Không phải từ khi Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân được ban hành mà suốt 37 năm - từ khi ra đời đến nay - Agribank luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân. Hiện 80% dư nợ tín dụng của Agribank là đầu tư cho khu vực này.
Đồng hành cùng kinh tế tư nhân từ những ngày đầu
Cuối tuần qua, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng, lãi suất.
Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Nghị quyết về kinh tế tư nhân được ban hành, nhiều ngân hàng đã sát cánh, đồng hành để tiếp sức cùng doanh nghiệp tư nhân từ những ngày đầu thành lập, trong đó có Agribank.
Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Công ty Biển Quỳnh (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, để có được đơn hàng đầu tiên 20 triệu đồng với Big C đến doanh thu hàng chục tỷ đồng, đưa hải sản quê hương vào hàng loạt chuỗi siêu thị lớn như Big C, Lotte, Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh… tất cả đều nhờ sự mạnh dạn, quyết đoán cho vay của Agribank.
“Lúc mới khởi nghiệp, toàn bộ vốn liếng vài tỷ đồng đã được đầu tư hết vào nhà xưởng, chúng tôi không còn chút vốn nào để mua nguyên liệu sản xuất, phải gõ cửa nhiều ngân hàng để vay vốn nhưng ít ngân hàng dám cho vay một doanh nghiệp tư nhân vừa ra đời. Khi đó, rất may mắn Agribank Hoàng Mai (Nghệ An) khi đó đã hướng dẫn chúng tôi lập đề án và chấp nhận giải ngân 500 triệu đồng. Nhờ số vốn này chúng tôi có được đơn hàng đầu tiên 20 triệu đồng với Big C và từ đó tiếp tục vay vốn Agribank mở rộng sản xuất. Hiện doanh thu mỗi năm của công ty đã lên tới 25-30 tỷ đồng, bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ, Hong Kong…”, ông Long cho biết.
Theo ông Long, nếu không được ngân hàng mạnh dạn cho vay, những doanh nghiệp tư nhân như Biển Quỳnh có thể đã phải thất bại khi vừa khởi nghiệp. Nhờ sự hậu thuẫn vốn của ngân hàng mà đến nay, Biển Quỳnh liên tục mở rộng quy mô hoạt động. Hiện công ty đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đạt chuẩn xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng trên diện tích 1,7 ha.
Tại Hà Tĩnh, trang trại tổng hợp (trồng nho, dưa lưới công nghệ cao, chăn nuôi, nuôi cá, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái) quy mô hàng chục tỷ đồng của HTX Nga Hải cũng trở thành nơi tham quan, học hỏi của nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ít ai biết, cơ ngơi này của HTX Nga Hải được bắt đầu từ những cuộc họp gay cấn và ra quyết định “phá rào” của Agribank Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi đó: Chấp nhận cho cựu chiến binh Lê Văn Bình vay 100 triệu đồng tín chấp để đầu tư vào vùng đất hoang hóa “chó ăn đà, gà ăn sỏi”. Tại thời kỳ mà các món vay trung bình chỉ khoảng 5 triệu đồng, ông Bình là người nông dân đầu tiên được ngân hàng cho vay tới 100 triệu đồng, lại còn cho vay hoàn toàn tín chấp. Khoản vay 100 triệu đồng xếp đầy 2 bao tải tiền khi đó đã làm thay đổi cuộc đời ông Bình, cũng giúp huyện Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên tại Hà Tĩnh).
Đến nay, sau hơn 30 làm khách hàng của Agribank, ông Bình nhận xét, Agribank thực sự là bà đỡ của kinh tế tư nhân, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. “Không có Agribank thì không có hàng loạt HTX, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay, không ai am hiểu và tin tưởng vào người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Agribank”, ông Bình xúc động nói.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định, kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước và cũng là đối tượng phục vụ chủ lực của Agribank. Tại Agribank, dư nợ cho vay với doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng nửa triệu tỷ đồng (khoảng 90% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp tại Agribank), tốc độ tăng trưởng hơn 30% trong vòng 5 năm qua.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn thuận lợi là nhiệm vụ của ngành ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng đối với khu vực tư nhân đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tổng dư nợ 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
“Thời gian qua, các ngân hàng thương đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Phó Thống đốc cho biết.
Với vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực trong hệ thống ngân hàng cũng như trong lĩnh vực tam nông, Agribank hiện đang là một trong những ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với khu vực kinh tế tư nhân nhất hiện nay.
Năm 2024, ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay 4 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Những tháng đầu năm nay, Agribank tiếp tục giảm từ 0,2% - 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350.000 tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1%-3% so với lãi suất thông thường đảm bảo cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng.
Riêng với doanh nghiệp tư nhân, Agribank dành nguồn vốn 240.000 tỷ đồng, áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng như: khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, khách hàng xuất nhập khẩu,...
“Từ những con số cụ thể này có thể thấy rõ cam kết và định hướng nhất quán của Agribank trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển”, bà Phùng Thị Bình nhấn mạnh.
Mặc dù các ngân hàng nói chung và Agribank đang rất tích cực cho vay kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân, song trên thực tế, việc cung ứng vốn tín dụng đối với các doanh nghiêp trong khu vực này còn những hạn chế nhất định.
Chính ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng thừa nhận, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận vốn ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản lý và minh bạch sổ sách kế toán để tạo niềm tin cho ngân hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, để vốn ngân hàng thực sự trở thành "bệ phóng" cho kinh tế tư nhân, cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế cho vay, mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo. Đồng thời, việc phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính cũng là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.
"Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân, cải thiện các chính sách tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cam kết.
Để thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết mới ban hành của Quốc hội về kinh tế tư nhân, các ngân hàng đang đã và đang dành nguồn vốn tín dụng cho khu vực này.
Tại Agribank, bà Phùng Thị Bình cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng cho từng đối tượng, phân khúc khách hàng, đơn giản hóa thủ tục và thường xuyên kết nối với khác hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tư nhân một cách cao nhất.
“Agribank sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho KTNN và đồng hành cùng các doanh nghiệp để góp phần đưa KTNN thực sự trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế trong thời gian tới”.
Được biết, trong Nghị quyết vừa ban hành của Quốc hội, doanh nghiệp tư nhân không chỉ được hưởng hỗ trợ về tài chính, tín dụng mà còn được hưởng nhiều cính sách hỗ trợ về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, mua sắm công, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong… Những giải pháp đồng bộ này, cùng với sự hỗ trợ của ngân hàng sẽ đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.