Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM “đánh rơi” hàng tỷ USD ở khu công nghiệp, khu chế xuất - Bài 1: Trao cả thị trường y dược khổng lồ cho… nước ngoài
Ngô Nguyên - 27/07/2022 09:35
 
TP.HCM từng phê duyệt đầu tư một dự án khu công nghiệp y dược, song phải xóa sổ vì chủ đầu tư không triển khai trong nhiều năm. TP.HCM đang “đánh rơi” cơ hội vàng khai thác thị trường dược phẩm trị giá hàng tỷ USD.
Từng có khu công nghiệp y dược lớn, nhưng “treo ngược” nhiều năm đến mức phải xin xóa sổ, nhường thị trường thuốc và vật tư y tế cho nước ngoài. Quỹ đất công nghiệp ngày càng thu hẹp, nhưng hàng loạt dự án khu công nghiệp, khu chế xuất lại đang bị hoang hóa do tắc nghẽn pháp lý, “bê bết” trong đền bù giải phóng mặt bằng. Tất cả khiến cơ hội thu hút đầu tư của TP.HCM tuột trôi.

Bài 1: Trao cả thị trường y dược khổng lồ cho… nước ngoài

TP.HCM từng phê duyệt đầu tư một dự án khu công nghiệp y dược, song phải xóa sổ vì chủ đầu tư không triển khai trong nhiều năm. TP.HCM đang “đánh rơi” cơ hội vàng khai thác thị trường dược phẩm trị giá hàng tỷ USD.

“Bê bết” tới mức phải xin xóa sổ

Theo hồ sơ, tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập, lưu trữ, từ năm 2007, UBND TP.HCM đã đồng ý cho Công ty TNHH Giải pháp kiến trúc xây dựng Ánh Sáng Chung đầu tư Dự án Khu công nghiệp (KCN) Hóa dược Phước Hiệp, diện tích hơn 200 ha trên địa bàn 2 xã Phước Hiệp và Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi).

Nhu cầu thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị tăng, nhưng hầu hết thiết bị y tế công nghệ cao tại Việt Nam vẫn phải nhập ngoại
Nhu cầu thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị tăng, nhưng hầu hết thiết bị y tế công nghệ cao tại Việt Nam vẫn phải nhập ngoại

Dự kiến, Dự án KCN Hóa dược Phước Hiệp có tổng vốn đầu tư 638 tỷ đồng, xây dựng trong 3 năm. Giai đoạn I (quý IV/2007 đến quý I/2008) thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư, hoàn tất việc thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng. Giai đoạn II (quý II/2008 đến quý III/2010) thi công xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nền móng công trình, xây dựng công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn III (trong quý IV/2010) bàn giao, đưa vào sử dụng công trình.

Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng ngành dược phẩm nhanh nhất trên thế giới. Cụ thể, tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng mạnh lên đến 5,1 tỷ USD vào năm 2018 và đạt 6,1 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dược phẩm Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2018 đạt khoảng 14,5%, giai đoạn 2018 - 2020 đạt khoảng 9,4%.

TP.HCM kỳ vọng, đây sẽ là KCN hiện đại, hoàn thiện, đồng bộ, trở thành KCN hóa dược sinh thái tốt nhất miền Nam, đóng góp vào tầm nhìn dài hạn của Thành phố là trở thành đầu mối công nghiệp dược - sinh học của Việt Nam. Mặt khác, KCN này sẽ hỗ trợ sự phát triển của các bệnh viện y dược, trường y dược về thí nghiệm và nghiên cứu.

Kết cục ra sao? 14 năm sau khi đồng ý cho đầu tư KCN Hóa dược Phước Hiệp, đến tháng 7/2021, UBND TP.HCM phải làm văn bản xin Chính phủ cho… xóa sổ KCN này. Nguyên nhân, theo UBND TP.HCM, từ khi được duyệt đầu tư tới nay, Công ty TNHH Giải pháp kiến trúc xây dựng Ánh Sáng Chung không có bất kỳ hoạt động đầu tư xây dựng nào, buộc Ban Quản lý các KCN - khu chế xuất (KCX) TP.HCM (Hepza) phải thu hồi giấy phép đầu tư.

Dự án KCN Hóa dược Phước Hiệp “treo ngược” nhiều năm khiến hàng trăm hộ dân nơi đây vô cùng khốn khổ, hàng trăm héc-ta đất hoang hóa, lãng phí.

Có nhà máy, nhưng…

TP.HCM cũng có tới 31 nhà máy dược phẩm đạt GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành sản xuất dược phẩm được Tổ chức Y tế thế giới ban hành), phân bổ chủ yếu tại các KCN, KCX và khu công nghệ cao. Trong đó, có 5 nhà máy đã được chứng nhận đạt GMP-PIC/S và GMP-EU; 4 nhà máy đạt GMP về sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; 1 nhà máy đạt GMP về sản xuất nguyên liệu và thành phẩm thuốc đặc trị ứng dụng công nghệ sinh học; 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP về sản xuất bao bì dùng trong ngành dược, là những nhà máy sản xuất bao bì đạt GMP đầu tiên trong cả nước.

