến luôn an toàn, nhất là trong khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, điều này càng phải được ưu tiên.

 

Sự yên bình và người dân thân thiện cũng luôn là điểm sáng thu hút du khách. Ngoài ra, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú và du lịch cần đồng đều giữa các địa phương có thế mạnh về du lịch.

 

Đặc biệt, hãy gìn giữ văn hóa, truyền thống, đầu tư cho thế hệ con cháu. Bởi, nếu chỉ có tiềm năng mà không có yếu tố con người thì chúng ta không thể phát huy hết những giá trị vốn có.

 

Trong những chuyến đi khám phá trải nghiệm của mình, tôi thấy buồn và tiếc nuối khi dọc đường đi thỉnh thoảng, ngay bên cạnh khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp lại có một khu công nghiệp với khói bụi và các nhà máy. Tôi biết, đó là một phần tất yếu của sự phát triển và ở đâu cũng vậy. Nhưng, trong sâu thẳm trái tim tôi vẫn mong muốn Việt Nam giữ được trọn vẹn những bức tranh thiên nhiên trác tuyệt. Có thể quy hoạch những khu công nghiệp, nhà máy tách biệt ra khu vực đó sẽ thật tuyệt vời.

 

Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng cần được đầu tư, chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả hơn nữa. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch nói chung từ lớn đến nhỏ mới chỉ ở giai đoạn “hồi sức”, vốn đã cạn kiệt, do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương đẩy mạnh truyền thông Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và truyền thông một cách hết sức mềm mại, để du khách đến đây đông hơn, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

 

Hiện nay, truyền thông trên các trang mạng xã hội, hay mời các KOLs làm “đại sứ du lịch” đang rất hiệu quả, được Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam và Cục Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam đẩy mạnh. Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương có thể học hỏi cách làm này.

 

Đồng thời, Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc và cả nước để tạo nên những hành lang du lịch, những hành trình, tuyến du lịch hấp dẫn giúp ngành kinh tế xanh cả nước nhanh chóng phục hồi.

 

 

Di sản đô thị ở Việt Nam với những mảng màu ký ức dường như đang bị xâm lấn, tàn phá bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà trong đó, lợi nhuận nhiều khi vượt lên những giá trị thời gian. Do đó, những đô thị như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM,.. cần dung hòa giữa bảo tồn và phát triển.

 

Với không gian ở trung tâm các nội đô cần lưu ý đặc biệt, không nên để xảy ra tình trạng một số nhà đầu tư về bất động sản gom đất rồi xây những công trình có quy mô, khối tích quá lớn khiến cảnh quan bị phá vỡ. Với các dự án cải tạo, xây mới liên quan đến nhà dân hay tư nhân, cũng cần có kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng không tuân thủ quy định, xây một cách quá tự do.

 

Đơn cử, sẽ có những dự án về cải tạo chung cư cũ. Ai cũng biết, chi cho cải tạo, chỉnh trang sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với đập đi để xây mới, hoặc về mặt kinh tế, sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư. Nhưng chúng ta thử hình dung một ngày nào đó, Hà Nội không còn bất cứ khu tập thể cũ nào từ những năm bao cấp thì Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã tự đánh mất một phần ký ức quan trọng của mình. Và những công trình xây mới chưa chắc đã chất lượng hơn so với những công trình đã bị đập đi. Đó là điều cần đặc biệt lưu ý.

 

Pháp là quốc gia có rất nhiều di sản với bề dày lịch sử nên về vấn đề này Pháp có nhiều thế mạnh và làm tốt. Các văn phòng kiến trúc ở Pháp đều phải tuân thủ các quy định cực kỳ chặt chẽ, nghiêm khắc trong xây dựng thiết kế. Cùng với đó, việc bảo tồn, phát huy di sản kiến trúc được thực hiện quy mô tại các thành phố lớn ở Pháp. Ở trường, sinh viên kiến trúc không chỉ được đào tạo về xây mới công trình, mà còn phải học nhiều về thiết kế cân bằng giữa cái mới và cũ. Tôi nghĩ rằng, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì việc gìn giữ và cân bằng giữa bảo tồn và phát triển càng phải được quan tâm.

 

Các kiến trúc sư, các nhà bảo tồn ở Việt Nam, khi bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng một công trình đơn lẻ, họ làm rất tốt. Nhưng khi nghiên cứu để thiết kế một công trình mới xây dựng bên cạnh một công trình cổ thì họ đang gặp khó khăn. Bản thân các nhà quản lý cũng thế. Đôi khi, họ không xác định được đâu là công trình thực sự hài hòa với các công trình cũ lân cận, đâu là một công trình “nhái”. Và cuối cùng, nó trở thành một thứ sao chép, không được đánh giá cao.

 

Trong quá trình phát triển, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn giữ được nét riêng của mình. Đó là lý do tại sao khách du lịch tìm đến Việt Nam rất đông. Ở đây, họ tìm được những đặc thù mà chỉ Việt Nam mới có, kể cả những đô thị châu Á khác cũng không có. Còn với khách phương Tây thì đương nhiên là như thế. Chừng nào Việt Nam còn giữ được bản sắc thì khách du lịch sẽ tìm đến.

 

Để di sản đô thị thực sự trở thành “vàng ròng” và dòng tiền ấy luôn chảy mãi, Việt Nam cần kể cho du khách những câu chuyện hấp dẫn và sớm phát triển kinh tế ban đêm.

 

Khi kết nối các điểm đến, cần hướng tới các dịch vụ du lịch có tính mở rộng hơn. Không chỉ đơn thuần là giới thiệu đơn lẻ từng điểm đến mà cần kết nối các điểm đến đó với nhau để kể cho du khách rất nhiều câu chuyện khác nhau nhằm đưa họ khám phá những nét văn hóa riêng của Việt Nam. Bởi, khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu, để hiểu được văn hóa của một vùng đất mới sẽ hết sức khó khăn, phức tạp. Họ cần có câu chuyện kết nối được các điểm đến cùng chủ đề. Do đó, cần xây dựng những tour chuyên đề riêng cho du lịch như: truyền thống khoa bảng, thi cử của Việt Nam; lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ; câu chuyện tâm linh, tôn giáo của văn hóa Việt Nam… để hấp dẫn du khách.

 

Cùng với đó, để mang đến nhiều trải nghiệm cho người dân và du khách, Việt Nam cần thêm nhiều sắc màu sinh động, hấp dẫn đủ sức kích thích tiêu dùng trong nước và níu chân du khách vào ban đêm.

 

Sau Covid-19, các đô thị, điểm đến du lịch cần bắt tay ngay vào đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm phục vụ phát triển du lịch. Bởi, ngoài lợi nhuận khổng lồ, kinh tế đêm còn giúp thu hút khách hàng, nâng cao nội lực quảng bá, marketing tự nhiên hữu hiệu. Phát triển kinh tế đêm mang lại “lợi ích kép”, khi vừa tạo ra lợi ích về tài chính, vừa góp phần thu hút du khách, thỏa mãn nhu cầu của du khách.

 

Thực tế, các chương trình, gói, dịch vụ du lịch ban ngày chỉ là những hàng hóa thiết yếu ở mức giá giới hạn. Nhưng kinh tế đêm là nơi kinh doanh, phát triển, bán, giới thiệu, khai thác được rất nhiều loại hình dịch vụ từ bình dân đến hàng hóa xa xỉ.

 

Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế đêm hiệu quả, phải quay trở lại bài toán đầu tư và tính liên kết vì bản thân du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và triển khai vào ban đêm còn phức tạp hơn rất nhiều do phải đảm bảo được yếu tố an sinh xã hội. Kinh tế ban đêm không có nghĩa chỉ đơn thuần là những quán bar, điểm tổ chức âm nhạc... Muốn phát triển cần có chủ trương, chiến lược, chính sách tổng thể để bứt phá, duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đêm của người dân và du khách.

