Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ô nhiễm môi trường và 73 ha rừng phòng hộ Cần Giờ làm “nóng” phiên chất vấn nghị trường TP.HCM
Trọng Tín - 09/12/2019 14:14
 
Sáng 9/12, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã mở đầu trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX về tình hình quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn.

Người dân sẽ biết thông tin về ô nhiễm trên điện thoại

nghị trường TP.HCM ngày 9/12 đã diễn ra nhiều phiên chất vấn giám đốc Sở tài nguyên - Môi trường TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)
Nghị trường TP.HCM ngày 9/12 đã diễn ra nhiều phiên chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu băn khoăn về các phương án hỗ trợ cơ sở thu gom rác dân lập chuyển lên doanh nghiệp, lộ trình giảm và tiến tới không khai thác nước ngầm nữa và việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, phải chăng TP.HCM hiện là một trong những thành phố ô nhiễm nhất nước và khu vực? “Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có thể cung cấp thông tin để người dân biết giải pháp bảo vệ sức khỏe trước việc ô nhiễm môi trường, không khí, bụi mịn, chất lượng nguồn nước.”, ông Trí đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm rằng vấn đề môi trường cần được đánh giá chính xác. Hiện phần lớn các điểm quan trắc của thành phố làm theo phương pháp thủ công. Cụ thể, có đến 327 điểm quan trắc thủ công và thành phố mới chỉ vận hành thử 6 trạm quan trắc tự động.

“Toàn thành phố hiện có 48 bảng thông tin giao thông, đồng thời cũng chuyển tải các thông tin về môi trường để người dân giám sát và phản ánh. Trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cập nhật thông tin thường xuyên. Sắp tới, thành phố sẽ đầu tư bổ sung 48 trạm quan trắc tự động giúp đưa ra các thông số chính xác hơn”, ông Thắng nói.

Về ô nhiễm khí thải từ giao thông, ngành công nghiệp và hoạt động xây dựng, ảnh hưởng bởi bụi mịn, sở đã đưa ra cảnh báo và phối hợp Sở Giao thông vận tải đưa ra giải pháp kiểm soát ngưỡng xả thải của xe tải, ô tô, cũng như khoảng 6 triệu xe gắn máy trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát tình hình.

Liên quan đến việc di dời cơ sở ô nhiễm, ông Thắng nhấn mạnh, TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc di dời mà còn xác lập luôn việc di dời những cơ sở có khả năng gây ô nhiễm trong tương lai gần không còn phụ hợp quy hoạch. Hiện có 114 cơ sở phải thực hiện di dời và xử lý ô nhiễm.

Riêng 5 cở sở ở quận 12 đã buộc chuyển vào khu công nghiệp. Đồng thời, có 56 cơ sở khác trên toàn thành phố hoạt động không có hệ thống xử lý khí và nước thải, sở đã yêu cầu lắp đặt, đồng thời, tăng cường tiến hành hậu kiểm.

“Vừa qua, khi kiểm tra 190 cơ sở thì đã có 70 trường hợp vi phạm về nước và khí thải. Sở đã cương quyết xử lý với 15 tỷ đồng tiền phạt cũng như tái kiểm tra và đề nghị hình thức buộc ngưng hoạt động. Sắp tới sở phải khảo sát 800 cơ sở có thải khí và 4.000 cơ sở có nước thải công nghiệp cần phải kiểm soát”, ông Thắng cho hay.

Vấn đề nước ngầm, ông Thắng cho biết đang thực hiện theo phê duyệt của Chính phủ. Theo đó, hiện mỗi ngày, TP.HCM đang khai thác đến 700.000m3 nước ngầm. Đến năm 2025, thành phố phải kéo giảm xuống dưới 100.000m3/ngày. “Lộ trình giảm việc khai thác nước ngầm được thực hiện tốt hơn tại khu chế xuất, khu công nghiệp so với ở các hộ dân. Do ở khu dân cư chưa có chế tài mà chủ yếu chỉ vận động”, ông Thắng nói và kiến nghị nên có giải pháp chế tài.

Qua thực tế, ông Thắng cho hay việc phân loại rác thành 3 loại hữu cơ, rác tái chế và chất thải còn lại trên thực tế bộc lộ nhiều hạn chế. Kinh nghiệp của các nước thường áp dụng phương thức phân thành 2 loại mà thôi. Đối với rác có thể tái chế nên thu hồi vào cuối tuần và trả cho dân một mức phí phù hợp. Rác thải còn lại thu gom xử lý hàng ngày.

Làm theo cách thức trên sẽ giúp thuận lợi hơn trong triển khai phương tiện thu gom. Song song đó cũng giúp cho nhóm giải pháp chuyển đổi phương tiện và pháp nhân đối với các đơn vị thu gom dân lập có thể chuyển đổi dễ dàng hơn thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Hiện TP.HCM có trên 1.100 đơn vị cần chuyển đổi. Thành phố cũng đã có 8 chính sách hỗ trợ về kinh phí, thuế mà, phương tiện…

73 ha rừng phòng hộ Cần Giờ vẫn còn nguyên

Tiếp tục với phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng cũng làm cả hội trường xôn xao khi đề cập đến vụ việc 73 ha rừng Cần Giờ bị loại bỏ khỏi quy hoạch rừng phòng hộ vào năm 2016.

Trả lời về những vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết tổng diện tích rừng phòng hộ và đất của huyện là hơn 34 ngàn ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 33.000 ha, diện tích đất khác là 2.000 ha.

Toàn hộ diện tích đất và rừng phòng hộ Cần Giờ trước đây do Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ quản lý.

“Trong quá trình vừa rồi kiểm kê lại toàn bộ đất rừng so với năm 1995, chúng tôi có đề nghị điều chuyển một số diện tích kiểm kê trên hiện trạng, trong đó có 73 ha như một số thông tin báo chí đã nêu. Riêng ở khu vực Thạnh An có 43ha, trước đây theo kiểm kê năm 1995, có 71 ha hiện có khu dân cư xen cài đất rừng. Ở An Thới Đông cũng có một số vị trí đã là khu dân cư hiện hữu xen cài từ những năm 1980, 1990 trở về trước”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng thông tin thêm, trong quá trình kiểm kê, huyện có đề nghị rà soát, điều chỉnh kiểm kê diện tích rừng có 73ha này, nhưng nếu như muốn chuyển diện tích rừng phòng hộ thì hoàn toàn theo quy định pháp luật, phải thông qua HĐND thành phố khi muốn chuyển sang mục đích khác.

“Tôi xin báo cáo quý đại biểu là 73 ha rừng này vẫn còn nguyên… Quá trình chuyển phải theo trình tự thủ tục, chứ không phải cứ đề xuất chuyển là có thể chuyển được ngay”, ông Dũng khẳng định.

TP.HCM muốn vay lại 29.885,25 tỷ đồng của Chính phủ để làm Metro số 2
UBND TP.HCM có tờ trình gửi HĐND TP về việc muốn vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoản vay 962,61 triệu USD và 300,72 triệu EUR, tương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư