Từ nay đến hết ngày 30/5/2024, công chúng và du khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ được thưởng lãm 84 bức tranh độc bản của họa sỹ Nguyễn Cương (1943 - 2014).

 

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến thưởng lãm.

 

Chiều 24/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương”, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật của cố họa sỹ Nguyễn Cương (1943 - 2014), nguyên Giám đốc xưởng Mỹ thuật quân đội, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.

 

Bà Nguyễn Thị Lâm (vợ cố họa sỹ Nguyễn Cương) phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm "10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương".

 

Chia sẻ tại Lễ khai mạc Triển lãm, bà Nguyễn Thị Lâm (vợ cố họa sỹ Nguyễn Cương) cho biết, triển lãm lần này giới thiệu tới công chúng 84 tác phẩm mỹ thuật, được họa sỹ Nguyễn Cương thể hiện với chất liệu sơn mài, sơn dầu, ký hoạ chì và màu nước. Các tác phẩm được sáng tác trong thời gian từ năm 1970 đến năm 2014.

 

Bức tranh vẽ chân dung con gái Đan Sa năm 1993 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Đề tài sáng tác của họa sỹ Nguyễn Cương tiêu biểu là hình tượng người chiến sỹ trong chiến đấu và trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, tranh tĩnh vật, tranh trừu tượng các góc nhìn tâm tưởng của họa sỹ.

 

"Kiệt tác" tranh sơn mài "Xưởng đóng tàu Hải Phòng", vẽ năm 1974 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, họa sỹ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, nói đến họa sỹ Nguyễn Cương, chúng ta nhớ ngay đến bức tranh sơn mài “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, hiện đang trưng bày hàng ngày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đó là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu, khẳng định tài năng, tư duy sáng tạo, tiên phong đổi mới và tầm nhìn xa của họa sỹ Nguyễn Cương vào thời điểm những người cùng thế hệ với ông chưa có tư duy đổi mới như vậy.

 

Tranh bột màu "Xưởng đóng tàu Hải Phòng", vẽ năm 1988 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Tác phẩm tranh bột màu "Xưởng đóng tàu Bạch Đằng", vẽ năm 1974 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

“Xưởng đóng tàu Hải Phòng” là một bức tranh sơn mài có bảng màu rất độc đáo với màu trắng của vỏ trứng, màu ghi, màu sáng… trong khi tất cả các họa sỹ sơn mài thời đó đều chỉ vẽ sơn mài với bảng màu là màu đen, màu son đỏ… Đây là tác phẩm bước ngoặt trong nhìn nhận và sử dụng chất liệu sơn mài, có thể nói đó là bảng màu đầu tiên đạt hiệu quả khi thay đổi về tư duy bảng màu sơn mài Việt Nam.

 

Tranh sơn dầu "Cánh diều" (bên trái) và "Buổi sớm mai" (bên phải) của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

“Trên 80 tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này cho chúng ta thấy, họa sỹ Nguyễn Cương là người có tư duy tạo hình, tư duy thẩm mỹ và có mỹ cảm rất mới mẻ, tiên phong so với những người cùng thế hệ với ông. Xem các tác phẩm trong phòng trưng bày của ông, chúng ta có cảm giác đó là những tác phẩm của các họa sỹ thời bây giờ vẽ, chứ không phải là lớp họa sỹ từ cách đây vài chục năm trước vẽ. Họa sỹ Nguyễn Cương đã đi trước thời của ông và hòa nhịp với thế hệ và dòng chảy hội họa hiện tại”, họa sỹ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

 

Tranh sơn dầu "Đơn độc", vẽ năm 2004 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Chia sẻ về họa sỹ Nguyễn Cương, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (bạn thân của họa sỹ Nguyễn Cương), xúc động: “Họa sỹ Nguyễn Cương là người đồng chí cùng đơn vị, một họa sỹ tài năng, luôn trăn trở, hết lòng với nghệ thuật và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tươi đẹp. Ông là người nghệ sỹ đáng kính, là tấm gương sáng trong sáng tạo nghệ thuật cùng thời với chúng tôi”.

 

Tác phẩm "Trung thu 2" của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Bà Nguyễn Thị Lâm (vợ cố họa sỹ Nguyễn Cương) xúc động kể về những ngày tháng cuối đời của người họa sỹ tài hoa: “Hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là có người chồng, người cha, người ông vừa là một họa sỹ giỏi vừa là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Chúng tôi đã được sống cùng anh, trong thế giới tâm hồn của anh, hình và sắc trên những bức tranh của anh, và hiện vẫn đang sống hạnh phúc trong thế giới ấy cho dù anh đã vắng mặt.

 

Gia đình cố họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Trước khi qua đời, hoạ sỹ Nguyễn Cương đã từng có ý định tổ chức triển lãm nhưng sức khoẻ của ông không còn đủ. Triển lãm lần này cũng là tâm nguyện của chồng tôi trước khi nhắm mắt. Được sự gợi mở, động viên và giúp đỡ của những người thân, các bạn đồng ngũ, đồng môn, đồng nghiệp của hoạ sỹ Nguyễn Cương, gia đình tôi đã mạnh dạn sưu tầm, sắp xếp, ghi chú các tác phẩm và tư liệu của ông để lại, tập hợp để tổ chức Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương”, bà Lâm cho hay.