 

Như vậy, du khách sẽ muốn ở lại Việt Nam lâu hơn. Đặc biệt, khi mở rộng không gian du lịch, sẽ tạo được “lợi ích kép” vì ở mỗi trung tâm kinh tế đêm sẽ mọc lên các khách sạn, nhà hàng, giao thông… đều phát triển.

 

Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài ban ngày thường tham quan các danh lam thắng cảnh, tối mới là thời gian họ tìm hiểu văn hóa bản địa. Trong tư duy của khách du lịch, họ coi kỳ nghỉ là những ngày tự do nên muốn chơi thâu đêm. Vì thế, cần mặc định kinh tế đêm là từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Cần sắp xếp các hoạt động, dịch vụ thành chuỗi liên hoàn khép kín, không chồng chéo lên nhau và phủ kín khoảng thời gian ban đêm. Như vậy mới tạo ra được nền kinh tế đêm phát triển, ngành công nghiệp không khói ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh và đặc biệt là dòng tiền không bao giờ “ngủ”.

 

 

Là người yêu Việt Nam và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, tôi luôn hy vọng những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như Tập đoàn Sun Group sẽ được nhân lên hàng trăm lần trên toàn lãnh thổ “đất nước hình chữ S”.

 

Tôi có cơ hội được làm việc suốt thời gian dài với Tập đoàn Sun Group, tôi hiểu và cảm nhận sâu sắc rằng, Sun Group có lối suy nghĩ rất đáng nể trọng, đó là họ luôn luôn mong muốn làm đẹp cho những vùng đất.

 

Trên thực tế, không chỉ ở Đà Nẵng, mà bất cứ vùng đất nào khi Sun Group chưa đặt chân đến, ngành du lịch chưa phát triển đúng tầm. Ngày nay, khi nhìn vào Đà Nẵng, Sa Pa, Quảng Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh… bạn sẽ thấy, sau khi được Tập đoàn Sun Group đầu tư, những vùng đất này đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng và được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích.

 

Từ đó, Sun Group đã tạo nên công ăn, việc làm cho người dân bản địa, giúp kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt hơn, Sun Group không chỉ tạo ra việc làm cho nhân viên mà còn luôn đầu tư, quan tâm giúp cuộc sống gia đình của người lao động ổn định.

 

Không chỉ ở lĩnh vực khách sạn, Sun Group còn là doanh nghiệp tiên phong tạo nên diện mạo đẳng cấp cho Việt Nam ở rất nhiều lĩnh vực khác như vui chơi giải trí, bất động sản hay mới đây nhất là hãng hàng không Sun Air với dịch vụ chuyên biệt được “may đo” cho từng khách hàng siêu sang.

 

Tôi cũng thực sự ấn tượng với những kế hoạch rất chi tiết, cụ thể về giáo dục và phát triển con người của Tập đoàn Sun Group và những gì họ đã và đang làm. Bởi lẽ, với chiến lược đầu tư bài bản, Sun Group sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo ngành du lịch nơi Tập đoàn đầu tư.

 

Tôi nghĩ rằng, trong 10 đến 15 năm tới, Việt Nam rất cần tạo “bước nhảy” về vị thế trên đấu trưởng quốc tế để ngày càng có nhiều người biết đến Việt Nam. Vì thế, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho những nhà đầu tư  chiến lược như Sun Group rất cần thiết để họ phát triển được những siêu dự án, giúp làm đẹp cho nhiều vùng đất hơn nữa trên dải đất hình chữ S.

 

Tôi cũng mong muốn có thật nhiều tiền để thành lập một bộ phận hoặc một đội ngũ chuyên nghiệp về marketing cho Việt Nam. Bởi vì nếu so sánh với Thái Lan hay các nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không hề thua kém. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách.

 

Có rất nhiều hội chợ, triển lãm quốc tế về du lịch mà đại diện của Việt Nam nên tham gia. Đơn cử hội chợ ITLM, Virtuoso, Further East … Đây là hội chợ dành cho những sản phẩm, dịch vụ cao cấp. Tôi nghĩ, Việt Nam nên tham gia và dành thời gian tham gia các hoạt động, hội chợ để quảng bá hình ảnh đất nước, con người đến với bạn bè quốc tế.

 

Thứ hai, Việt Nam nên tập trung vào công tác cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đường phố, các khu du lịch, bãi biển…  để mang đến một mội trường xanh, sạch, đẹp.

 

Điều thứ ba, tôi nghĩ rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố để trở thành cái nôi của giáo dục. Nên chăng, Việt Nam có thể chú trọng để phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài giúp họ cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới như Trường EHL Hospitality Business School tôi đang học sẵn sàng mở trường hoặc hợp tác với các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

 

 

Tôi đã ở Việt Nam 16 năm. Tôi có 40 năm kinh nghiệm làm đầu bếp, trong đó có 33 năm nấu các món Việt Nam và hiện kinh doanh nhà hàng chuyên món Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao tôi đặc biệt quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

 

Trong vấn đề này tôi thấy có nhiều việc ở Việt Nam có thể làm nhưng ở nước ngoài là vi phạm pháp luật. Và dường như vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ được vào cuộc thật sự mạnh mẽ khi có những việc nghiêm trọng xảy ra.

 

Nếu như kinh doanh ăn uống tại Mỹ, tôi phải tuyệt đối tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt của luật pháp, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến nấu nướng.

 

Hiện nay, có thể một số điều khoản quy định ấy không còn phù hợp nhưng cả thế giới vẫn luôn rất cần những đơn vị thanh tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn cần thiết lập và thực thi những quy định cứng rắn trong lĩnh vực này. Lý do đơn giản là sức khỏe, cuộc sống của con người ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng quan trọng như nhau.

 

Tại các nước phát triển, nếu bạn làm ai đó bị ảnh hưởng về sức khỏe trong hiện tại hoặc về lâu dài, bị ngộ độc, bị mất mạng... do ăn phải những món ăn chế biến cẩu thả hoặc sử dụng những nguyên liệu nguy hiểm, rẻ tiền để tăng lợi nhuận, bạn sẽ bị phạt hàng triệu đôla, thậm chí vào tù. Hình phạt nặng nề ấy sẽ làm chùn bước những ai có ý định coi tiền bạc quan trọng hơn sức khỏe người tiêu dùng.

 

Việc bảo quản thức ăn cũng là vấn đề lớn. Tôi nhận thấy nhiều nhà hàng ở Việt Nam thường trữ đông lạnh hầu hết thực phẩm và họ nghĩ rằng với cách ấy thực phẩm bớt tươi ngon nhưng sẽ giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn. Có lẽ không nhiều người Việt Nam được học về nhiệt độ thích hợp cho thực phẩm và theo tôi, đó là vấn đề thật sự cần quan tâm.

 

Khi lần đầu đến Việt Nam vào năm 1999, tôi đã rất sốc khi biết có những người trong quá trình chế biến thực phẩm dùng các chất độc hại vốn có nguồn gốc từ nước ngoài. Tôi thật sự không hiểu được vì sao họ lại có thể thờ ơ với sức khỏe người tiêu dùng đến vậy? Vì sao có thể bất chấp tính mạng người khác chỉ vì lợi nhuận?

 

Tôi lo ngại rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam sẽ ngày càng đáng báo động hơn khi các chi phí ngày càng gia tăng, lợi nhuận càng giảm. Bước quan trọng nhất cần thực hiện là các cơ quan chức năng phải cấp chứng nhận cho những đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn. Đây là cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn được thực phẩm sạch.

 

Tất nhiên, người tiêu dùng rất cần biết tự bảo vệ mình. Chọn mua các thực phẩm nhập khẩu với giá cao không phải là giải pháp thực tế khi nhiều người còn gặp khó khăn trong chi tiêu. Tôi nghĩ người dân nên đến những hệ thống siêu thị uy tín, siết chặt an toàn thực phẩm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

 

Người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc xác định các nhà cung cấp đang vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm kiếm các nhà cung cấp tốt và ủng hộ họ. Là đầu bếp, tôi luôn cố gắng nấu các món sạch hết sức có thể bằng cách sử dụng các nguyên liệu tự làm hoặc từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.

