Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị biển vào “tầm ngắm”? - Bài 3: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy phản biện quyết liệt
Ngô Nguyên - 18/08/2021 09:18
 
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã 2 lần gửi đơn phản biện hầu hết nội dung báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Không phải bỗng nhiên, Phiên họp thứ 20 vừa diễn ra hôm 5/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa vụ việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết (Bình Thuận) sang khu đô thị vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Vụ việc gây xôn xao dư luận, “đụng” tới nhiều cấp, ngành bởi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đứng ra tố cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phản biện lại nhiều vấn đề trong kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã 2 lần gửi đơn phản biện hầu hết nội dung báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã 2 lần gửi đơn phản biện hầu hết nội dung báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Chính phủ.


 Bài 3: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy phản biện quyết liệt

Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã 2 lần gửi đơn phản biện hầu hết nội dung báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Thanh tra Chính phủ.

“Bắt tay” bỏ sân golf trước khi Thủ tướng đồng ý?

Thanh tra Chính phủ kết luận không có cơ sở đối với nội dung tố cáo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã câu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư xóa bỏ sân golf Phan Thiết. Lý do Thanh tra Chính phủ đưa ra là theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2117/TTg-KTN, đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Tuy nhiên, ông Đinh Trung cho rằng, kết luận trên là “không khách quan, không có quan điểm lịch sử và bao che”. Ông Trung dẫn dắt, sân golf Phan Thiết là đất công nhà nước được đưa vào hoạt động từ năm 1997 và ngày 15/11/2013 là lần chuyển nhượng thứ 4 sang Công ty cổ phần Rạng Đông với mục tiêu trên giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp là “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Nhưng ngày 2/12/2013 (tức chỉ 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng) và tiếp theo là ngày 24/12/2013, Công ty cổ phần Rạng Đông có văn bản đề nghị chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ.

Tới ngày 1/3/2014, Công ty cổ phần Rạng Đông có thông báo nội dung “sân golf sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/4/2014”. Trong khi đó, tại Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.

Thế nhưng, ngày 5/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Thông báo số 75/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đề nghị chuyển đổi sân golf của Công ty cổ phần Rạng Đông. Thông báo nêu rõ: “Đề nghị Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, UBND TP. Phan Thiết chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và đoàn viên, hội viên của đơn vị mình và địa phương biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên”. Chủ tịch UBND tỉnh còn “yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người đã bỏ tiền mua thẻ golf của sân golf Phan Thiết”.

Sau đó, tới tận ngày 23/5/2014, UBND tỉnh Bình Thuận mới có tờ trình và ngày 28/10/2014, Thủ tướng mới có Văn bản số 2117/TTg-KNT đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Do đó, ông Trung cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận khi làm thủ tục đã biết trước chủ đầu tư chấm dứt hoạt động, bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề của hội viên hạn chót là ngày 16/6/2014, nhưng không có ý kiến gì và còn yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người đã bỏ tiền mua thẻ golf của sân golf Phan Thiết, trong khi chưa có báo cáo và chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nên, theo ông Đinh Trung, Thanh tra Chính phủ bỏ qua “diễn biến lịch sử” trên, mà chỉ bắt đầu từ khi UBND tỉnh có báo cáo Thủ tướng, rồi nhận xét “không có cơ sở” là không chính xác.

Tỉnh “tiền trảm hậu tấu”, lại được Bộ Xây dựng “bật đèn xanh”?

Thanh tra Chính phủ kết luận “chỉ có cơ sở một phần” và “không quy kết UBND tỉnh làm sai được” đối với nội dung tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội là trái luật. “Cơ sở một phần” bởi việc không bố trí là đúng, nhưng lý do là do vướng mắc nên UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng là cho phép chủ đầu tư nộp khoản tiền tương đương giá trị 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội nơi khác ngoài dự án.

Ông Đinh Trung phản biện rằng, Thanh tra Chính phủ đã bỏ qua nội dung tiếp theo của điểm a, khoản 2, Điều 6, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ là: “Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% này để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách, thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án”.

Quy định này vẫn giữ nguyên tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. “Quy định như thế là rõ ràng, đâu có gì vướng mắc về pháp luật?”, ông Đinh Trung nói và cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận còn “tiền trảm hậu tấu”, cố tình làm việc đã rồi.

Minh chứng, ngày 2/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 985/UBND-ĐTQH gửi Bộ Xây dựng hỏi về việc hoán đổi 20% quỹ đất ra khỏi dự án. Tới ngày 24/4/2015, Bộ Xây dựng mới có Văn bản số 37CV/TH-CLB trả lời tỉnh Bình Thuận, trong khi trước đó, ngày 6/4/2015, UBND tỉnh này có Quyết định số 909/QĐ-UBND duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, đã không dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Đinh Trung cho rằng, dù Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn chuyên ngành, nhưng cũng không thể hướng dẫn… trái với Nghị định của Chính phủ. Từ đó, ông Trung đặt nghi vấn, phải chăng Bộ Xây dựng cũng “bật đèn xanh”?

“Vả lại, trong văn bản Bộ Xây dựng không có nội dung hướng dẫn cho phép Công ty Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% (chỉ thực hiện ở dự án dưới 10 ha), Thanh tra Chính phủ lấy bằng chứng ở đâu mà cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận làm theo hướng dẫn Bộ Xây dựng?”, ông Trung lý luận.

