Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
VRDF 2020: "Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh" trong đại dịch Covid-19
Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020 diễn ra sáng nay (29/9) với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
TIN LIÊN QUAN

Sáng nay (29/9), Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 chính thức khai mạc với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Diễn đàn có hai phiên thảo luận với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay, lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức kết hợp cả hai hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) và trực tuyến (kết nối với các đại biểu, diễn giả, chuyên gia ở đầu cầu nước ngoài).

Toàn cảnh VRDF 2020
Toàn cảnh VRDF 2020

Theo các chuyên gia của Diễn đàn, trước đây, cụm từ “hậu Covid-19” đã luôn được nhắc tới. Các kế hoạch, kịch bản phục hồi kinh tế đều trông chờ vào giai đoạn “hậu Covid-19”, nhưng giờ là “kỷ nguyên Covid-19”. Điều đó có nghĩa, chúng ta đã xác định “sống chung” với Covid-19.

Không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới. Tất cả đều xác định rằng, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Vì thế, muốn hành động để phục hồi kinh tế, muốn xây dựng chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm tới, hay trước nhất là kế hoạch năm 2021, đều phải đặt trong bối cảnh Covid-19 đang hiện hữu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đánh giá về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng đã thẳng thắn rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững.

Do đó, “Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19” là vấn đề đại sự của kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, đang xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2026.

Mục tiêu của VRDF 2020:

- Thảo luận các vấn đề cải cách và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

- Phản ánh được các vấn đề lớn mà doanh nghiệp, người dân quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức cũng như cơ hội mới đang xuất hiện

- Tiếp tục đóng góp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực

 
09/29/2020 08:08

Đúng 8h05, Diễn đàn chính thức khai mạc. Tham dự và đồng chủ tọa Diễn đàn là ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Carolyn Turk, GIám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright là người điều hành với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ World Bank, UNDP, Deloitte Việt Nam.

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững” do GS-TS. Dương Nguyên Vũ, Đại học Công nghệ Nanyang điều hành.

Toàn cảnh VRDF 2020
Toàn cảnh VRDF 2020
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại Trung tâm Hội nghị quốc tế
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội)
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế
 
09/29/2020 08:34

Phải có “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020.

Đó là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn của người dân cả nước vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách. 

Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn VRDF 2020

Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. 

Cụ thể, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. 

“Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường, đại dịch đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú...

Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Kinh tế vĩ mô cũng được duy trì ổn định, GDP đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có. 

“Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh ‘hậu Covid-19’ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải có “tư duy vượt lên trước” chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”. 

Chính vì những lý do đó, khi khai mạc VRDF 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Liên bang Đức, đối với hai trọng tâm chính của Diễn đàn.
 
09/29/2020 08:50

Việt Nam không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng vậy. "Thế giới đang phải đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai", bà nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo World Bank tại Việt Nam, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật với Covid-19 thì Việt Nam đã thành công bước đầu trong ngăn chặn Covid-19. Những tuần gần đây, Chính phủ Việt Nam hành động hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng. Dù vậy, đi kèm với khống chế dịch tốt là những điều đáng lo ngại, bởi các biện pháp chống dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đi lại, bà nói.

Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk
Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, bà Carolyn Turk

Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cho rằng, luôn có cơ hội từ các cuộc khủng hoảng, đó là thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc - những vấn đề được trao đổi tại VRDF 2020.

Thách thức đối với Việt Nam là không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.

Việt Nam đã bắt tay vào chuyển đổi số và có thể cần làm nhiều việc hơn thế nữa. Ngày mai, con em chúng ta sống trên thế giới các dịch vụ giáo dục, y tế qua mạng.

Do vậy Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình này thông qua Đề án Dịch vụ công Quốc gia, xây dựng cở sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái bao trùm, bà Carolyn Turk nói.

 
29/09/2020 08:56

Trông đợi Việt Nam có thể hưởng lợi từ các xu hướng chuyển số và phục hồi chuỗi cung ứng

Phát biểu tại VRDF 2020, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, có 2 xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm dịch chuyển số và phục hồi chuỗi cung ứng. "Tại Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm tới cũng đề cập đến xu hướng này", bà nói.

