Thế ''sơn chầu thủy tụ'' đắc địa của Đền Quốc tổ Lạc Long Quân

 

Theo truyền truyết “con rồng cháu tiên”, Lạc Long Quân được xem như Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam và được người đời vô cùng sùng bái, tôn kính. 

 

Thế ''sơn chầu thủy tụ'' vô cùng đắc địa của Đền Quốc tổ Lạc Long Quân.

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên viết vào thế kỷ XV có đoạn: “Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau chung hợp thật khó bèn từ biệt nhau chia 50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, suy tôn người con cả làm vua nối nghiệp là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước làm 15 bộ. Nơi vua ở là bộ Văn Lang, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, các quan gọi là Bồ chính, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Tương truyền đã truyền cho nhau 18 đời đều gọi là Hùng Vương”, sách Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1, NXBKHXH – Hà Nội 1993).

 

Bức phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân và 50 người con xuống biển.

 

Tưởng nhớ công ơn của các bậc thủy tổ đã có công khai thiên lập quốc và nhằm quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh thời đại các vua Hùng và tưởng nhớ công ơn tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, đền thờ cha Lạc Long Quân chính thức khởi công ngày 26/3/2007, tại khu đồi Sim, xã Chu Hóa, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với diện tích hơn 13,79 ha. 

 

Cây cầu dẫn lối vào đền.

 

Là một thiết chế văn hóa nằm trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân khánh thành ngày 29/3/2009, đúng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu.

 

Bức phù điêu Quốc mẫu Âu Cơ và 50 người con lên non.

 

 

 

Đồi Sim có hình thể giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân được tọa lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng, huyền bí với thế "sơn chầu thủy tụ" vô cùng đắc địa.

 

 

Kiến trúc đền Lạc Long Quân bao gồm: Đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, tả vu, hữu vu, lầu hóa vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật.

 

 

Đền chính có diện tích xây dựng 210 m2 kiến trúc kiểu chữ đinh, được làm bằng gỗ theo kiểu kiến chúc cổ truyền thống Tiền đường có 3 gian, 2 trái, 4 hàng chân. Hậu cung có 3 gian, 4 hàng chân, tường xây bít đốc sau, cửa bức bàn. Phía trước tiền đường là tiền tế có 1 gian 2 trái, 2 hàng chân. Kết cấu bộ khung đền bằng gỗ lim sơn son, thiếp vàng và sơn quang, tường bay xây gạch chỉ đặc không trái kết hợp vách đố lụa mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh.

 

 

Cổng đền (hay còn gọi là nghi môn) được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, cổng có 4 cột, cổng chính rộng 4,2m, cổng phụ rộng 2,05m. Kết cấu cột bê tông tốt thép, bên ngoài ốp đá xanh đục chạm họa tiết văn hoa tren trống đồng cách điệu cả 4 mặt.

 

Cổng biểu tượng nằm ở phía trước phương đình, kết cấu cột bê tông cốt thép ốp đá có đục chạm khắc hoa văn.

 

 

 

Phương đình nằm sau nghi môn, ở cấp sân II, mặt bằng phương đình có kích thước 5,9 m x 5,9 m, cao 6,1 m. Kết cấu làm bằng gỗ, mái chồng diêm, nền lát gạch Bát Tràng.

 

 

Tả vu, hữu vu nằm ở cấp sân III, xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ truyền thống, nhà 5 gian, 2 hàng, chân diện tích xây dựng 54 m2. Kết cấu gồm cột gỗ có đường kính 29 cm, cao 2,8 m, cửa bức bàn, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa bằng đá xanh Thanh Hóa, tường bao quanh xây gạch chỉ đặc, mái lợp ngói mũi hài.

 

 

Hai trụ biểu nằm đối xứng hai bên trục chính, cao 9,2 m. Kết cấu bằng bê tông cốt thép, ốp đá xanh được đục chạm họa tiết hoa văn chim lạc cách điệu.

 

 

Lầu hóa vàng nằm ở hai bên phía sau đền chính, kích thước (1,64 m x 1,64). Kết cấu lầu được xây bằng đá khối, vữa xi măng, trụ bê tông cốt thép, mái dán ngói giả cổ.

 

Đồ thờ tương tự đền Lạc Long Quân bao gồm: Cửa võng, hương án, giá chiêng, bát bửu, hoành phi, câu đối... được làm bằng chất liệu gỗ trụ, chạm khắc hoa văn, sơn son thiếp vàng. Đặc biệt là pho tượng thờ của Đức Tổ Lạc Long Quân được đúc bằng chất liệu đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98 m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá được gia công bằng đá khối có chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là 2 pho tượng tướng lĩnh hầu cận (Lạc hầu, Lạc tướng) có chiều cao 1,80 m ở tư thế đứng, mỗi pho nặng 0,5 tấn.

 

 

Ngày nay, đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách sẽ được thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trước, sau đó thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng. Việc quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa ấy càng thể hiện sâu sắc đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” của con dân đất Việt.

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 26/03/2024 10:18