Đến với Lễ hội Sen Hà Nội 2024, người dân và du khách đều thích thú khi được hòa mình vào không gian ngát hương sen và chiêm ngưỡng tác phẩm "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được kết bằng 10.000 bông sen quan âm.

 

 

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức nhằm phát huy giá trị tự nhiên, con người và các làng nghề nổi tiếng để phát triển công nghiệp văn hóa. Quận đã liên kết tổ chức các hoạt động như ngày hội đạp xe bên Hồ Tây, đua thuyền rồng, dù lượn và sử dụng phố đi bộ Trịnh Công Sơn làm không gian sáng tạo cho các hoạt động về sen.

 

 

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 đang diễn ra tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Q.Tây Hồ, Hà Nội).

 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư ngày 13/7, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng lễ hội sen vẫn thu hút rất đông người dân Thủ đô tới vui chơi, tham quan và tìm hiểu về sen, văn hóa sen.

 

 

Đến với Lễ hội sen, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được kết từ 10.000 bông hoa sen có tên gọi là “Thăng Long Huyền Diệu Hoa”. Tác phẩm do Kỷ lục gia nghệ nhân Lê Thị Lương và họa sĩ đương đại Migoii Võ Quang Luân đến từ Paris (Pháp) thực hiện.

 

Bông sen “Thăng Long Huyền Diệu Hoa” được làm từ hoa sen quan âm, vải lụa và một số phụ kiện mỹ thuật khác. Với kích thước lớn kết hợp sự tinh tế nghệ thuật giữa truyền thống và hiện đại, tác phẩm "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" là điểm nhấn đặc biệt tại Lễ Hội Sen Hà Nội 2024.

 

 

Cùng với đó, khi đến với Lễ hội Sen Hà Nội 2024, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có kích thước 1,7m x 2,5m. Với chất liệu kính cường lực dày 2cm, được ghép từ 1.944 tấm ảnh hoa sen chụp từ các vùng miền do Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật thực hiện.

 

 

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 thu hút rất đông người cao tuổi, những người đam mê, yêu thích hoa sen và du khách trong nước, quốc tế đến đến tham quan, mua sắm.

 

 

Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 được tổ chức nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của ‏s‏en - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Lễ hội sẽ giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt.

 

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 12-16/7). Lần đầu tiên, nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế được thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của Thăng Long-Hà Nội, cùng vùng đất Tây Hồ qua Lễ hội Sen Hà Nội. Lễ hội không chỉ khẳng định giá trị và thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô mà còn đặt ra bài toán chính sách lan tỏa giá trị của sen Tây Hồ, mang lại lợi ích kinh tế.

 

 

Nói về hoa sen của vùng đất Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây, cũng là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ chia sẻ: Sen hồ Tây được gọi là Bách Diệp sen tức là hoa sen 100 cánh, có hương thơm ngọt, gạo trắng, trồng ở thổ nhưỡng hồ Tây, tạo nên một đặc sản mà không nơi nào có được. Bởi nếu đem giống sen Bách Diệp mang đi trồng ở những vùng lân cận sẽ có chất lượng khác hơn, gạo sen có màu trắng ngà. Khi lấy gạo cùng 1.000 bông hoa sen thì sen hồ Tây sẽ cho 1,2-1,3kg gạo sen, còn sen những vùng khác thì chỉ cho sản lượng 0,8-0,9kg gạo sen.

 

 

Chia sẻ về giá trị của sen trong đời sống kinh tế, tinh thần của người Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu kể, từ xa xưa, người Tây Hồ nói chung và người Quảng An, Nhật Tân nói riêng, đã biết cho trà vào hoa sen để ướp và hứng những giọt nước mưa đêm trên lá sen để thưởng trà sen, lấy gạo sen để ướp trà sen khô, là một đặc sản của người Tây Hồ. Khi uống trà sen hồ Tây, hương thơm ngọt của vị sen, vị chát của trà hòa quyện vào nhau làm cho người thưởng trà sen nhớ mãi.

 

"Vào thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn nên việc thưởng trà sen chỉ dành cho những nghệ nhân biết thưởng trà và những bậc vương giả. Từ những năm 2000 trở lại đây, việc ướp trà sen bông tươi, được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, dùng quanh năm đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội và là món quà biếu không thể thiếu trong các dịp quan trọng", ông Hiếu cho biết.

 

 

Theo bà Bùi Thị Lan Phương, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội".

 

Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7 ha. Mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ THỰC HIỆN 14/07/2024 10:08