Thôn Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề truyền thống làm hình nộm hàng mã lớn nhất Hà Nội, được mệnh danh là “thủ phủ vàng mã”.
Nằm cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 20 km, nghề làm vàng mã của làng Phúc Am cũng đã tồn tại được gần 40 năm. Trước kia, Phúc Am là làng nghề truyền thống chỉ làm nghề đan lát. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển đã khiến các hộ dân chuyển sang nghề vàng mã.
Trên địa bàn thôn Phúc Am hiện có khoảng 180 hộ dân sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê.
Với nguồn thu nhập ổn định quanh năm nhờ nghề thủ công làm hàng mã, cuộc sống người dân Phúc Am đã có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà khang trang nhất đều là các hộ dân ở trong sân chất nhiều sản phẩm hàng mã hoặc cửa hàng bày bán hàng mã.
Bước qua cổng làng, mọi khoảng không gian công cộng, từ đường làng cho tới giếng làng, từ sân đình cho tới nhà văn hóa đều được người dân tận dụng để phơi khung xương ngựa giấy, voi giấy, hình nộm và đủ loại hàng mã.
Sản phẩm chủ lực của làng Phúc Am thường là hình nộm ngựa, voi, cỗ mũ ông Công ông Táo, thuyền rồng, nhà, xe... phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu.
Có nhiều điểm khác biệt giữa sản phẩm hàng mã Phúc Am với các nơi khác. Đó là, đa số sản phẩm hàng mã tại đây thuộc cỡ lớn, nhưng hầu hết công đoạn được làm thủ công tỉ mỉ.
Sản phẩm của làng có rất nhiều họa tiết cầu kỳ và sử dụng giấy kim tuyến óng ánh, mầu sắc bắt mắt. Chỉ riêng voi giấy, ngựa giấy cũng có rất nhiều công đoạn, được người dân phân chia công việc rõ ràng. Hầu như mỗi gia đình chỉ làm một công đoạn nên cả làng giống như một đại công xưởng lớn với sự gắn kết bền chặt.
Một số gia đình có người già lớn tuổi sẽ chuyên đan khung xương bằng nứa và dán giấy mầu, trong khi đó công đoạn hoàn thiện như cắt, dán các họa tiết, tô mầu sẽ do những người trẻ và khéo tay hơn thực hiện.
Nghề làm vàng mã đòi hỏi khéo léo, tỉ mỉ. Tất cả các công đoạn từ vẽ, cắt, dán, làm khung... đều thực hiện hoàn toàn thủ công. Chị Hoa (cơ sở Hoa Báu, làng Phúc Am) cho biết, mỗi sản phẩm trung bình mất 1 giờ để hoàn thiện, các công đoạn làm khung trước đó do hộ khác đảm nhiệm.
Để làm được một sản phẩm hình nộm, trung bình phải trải qua 9 công đoạn, giá dao động từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Nếu hình nộm theo đơn đặt hàng với kích thước lớn thì giá sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, lợi nhuận của người làm vàng mã không cao vì làm thủ công, công sức và thời gian bỏ ra khá nhiều. Mặt khác, đồ mã cồng kềnh nên vận chuyển phải cẩn trọng, nhiều khi chỉ dăm “ông” ngựa với vài đồ mã đã kín chiếc xe tải nhỏ.
Nhưng so với làm nông thì nghề làm vàng mã đem lại thu nhập ổn định và cao hơn. Đặc biệt những người già nhàn rỗi có thể kiếm thêm từ 5 - 6 triệu đồng/tháng qua công việc đan khung xương của ngựa, voi giấy.
Sản phẩm hàng mã Phúc Am đã có mặt ở rất nhiều địa điểm tâm linh, tín ngưỡng trên cả nước, trong đó chủ yếu là các đền, miếu hay phủ ở các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng... Một số khách cũng lặn lội từ miền trung và miền nam ra để mua.
Hầu như sản phẩm của làng bán quanh năm nhưng bận rộn nhất là ba tháng đầu năm và ba tháng cuối năm. Thời điểm bán chạy nhất cũng theo mùa, như dịp cuối năm phục vụ Tết và lễ hội, từ tháng 7 tới tháng 10 âm thì chủ yếu sản xuất để phục vụ các ngày lễ lớn như lễ ông Hoàng Bảy, lễ ông Hoàng Mười hoặc tiệc nhà Trần.
Nghề hàng mã hiện nay đang được các thế hệ người dân Phúc Am truyền lại cho các bạn trẻ. Nhiều gia đình có con cháu mới học tiểu học đã tập cắt dán họa tiết trên ngựa, voi giấy. Những bạn trẻ khéo tay, có tư duy nghệ thuật và giỏi tiếp cận khoa học công nghệ hơn đã quay trở lại hỗ trợ cha mẹ, ông bà, đưa ra ý tưởng ứng dụng việc thiết kế họa tiết trên máy tính, sau đó sử dụng máy in hàng loạt. Việc này đem lại hiệu quả bất ngờ khi vừa tăng tốc độ sản xuất vừa bảo đảm các họa tiết phức tạp như hình rồng, phượng được đẹp và đều, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.