Tuy nhiên, 31 nhà máy trên chủ yếu sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền. Nhiều nhà máy sản xuất cùng một loại hoạt chất, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Hầu hết các nhà máy chưa phát huy tối đa công suất, nhất là các nhà máy của doanh nghiệp có vốn nhà nước (Sapharco và các công ty con, công ty liên kết).

Các số đăng ký thuốc còn hiệu lực của các nhà máy trên chỉ chiếm khoảng 10% tổng số đăng ký còn hiệu lực của cả nước, trong đó, đưa vào sản xuất 2.104 mặt hàng, chiếm hơn 83% tổng số đăng ký được cấp. Trong hoạt động đấu thầu cung cấp thuốc vào bệnh viện, do giá thành sản xuất tại TP.HCM cao (giá nhân công cao, giá thuê đất cao...), nên các sản phẩm này cũng ở mức giá cao, không có lợi thế cạnh tranh.

Thực trạng trên khiến thị trường thuốc, vật tư, máy móc y tế tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung gần như phải “nhường sân” cho doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu và bao bì cho thuốc hóa dược và dược liệu; khoảng 90% trang thiết bị y tế lưu hành trên thị trường trong nước hiện nay dựa vào nguồn nhập khẩu.

Bỏ quên “cơ hội vàng”

Theo Sở Y tế TP.HCM, Thành phố có rất nhiều cơ hội và tiềm lực để có thể phát triển công nghiệp dược, khi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, là đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước.

Bên cạnh đó, TP.HCM có lợi thế về thị trường đầu ra (133 bệnh viện, hơn 1.200 doanh nghiệp bán buôn và hơn 6.500 nhà thuốc) cũng như đầu mối để xuất khẩu

Theo Sở Y tế TP.HCM, Thành phố hiện có 1 dự án khu y tế kỹ thuật cao do Công ty Hoa Lâm làm chủ đầu tư tại quận Bình Tân (diện tích toàn khu khoảng 37 ha). Tuy nhiên, đây là một tổ hợp hợp gồm bệnh viện, khu nhà ở, dịch vụ…, nên không thể bố trí các nhà máy sản xuất ngành công nghiệp dược.

Cơ quan chức năng TP.HCM cho biết, do chênh lệch giá đất và thiếu chính sách khuyến khích, một số công ty dược (như Stada Việt Nam, Stellapharm, Roussel Việt Nam, United Pharma, Vidipha…) đã chuyển nhà máy và kho vận từ TP.HCM sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Thành phố cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực dược lớn nhất cả nước với những trường đại học như Trường đại học Y Dược, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường đại học Nguyễn Tất Thành... Đồng thời, cũng là nơi thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực y, dược. Số cán bộ dược đang công tác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp là 2.999 người, trong đó, có 241 dược sĩ có trình độ trên đại học, 804 dược sĩ đại học, 1.954 dược sĩ trung học và cao đẳng.

Với những lợi thế đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn TP.HCM chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước. Các cơ sở sản xuất thuốc tại TP.HCM chiếm hơn 20% tổng số cơ sở sản xuất thuốc của cả nước.

Sở Y tế TP.HCM cho hay, tại TP.HCM, giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tính tới năm 2020 đạt gần 2.212 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 20% chi phí sử dụng thuốc và dự kiến tăng 7 - 10%/năm. Với thuốc ung thư, dù nhu cầu sử dụng tăng, nhưng thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 2%. Tỷ lệ các bệnh viện ở TP.HCM sử dụng thuốc nội địa dao động từ 61 đến 80%.

Ngoài thuốc, cơ quan chức năng cũng đưa ra con số thống kê thể hiện, tổng vốn đầu tư vào thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Đơn cử, vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam đến năm 2019 đạt 1,1 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng hằng năm là 18%. Tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn trong thời gian tới, được thúc đẩy bởi các yếu tố như: nhu cầu thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị tăng; chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng ngành y tế (huy động vốn trong và ngoài nước đầu tư vào trang thiết bị y tế)…

“Có làn sóng các hãng thiết bị y tế lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam (Terumo, Sonion và United Healthcare đã chuyển nhà máy từ các nước khác về Việt Nam) để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ qua Đề án Phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Thực trạng trên cho thấy, trong suốt thời gian dài, TP.HCM đã “đánh rơi” nguồn thu khổng lồ cả trong và ngoài nước.

Tại một đề án mới đây (đang lấy ý kiến của các cơ quan chức năng), TP.HCM muốn đầu tư một KCN y dược lớn để sản xuất các loại thuốc phát minh (hoặc chuyển giao công nghệ), thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn) có dạng bào chế CNC, vắc-xin, sinh phẩm, các trang thiết bị xét nghiệm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao phục vụ chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, các địa phương trên cả nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, bài học về Dự án KCN Hóa dược Phước Hiệp hơn 200 ha phải xóa sổ và hàng loạt KCN, KCX vẫn luẩn quẩn trong những vướng víu về pháp lý, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến hoang phí quỹ đất công nghiệp lớn cho thấy, TP.HCM phải tìm ra giải pháp đột phá khác với lối mòn hiện nay.