Vẫn kiên định tố cáo “ngân sách thất thoát hàng ngàn tỷ đồng”

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận chỉ “có cơ sở một phần” đối với nội dung tố cáo “tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, gây thất thoát ngân sách hàng ngàn tỷ đồng”. Bởi phương án giá đất đã được các ngành liên quan tiến hành các bước thẩm định xác định giá đất sát thị trường…

Tuy nhiên, theo ông Đinh Trung, Dự án sân golf Phan Thiết là khu đất vàng với hai mặt giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành, một mặt giáp bờ biển.

Theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ tháng 1/2015 đến 31/12/2019, thì giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2, giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2.

Nhưng ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định 3371/QĐ-UBND phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất. Theo đó, với diện tích 363.523,6 m2 của Dự án, tổng tiền sử dụng đất là hơn 936 tỷ đồng. Như vậy, giá trị đất chỉ gần 2,6 triệu đồng/m2.

“Chỉ so sánh giá tiền sử dụng đất do Nhà nước quy định tại 2 con đường Nguyễn Tất Thành (11 triệu đồng/m2) và Tôn Đức Thắng (14 triệu đồng/m2) với giá tiền sử dụng đất của Khu đô thị nói trên thì gần gấp 5-6 lần. Nếu căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm giao đất cho Khu đô thị thì gần gấp 10 lần. Thực tế giá thị trường tuyến đường nằm quanh khu đô thị này từ 15-24 triệu đồng/m2. Chỉ trong vòng một năm, chủ đầu tư vừa xây cơ sở hạ tầng, vừa phân lô bán nền, bán thấp nhất 20 triệu đồng/m2, cao nhất gần 40 triệu đồng/m2…”, ông Đinh Trung rất chi tiết trong phản biện như vậy, để khẳng định tố cáo của mình là có cơ sở.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xác định giá đất đều được trình, báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và ngày 2/11/2015, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Văn bản kết luận số 01/TB-TU với nội dung: “Phương án xác định giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước được UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, Hội đồng Thẩm định giá của tỉnh, Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam và các ngành liên quan đã tiến hành các khâu, các bước thẩm định giá đất công phu… để làm cơ sở tính toán xác định giá đất theo đúng trình tự, sát với tình hình thực tế”.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Trung, mãi tới ngày 12/11/2015, Công ty cổ phần Thẩm định giá miền Nam mới có Chứng thư thẩm định giá số 15/11/194 BĐS/Bth. Tới ngày 19/11/2015, Hội đồng Thẩm định giá tỉnh Bình Thuận mới có văn bản thẩm định giá. Ông Trung chất vấn: “Thử hỏi trên cơ sở nào mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhận xét như vậy” khi ra kết luận ngày 2/11/2015, tức trước khi có chứng thư và văn bản thẩm định giá.

Tóm lại, ông Đinh Trung phản biện hầu hết các kết luận và kiến nghị xem xét lại nội dung báo cáo của đoàn thanh tra vụ việc trên, đồng thời đề nghị đưa sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để làm rõ.

Chính bởi phản biện trên, Phó thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh, kiểm tra lại. Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp các tư liệu liên quan. Còn Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã đưa vụ việc vào diện theo dõi chỉ đạo. Tất cả cho thấy tinh thần và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước đối với sai phạm (nếu có).

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc khi có kết quả của cơ quan chức năng.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng và UBND TP. Phan Thiết phối hợp, rà soát, tổng hợp thông tin, hồ sơ pháp lý các tài sản và việc giao dịch mua bán tài sản thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Rạng Đông, Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết - chủ dự án Khu đô thị biển Phan Thiết; Công ty cổ phần Tân Việt Phát - chủ dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải tại Dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, để cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Yêu cầu trên xuất phát từ việc trước đó, ngày 21/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn gửi UBND TP. Phan Thiết đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến 9 dự án trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong 9 dự án, ngoài 3 dự án nêu trên, còn có các dự án: Khu du lịch dã ngoại phường Mũi Né; Khu du lịch Xuân Quỳnh; Sealinks Mũi Né; Dự án lấn biển phường Đức Long; Trường mầm non Lê Quý Đôn; xây dựng kè chống xâm thực biển phường Đức Long.
Vì sao vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị biển vào “tầm ngắm”? - Bài 1: Khi nguyên Bí thư Tỉnh ủy đích thân đứng đơn tố
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quá trình chuyển đổi hơn 62 ha đất sân golf Phan...
Bình luận bài viết này
  • Bình Sinh 14:56 | 18-08-2021
    Hoan hô Báo Đầu tư đã có loạt bài” Vì sao vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị biển vào “tầm ngắm”? Bài viết đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng để bạn đọc, nhất là ở Bình Thuận biết được vụ việc “động trời” mà suốt mấy năm nay cứ râm ran trong dư luận. Cảm ơn người có trách nhiệm với xã hội là ông Đinh Trung đã kiên trì đấu tranh để làm rõ đúng, sai, nên hiện nay vụ việc đã được đưa vào diện Ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của TW theo dõi, chỉ đạo. Dư luận đang rất mong đợi kết quả.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư