Ngôi nhà vườn kiêm hiệu may nức tiếng năm châu của “cây kéo vàng” Hà thành Trương Kiều Vân nằm nép mình trên đường Đê La Thành, Hà Nội. Không biển hiệu, cũng chẳng có chỉ dấu gì ngoài cổng cho biết đây là một hiệu may.

 

Bước qua chiếc cổng mái vòm, cửa gỗ tường đá ong nhuốm màu thời gian là khu vườn dịu mát, trong lành, chim chuyền cành ríu ran tựa như không gian của một khu resort 5 sao.

 

Chủ nhân ngôi nhà vóc dáng mảnh mai, nước da trắng mịn trong bộ váy họa tiết thổ cẩm, cổ đeo thước dây, thoăn thoắt tay phấn tay kéo. Cây kéo sắc như nước, chỗ tay cầm bóng loáng in dấu mồ hôi của người thợ hơn 30 năm miệt mài gắn bó với nghề may.

 

“Đây là tài sản vô giá của đời tôi. Tôi đã dùng nó để cắt những bộ complete, váy cưới, trang phục dạhội cho đến trang phục công sở, ngày thường, cả những bộ đồ dễ thương cho em bé và thú cưng… khiến khách hàng vô cùng hài lòng”, vừa cắt tấm lụa trên bàn, bà Vân vừa kể. Giọng bà to, rõ ràng và nhanh, át tiếng kéo, thể hiện cá tính mạnh mẽ, bộc trực. Nhìn vào vóc dáng ấy, giọng nói ấy, chẳng ai nghĩ bà đã 55 tuổi.

 

 

Nhìn vào những gì bà Vân gây dựng được, có lẽ nhiều người nghĩ nghề may của bà là cha truyền, con nối hoặc được đào tạo bài bản lắm. Nhưng không, bà Vân không hề học trường lớp nào và cha mẹ không làm nghề may.

 

Từ nhỏ, cô bé Vân đã có niềm yêu thích đặc biệt với may vá, đan móc và làm đồ thủ công. Hồi tiểu học, Vân từng khiến không ít bạn bè ngưỡng mộ và thán phục vì Vân tự làm cả một tòa lâu đài búp bê tí hon như thật từ những mảnh vải, mẩu len thừa hay vỏ hộp mứt.

 

Phải nói là óc tưởng tượng của Vân thật bay bổng và sự sáng tạo tuyệt vời. Khi mà thời sau năm 1975 ấy, tụi trẻ nhỏ Hà Nội phải ở trong gia đình có điều kiện lắm mới có được con búp bê nhựa mắt cứng đờ nhưng biết nhắm mắt mở mắt, thì lâu đài búp bê của Vân, một cô bé chưa từng nhìn thấy một con búp bê nước ngoài lại giống hệt cách mà Hãng Barbier lừng danh làm, là sự choáng ngợp và là điều không tưởng với đám bạn bè và người lớn nếu được chiêm ngưỡng.

 

Tất tật từ phòng ngủ, phòng chơi, từ giường tủ, từ sofa, từ cũi từ nôi, từ váy áo xiêm y, từ vật dụng như túi xách giày dép… đều được Vân tưởng tượng và tự tay tỉ mỉ từ những vật liệu nhặt nhạnh xung quanh.

 

Những năm học cấp 2 và cấp 3, Vân cùng cô bạn gái thân suốt ngày tự thiết kế quần áo, túi, mũ... cho nhau và cho người thân, để có những món đồ đặc biệt, không lẫn với ai và thực là xa xỉ vượt lên cả sự hạn hẹp của một thời bao cấp khó khăn, khi mặc còn không đủ chứ nói gì đến mặc đẹp. Niềm đam mê làm đồ handmade đặc biệt là may vá cứ thế song hành mỗi ngày cùng cô bé Vân đến tận bây giờ.

