Nhiều người dân tại xã Tiền Yên đến giờ vẫn không thể tin rằng giá đất quê mình đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Còn với người trúng giá đất, họ lại coi rằng mức giá này là điều hiển nhiên và phản ánh đúng thị trường.
Hơn 11 rưỡi trưa ngày 20/8, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh xe tới khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức để mục sở thị lô đất đấu giá 133 triệu đồng/m2. Bản thân những nhà đầu tư này cũng không hề bơ vơ giữa 19 lô đất đấu giá, khi tiếp đón họ là gần chục môi giới viên tại địa phương.
Căng ô, kê bàn, xếp ghế, các đội nhóm kinh doanh bất động sản này đon đả đón khách từ sáng sớm đến chiều muộn. Truyền tay nhau tấm bản vẽ chi tiết của 19 lô đất, các môi giới luôn miệng nói về những phiên đấu giá “nóng như lửa" kéo dài tới hơn 4 giờ sáng vừa qua.
Theo lời kể từ họ, không ít “cá mập bản địa” tại Hoài Đức đã đấu trúng nhiều lô đất, trong đó bao gồm cả lô đất LK03-12 có giá 133 triệu đồng/m2. Những đội “săn đất" này cũng không hề giấu diếm mục đích lướt cọc của mình. Những lô đất có giá trên 100 triệu đồng/m2 sẽ có giá bán chênh khoảng 150 - 250 triệu đồng so với giá trúng. Ngược lại, các lô có giá trúng thấp hơn sẽ có giá chênh cao, lên tới 600 triệu đồng/thửa.
Tại xã Tiền Yên, nhà đầu tư không khó để bắt gặp các văn phòng môi giới địa ốc. Riêng tại khu vực xung quanh các lô đất đấu giá đã có ít nhất 3 công ty đang hoạt động hết công suất để mời chào khách. Những tấm biển quảng cáo của các doanh nghiệp này được phủ kín khắp nơi với đủ mọi kích thước, trải dài từ đầu đến cuối khu Lòng Khúc.
Ngoài đất đấu giá, những môi giới viên này sẵn sàng giới thiệu thêm cho khách hàng nhiều dòng sản phẩm bất động sản khác quanh huyện Hoài Đức, bao gồm nhà/đất thổ cư, đất dịch vụ, đất 50 năm, nhà vườn…
Tuy nhiên, khi tìm hiểu các phân khúc khác, điển hình như bất động sản thổ cư, nhà đầu tư sẽ cảm thấy “choáng váng” khi nghe đến mức giá. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trong một con ngõ nhỏ trên đường Tiền Yên, dù bề rộng của ngõ chỉ đủ để hai xe máy tránh nhau nhưng giá nhà đã lên tới 60 triệu đồng/m2.
“Người mua căn nhà này để ở, chứ không phải đầu tư. Đây là mức giá mà họ đã trực tiếp giao dịch chứ không phải giá ‘ảo’", anh Tân, người dân sinh sống gần đó cho hay.
Bản thân anh Tân cũng tham gia buổi đấu giá đất tại khu Lòng Khúc. Tuy nhiên, anh đã sớm bị “đánh bật" khỏi phiên đấu giá, khi mức giá tối đa mà anh đặt chỉ dừng ở mức 80 triệu đồng/m2. Trong khi đó, lô đất mà anh nhắm tới có giá trúng lên tới 115,3 triệu đồng/m2. Kết thúc buổi đấu giá, anh Tân ra về trong sự thất vọng, vì không thể ngờ rằng giá đất nơi mình sinh sống lại cao đến vậy.
Khi trao đổi với các hộ dân tại xã Tiền Yên, nhiều người cũng bày tỏ sự ngán ngẩm trước mức giá bất động sản cao chót vót tại quê mình. Không chỉ vậy, họ còn hoang mang vì giá đất “mỗi nơi một phách" và biến động liên tục.
