Triển lãm “Mật Ước 2024” của Lê Phương (Leo), diễn ra từ ngày 1 - 7/11/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) không chỉ là một phòng trưng bày tranh, mà còn là một  không gian để người yêu mỹ thuật lắng đọng, chiêm nghiệm và cùng chia sẻ những mối “Mật ước” giữa nghệ thuật, trái tim và tâm linh.

 

 

Họa sỹ Lê Phương còn được biết đến với bút danh Leo, là một nghệ sĩ sáng tạo nổi bật trong lĩnh vực hội họa. Với phong cách độc đáo và bút họa tinh tế, Leo tạo ra những tác phẩm đầy cảm xúc, kết hợp hài hòa giữa trừu tượng và hiện thực, thu hút giới mộ điệu nghệ thuật.

 

 

 

Triển lãm “Mật ước 2024” của họa sĩ Lê Phương gồm 19 bức tranh được sáng tác rải rác trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay.

 

 

 

Triển lãm là sự tổng hợp lại các bức tranh tiêu biểu của các giai đoạn sáng tác khác nhau trong quãng thời gian chuyển xu hướng sáng tác sang trừu tượng của Leo - một họa sĩ có nhiều tranh minh họa và biếm họa được đón nhận rộng rãi trong báo chí và xuất bản.

 

Tác phẩm "Vũ trụ của những rung động".

 

Tác phẩm "Trong gương".

 

Tác phẩm "Tịch dệt 2".

 

Bằng những thử nghiệm mới mẻ về kỹ thuật và chất liệu độc đáo, hoạ sĩ Lê Phương quan niệm việc thực hành hội họa cũng giống như một thực hành tâm linh, để thanh lọc bản thể trở về với cội rễ tâm thức trong trẻo nhất, suy ngẫm về sự bất toàn của thân phận con người trong cõi hiện sinh, tái khám phá những minh triết song hành cùng mỹ học của dân tộc.

 

Tác phẩm "Sóng hư không 2".

 

Tác phẩm "Sóng hư không 1".

 

Tác phẩm "Siêu hình 6".

 

Họa sĩ Lê Phương chia sẻ: “Trong trải nghiệm của cá nhân tôi, đường biên giữa vật chất và tâm linh, giữa sự đúng và sự sai cùng nhiều mặt đối lập khác nữa, đang mờ nhòe dần. Lời mời gọi đồng nhất thể, bước tới con đường hòa nhập với trái tim rộng mở với toàn bộ hiện sinh từ một tâm thức lạ lẫm sâu thẳm nào đó trong bản thể thi thoảng vẫn nhắc nhở tôi, cam kết một thỏa ước bí mật về sự bình an, trắc ẩn và tình yêu tối hậu, trong những thời khắc bản thân tuyệt vọng và đôi lúc sợ hãi trước sự bất toàn và nhỏ bé của thân phận làm người. Hội họa là cứu cánh đầy chân phước đã giúp tôi bước dần trên con đường này...”.

 

Tác phẩm "Một mình".

 

Tác phẩm "Mật ước 6".

 

Tác phẩm "Mật ước 5".

 

Thưởng lãm triển lãm tranh “Mật ước 2024”, PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái nhận định, trừu tượng tranh Lê Phương đã nghiêng lệch hẳn về cái ẩn chìm, lặn ngược vào trong, cố tình né tránh cái duyên bong ra ngoài. Trừu tượng tranh Phương đã đạt đến mỹ học ẩn ước về mọi phương diện - một thứ tranh gây hấn cho cái phần chìm sâu - vốn nằm im lìm trong tiềm thức của người thưởng ngoạn, mà không dễ gì đánh thức.

 

Tác phẩm "Mật ước 3".

 

Tác phẩm "Mật niệm số 2".

 

Tác phẩm "Mật niệm số 1".

 

“Bắt đầu từ việc Phương đặt tên tranh, đã mênh mang ý nghĩa của đóa hoa vô thường trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đã nhìn thấy, đã cảm nhận và được đánh thức những mỹ cảm Folklore Việt cổ ấy qua tranh trừu tượng của Lê Phương. Vập vào cái trừu tượng lung linh trầm mặc ấy, trong phấp phới ửng hồng của sự bay lên, ta sẽ nhìn thấy ngay trong lòng mình, một trực giác của lòng ham sống. Bởi sự xuất hiện của hy vọng: “Cái bay không đợi cái trôi”.

 

Tác phẩm "Mật ước 2".

 

Tác phẩm "Mật ức số 2".

 

Tôi nghĩ có lẽ Phương chọn lựa tranh trừu tượng, như buộc phải thế - như một chất liệu trí tuệ và tâm linh, tặng cho cái bay, cho đôi cánh lãng mạn của chính mình trong sự vô tận của cái bay không giới hạn... Đó phải chăng là lựa chọn của thi sĩ Lưu Quang Vũ, lúc sinh thời, đã ném cả đời mình vào cuộc đi tìm chân trời, hướng lên trời xanh, tìm mây trắng trong khát khao tự thú: “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”, PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.

 

PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái gắn nơ cho 2 bức tranh bà yêu thích.

 

Đặc biệt, PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho hay, bà vốn không thích tranh trừu tượng, nhưng lại cảm thấy mê tranh trừa tượng của họa sĩ Lê Phương.

 

“Là nhà sưu tập tranh, khi đã mê tranh của họa sĩ nào, tôi sẽ sở hữu không dưới 5 tác phẩm của họ. Và ngay trong ngày khai mạc triển lãm, tôi đã gắn nơ cho 2 bức tranh đặc biệt yêu thích”, PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái bật mí.

 

Tác phẩm "Mật ức số 8".

 

Tác phẩm "Mật ức số 6".

 

Tác phẩm "Mật ức số 3".

 

 

Ngay trong ngày khai mạc, triển lãm tranh “Mật ước 2024” đã thu hút đông đảo giới chuyên môn và người yêu tranh đến thưởng lãm. Họa sĩ Bàng Sĩ Trực chia sẻ: “Mật ước 2024” hay hành trình trở về giá trị nguyên cội văn hóa của Lê Phương là sự gắn kết sâu sắc giữa ý thức thực tại với thế giới tâm linh - nơi mà ngôn ngữ tạo hình đóng vai trò như là một biểu tượng. Thái độ nghệ thuật này biểu lộ tính triết mỹ khi tác giả chuyển hóa cảm xúc vào những vật chất tưởng như vô tri, một địa vực của nghệ thuật đương đại. Phương đã có một trải nghiệm đầy hứng thú, khơi dậy những suy tư cảm nhận về bản chất của nghệ thuật, tôn giáo và đời sống!”.

 

Tác phẩm "Khai phóng".

 

Tác phẩm "J.K".

 

Tác phẩm "Bóng ngàn năm".

 

Hoạ sĩ Lê Phương sinh năm 1982, tại Nam Định. Anh là cử nhân Đồ họa Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sẽ Lê Phương nổi tiếng với những tác phẩm minh hoạ và biếm hoạ cho báo chí và các nhà xuất bản dưới bút danh Leo từ năm 2001.

 

Họa sĩ Lê Phương đã có nhiều triển lãm nhóm như: Triển lãm nhóm Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 16 Ngô Quyền năm 2014; triển lãm nhóm Xuân Đinh Dậu tại triển lãm Vân Hồ năm 2017; triển lãm nhóm 5 MỚI tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài năm 2021; triển lãm đôi “Mật ức” tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền năm 2023. "Mật ước 2024" là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh.

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 01/11/2024 22:57