 

Chính người tiêu dùng phải xác lập nhu cầu cấp thiết về các thực phẩm tốt cho sức khỏe, từ đó “đặt hàng” các nhà sản xuất trong và ngoài nước đẩy mạnh xây dựng doanh nghiệp nhỏ sản xuất thực phẩm sạch. Truyền thông và cộng đồng cần ủng hộ các doanh nghiệp này.

 

Tôi nghĩ Việt Nam cần một chiến dịch lớn về thực phẩm để thúc đẩy việc sản xuất thực phẩm an toàn. Gần đây cộng đồng đang “sốt” với việc nhiều sản phẩm làm từ gạo như bún tươi, bánh canh... có chất làm trắng huỳnh quang tinopal. Vậy sao không mở một công ty sản xuất bún, bánh canh... với cam kết sử dụng nguồn gạo sạch, chỉ rõ gạo ấy được trồng thế nào, được xử lý ra sao? Sẽ có những nhà hàng, quán ăn mua các sản phẩm tốt này và làm lan tỏa thông tin về sản phẩm.

 

Phải phạt nặng, tôi nhấn mạnh điều này, vì luật pháp vẫn là công cụ quan trọng nhất trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần trừng phạt nghiêm khắc những ai đang xâm phạm niềm tin của cộng đồng, đang làm hại con người, đặc biệt là đầu độc các thế hệ tương lai chỉ vì muốn kiếm tiền nhanh chóng.

 

Tôi nghĩ những hình phạt này không chỉ là phạt tiền mà thậm chí có thể phạt tù. Nếu số tiền phạt vẫn luôn nhỏ hơn mức lợi nhuận kiếm được khi sử dụng các hóa chất bị cấm, các thực phẩm không đạt chất lượng... khi chế biến món ăn thì họ sẽ tiếp tục vi phạm.

 

 

Việt Nam là đất nước nhiệt đới, địa hình lại trải dài từ Bắc vào Nam với bờ biển dài gần 3.300 km nên sở hữu những điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển các loại nguyên liệu, gia vị khác nhau.

 

Tôi thường xuyên đi chợ và siêu thị để tìm kiếm nguyên liệu, gia vị mới thì nhận thấy Việt Nam có rất loại trái cây, rau, củ tươi ngon. Ở các vùng biển cũng có không ít loại hải sản quý hiếm. Vì vậy, việc trở “Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới” hay “Điểm đến của những tín đồ đam mê ẩm thực” là điều không hề bất khả thi chút nào.

 

Nhưng nếu Việt Nam muốn trở thành bếp ăn của thế giới thì trước tiên cần phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển đa dạng các loại nguyên liệu cho nấu ăn. Đồng thời, Việt Nam cần tập trung hơn vào việc phát triển chất lượng của từng sản phẩm và lựa chọn xem loại nguyên liệu nào, loại thực phẩm nào có thể trở thành đặc trưng số 1 mà không thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới để tập trung phát triển chất lượng cũng như thương hiệu.

 

Tôi muốn chia sẻ ví dụ về quả dưa lưới nổi tiếng của Nhật Bản. Nước tôi không có nhiều diện tích cho nông nghiệp nên người nông dân đã lựa chọn tập trung vào phát triển chất lượng cho quả dưa lưới để sản phẩm đó được định danh trên thế giới. Và thế giới sẽ tìm đến Nhật Bản khi tìm kiếm những quả dưa lưới chất lượng.

 

Do đó, Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu cũng như phát triển chất lượng cho một số loại hải sản hay trái cây như thanh long, xoài, nhãn… để chúng trở thành một sản phẩm được định danh trên bản đồ ẩm thực của thế giới mà không nơi nào sánh bằng.

Đối với các loại hải sản và động vật nói chung thì cần làm sao để loại cá, cua, mực… đó được sống, sinh trưởng ở khu vực trong lành nhất, sạch một cách tự nhiên nhất và ít tác động của con người. Đó cũng là yếu tố quan trọng để tạo ra một loại nguyên liệu ngon.

Ngoài ra, để phát triển nguyên liệu đó trở thành sản phẩm đại diện cho Việt Nam thì còn phụ thuộc vào cách sử dụng sản phẩm đa dạng ra sao. Đơn cử, một quốc gia luôn có những món ăn truyền thống đi vào lịch sử. Việt Nam cũng vậy. Do đó, có thể phát triển những món ăn đó bằng cách nâng cấp nguyên liệu ngon, sạch hơn vào chế biến món ăn truyền thống để nó có thể trở thành một món ăn nổi bật hơn, được nhiều thực khách mong muốn thưởng thức và nhiều nước muốn nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam để chế biến món ăn.

 

Người nước ngoài đến Việt Nam nếu đi du lịch thì họ sẽ thấy nhiều điều rất thú vị như giao thông hay đường xá rất thú vị. Còn nếu đến Việt Nam làm việc và sinh sống thì vấn đề giao thông lại trở thành nỗi bận tâm như tôi cảm thấy rất khó sang đường hoặc cảm thấy buồn khi vấp phải đá, ổ gà… Vì thế, tôi mong muốn giao thông, đường xá được cải thiện để giảm tắc đường và các phương tiện công cộng gắn kết cũng như ứng dụng công nghệ để người nước ngoài di chuyển thuận tiện hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khách nước ngoài cân nhắc đưa cả gia đình đến Việt Nam sinh sống.

 

Tuy nhiên, không phải đó hoàn toàn là điểm xấu mà ở góc độ nào đó nó lại mang đến nhưng điều tích cực. Chẳng hạn, ở Nhật Bản quá phát triển và bất cứ thứ gì cũng sẵn có, tiện lợi nên là đôi khi người Nhật không cần phải suy nghĩ, lo lắng về điều gì. Khi người Nhật sang nước ngoài, họ sẽ cảm thấy rất là nhiều thứ khác biệt nên là đôi khi thiếu cái này, cái kia hoặc không được tiện ích như ở Nhật Bản thì khả năng thích ứng không bằng người Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng, người Việt Nam sẽ có tính thích ứng, thích nghi cao hơn người Nhật Bản. Cho nên, những điểm đôi khi tưởng chừng là bất lợi lại chưa chắc là điểm xấu.

 

 

Là người mê chơi golf, Yoon Kyu Hee đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành “Thiên đường golf của châu Á”. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường khách du lịch golf tiềm năng số 1 của Việt Nam.

 

Hàn Quốc hiện đứng thứ ba thế giới với hơn 3 triệu người trên sân, chỉ xếp sau Mỹ (khoảng 28,8 triệu) và Nhật Bản (khoảng 10 triệu). Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao “nhà giàu” này là người trẻ, ở độ tuổi 20 - 30, tăng mạnh. Với sự lên ngôi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, giới khách du lịch siêu giàu và trung lưu Hàn Quốc hiện ưa chuộng các điểm đến biệt lập với đánh golf là trải nghiệm đi kèm không thể thiếu.

 

Trùng hợp, thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay, khách Hàn Quốc đang dẫn đầu, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

 

“Hậu Covid-19, Việt Nam cần có những giải pháp nâng cao chất lượng, hạ tầng dịch vụ, đầu tư những sân golf độc đáo hơn; công tác quảng bá du lịch golf chuyên nghiệp và đúng thị trường để golf tour phát triển. Đây sẽ là “mỏ vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi nhanh, bởi khác với khách du lịch truyền thống, khách du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần, bên cạnh mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp…”, Yoon Kyu Hee “hiến kế”.

 

Thực tế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Đây cũng là loại hình đáp ứng được các tiêu chí an toàn, bảo đảm giãn cách, tránh tập trung đông người, khi đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa được triệt tiêu và có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào.

 

“Việt Nam là thị trường mới nổi về golf trên thế giới nên đó cũng là lợi thế để các nhà đầu tư đi tắt, đón đầu xu thế sân golf xanh phát triển bền vững”, Yoon Kyu Hee nhận định.

