Chùa Cây Thị (Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, mang vẻ đẹp bình, thanh tịnh hấp dẫn du khách gần xa.
Ngày 17-18/10/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam 2024, do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn khảo sát là chùa Cây Thị (Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Chùa Cây Thị (Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70 km.
Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ.
Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía Đông Nam cách chùa cổ khoảng 100 m là lăng mộ Thượng thư Trương Công Giai.
Bên dưới chân núi hướng Tây Nam cách chùa cổ khoảng 50 m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa.
Chùa nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Từ xa xưa nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngụ”.
Tháng 12/2019, chùa Cây Thị được kiến thiết tôn tạo, phục hồi và xây dựng.
Theo lời kể của Đại Đức Thích Huệ Hạnh, Uỷ viên thường trực phân ban chuyên nghiệp Phật tử Trung Ương, đang trụ trì chùa, chùa tên là Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ là cây thị với niên đại hàng trăm năm, theo các cụ cao niên thì từ nhỏ đã thấy gốc thị to như hiện nay.
Theo dòng lịch sử, ngôi chùa có thể bị thay đổi, nhưng cây thị vẫn trụ vững với tàn lá xum xuê như che mát, xoa dịu những lo toan, buồn phiền nơi thế giới trần tục của con người mỗi khi về chùa.
Cây thị không những có giá trị về lịch sử, mà còn ẩn chứa một giá trị tâm linh rất lớn đối với dân làng nói riêng và toàn thể tín đồ Phật tử thập phương nói chung khi về chùa.
Từ cổng chùa, xa xa hiện lên khuôn mặt hiền từ phúc hậu của tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 6 m bằng đá granite được đặt trên ngọn đồi, trông thật uy nghi.
Kế đến là cổng chùa và vườn thiền được thiết kế kiến trúc Nhật Bản kết hợp với kiến trúc Việt. Khi bước vào khu vực này chúng ta dường như vào thế giới bồng lai tiên cảnh với vẻ yên bình đến lạ thường.
Đến đây du khách sẽ bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng, xung quanh các ngọn đồi xanh mướt màu xanh của cỏ Nhật đan xen với những cây tùng.
Giải thích tại sao lựa chọn những viên sỏi trắng, tạo hình tỉ mỉ, các sư thầy cho biết đá trắng khiến cho lòng người trở nên thanh thoát, cùng với tiếng chuông tạo nên không gian thanh tịnh. Ai bước chân đến đây cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như về với với thiên nhiên, hay tìm về cái vô ngã của con người.
Những cánh cổng Tam Quan trong vườn thiền được thiết kế kiểu Nhật, làm cho khung cảnh thêm thiền vị nên thơ.
Từ bãi đá trắng, du khách sẽ lên cổng Ngũ Quan để chiêm bái tôn tượng Phật Tổ cao 2,5 m, sau lưng Ngài là ngôi chùa cổ.
Từ ngoài nhìn vào, bên trái chùa cổ là điện thờ Tôn giả A - Nan thị giả Đức Phật đệ nhất đa văn, bên phải là Tôn giả Ca - Diếp chân truyền của Phật Tổ đệ nhất khổ hạnh, cạnh Ngài Ca Diếp.
Tiến vào bên trong gần vách núi bên trái là điện thờ Bồ Tát Địa Tạng, phải là Bồ Tát Quán Thế Âm, cạnh chân chùa là Tháp Tổ.
Phía bên dưới là khu giảng đường, khu nhà nghỉ, nhà bếp, thư viện, văn phòng để phục vụ cho các hoạt động và khoá tu, có sức chứa lên đến hàng trăm người.
Con dốc dẫn vào khu nội viện với hàng rào thiết kế phong cách Nhật mang đến cảm giác nhẹ nhàng quên hết cảnh trần duyên mà tìm lại được chính mình.
Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, chùa Cây Thị còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, nơi trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị cơ bản nhất của đạo Phật, mang lại sự thanh tịnh và thoải mái trong tâm hồn.
Với lối kiến trúc kết hợp các nền văn hoá Á đông độc đáo, không khí trong lành, mát mẻ, không gian yên bình và thanh tịnh, giúp du khách quên hết mọi mệt nhọc, lo âu của cuộc sống thường nhật.
Chùa Cây Thị là địa điểm tham quan lý thưởng cho du khách thập phương muốn tìm về chốn thiên nhiên an lành hay công trình kiến trúc Phật giáo công phu khi du lịch Hà Nam.
Ngoài chùa Cây Thị, trong chương trình Khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch và Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam 2024, Đoàn đại biểu còn khảo sát nhiều điểm đến, dịch vụ nổi bật ở tỉnh Hà Nam như: Vương cung thành đường Sở Kiện, sân Golf Thiên Đường và tổ hợp khách sạn 5 sao do tập đoàn BRG đầu tư tại huyện Kim Bảng; thưởng thức “Trà chiều du thuyền” trên lòng hồ Lục Nhạc; tham gia trải nghiệm chương trình Thiền Chuông, đâng hương tại điện Tam Thế, thăm quan, khảo sát sản phẩm khu Camping và nông trại Tam Chúc.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ tham gia Tọa đàm “Kết nối toàn diện sản phẩm Tam Chúc 2024-2025”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2024.