Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung
Với người khiếm thị, "cây gậy trắng" không dừng ở phương tiện dò đường đơn thuần nó còn đóng vai trò là “đôi mắt thứ hai” giúp họ tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng.
Chiều 22/6, tại Trung tâm đào tạo chức năng người mù Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao 3.000 cây gậy trắng cho người mù Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động nhằm trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật... với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu cây gậy trắng cho người mù, khiếm thị tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bìa phải) trao biểu trưng cho đại diện Hội người mù Việt Nam |
Với vị trí là một cơ quan tổng tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, vì sự phát triển cộng đồng, bằng những hành động nhân văn.
Sáng kiến trao tặng cây gậy trắng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khởi xướng từ tháng 12/2019 nhằm tặng người mù công cụ, một người bạn vô cùng thân thiết để người mù có thể di chuyển thuận tiện và thuận lợi hơn trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Đây là một chương trình hết sức có ý nghĩa, lan tỏa lòng yêu thương, quan tâm của toàn xã hội tới những người khuyết tật.
Với người khiếm thị, "cây gậy trắng" không dừng ở phương tiện dò đường đơn thuần nó còn đóng vai trò là “đôi mắt thứ hai” giúp họ tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng. Nắm bắt được nhu cầu của những người khiếm thị cần phương tiện dò đường tiện ích cùng với việc xóa bỏ tâm lý e ngại, khó khăn khi sử dụng cây gậy trắng đồng thời nghiên cứu các nguyên nhân dẫn tới việc người mù ở Việt Nam chưa tiếp cận được với cây gậy trắng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động “Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam truyền tải thông điệp về sự sẻ chia, lan tỏa yêu thương |
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, ngoài việc hỗ trợ cho người mù trong việc di chuyển an toàn, chủ động và tự tin hơn, chương trình này còn truyền tải thông điệp về sự sẻ chia, lan toả yêu thương, khẳng định cộng đồng luôn đồng hành cùng với người khuyết tật, những người yếu thế để không có ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc kỳ vọng, Hành trình cây gậy trắng sẽ tiếp tục lan tỏa ra xã hội và có thêm sự chung tay, chung sức của cộng đồng, doanh nghiệp đồng hành với cộng đồng người mù và khiếm thị.
“Trong phạm vi chức năng của mình, chúng tôi cam kết đồng hành, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để hỗ trợ nhiều hơn cho người mù. Chúng tôi mong rằng hoạt động ý nghĩa này sẽ tiếp tục lan toả mạnh mẽ hơn trong cộng đồng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đây là một chương trình hết sức có ý nghĩa, lan tỏa lòng yêu thương, quan tâm của toàn xã hội tới những người khuyết tật |
Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, sáng kiến cây gậy trắng cho người mù do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động là hành động thiết thực, mang ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc, đáp ứng lòng mong mỏi của người mù trên cả nước.
“Trong thời đại 4.0, chúng ta nói nhiều đến thiết bị hiện đại, người khiếm thị cũng có thể sử dụng máy tính, điện thoại phục vụ cuộc sống, nhưng có vật dụng đơn giản, cần thiết cho người mù, mà đến nay chưa có thiết bị nào có thể thay thế chính là cây gậy trắng. Dù ở bất cứ đâu, cây gậy trắng vẫn là người bạn đồng hành thân thiết giúp người mù đi lại thuận tiện hơn”, bà Việt Anh chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc kỳ vọng chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa |
Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Mạng lưới Người khiếm thị Việt Nam - BlindLink cho hay, tại nhiều nước trên thế giới, người khiếm thị và người mù khi tham gia các hoạt động ngoài xã hội thường mang theo một cây gậy trắng. Không chỉ giúp họ tự đi lại an toàn, gậy trắng còn trở thành biểu tượng thể hiện sự vượt qua mặc cảm của người mù, người khiếm thị, giúp cộng đồng có thể dễ dàng nhận biết họ, hỗ trợ khi cần thiết.
Tuy nhiên, những khó khăn về chi phí, về tâm lý, về kỹ năng sử dụng là rào cản khiến cho rất nhiều người mù, người khiếm thị tại Việt Nam không dùng gậy.
“Nhờ sự vào cuộc, chung tay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà đặc biệt là được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khởi xướng, phát động sáng kiến cây gậy trắng cho người mù, việc trang bị gậy trắng và đào tạo, hướng dẫn sử dụng gậy trắng cho người mù đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều”, bà Hương nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao biểu trưng tặng 3.000 cây gậy trắng cho người mù Việt Nam |
Để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng gậy trắng, Hội người mù Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Mạng lưới Người khiếm thị Việt Nam - BlindLink tiến hành tuyên truyền về giá trị của Cây gậy trắng, đồng hành tổ chức trao tặng cho các địa phương trong tháng 6 và tháng 7 năm 2021; phối hợp với Trung tâm đào tạo chức năng cho người mù Việt Nam tổ chức tập huấn cách sử dụng gậy đúng chức năng nhằm đảm bảo hiệu quả, giúp người mù dò đường và đi lại an toàn ở các cấp hội của địa phương nhận gậy trắng.
Bắt đầu từ tháng 1/2018 khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng quyết định lựa chọn một số các cộng đồng yếu thế để bảo trợ, hàng loạt các hoạt động quan tâm, đồng hành cùng với các cộng đồng yếu thế được thực hiện từ các đơn vị trong ngành Kế hoạch và Đầu tư và thống kê.
Trong khuôn khổ Chương trình trao tặng cây gậy trắng, Ban tổ chức cũng triển khai hoạt động tập huấn, hướng dẫn sử dụng cây gậy trắng cho người mù một cách hiệu quả và thuận tiện và truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về cộng đồng người mù và khiếm thị Việt Nam.
Tại mỗi nơi trao nhận, bản cam kết được Lãnh đạo cộng đồng người mù các địa phương điểm chỉ và trao lại cho Bộ KH&ĐT để thể hiện cam kết của Hội người mù. Bản cam kết để mỗi hội người mù đăng ký nhận gậy cho hội viên có cam kết về trách nhiệm đào tạo và đảm bảo sử dụng gậy hàng ngày. 04 nội dung trong Bản cam kết bao gồm: (i) Trao đúng người; (ii) Hướng dẫn sử dụng gậy an toàn và văn minh; (iii) Bảo đảm người được nhận sử dụng; (iv) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiệu quả sử dụng gậy.
|