 

 

Kể về cơ duyên làm nghề may, chủ thương hiệu Vân cho biết, cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, bà làm tại Xưởng phim Tài liệu Việt Nam. Ngoài chuyên môn, thời gian rảnh rỗi, Vân thường nhận may cho các sếp, các cô chú anh chị ở cơ quan. Mỗi sản phẩm qua tay bà đều như một tác phẩm nghệ thuật độc bản nên ai cũng thích mê. Kể từ đó, những bộ trang phục mang thương hiệu Vân đã theo chân bao nghệ sĩ đi  khắp trong và ngoài nước, tạo dấu ấn giàu bản sắc dân tộc với bè bạn quốc tế.

 

“Tôi nghĩ, nếu có kiếp trước thì chắc hẳn tôi đã là thợ may giỏi và có nghề ở thời đó. Vì chỉ cần nhìn thấy mảnh vải hay vóc dáng của người đối diện là trong đầu tôi đã có thể phác họa cần phải cắt may ra sao để vừa vặn và phù hợp nhất”, người thợ may chân thành không dấu diếm.

 

 

Có lẽ, cũng chính nhờ khả năng tưởng tượng 3D thiên phú đó mà bất cứ khách hàng nào đến với “cây kéo vàng” của làng may Hà thành cũng đều có được cho mình những bộ trang phục tuyệt vời hơn cả mong đợi. “Càng những khách hàng có thân hình ngoại cỡ, không theo chuẩn tôi càng muốn làm, quyết tâm làm và thăng hoa để tạo ra những bộ trang phục “đo ni đóng giày” cho họ”, bà Vân khoe.

 

Quả thực, hình thể ít ai mười phân vẹn mười. Vai rộng hay hẹp, thẳng thắn hay xệch xẹo, người lùn hay cao, lưng thẳng hay gù, dáng còng hay ưỡn, chân ngắn hay cổ dài… làm thế nào để họ đẹp hơn, tự tin hơn, phong thái đàng hoàng hơn khi khoác trên người bộ trang phục do mình may là cả một nghệ thuật. Mỗi chiếc áo, tấm quần qua tay bà Vân đều in đậm bao tâm huyết của người thợ, chúng chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, những ai đã mặc đồ thương hiệu Vân thì càng mặc càng “nghiện”.

 

Chẳng thế mà, không ít khách hàng của bà Vân sau khi hết nhiệm kỳ ở Đại sứ quán tại Việt Nam hay từng có cơ hội được bà may đồ đã trở lại “đất nước hình chữ S” với mục đích đầu tiên không phải để du lịch mà là để may những bộ đồ “độc nhất vô nhị” của “nghệ nhân” Trương Kiều Vân.

 

“Người thợ may hạnh phúc biết bao khi khách hàng của mình vượt ngàn dặm xa xôi đến với mình để được may trang phục đẹp. Có người bảo khốn đốn vì rời Việt Nam không tìm được nhà may ứng ý. Có người mừng phát khóc vì lấy được chồng như ý nhờ những bộ cánh của chị Vân. Có cô gái Pháp sang Việt Nam chỉ để may váy cưới và một va ly quần áo rồi trở về nước. Có bà Đại sứ Thụy Sỹ yêu quý tặng liền mấy tấm lụa đắt tiền. Có ông khách Nhật Bản đến thử áo đã huýt sáo đầy phấn khích khi bắt gặp hình ảnh của mình trong gương. Hay bà Đại sứ Thuỵ Điển giới thiệu ban nhạc lừng danh thế giới ABBA đến may trang phục biểu diễn…”, bà Vân không dấu nổi cảm xúc khi nhớ về những kỷ niệm đẹp.

 

 

Bà kể, hôm vừa rồi có vị khách Pháp đến may váy và tặng một cuốn tạp chí dạy may cắt khối. Bàđọc và thấy giống y hệt cách mình đã làm từ những năm 1990. “Tôi tự nghĩ, có khi mình đã biết tạo kiểu 3D từ khi thiên hạ chưa có khái niệm 3D. Đặc biệt là mỗi khi khách hàng yêu cầu một kiểu dáng lạ, dù chưa biết phải làm như thế nào tôi vẫn nhận lời và tự hứa sẽ làm được và may mắn là chưa bao giờ gặp thất bại”, bà Vân khẳng định.

 

Điều đặc biệt nữa khiến thời trang Vân có hấp lực như thỏi nam châm hút khách hàng là bởi, thông thường một người thợ may sẽ chuyên về dòng thời trang nào đó như: áo dài, complete, váy cưới, trang phục dạ hội, quần áo trẻ em…, nhưng “cây kéo vàng” Trương Kiều Vân nhận may tất cả mọi loại trang phục. Các gia đình người nước ngoài đến với bà sẽ được may đo từ A - Z, cả trang phục cho người già đến trẻ sơ sinh, thậm chí cả trang phục thú cưng.

 

“Khách hàng đến với tôi sẽ cảm thấy như được gặp một bách hóa tổng hợp các sản phẩm được đo ni, đóng giày”, bà Vân cười hóm hỉnh.

 

Thế mới hiểu vì sao bà Vân có hẳn danh sách đáng mơ ước những vị khách quen rất đặc biệt là các nhà ngoại giao thuộc các đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội. “Cây kéo vàng” Trương Kiều Vân đã trở thành lựa chọn số một của các VIP, khi cần có một bộ trang phục, không chỉ đẹp mà còn thể hiện được cả “phương diện quốc gia”.

 

 

Ít ai biết rằng, bà Vân chính là thầy, là người mà Chula lúc trò chuyện luôn gọi là “sư phụ”, của cố nhà thiết kế Diego Chula (tên thật là Diego Del Valle Cortizas) những năm 2003 - 2004. Bà Vân kể, năm 2003, ông Diego Chula cùng vợ là Laura sang Việt Nam thăm người thân, rồi đem lòng yêu văn hóa, con người và lên kế hoạch kinh doanh nội thất tại đây. Nhưng chính bà Vân đã truyền cảm hứng và năng lượng tích cực để ông Diego Chula chuyển hướng sang thời trang và nhận ra Hà Nội chính là mảnh đất để mình ở lại gắn bó lâu dài.

 

Không biển hiệu, không quảng cáo, khách hàng là các nhà ngoại giao đến với thương hiệu Vân gần như chỉ qua truyền miệng. Còn khách du lịch biết đến bà nhờ được xuất hiện trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch Việt Nam mà bà cũng không hề hay biết. “Chính những vị khách đã bật mí điều bất ngờ này cho tôi”, bà Vân khẳng định và cho biết, dần dần, nhiều công ty du lịch đã kết nối để du khách nước ngoài đến hiệu may Vân may đồ sau đó đi du lịch Việt Nam rồi đến lấy đồ trước khi ra sân bay về nước.

 

 

 

Khách đông nườm nượp, lúc nào hiệu may Vân cũng làm không hết việc nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Bí quyết của bà Vân chính là, muốn khách hàng nhớ mãi thì phải lấy chữ tâm và chữ tín đặtlên hàng đầu. Sau đó, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

 

Người xưa có câu, “y phục xứng kỳ đức”. Điều đó đặc biệt đúng với nết ăn mặc của người Tràng An. Người Hà thành vốn đặt nặng chữ sĩ, ra đường là phải chỉnh chu, lịch lãm. Quần áo phải thật phẳng phiu, giày phải bóng lộn, cách phối kiểu, phối màu phải ton sur ton. Rồi đi kèm theo đó là phong thái ứng xử, cung cách nói năng, tất tật đều phải hòa hợp tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Dân gốc Tràng An có tiếng hào hoa, lịch lãm, kỹ lưỡng chăm chút từ bề ngoài đến nét đẹp cốt cách bên trong cũng là vì thế.

 

Là phụ nữ Hà Nội gốc, bà Vân không phải ngoại lệ. Mỗi khi may đồ cho khách, bà sẽ hỏi nghề nghiệp, tính cách, sở thích của họ. “Phù thủy may đo” đặt mình vào địa vị của người mặc đồ để phác họa ra bộ trang phục ưu Việt nhất, chi phí thấp nhất. Rồi ngày đêm kiên nhẫn, chỉnh chu từng đường phấn, nhát kéo, từng đường kim, mũi chỉ để mang đến những sản phẩm làm đẹp cho đời. Bà yêunghề đến mức làm quần quật mỗi ngày trung bình 20 tiếng không thấy mệt.

 

 

Đơn cử, may áo dài, bà Vân dứt khoát không may khóa kéo mà làm khuy cài đúng kiểu truyền thống áo dài Việt Nam. Người sành mặc chỉ cài mấy cái khuy chính, nhìn chiều dài tay áo, đường cong tự nhiên mềm mại của cánh tay và khoảng cách giữa hai đầu vai là đủ để đánh giá thợ may ở đẳng cấp nào. Vì thế, dù khách hàng ngày càng đông, số lượng trang phục đặt may ngày càng lớn nhưng chưa bao giờ bà Vân dám giao khâu cắt vải vào tay người khác.

 

Bà Vân cũng trở nên đặc biệt bởi từng từ chối may trang phục cho không ít nguyên thủ quốc gia vì thời gian họ ở Việt Nam quá ngắn, nếu nhận làm sẽ không đảm bảo chất lượng.

 

“Tôi đích thực là một thợ may hoang dã, hiếm có khó tìm ở Hà thành. Tính tôi nghệ sĩ lắm, không làm ăn lớn được. Tôi thừa sức mở rộng công việc kinh doanh, tay nghề vững, thương hiệu mạnh. Những người cùng thời với tôi, thậm chí sau tôi giờ đều trở thành những doanh nghiệp may rất lớn. Nhưng tôi không ham hố, biết thế nào là đủ của người Hà Nội. Và vì vậy, giữa một người thợ giỏi và một bà chủ kinh doanh tồi, tôi luôn chọn vế thứ nhất”, bà Vân nhìn vào tấm ảnh gia đình trên tường và bảo, nhờ thế, các con tôi giờ đều thành đạt, gia đình hạnh phúc.

 

 

Tại sao trong muôn ngàn khách hàng, thương hiệu Vân lại định vị tập khách hàng của mình cho giới ngoại giao và người nước ngoài? Có lẽ vì kỹ nghệ may đo tuyệt đỉnh của bà đã khiến những người nước ngoài ngưỡng mộ và trân quý tài năng nên tự tìm đến.

 

Nhưng dường như, chính bà cũng chọn họ vì sự văn minh và có thể học hỏi từ họ nhiều điều như là một cách du học tại chỗ. Và trên hết, bà trở thành “sứ giả” quảng bá hình ảnh, tài nghệ của người Việt Nam một cách chân thực nhất, sống động nhất đến người nước ngoài qua chính trải nghiệm may đo của họ. Để mỗi khi khoác lên mình trang phục, họ sẽ nhớ đến “nghệ nhân” Trương Kiều Vân, nhớ về Việt Nam.

 

Khi chúng tôi gọi bà là “nghệ nhân”, bà cười và xua tay bảo: “Tôi chỉ là một người thợ giỏi và yêu may vá, thêu thùa thôi, chưa được phong nghệ nhân đâu”. Nhưng bà thực sự đã là “nghệ nhân” trong lòng khách hàng của mình.

 

Mấy chục năm qua, bà đã dạy nghề cho hàng trăm người. May mắn giờ đây con dâu bà cũng thích nghề may, bà sẽ dành hết tâm huyết mấy chục năm truyền cho con. “Nhưng con có nối nghiệp được hay không còn tuỳ duyên”, bà tâm sự.

 

Trong tương lai, bà muốn kết hợp với một làng lụa để nâng tầm thương hiệu cho lụa Việt Nam. “Cây kéo vàng” Trương Kiều Vân đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục thổi cái hồn thanh lịch cho những bộ trang phục để nét đẹp hào hoa ấy trường tồn cùng ngàn năm hào hoa Hà Nội.     

 

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ thực hiện 30/01/2023 09:34