"Chúng tôi trông đợi Việt Nam có thể hưởng lợi từ các xu hướng đó ra sao, đặc biệt 2 xu hướng đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao", bà Robyn Mudie bày tỏ kỳ vọng.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie
Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie

Theo bà, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao từ những năm 1990, đặc biệt trong 1/4 thế kỷ vừa qua.

Chúng tôi kỳ vọng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, hỗ trợ phát triển kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp để Việt Nam có thể khôi phục lại chuỗi cung ứng và khắc phục được sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Đại sứ tin tưởng rằng, sự hỗ trợ liên tục và sắp tới của Australia sẽ giúp Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, gặt hái được những thành công trong phát triển chuỗi cung ứng và chuyển đổi số.

 
29/09/2020 08:58

Các đại biểu gồm đồng chủ tọa, người điều hành các phiên thảo luận chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
29/09/2020 09:03
3 câu hỏi để nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Điều hành phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu", TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định, Covid-19 đã tác động lên các vấn đề gồm: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Dịch chuyển nhu cầu toàn cầu; Chính sách đầu tư - thương mại; Tiến bộ khoa học – công nghệ; Yêu cầu môi trường và sự dẻo dai.
TS. Vũ Thành Tự Anh
TS. Vũ Thành Tự Anh

Đặt vấn đề thảo luận cho các diễn giả, TS. Vũ Thành Tự Anh đề nghị các bài trình bày tập trung vào 3 câu hỏi lớn:

1. Tác động của đại dịch Covid-19 tới các nhân tố nền tảng, nằm đằng sau sự biến chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu?

2. Những cơ hội và thách thức của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam trong nỗ lực tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?

3. Những chiến lược và chính sách cần thiết để thực hiện được mục tiêu nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19 để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững và bao trùm?

 
09/29/2020 09:11

Những "cơn gió ngược" mạnh

Trình bày Diễn văn chính với chủ đề “Tác động của Covid-19 đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam” qua hình thức trực tuyến, TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới nhận định, trên bình diện toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội của chúng ta

Tuy nhiên, tác động này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phần lớn do hiệu lực ứng phó của các chính phủ. Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đại dịch này đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư. Sự đứt gãy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm chủ yếu về thương mại, FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu, vì các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất là các nút sống còn trong các mạng toàn cầu này.

Song, bà Kwakwa cho rằng, vẫn còn quá sớm để hiểu được tác động đầy đủ của virus này đối với nền kinh tế toàn cầu. Các ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Dòng vốn FDI toàn cầu và thương mại toàn cầu về hàng hóa trung gian và dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi sau cú sốc COVID-19 này.

“Hậu quả trước mắt của đại dịch là các nước đang phát triển đối mặt với những cơn gió ngược mạnh”, bà nói.

Bà Kwakwa đề nghị các chuyên gia lưu ý 5 kênh chính về tác động đối với nền kinh tế toàn cầu: Tăng trưởng, thương mại, năng suất; Nguồn vốn cho phát triển; Chủ nghĩa bảo hộ; Các mạng sản xuất toàn cầu bị đứt gãy; Tự động hóa.

Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa
Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới, bà Victoria Kwakwa

Nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch

Nêu hàm ý của những thách thức và cơ hội do Covid-19 tạo ra đối với Việt Nam, lãnh đạo của World Bank nhận định, Việt Nam đã phát triển tốt không chỉ trước đại dịch mà còn kiên cường trước những cú sốc.

Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng với CPTPP và EVFTA. “Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam”, bà nhấn mạnh.

Phân tích về các kết quả kinh tế Việt Nam thời gian qua, bà Kwakwa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch.

Việt Nam đã phát triển cực kỳ tốt trong giai đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017 với tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu, và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn FDI cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc hội nhập vào các GVC chế biến chế tạo nhẹ, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm.

“Tuy nhiên, vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện”, chuyên gia của World Bank nhận định. Theo bà, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines; Mức độ tham gia của Việt Nam vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

“Công thức bánh Trung thu” cho thành công của Việt Nam

Theo bà Kwakwa, Việt Nam cần chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện.

Trong ngắn hạn việc đa dạng hóa các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Trong trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho 'tình trạng bình thường mới' của các chuỗi cung ứng là điều quan trọng. Trong dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất.

Đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh vào phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực R&D, cũng như thực hiện hữu hiệu đột phá của Việt Nam về cải cách thể chế.

Để tiếp tục bảo đảm tính bao trùm, một trong những thành tựu phát triển ngoạn mục của Việt Nam cho đến nay, sẽ cần quản lý tốt những gián đoạn trên thị trường lao động do công nghệ thúc đẩy, gắn với các xu hướng tự động hóa và số hóa đang nổi lên.

Tiếp tục hợp tác quốc tế để duy trì một hệ thống thương mại mở và dựa trên các quy tắc sẽ là thiết yếu để phục hồi và phát triển bền vững và bao trùm. Các quốc gia mà vẫn hội nhập toàn cầu sẽ ở vị thế tốt nhất để ứng phó hữu hiệu trong tầm ngắn hạn và phục hồi nhanh hơn trong tầm trung và dài hạn. Hợp tác thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn và duy trì các thị trường mở là nhu cầu cấp thiết.

Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

“Tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) Trung thu cho thành công của Việt Nam. Công thức này bao gồm: một Khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI (P), các Thể chế hữu hiệu (I) và Giáo dục có chất lượng (E)”, bà Kwakwa chia sẻ và bày tỏ hi vọng rằng tất cả mọi người đều nhận được phần bánh công bằng.

“Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ và hiện tại, và tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể làm thậm chí còn tốt hơn trong tương lai”, bà nói.

 
09/29/2020 09:40

World Bank khuyến nghị 5 giải pháp dài hạn nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu

Mang đến VRDF 2020 thông điệp “Đừng nhầm lẫn - Covid-19 là một cơ hội cho Việt Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, cho đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh. Cho biết các ngành xuất khẩu tạo ra trên 20 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay, TS. Jacques Morisset cho rằng Việt Nam đã “rất thành công”.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo. Ông dẫn chứng về câu chuyện một nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Đối  với quốc tế, từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa.

TS. Jacques Morriset
TS. Jacques Morriset

TS. Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp dài hạn, gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn.

Thứ hai, tập trụng vào công nghệ mới, R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng trên hết là bắt kịp về công nghệ thông qua nắm bắt công nghệ mới từ các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu bởi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang tụt hậu trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng.

Thứ ba, cần kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu nhưng cũng cần cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thứ tư, xoá bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ nâng cao cạnh tranh và giúp dần cải thiện năng suất cũng như thương mại hàng hoá (các dịch vụ như logistics và tài chính có ảnh hưởng khá lớn) vì theo thời gian ranh giới giữa sản phẩm và dịch vụ ngày càng bị xóa mờ.

Thứ năm, quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống.

TS. Jacques Morisset nhìn nhận, Việt Nam đã thúc đẩy thương mại quốc tế nhiều hơn và hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong các thập niên vừa qua, tạo ra hàng triệu việc làm có năng suất cao hơn - phù hợp với tư duy thông thường. 

Tuy nhiên, cuộc đua phát triển kinh tế đang đòi hỏi các ý tưởng mới. Thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là số lượng mà chất lượng của hoạt động thương mại quốc tế, như P. Krugman 40 năm trước đã chỉ ra - cần dịch chuyển theo hướng có các sản phẩm phức tạp hơn, bao gồm cả dịch vụ và mức độ nội địa hoá.

Covid-19 đã nâng cao nhận thức về mức độ cấp thiết, Chính phủ Việt Nam cần hành động dứt khoát với việc triển khai các giải pháp trong ngắn hạn - mà tôi gọi là các xúc tác cho thay đổi, ông nói.

 
09/29/2020 10:14

Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia

Tham gia Diễn đàn VRDF 2020 qua công cụ họp trực tuyến, TS. Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia (MNE) đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ gia tăng.

Theo Tiến sĩ, thách thức đối với chế độ thương mại đa phương sẽ có lợi cho FDI trong khu vực và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại và đầu tư song phương/khu vực là một điểm đáng quý.

TS. Jonathan Pincus tham dự VRDF 2020 qua ứng dụng họp trực tuyến
TS. Jonathan Pincus tham dự VRDF 2020 qua ứng dụng họp trực tuyến

FDI mang lại lợi ích, nhưng cũng kéo theo chi phí. Do đó, nhu cầu của Việt Nam là tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước nhằm thu được giá trị gia tăng từ các nhà xuất khẩu có vốn FDI.

TS. Jonathan Pincus nhìn nhận, các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tiếp tục thích ứng với các xu thế công nghệ, kinh tế, chính trị và sinh thái. Tuy nhiên, chỉ một số trong những xu thế này có lợi cho Việt Nam với vai trò điểm đến của FDI.

Về dài hạn, tầm quan trọng của FDI trong khu vực sẽ tăng lên. "Thách thức ở đây là tăng cường năng lực của doanh nghiêp trong nước trong việc thu được giá trị gia tăng đối với cả doanh nghiệp xuất khẩu có vốn FDI và không có vốn FDI".

TS. Jonathan Pincus khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung xây dựng chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng năng lực trong các ngành tăng trưởng bền vững.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhờ có các giải pháp chủ động và hiệu quả trong việc phòng chống Covid-19, Việt Nam vẫn bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. GDP 06 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, dự kiến GDP năm 2020 tăng 4,1%. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. 8 tháng đầu năm 2020, CPI được kiểm soát ở mức dưới 4%. Xuất nhập khẩu ước đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Hướng tới năm 2021, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,7%. Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn để dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn trên thế giới, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách, hành lang pháp lý được xây dựng, sửa đổi và từng bước hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,… là những nội dung cốt lõi, tạo nên mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, quan hệ Việt Nam - Pháp đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ 2 sau Xinh-ga-po và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm các cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau. Theo đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài và Việt Nam sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu… Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn tới sẽ ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF Francois Corbin. Ảnh: (MPI)

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF đánh giá, một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp của Pháp và Việt Nam tham gia vào cuộc Tọa đàm trực tuyến này, đây là minh chứng rõ nét và tốt nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp hay Việt Nam. Mối quan tâm này trước hết là bởi những đặc điểm nội tại của Việt Nam như: đất nước nằm ở trung tâm của ASEAN và dự kiến đây sẽ là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới. Việt Nam trong vài năm đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách để đạt được tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Phát biểu tại Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến lần này đã cho thấy mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam cũng như chiều ngược lại. Đây là dịp để các nhà quản lý chính sách của Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp Pháp, cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tham luận tại Tọa đàm về môi trường, chính sách và định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81%, dự kiến GDP năm 2020 tăng 2-3%, quy mô GDP đạt 262 tỷ USD, GDP đầu người gần 1.715 USD, kim ngạch thương mại năm 2019 đạt 517 tỷ USD, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến tháng 3/2020 đạt 84 tỷ USD, chỉ số lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức hợp lý. Trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là 13,76 tỷ USD, giảm 3,2%). Tuy nhiên, mức độ giảm đang giảm dần so với những tháng đầu năm. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là 21,2 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô giảm 4,5%, không kể dầu thô giảm 4,3%. Điểm tích cực là vốn điều chỉnh tăng 6,8% (5,1 tỷ USD), xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài bù đắp nhập siêu của khu vực trong nước.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pháp hiện xếp thứ 15/138 đối tác đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 2 của EU về đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn FDI khoảng 3,62 tỷ USD với 605 dự án. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam do có môi trường chính trị ổn định - xã hội mở, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào - dân số vàng, thị trường tiềm năng, hội nhập quốc tế sâu, chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh với vị trí chiến lược…

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn tới, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn,… Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh là Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao,…

Cập nhật về Hiệp định EVFTA, các cơ chế tạo thuận lợi đầu tư dành riêng cho Việt Nam trong thời gian tới và cập nhật về Luật đầu tư, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, hệ thống các cam kết liên quan đến đầu tư của Việt Nam, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (BIT) đã tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã ký kết với 66 quốc gia và vùng lĩnh thổ, sớm nhất là từ năm 1990. Trong đó, có 21 BIT với các nước thành viên EU.

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh cho biết, với việc ban hành Luật đầu tư sửa đổi năm 2020 đã tạo minh bạch hóa về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài qua việc Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài những ngành nghề này, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước. Đảm bảo quyền sở hữu tài sản và tự do kinh doanh thông qua cam kết không trưng thu, quốc hữa hóa tài sản bằng biện pháp hành chính, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, bảo đảm ổn định ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tối đa thêm 50% so với mức ưu đãi cao nhất hiện hành. Khuyến khích R&D, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo, sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, phát triển công nghiệp môi trường. Khuyến khích các mô hình kinh doanh mới, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đầu tư mới nhằm đảm bảo thích ứng với các phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tọa đàm diễn ra cởi mở, các doanh nghiệp Pháp đã đặt rất nhiều câu hỏi về các dự án đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp, tập đoàn của Pháp bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh các hiệp định EVFTA, EVIPA đã được ký kết, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng, quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt - Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng, đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế./.

 
09/29/2020 10:31

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần 'kiên tâm' và bền bỉ

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang đến cho kinh tế Việt Nam cả những cơ hội và thách thức rất lớn.

Theo đó,  doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thay thế cho hàng Trung Quốc sang Mỹ được hưởng lợi, cùng với sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Bà Hà Thị Thu Thanh
Bà Hà Thị Thu Thanh

Tuy nhiên, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc, vấn đề lẩn tránh thuế, sức ép và sức cạnh tranh lớn từ các công ty Trung Quốc.

Theo bà Thanh, các FTA thế hệ mới sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh, khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế.

Mặc dù khu vực tư nhân Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng cũng còn nhiều hạn chế và rào cản để bứt phá, chỉ số đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó là thiếu hụt kỹ năng cũng là một trở ngại lớn, rào cản đến từ môi trường kinh doanh.

Để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, bà Thanh đề xuất 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tập trung vào quản lý dòng tiền với các hành động cần ưu tiên cao có hiệu quả tức thì, trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung vào khách hàng và chuỗi cung ứng với hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp chủ động khi triển khai.

Thứ ba, rà soát xây dựng mô hình kinh doanh hợp lý với các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, giúp doanh nghiệp phục hồi kiên cường, bền vững.

Bà Thanh nhấn mạnh thông điệp, nhà lãnh đạo cần kiên tâm và bền bỉ chèo lái, phát huy tối đa những tố chất “kiên tâm” trong điều hành, tăng cường tối đa mức độ kiên cường cho đội ngũ và doanh nghiệp, sẽ có khả năng nắm bắt cơ hội lớn nhất để quản lý cuộc khủng hoảng đồng thời xây dựng tương lai, đưa doanh nghiệp vươn mình trỗi dậy trong giai đoạn đối phó và phục hồi sau khủng hoảng cũng như trong mọi điều kiện hoạt động bình thường hay điều kiện tăng trưởng phát triển.

 
09/29/2020 11:07

Các đại biểu chuyển sang phần thảo luận chung, với các câu hỏi được đặt ra từ TS. Trần Đình Thiên và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, liên quan đến nhận diện "cơ hội" và "thách thức" đan xen trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các diễn giả tham gia phần thảo luận chung
Các diễn giả tham gia phần thảo luận chung
TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi cho các diễn giả
TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi cho các diễn giả
Các diễn giả tham gia phần thảo luận chung
Các diễn giả tham gia phần thảo luận chung
 