 

Theo Yoon Kyu Hee, hậu Covid-19, tư duy du lịch toàn cầu thay đổi theo hướng phát triển mạnh mẽ du lịch thể thao. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam khai thác “mỏ vàng” golf tour cũng như tung ra các chính sách cởi mở, hấp dẫn để trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư sân golf thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc.

 

 

Với 84% số người nước ngoài được hỏi cho biết hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam, “Đất nước hình chữ S” đứng thứ 7 trong danh sách nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài năm 2022, do tổ chức InterNations, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới với hơn 4 triệu thành viên thực hiện thường niên. Năm nay, kết quả này dựa trên khảo sát gần 12.000 người đang sống và làm việc ở nước ngoài tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã tăng 3 bậc từ vị trí thứ 10 năm ngoái.

 

Sự chào đón nồng nhiệt, thân thiện của người dân địa phương là yếu tố đặc biệt khiến người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có cảm giác như được ở nhà. 84% được hỏi đều cho rằng cư dân địa phương thân thiện. Đặc biệt, 83% số người nước ngoài cảm nhận được chào đón tại “đất nước hình chữ S” và 71% số người cảm giác đây như ở nhà của mình. Cùng với đó, 80% số người tham gia khảo sát cảm thấy hạnh phúc với mức chi phí sinh hoạt tại Việt Nam. Hơn 90% số người nước ngoài được khảo sát nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là đủ hoặc nhiều hơn để có một cuộc sống thoải mái.

 

Sự nồng hậu, trung thực và thân thiện của người dân, cuộc sống thoải mái… là những yếu tố người ngoại quốc thích nhất về cuộc sống ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố khác khiến người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam không thoái mái, ảnh hưởng tới nhu cầu sinh sống lâu dài như chỉ số môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, sự sẵn có của hàng hóa và dịch vụ xanh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tinh thần, phương tiện giao thông, sự tiện dụng của dịch vụ hành chính, khó khăn trong thanh toán bằng tiền mặt,… Đây là những yếu tố mà Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới.

 

Mặc dù còn những yếu tố chưa hoàn thiện, song kết quả khảo sát của InterNations năm nay cho thấy, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vị trí điểm đến đến tốt nhất cho người nước ngoài nhờ vào nỗ lực ổn định kinh tế-xã hội của Chính phủ và tinh thần lạc quan, hiếu khách của người dân.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD. Vốn đầu tư điều chỉnh tăng cả về vốn đầu tư tới 12,2% và số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 tăng 12,4%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt tới gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021; số dự án đầu tư mới tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án;.…; những con số này đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.

 

Số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

 

Cùng với những con số biết nói trên và qua những khám phá, trải nghiệm, việc làm ý nghĩa và góp ý chân thành của các nhân vật chúng tôi kể trong chương 1 đến chương 6, có thể thấy, họ đã và đang có một cuộc sống tuyệt vời nhất với cá tính của mình tại Việt Nam. Vốn trước kia họ coi mình là người Palestine, Mỹ, người Pháp, người Thụy Sỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… thì trong họ giờ đây có một phần Việt Nam rất lớn, một tâm hồn Việt Nam không thể xóa nhòa.

 

Việt Nam không chỉ là quê hương mà còn là nhà của mỗi người. Và họ luôn luôn khát khao được giúp đỡ, được đóng góp cho quê hương, đất nước, ngôi nhà chung Việt Nam ngày càng trở nên đáng đến và đáng sống.

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu đó, khát vọng đó không dễ dàng, nhưng với những gì Việt Nam đã làm được trong bối cảnh đầy biến động, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2022, con đường tiến lên trở thành “Con hổ của châu Á”, một quốc gia giàu mạnh, hùng cường đã ngày càng ngắn lại. Hy vọng rằng, năm 2023, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo được “bước nhảy” để đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên những mục tiêu đã định.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(HẾT)

 

Hồ Hạ 31/12/2022 14:20
Back To Top