 

Tranh vẽ Sa Pa của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Đến với Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương”, bất cứ ai cũng phải trầm trồ trước tác phẩm sơn mài “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, sáng tác năm 1974. Đây là bài thi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam của họa sỹ Nguyễn Cương. Tác phẩm đầu tay này đã vượt qua sự thẩm định, đánh giá khắt khe, thận trọng của giới mỹ thuật để đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Tranh sơn dầu "Mùa thu vàng", vẽ năm 1995 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Gần 50 năm qua, giới mộ điệu khi vào bảo tàng đều thấy sự hiện diện của tác phẩm này. Bức tranh được xếp vào di sản của phong trào nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Với họa sỹ Nguyễn Cương, đó cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất, được biết đến sớm nhất của ông.

 

Tranh sơn mài "Múa rối nước", vẽ năm 2000 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Với “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, tác giả chỉ sử dụng mấy màu gốc của sơn mài truyền thống như đen, cánh gián và vàng phủ hoàn kim để vẽ trên nền bạc mà vẫn diễn tả được mọi sắc thái tương phản về đậm nhạt, sáng tối, nóng lạnh, trong đục; các đường tiếp giáp khi mềm khi cứng cùng những hình diện gợi đầy tính xúc giác đặc trưng cho một quang cảnh công nghiệp.

 

Tác phẩm "Những cô gái thông tin" của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Khác hẳn bức vẽ “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, sau 6 năm, với tác phẩm “Những cô gái thông tin”, ông không bận tâm đến những gì ngẫu nhiên mà rút gọn tất cả vào một lối vẽ cách điệu phong cách hoá duy nhất, đặt các hình tượng và mô típ trên nhiều tầng nhiều lớp, theo nhiều góc hướng nhìn, tạo ra một bố cục ước lệ liên hoàn đầy nhịp điệu như có cả vũ, cả nhạc trong đó.

 

Qua bức tranh này, họa sỹ Nguyễn Cương đã thể hiện đầy đủ một năng lực khá xuất sắc trong nghệ thuật tập hợp và chuyển hoá “tư liệu sống” thành một tác phẩm quy mô đồng bộ về không gian và tạo hình bằng giá trị thực, độc lập của thể loại, đề tài và chất liệu. Giải Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 cho tác phẩm này chính là sự ghi nhận và tôn vinh đóng góp quan trọng của ông trong mỹ thuật.

 

Tác phẩm tranh màu nước "Xưởng đóng tàu Bạch Đằng", vẽ năm 1974 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Họa sỹ Nguyễn Cương có nhiều tác phẩm vẽ về bộ đội thông tin mà đến tận bây giờ vẫn còn được lưu giữ và được thưởng thức thường xuyên trong binh chủng, như một số phù điêu gò đồng ở Bảo tàng Binh chủng Thông tin, hoặc bộ tranh tứ bình “Chiến sĩ”… Nguyễn Cương nhập ngũ năm 1962, vào Đoàn 205 thông tin, rồi được về công tác ở cơ quan chính trị binh chủng, đi học đại học, tu nghiệp ở nước ngoài, có thời gian làm giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Đó là cả một chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ cho nghệ thuật.

 

Tác phẩm tranh bột màu "Phú Quốc", vẽ năm 1979 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt, nếu chỉ tính ba tác phẩm Nguyễn Cương sáng tác trong thời kỳ nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1954-1986), gồm “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, “Những cô gái thông tin” và “Vật kỷ niệm của một người bạn”, thì Nguyễn Cương không chỉ xứng đáng với danh hiệu “họa sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa”, mà ông còn xứng đáng là một trong số không nhiều nghệ sĩ ở thời kỳ này có vị trí lâu dài trong lịch sử nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

 

 

Tranh sơn dầu "Sự thăng hoa", vẽ năm 1997 của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Họa sỹ Nguyễn Cương sinh ngày 2/1/1943 tại Hải Phòng. Năm 1962, ông nhập ngũ, và có gần 30 năm phục vụ trong quân đội. Trong thời gian đó, ông vẫn song hành sáng tác nghệ thuật. Năm 1974, họa sỹ Nguyễn Cương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Đến năm 1983, ông tiếp tục tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest, Hungary và có triển lãm cá nhân tại Budapest (Hungary), toàn bộ tác phẩm trưng bày khi đó đã được nhà sưu tập nghệ thuật mua hết.

 

 

Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật dài 45 năm của mình, họa sỹ Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh. Ngoài hội họa giá vẽ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và thực hành điêu khắc. Ông là một tấm gương lao động nghệ thuật liên tục, cho đến khi qua đời ở tuổi 71. Triển lãm lần này như một nén hương trầm đặc biệt để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cố họa sỹ Nguyễn Cương, một họa sỹ tài năng, bình dị hết lòng về nghệ thuật.

 

 

Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương” được ra đời để kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, như một lời tiếc nhớ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gửi đến người họa sỹ tài năng Nguyễn Cương, đồng thời sẽ giúp cho độc giả yêu hội họa hiểu thêm về chân dung họa sỹ và các tác phẩm của ông.

 

Tranh sơn dầu "Chân dung thiếu nữ", vẽ năm 1996 (bên trái) và "Thôn nữ", vẽ năm 1998 (bên phải) của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Và như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quang Việt khẳng định: “Một người họa sĩ như Nguyễn Cương, chúng ta có nhiều lý do để chọn ông như một trong những tiêu mẫu xác thực để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm tìm lại, nhìn nhận lại những giá trị đích thực của nền mỹ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam”.

 

Tranh "Sa Pa 1" và "Lính đảo đón khách" của họa sỹ Nguyễn Cương.

 

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/5/2024.

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ 25/05/2024 06:33