09/29/2020 11:19
Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Các đại biểu tham dự VRDF 2020
Các đại biểu tham dự VRDF 2020 trao đổi trong giờ giải lao
Các đại biểu tham dự VRDF 2020
Các đại biểu tham dự VRDF 2020 trao đổi trong giờ giải lao
Các đại biểu tham dự VRDF 2020
Các đại biểu tham dự VRDF 2020 trao đổi trong giờ giải lao
 
29/09/2020 11:20

Sau ít phút nghỉ giải lao, Diễn đàn đã quay trở lại với phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững", dưới sự điều hành của GS-TS. Dương Nguyên Vũ đến từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

GS-TS. Dương Nguyên Vũ
GS-TS. Dương Nguyên Vũ
 
09/29/2020 11:56

Đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị

Đó là khẳng định của ông Toomas Hendrik Ilves, Nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Estonia, Chuyên gia xuất sắc Trung tâm phân tích chính sách châu Âu khi nói về chủ đề "Số hóa một quốc gia - Chia sẻ của cá nhân về cách thực hiện số hóa, lý do thực hiện và những bài học có thể rút ra từ quá trình đó".

Chia sẻ kinh nghiệm từ Estonia, ông Ilves cho biết, số hóa quản trị sẽ vận hành tốt nếu được sự ủng hộ của công chúng. "Các chính phủ cần đưa số hóa trở thành một ưu tiên công", ông khuyến nghị.

Theo vị chuyên gia của Estonia, số hóa thành công khi các chính phủ nhanh chóng cung cấp các dịch vụ công mà người dân ưa thích, ví dụ: kê khai thuế dễ dàng, đơn giản hóa các tương tác với bộ máy hành chính (đăng ký khai sinh, mua bảo hiểm y tế cho trẻ em, đăng ký xe ô tô hoặc gia hạn giấy phép lái xe).

Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves gửi bài trình bày được ông chuẩn bị kỹ lưỡng dưới hình thức video
Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves gửi bài trình bày được ông chuẩn bị kỹ lưỡng dưới hình thức video

Ông nêu rõ, số hóa sẽ chậm chạp khi thiếu ý chí chính trị từ phía chính phủ.

"Đây là lúc cần đến dũng khí chính trị và sự lãnh đạo chính trị. Luôn khó khăn khi thay đổi cách mọi người thực hiện công việc. Các công chức đã quen với một cách làm sẽ ngại thay đổi. Công dân không phải lúc nào cũng hiểu được ý nghĩa của các chính sách mới", ông nói.

Ông dự báo, số hóa sẽ diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta đã từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng.

Những Chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới chắc chắn sẽ nảy sinh cho dù có thực hiện số hóa hay không, ông nói.

 
09/29/2020 12:09

Đề xuất xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm

Trình bày bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì là sự thay đổi, nên trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số là lĩnh vực đang được quan tâm hàng đầu, dẫn chứng là Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Hiện nay, 22 Bộ ngành và 55 tỉnh thành phố đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Chính phủ cũng đã xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối Cổng Dịch vụ công các bộ, tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 9/2020, 19,10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được triển khai.

Đưa ra kiến nghị, ông Đường cho rằng cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chiến lược Chính phủ số, xây dựng hạ tầng chính phủ số, phát triển nhân lực chuyển đổi số, giao nhiệm vụ chuyển đổi số đến từng bộ ngành, địa phương, xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm làm nòng cốt chuyển đổi số cho khu vực.

 
29/09/2020 12:18

AI có thể giải quyết các “bài toán” của Việt Nam

Trao đổi về vấn đề phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Tập đoàn Vingroup lý giải, AI là một ngành khoa học công nghệ với mục tiêu làm ra những máy tính thông minh, làm được những việc mà trước đây chỉ con người làm được.

AI có khả năng tăng năng suất một cách triệt để trong các ngành công nghiệp và tạo ra các  giải pháp hoàn toàn mới cho các vấn đề chưa được giải quyết; nói một cách khác, nó có thể được so sánh với làn sóng điện tiếp theo, ông Hưng nói.

Liên hệ giữa AI và sự phát triển bền vững của Việt Nam, ông Hưng cho rằng, AI có thể giải quyết các “bài toán” của Việt Nam: chữ viết & tiếng nói của Tiếng Việt, giao thông đô thị, y tế, giáo dục, sản xuất...; Giải quyết các vấn đề về an ninh quốc gia: bảo mật thông tin, sinh trắc học; Tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế khi làm chủ công nghệ mới.

Để phát triển thành công AI tại Việt Nam, ông Hưng cho rằng cần chú trọng xây dựng đội ngũ nhân tài cả về chất và lượng, nghiên cứu nền tảng & chuyên sâu về AI, đào tạo bài bản về AI cho thế hệ trẻ, tạo ra hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo trong phát triển & thương mại hoá sản phẩm AI.

 
09/29/2020 12:22

Cần nỗ lực mạnh mẽ về giáo dục và phát triển nhân sự số

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số bao trùm, ông Winfrid Messmer, Chủ tịch Ủy ban lĩnh vực số, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam nêu rõ, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTG ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở cho Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ này, ông Winfrid Messmer cho rằng, Bản đồ Kỹ năng có thể giúp xác định và thúc đẩy những kỹ năng và năng lực có thể được đưa vào các chương trình giáo dục và đào tạo. Nó cũng giúp có được một cái nhìn tổng quan tốt về thị trường việc làm ở các vùng và địa phương và cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các công ty, tổ chức và người dân tại địa phương trong các hoạt động thực hiện số hóa của họ.

Thứ hai, cần phải có một nỗ lực mạnh mẽ về giáo dục và phát triển nhân sự số, được hỗ trợ bởi các nguồn lực thích hợp, để thúc đẩy phát triển kinh tế. Một cách lý tưởng, hệ thống giáo dục dọc theo các cấp trình độ nên mang lại cho những người trẻ tuổi một lợi thế ban đầu để làm việc thành công trong thời đại số.

Trước những thách thức này, giới chính trị, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục cần hợp lực để khởi xướng các biện pháp cụ thể trong việc đào tạo cho nhân viên và tiếp tục phát triển bền vững hệ thống giáo dục với trọng tâm lớn hơn vào các kỹ năng số.

 
09/29/2020 12:39

Bối cảnh đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng, quyết liệt nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện cải cách và phát triển mạnh mẽ

Phát biểu bế mạc Diễn đàn VRDF 20202, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thông qua hai phiên thảo luận của Diễn đàn hôm nay, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, thảo luận rất cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước Việt Nam trong bối cảnh mới.

Diễn đàn đã giúp chúng ta cùng nhau nhận diện rõ hơn bối cảnh, cơ hội và thách thức phát triển của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới và xác định được các giải pháp, hành động để Việt Nam nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Từ các ý kiến thảo luận, phân tích, kiến nghị sâu sắc và quý báu của các diễn giả, chuyên gia tại Diễn đàn hôm nay, "chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, thực tế phát triển đất nước và bối cảnh mới, nhất là những tác động nghiêm trọng, đa chiều từ đại dịch Covid-19, đang đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng, quyết liệt nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện cải cách và phát triển mạnh mẽ với tất cả sự quyết tâm, với truyền thống dân tộc, sức mạnh và kinh nghiệm phát triển tích lũy từ hơn 30 năm đổi mới", ông nhấn mạnh.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đóng góp sâu sắc của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam đối với chủ đề của Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể, thiết thực đối với Đảng và Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cho dù thực hiện giải pháp gì, dù công nghệ có tối tân, hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định, dẫn dắt quá trình chuyển đổi, phát triển. Ví dụ, trong lĩnh vực chuyển đổi số, chúng ta cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số.

"Thực thi hữu hiệu luôn là yếu tố quyết định đối với thành công của mọi biện pháp, chính sách. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả về mặt kỹ thuật và tài chính của các đối tác phát triển, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Việt Nam sẽ sớm phục hồi tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu trước những cú sốc như đại dịch COVID-19, tạo đà bứt phá tăng trưởng, tận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao vị thế quốc gia, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của toàn cầu, khu vực", ông nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư