BÀI: NGÂN DƯƠNG | TRÌNH BÀY: NHẬT HẠ | ẢNH: DƯƠNG NGÂN, NVCC

Dù công tác trong lĩnh vực hồi sức tim mạch nhiều gian nan, vất vả song với bác sĩ Phạm Tiến Quân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một khi đã lựa chọn, đã sống và đam mê với công việc thì không có việc nào là khó hay phải hy sinh bởi anh quan niệm khi đã chọn thì phải có trách nhiệm để làm tốt nhất.

 

Lần đầu gặp bác sĩ Phạm Tiến Quân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, phóng viên thấy khá bất ngờ bởi dáng vẻ thư sinh của anh. Trong hình dung của mình phóng viên nghĩ rằng một bác sĩ đang làm việc trong lĩnh vực được coi là khó nhằn nhất của ngành Y- hồi sức tim mạch thì trông phải rất “gai góc”.

 

Trong câu chuyện bác sĩ Quân kể rằng, có lẽ nghề y đã chọn anh bởi khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường anh xác định mình sẽ học chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Vậy mà chỉ vì một lời rủ rê của bạn thân, cuối năm học lớp 12 anh lại xoay 180 độ để chuyển sang khối B và thi y. Học y, công việc anh yêu thích sau khi ra trường là bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng anh lại là một… bác sĩ hồi sức tim mạch.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ vất vả mưu sinh nơi mảnh đất Cẩm Giàng, Hải Dương khiến chàng trai Quân khi ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng học kinh tế để kiếm tiền. Chỉ đến khi học y và thực hành công việc của một bác sĩ đứng cạnh lằn ranh sinh tử, giữa nước mắt và nụ cười của bệnh nhân anh mới thấy rằng với con người sự sống là điều đáng quý nhất.

 

 

Tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng anh về làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gắn bó từ năm 2001 tới nay. Và theo như lời bác sĩ Quân thì đây sẽ là nơi anh “cầm sổ hưu” bởi nơi này là thanh xuân, tuổi trẻ, là đam mê suốt cuộc đời.

 

Công việc đầu tiên khi anh gắn bó với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là vị trí bác sĩ gây mê hồi sức. Nhưng qua thời gian do nhiều cơ duyên mà anh lại trở thành bác sĩ hồi sức tim mạch từ tháng 4/2010.

 

 

Dù xác định đây là việc đòi hỏi cường độ cao và áp lực song anh vui vẻ nói rằng một khi đã lựa chọn, đã sống và đam mê với công việc thì không có việc nào là khó hay phải hy sinh bởi anh quan niệm khi đã chọn thì phải có trách nhiệm để làm tốt nhất, trở thành người giỏi trong lĩnh vực mình theo đuổi.

 

Nếu ai dùng những mỹ từ để nói về nghề y thì anh không dám nhận bởi anh cho rằng, nghề nào cũng vất vả, cũng áp lực nếu làm bằng đam mê và tâm huyết, không có công việc nào dễ dàng và nhẹ nhàng và nếu có thì chỉ do bạn không đặt tâm vào đó.

 

“Tôi không có tâm lý bản thân đang làm một công việc cao quý, bác sĩ cũng là nghề như bất kỳ ngành nghề nào khác trong xã hội. Có chăng, nếu có khác nhau chỉ là nghề y là nghề liên quan trực tiếp tới mạng sống con người, sự yếu đuối nhất của con người. Vì vậy, người bác sĩ phải thật sự trách nhiệm, tận tâm, không thể hời hợt, thiếu tình thương vì khi ấy sẽ khiến dư luận xã hội chĩa mụi nhọn chỉ trích vào người thầy thuốc khiến đôi lúc, đôi chỗ hình ảnh người thầy thuốc trở nên méo mó, lệch lạc”, bác sĩ Phạm Tiến Quân nói.

 

Khi được hỏi về những ca bệnh khó vị Trưởng Khoa cười hiền nói rằng, nếu hỏi về ca bệnh dễ thì anh có thể nhớ chứ những ca khó với anh và đồng nghiệp thì đó là chuyện đương nhiên, diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

 

Chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử đó là công việc hàng ngày của anh bởi những ca cần hồi sức tim mạch hầu hết đều là những ca bệnh nặng, những ca bệnh trước và sau ghép tạng với thể trạng yếu ớt như ngọn đèn trước gió, đặc biệt là những ca bệnh là trẻ em.

 

 

Theo đó, những ngày đầu tiên khi anh về Trung tâm Tim mạch và lồng ngực làm việc, có rất nhiều ca bệnh là trẻ em. Nhìn thân hình bé nhỏ nằm thoi thóp thở của các em khiến anh thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn.

 

Kể về nghề, anh nói, hồi sức tim mạch cho bệnh nhân ghép tạng có đặc thù, chiến lược, chiến thuật riêng bởi hồi sức cho một quả tim bệnh nặng khác với hồi sức tim phổi thông thường. Nhận thức như vậy nên sau nhiều nỗ lực, anh tự hào khi cùng với các đồng nghiệp, anh đã cứu được nhiều bệnh nhân nặng và giảm tỷ lệ các trường hợp tử vong.

 

Bên cạnh đó, với bác sĩ công tác trong lĩnh vực hồi sức, tinh thần đồng đội rất quan trọng, nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng hay chỉ chậm một khoảnh khắc, tính mạng người bệnh cũng khó giữ.

 

Dù đã có hàng nghìn ca hồi sức tim mạch thành công, cứu sống rất nhiều người không may mắc bệnh nặng, những bệnh nhân vừa trải qua đại phẫu ghép tạng song Trưởng khoa Hồi sức tim mạch và lồng ngực vẫn luôn trăn trở bởi y học không phải không có giới hạn, bác sĩ cũng không phải là thánh thần.

 

 

Bác sĩ cũng là con người, cũng có những giới hạn bản thân khó vượt qua, cũng như y học là phạm trù rộng lớn, con người dù cố gắng nỗ lực ra sao vẫn có những giới hạn chưa thể chạm tới. Vậy nên anh luôn dành ưu tiên cho việc học tập, nghiên cứu để tiếp thu thêm nhiều kiến thức.

 

Có những kiến thức trước khi anh nghĩ rằng đúng nhưng sau quá trình thực hành y khoa, sự thật lại không như vậy. Cho nên, đã chấp nhận theo nghề y có nghĩa phải không ngừng học tập, học tập suốt đời, nếu dừng lại sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc và đòi hỏi ngày càng cao của các ca bệnh khó.

 

 

Hồi sức tim mạch là một lĩnh vực rất khó khăn, đặc biệt là với bệnh nhân phải ghép tạng khi sự sốngcủa bệnh nhân nằm trên bờ vực thẳm vậy nên họ rất nhạy cảm và mong manh. Khi ấy một lời an ủi tự tâm, sự quan tâm chân thành của y, bác sĩ là liều thuốc tinh thần to lớn.

 

Nằm trên giường bệnh, người bệnh yếu đuối và cần sự chở che. Khi ấy người họ tiếp xúc nhiều nhất không phải là người nhà, người thân mà chính là các bóng dáng áo trắng. Chỉ cần nhân viên y tế vô tình làm tổn thương họ, khi ấy sẽ tác động rất lớn với bệnh nhân, khiến họ gục ngã.

 

Bác sĩ cũng là người, cũng có áp lực, nỗi lo và nỗi khổ riêng nhưng dù có khổ sao thì cũng không bằng nỗi khổ của những người bệnh đang thoi thóp, đau đớn trên giường bệnh, vậy nên bác sĩ có thể “hạ nhiệt” bệnh nhân và người nhà của họ bằng những an ủi, khích lệ, động viên kịp thời.

 

Sau hơn 10 năm công tác ở lĩnh vực hồi sức tim mạch bác sĩ Quân nói rằng quá trình giao tiếp với bệnh nhân rất quan trọng, các nhân viên y tế không được phép xem nhẹ điều này.

 

Kiến thức y khoa quan trọng nhưng kỹ năng ứng xử, sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy để giao tiếp tốt với bệnh nhân và người nhà của họ, anh đã phải đọc rất nhiều tài liệu về quan hệ ứng xử giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân và thân nhân của họ để có kinh nghiệm.

 

Tuy vậy, kinh nghiệm chỉ là sách vở, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm dành cho bệnh nhân. Làm nghề, anh hiểu khi bệnh nhân đang đau đớn, lo lắng, bất an họ không chỉ cần một bác sĩ biết chữa bệnh mà điều họ cần còn là sự động viên kịp thời giúp họ vơi bớt nỗi sợ.

 

 

Có những vụ việc đáng tiếc gây khổ sở cho các bác sĩ đôi khi không phải do trình độ mà chính là do ứng xử, giải thích với bệnh nhân và người nhà. Anh vui vẻ kể, gặp anh không bệnh nhân và người thân nào nổi giận được đơn giản bởi anh luôn lắng nghe và giải thích cặn kẽ, rõ ràng để họ hiểu và cảm thông và chấp nhận.

 

Có không ít bệnh nhân phản kháng, bất hợp tác với điều trị nhưng khi được giải thích họ sẽ lắng nghe chân thành. “Người bệnh, người dân không có kiến thức y khoa, nếu chúng ta không nói rõ, họ trách thì đó là đương nhiên. Bác sĩ không phải thánh thần, có những giới hạn y khoa bác sĩ không thể với tới, vì vậy nói để họ hiểu, chia sẻ để họ vơi bớt đó không phải chỉ là trách nhiệm mà đó là cái tâm của người làm nghề y”, bác sĩ Phạm Tiến Quân trải lòng.

 

Cũng có lúc gặp người nhà bệnh nhân chưa thấu hiểu có thể dễ dàng suy đoán theo chiều hướng xấu,bác sĩ phải có trách nhiệm giải thích và khi được giải thích thấu đáo ánh mắt họ buồn bã nói lời cảm ơn trong tiếng nấc nghẹn ngào.

 

“Có một vài người bệnh, người nhà khi gặp họ tâm trạng ta tốt như bầu trời ngày nắng đẹp, có người khác khi gặp họ thì tâm trạng như mây đen. Nhưng trên hết, đó là công việc, là tình cảnh mình phải đối diện nên tôi luôn chấp nhận một cách vui vẻ như vốn có”, vị bác sĩ hồi sức trải lòng.

 

 

Bên cạnh những niềm vui, làm công việc hồi sức tim mạch, nốt trầm đời bác sĩ với anh đó là giây phút phải thông báo cho người nhà bệnh nhân rằng họ đã mất đi người thân. Những ngày đầu làm việc tại đây cảm xúc của anh bị tác động mạnh.

Nghe tin buồn, người nhà, người thân mỗi người có một trạng thái cảm xúc, tình cảm khác nhau, có người thì lắng nghe trong đau đớn, người thì nổi đóa lên dùng những lời lẽ nóng giận để chửi bới. Người thì khóc lóc, la làng. Có trường hợp thì người thân không có phản ứng nhưng một ông chú, bà bác ở đâu kéo đến làm loạn và đổ lỗi cho nhân viên y tế. Những cảnh tượng đó anh và đồng nghiệp đều phải thấu hiểu và cảm thông và không còn cách nào khác là giải thích để họ hiểu và chấp nhận.

 

Đặc biệt với ca bệnh là trẻ em, khi tận mắt thấy các em từ bỏ sự sống, có điều dưỡng trẻ của Khoa mới làm việc không chịu nổi phải vào phòng đóng cửa ngồi khóc. Trong lĩnh vực tim mạch đôi khi có những cái chết xảy ra đột ngột (đột tử), người nhà rất sốc, giải thích của bác sĩ đôi khi chưa cặn kẽ sẽ khiến người thân của họ nghi ngờ, thiếu niềm tin, hoặc nếu bác sĩ không kiềm chế được cảm xúc, chỉ nóng nảy một chút thì sẽ thổi bùng mâu thuẫn, không có cách nào giải thích.

 

 

Công việc của một bác sĩ hồi sức tim mạch có rất nhiều trải nghiệm vui, hạnh phúc. Theo đó, có bệnh nhân bị bệnh rất nặng, người nhà, hàng xóm láng giềng xác định tinh thần, chuẩn bị làm các thủ tục để tiễn đưa họ vậy mà sau một thời gian điều trị tại Trung tâm họ phục hồi diệu kỳ được về nhà khiến cho hàng xóm phải thốt lên “Anh vẫn còn sống à?”.

 

Một ca bệnh khác là một cháu nhỏ gia đình rất nghèo bị tổn thương van tim, bệnh viện bạn đã phẫu thuật nhưng không điều trị thành công. Cháu bé chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy kiệt và được đưa về Trung tâm tim mạch và lồng ngực để hồi sức trước rồi sau đó mới tiến hành cuộc mổ thứ 2.

 

Dù gia đình bệnh nhân rất nghèo nhưng may mắn đã được các mạnh thường quân trong xã hội chung ta giúp đỡ. Và điều tuyệt vời nhất là sau khi mổ xong bé hồi phục không ngờ. Thấy cháu bé mạnh khỏe từng ngày anh và các đồng nghiệp của mình mừng rơi nước mắt.

 

Tuy vậy trong cuộc chiến nhiều cam go này, bác sĩ Quân luôn có những niềm riêng để làm động lực cho sự vực dậy. Đó là một sự nhiệt huyết của những đồng nghiệp tận tâm, là sự lăn xả của đồng đội nhiệt thành.

 

“Khi chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn tử vong, tôi cảm nhận được nỗi đau của những đồng nghiệp. Hay với những ca bệnh khó, thấy điều dưỡng của mình vất vả làm việc nhưng vẫn cố gắng nhẹ nhàng với bệnh nhân, tôi cảm thấy ấm lòng và yêu nơi mình đang gắn bó”, Trưởng Khoa hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực nói.

 

 

Công việc nào cũng có áp lực và bác sĩ hồi sức tim mạch cũng vậy. Theo bác sĩ Quân, công việc đòi hỏi các anh phải có quyết định rất nhanh nhưng phải chuẩn xác, nếu ra quyết định sai có thể khiến bệnh nhân không vượt qua được. Đặc biệt, với bệnh nhân là trẻ em, chỉ cần cấp cứu chậm một chút có thể các em phải trả bằng sự sống.

 

Và khi cứu được một ca bệnh, tình cảm ấm áp, chân thành và sự biết ơn của họ với đội ngũ y, bác sĩ là động lực để anh và các đồng nghiệp của mình có thêm động lực. Anh kể, khi ê-kíp của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực cứu sống một du khách Đài Loan sang Việt Nam du lịch do bị phình động mạch chủ, thân nhân của họ rất cảm kích và không ngớt lời cảm ơn các bác sĩ bằng cả tinh thần và vật chất để mua thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm.

 

 

Bác sĩ Quân cũng nhắc lại một trường hợp khác là bệnh nhân mổ lóc động mạch chủ, thập tử nhất sinh phải nằm hồi sức hơn 2 tháng. Sau khi khỏi bệnh, được về nhà ông quay lại Trung tâm và mang đến một ít chả mực và cà rốt, su hào muối do vợ ông làm để tặng các bác sĩ. Nhận món quà là tấm lòng của bệnh nhân anh và đồng nghiệp cảm thấy rất ấm áp.

 

Anh xúc động vô cùng khi có bệnh nhân, gia đình rất nghèo khi người thân nằm viện gần 3 tháng và được cứu sống, người cha quay lại bệnh viện đưa quà cảm ơn bác sĩ. Người cha ấy xúc động rơi nước mắt cảm ơn anh vì nhờ anh mà con họ đã được sống. Anh nhận tấm lòng của ông và rồi gửi lại quà để ông mua sữa cho con.

 

“Lời cảm ơn chân thành và tấm lòng của bệnh nhân và người nhà mà tôi và đồng nghiệp nhận được khiến chúng tôi cảm thấy được an ủi, từ đó nghĩ rằng mình phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để cứu được thêm nhiều người”, bác sĩ quê Hải Dương nói thêm.

 

Không nói nhiều về bản thân, trong câu chuyện của mình anh luôn nhắc tới tập thể bởi với anh những gì có được ngày hôm nay là thành tựu chung của tất cả mọi người, không của riêng ai.

 

Anh quan niệm, sự cố gắng của mình chỉ là hạt cát trên sa mạc, chỉ là góp chút nắng cho đời ấm áp, thêm việc thiện giúp người an yên, nỗ lực hết mình vì sự tin cậy của người bệnh. “Sự sống của bệnh nhân chính là hơi thở mỗi ngày của những người làm nghề y chúng tôi”, bác sĩ Quân nói.

 

 

Còn với người bệnh, nhiều trong số đó là những mảnh đời khốn khó, lo cơm ăn từng bữa, góp nhặt từng đồng lo chạy chữa bệnh, những giấc ngủ vội vàng nơi gầm cầu thang, trên nền đá trong tiết trời lạnh giá của mùa đông của người nhà bệnh nhân. Sự tàn khốc nơi bệnh viện khiến anh luôn tâm niệm phải nỗ lực học tập để nhận thật nhiều kiến thức có thể thực hiện khát khao chữa bệnh, cứu người.

 

Ngoài ra, hiện nay áp lực của dư luận với ngành Y khá lớn, chưa kể một số ý kiến còn có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghề khiến anh và đồng nghiệp đôi khi cũng chạnh lòng song nam bác sĩ không lấy đó làm buồn bởi anh nghĩ bản thân cứ làm tốt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Mỗi người đều tốt, mỗi người đều cố gắng sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp.

 

Theo lời bác sĩ quê Hải Dương, ngành Y là ngành nhạy cảm bởi liên quan tới sức khoẻ và tính mạng con người, do vậy nếu bản thân làm tốt chuyên môn, sống đúng tâm đức, nghĩ đến người bệnh trước khi nghĩ tới bản thân mình thì khi ấy người bệnh chắc chắn sẽ cảm nhận được tấm lòng của người bác sĩ và bản thân cũng không thấy hổ thẹn với lòng mình.

 

Nhìn hình ảnh bác sĩ Quân tận tâm khám, tư vấn cho người bệnh tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, ngành Y còn có vô vàn người như anh, luôn hết lòng, tận tâm với người bệnh không vì hào quang mà đơn giản bởi mong được thấy niềm vui, hạnh phúc của bệnh nhân khi vượt qua bạo bệnh.

 

 

Bình luận bài viết này
Ngân Dương 27/02/2024 07:01