(Còn tiếp)

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM khiến hàng ngàn tỷ đồng đã bỏ ra chôn vùi trong cát đá, đi kèm theo đó là hạ tầng...
Bình luận bài viết này
  • NGUYỄN ĐINH TUẤN 15:10 | 27-07-2022
    Bài viết thật sự hay và có nhiều gợi ý đóng góp cho sự phát triển của ngành Dược nói riêng và đất nước nói chung. Nhân đây, mình cũng xin đề nghị thêm một số biện pháp để có thể giảm nhanh giá thuốc cho người bệnh và tiết kiệm cho ngân sách: HIẾN KẾ GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM HÀNG TỶ ĐÔ LA CHO QUỐC GIA TRONG LÃNH VỰC Y TẾ Nước ta là nước đang phát triển, đặc biệt lĩnh vực thuốc và thiết bị y tế chưa tự chủ được mà đa phần phải nhập khẩu quá nhiều, 5-7 tỷ đô mỗi năm, gây nhập siêu, là gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước và người bệnh. Là người dược sĩ trong ngành, tôi xin đề xuất các giải pháp sau để giảm chi phí y tế, tiết kiệm ngân sách hàng tỷ đô la. Xin trân trọng cảm ơn! Như đã trình bày, chi phí cho thuốc và thiết bị y tế của chúng ta quá lớn. Chi phí sản xuất cho các thuốc rất rẻ nhưng bán ra giá gấp 100 lần, 1.000 lần chi phí sản xuất, thu lời hàng tỷ đô la, vì vậy là gánh nặng lớn cho người bệnh và ngân sách. Nếu có biện pháp kiểm soát, giá thuốc rẻ đi nhanh chóng, đỡ cho ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho bệnh nhân. Việc này thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát dễ dàng. Hiện tại mức đóng bảo hiểm y tế khoảng 800.000 đồng/người/năm. Nếu kiểm soát được chi phí y tế tôi nghĩ có thể mức đóng giảm còn 400.000 đồng/người/năm vẫn đủ để chi. 1/ Đề nghị Nhà nước thành lập 1 cơ quan chuyên phụ trách về giá thuốc và thiết bị y tế. Cơ quan này sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội để đánh giá từng loại thuốc, thiết bị y tế về hiệu quả có tương xứng với giá thành hay không để quyết định có giải pháp thay thế rẻ hơn không hoặc quyết định mức bảo hiểm y tế nào là phù hợp với từng loại thuốc/ thiết bị này. Tránh sử dụng thuốc/ thiết bị/ thủ thuật mắc tiền vô tội vạ. Ví dụ thuốc hàm lượng lạ/ dạng bào chế đặc biệt/ kết hợp 2 thành phần có giá cao vô lí so với thuốc đơn chất cùng loại. 2/ Đề nghị đơn giản hóa tiêu chí để quá trình cấp visa thuốc và thiết bị nhanh hơn, có nhiều thuốc đấu giá với nhau thì giá mới mau hạ. Một số thuốc điều trị ung thư chỉ có 1, 2 số visa nên giá thành luôn giữ cao vì ít cạnh tranh trong khi các thuốc này đã lưu hành hàng chục loại tại Nga, Ấn Độ với giá thành rẻ hơn 5-10 lần tại Việt Nam. Đơn giản hóa như vầy: chỉ cần thuốc đó có giấy phép lưu hành tại Ấn, Mỹ hoặc châu Âu + thêm 1 vài chứng nhận khác là được cấp phép. Thành lập 1 cơ quan nhà nước chuyên trách tìm/ đàm phán các loại thuốc, thiết bị cùng công dụng/ hoạt chất mà giá rẻ ở nước ngoài để nhập về sử dụng, nhất là những thuốc có doanh số quá lớn. Mua thuốc thông qua UNDP cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm chi phí. https://tuoitre.vn/mua-thuoc-qua-undp-gia-se-giam-20220704085225418.htm 3/ Đề nghị giảm cơ số biệt dược gốc chỉ nên 10-20%, đặc biệt các thuốc có doanh số quá lớn : BEVACIZUMAB, TRASTUZUMAB, RITUXIMAB, TACROLIMUS, DOCETAXEL, PACLITAXEL, PEGFILGRASTIM, OXALIPLATIN, PALONOSETRON là những thuốc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư, không phải thuốc cứu mạng hoàn toàn có thể thay thế bằng thuốc nhóm 1 từ Châu Âu. 4/ Đề nghị nhà nước tiếp tục kiểm soát đấu thầu vật tư trang thiết bị y tế, đánh giá kỹ từng loại thiết bị/ thủ thuật y tế có thật sự cần thiết không, có giải pháp giá rẻ hơn không. Đây cũng là mảng thu lợi rất lớn từ các công ty nước ngoài 5/ Đề nghị nhà nước thành lập những công ty, tập đoàn Dược phẩm quốc gia để nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm kỹ thuật cao tránh phụ thuộc nước ngoài, xuất khẩu làm giàu cho đất nước. Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư