Thời gian gần đây, Trung Quốc có những hành động hung hăng và khiêu khích ở Biển Đông. Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố thành lập các quận "Tây Sa" và quận "Nam Sa" thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa", tương ứng tên gọi dành cho Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Việt Nam ở Biển Đông.
Ngoài ra, ngày 19/4, Trung Quốc ban hành cái gọi là “tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông”.
Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc cũng có động thái gửi công hàm khác lên Liên Hợp Quốc tiếp tục xuyên tạc chủ quyền Biển Đông, đáp lại công hàm khẳng định chủ quyền chính nghĩa của Việt Nam ngày 30/3.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo Thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định, việc Việt Nam gửi Công hàm tại Liên Hợp Quốc là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
“Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc”, ông Ngô Toàn Thắng nêu rõ.
Trước việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 30/3/2020, Việt Nam đã lưu hành Công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan.
Ngày 10/4/2020, Việt Nam lưu hành Công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS; mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
“Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”, ông Thắng nhấn mạnh.
Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.
Trước đó, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao tối 21/4 trả lời câu hỏi của báo chí về "thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, “là quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình”.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh thông điệp: Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.
Thanh Huyền