Tiếp tục tìm hiểu quanh địa bàn xã, phóng viên được biết, cách căn nhà có giá 60 triệu đồng/m2 khoảng 500 m, một ngôi nhà khác tại thôn Tiền Lệ, có ngõ ô tô đỗ cửa, lại chỉ được bán với giá hơn 50 triệu đồng/m2 trong đợt hè vừa qua.
Một người dân khác lại cho biết, bản thân đang sở hữu một căn nhà nằm trên mặt đường Tiền Lệ, cách khu đất đấu giá tầm 500 - 600 m. Năm ngoái, căn nhà của người này được môi giới viên định giá khoảng 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với các biến động thị trường hiện tại, chủ nhà đang dự kiến sẽ tăng giá lên thành 100 triệu đồng/m2, dù bản thân vẫn còn hoài nghi về mức độ thực tiễn của con số trên.
“Nhà thổ cư có mặt tiền đẹp, nằm trên mặt đường Tiền Yên và Tiền Lệ sẽ không còn giá dưới 80 triệu đồng/m2 trong thời điểm hiện tại. Chỉ những căn nhà có ngõ khoảng 2,5 m mới có mức giá 30 triệu đồng/m2” - đây là lời khẳng định của nhiều hộ dân sau hiệu ứng từ buổi đấu giá đình đám vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, anh T.N, người tự nhận đã đấu trúng một lô đất có giá hơn 120 triệu đồng/m2, cho biết, những người tham gia buổi đấu giá ngày 20/8 vẫn còn trả giá “dền dứ". Nếu không, mức giá có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhân vật này cho biết giá bất động sản thổ cư của xã Tiền Yên vốn đã rất cao, lên tới 80 - 100 triệu đồng/m2 đối với những nơi có vị trí đẹp, đường rộng. Do đó, những người tham gia phiên đấu giá buộc phải trả số tiền cao hơn mặt bằng chung thị trường mới có cơ hội sở hữu các lô đất.
“Vị trí những lô đất đấu giá lần này quá đẹp khi nằm ngay cạnh Vành đai 4. Gần như không có khu đất đấu giá nào trong thời gian tới có vị trí mặt tiền nhìn thẳng ra tuyến đường này", anh T.N quả quyết. Đây cũng chính là lý do người này sẵn sàng bỏ ra một số tiền khủng để mua lô đất.
Theo chia sẻ của anh T.N, đã có khách hàng đề nghị trả chênh 700 triệu đồng cho lô đất của anh. Tuy nhiên, theo sự thống nhất của cả “đội", họ chỉ “xả” những lô đất vừa sở hữu sau cuộc đấu thứ hai của khu Lòng Khúc diễn ra vào ngày 26/8 tới.
“Nhóm đợi khi nào cuộc đấu giá thứ hai diễn ra thì mới bán đất ở cuộc thứ nhất. Thông thường, buổi sau sẽ có giá trúng cao hơn buổi trước. Khi đó, các lô ở buổi đấu giá đầu tiên sẽ được bán với giá tốt hơn”, anh T.N tiết lộ.
Cao hứng chia sẻ thêm, nhân vật này cho rằng, thị trường bất động sản năm ngoái rất trầm lắng nhưng UBND các huyện lại định giá đất ở mức cao. Điều này khiến nhiều cuộc tổ chức không thành công, phải đấu giá lại nhiều lần.
“Do đó, họ buộc phải hạ giá khởi điểm thu hút người tham gia. Năm nay, thị trường đã khởi sắc nhưng họ vẫn giữ nguyên mức định giá thấp ấy. Điều này tạo ra mức chênh lệch lớn so với giá trúng và giá khởi điểm", anh T.N bình luận.
Đối chiếu trong quá khứ, vào cuối tháng 3/2024, huyện Hoài Đức đã tổ chức đấu giá đất đối với 33 lô tại khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La. Mức giá khởi điểm khi ấy lên tới 57 - 60 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá bán khởi điểm tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Khoản tiền cọc trong buổi đấu giá đó cũng lên tới hơn 1 tỷ đồng, thay vì chỉ dưới 200 triệu đồng như hiện tại.
Tuy nhiên, kể cả khi định giá cao như vậy, các vấn đề tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Theo đó, buổi đấu giá tại khu Mả Trâu được đề cập ở trên đã sớm bị huỷ kết quả, do có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu giá tài sản. Nguyên nhân là khi tiến tới vòng 2, vị khách trả giá cao nhất lại không tiến hành trả giá để bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định rằng, thị trường đất đấu giá vùng ven Hà Nội đang có dấu hiệu của việc bị “đầu cơ, thổi giá”.
“Nhiều khả năng có các đội nhóm đang cố tình đẩy giá của một vài lô lên đỉnh điểm để tạo hiệu ứng truyền thông, định hướng dư luận. Sau đó, họ sẽ kiếm lời từ những lô đất khác trong khu vực", bà Miền đặt nghi vấn.
Ngoài ra, vị chuyên gia của VARS cũng lo ngại rằng, những con số kỷ lục từ các buổi đấu giá đất sẽ là “cái cớ" để phân khúc bất động sản thổ cư đồng loạt tăng giá. Điều này sẽ tạo ra mặt bằng giá “ảo" và khiến thị trường rơi vào nhiễu loạn.
“Thửa đất có giá 133 triệu đồng/m2 có thể được coi là ‘lô hoa hậu’ nhờ các lợi thế lớn về mặt vị trí. Tuy nhiên, số tiền trên vẫn quá cao so với giá trị thực và mức giá này không thể coi là đại diện chung cho toàn bộ thị trường huyện Hoài Đức”, bà Miền nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, vào ngày 26/8 tới đây, huyện Hoài Đức sẽ đấu giá 20 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Đây là các lô LK01 và LK02, nằm ngay bên cạnh 19 thửa có giá trúng cao kỷ lục. Diện tích của các lô này dao động từ 89 - 145 m2, mức giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, buổi đấu giá này sẽ phải tạm dừng. Phía Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, trong ngày 23/8, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đến huyện để xác minh các vấn đề liên quan đến công tác đấu giá.
Đơn vị được giao tổ chức đấu giá ở Hoài Đức là Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng đã ra thông báo về việc dừng phiên đấu giá 20 lô đất giá vào ngày 26/8. Những khách hàng đã mua hồ sơ, đặt cọc tiền để tham gia sẽ được bảo lưu hoặc hoàn trả lại tiền theo đúng quy định. Hiện thời điểm đấu giá lại các lô đất vẫn chưa được công bố.
Trước đó, vào ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Với các trường hợp đấu giá đất có kết quả bất thường, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và chủ tịch UBND các tỉnh rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Cũng trong ngày 21/8, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 2771/UBND-TNMT về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Hà Nội.
Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ những buổi đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian qua; đồng thời sẽ xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có).
Không phải đến tận bây giờ, những “cú đấm thép" ngăn chặn tình trạng “thổi giá" bất động sản mới được tung ra. Trước đó, trong Điều 34, Nghị định 96/2024/NĐ-CP và đã có hiệu lực kể từ ngày 1/8, Bộ Xây dựng sẽ phải đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường, khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng/giảm trên 20% trong 3 tháng hoặc thị trường có các thay đổi ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Thậm chí, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 còn liệt kê cụ thể các biện pháp mà Nhà nước sẽ thực hiện để điều tiết thị trường bất động sản. Những chính sách đó bao gồm việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh nguồn cung, cơ cấu thị trường; hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh các loại hình bất động sản được cần hỗ trợ, ưu tiên phát triển…
Với các động thái mạnh mẽ và khẩn trương từ phía các cơ quan Nhà nước, người dân có thể tin tưởng rằng, tình trạng “kích sóng" bất động sản sẽ được giải quyết, giá bán sẽ ngừng nhảy số một cách “phi mã” và thị trường sẽ quay trở về quỹ đạo phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.