Thành công với vai trò Giám đốc Thiết kế - Mỹ thuật cho các công ty quảng cáo, công nghệ đa quốc gia trong lĩnh vực xây dựng các ứng dụng giúp nâng cao trải nghiệm người dùng ở ngành ngân hàng, bảo hiểm tại Singapore, nhưng Bùi Trần Phi Long (sinh năm 1985), đồng sáng lập kiêm CEO Công ty CP Công Nghệ DBM vẫn từ bỏ mức lương đáng mơ ước để trở về Việt Nam khởi nghiệp.

 

CEO Bùi Trần Phi Long cho rằng, việc xây dựng và phát triển các cộng đồng, chia sẻ thông tin, kiến thức về khởi nghiệp có định hướng của Chính phủ sẽ là giải pháp giúp người khởi nghiệp dễ định hình hướng đi và đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của đất nước.

 

Thành công với vai trò Giám đốc mỹ thuật cho các công ty quảng cáo, công nghệ đa quốc gia trong lĩnh vực xây dựng các ứng dụng nâng cao trải nghiệm người dùng ở ngành ngân hàng, bảo hiểm tại Singapore, lý do nào thôi thúc Bùi Trần Phi Long về nước khởi nghiệp?

 

Từ khi là sinh viên ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, trường Đại học Kiến trúc, tôi có tình yêu, đam mê bất tận với công việc sáng tạo công nghệ. Bản thân tôi lại là một người có tính tự lập cao nên đã đi làm thêm từ khi còn là chàng sinh viên năm thứ 2, để phụ giúp gia đình. Khi ấy, may mắn tôi đã tìm được công việc làm thêm cũng đúng chuyên ngành nên được cọ xát và học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tiễn.

Con đường sáng tạo công nghệ dường như bất tận, đam mê của tôi với ngành cũng là bất tận.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, tôi theo học tiếp ở Singapore và tốt nghiệp loại Xuất sắc (1st class honours) chuyên ngành Visual Communication (Truyền thông tiếp thị nội dung bằng hình ảnh) để tiếp tục củng cố kiến thức cho định hướng phát triển của mình. 

 

Sau đó thì tôi làm việc tại “quốc đảo sư tử” trong 7 năm với vai trò Giám đốc Thiết kế - Mỹ thuật cho các công ty quảng cáo, công nghệ đa quốc gia trong lĩnh vực xây dựng các ứng dụng giúp nâng cao trải nghiệm người dùng ở ngành ngân hàng, bảo hiểm. 

 

Tuy được làm việc trong một môi trường và đất nước phát triển hàng đầu trên thế giới, tôi vẫn cảm thấy không được thỏa mãn sự sáng tạo, đồng thời có phần nhàm chán với nhịp làm việc, sinh hoạt quen thuộc đơn điệu. 

 

Tôi đã trăn trở suy tư rất nhiều. Những câu hỏi hiện lên trong đầu mỗi ngày một nhiều: Mình chỉ sống vậy thôi sao? Chỉ vậy thôi sao? Rồi mình già đi, mình mất đi, mình để lại gì được cho đời?... 

 

Những câu hỏi ngày đêm thúc giục tôi trả lời và thế là năm 2014, tôi quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. “Không bây giờ thì bao giờ?”, tôi trả lời chính mình và quyết tâm cùng các cộng sự thân thiết của mình bắt đầu khởi nghiệp dựa trên 10 năm kinh nghiệm làm việc của mình  ở lĩnh vực xây dựng các ứng dụng tăng cường trải nghiệm, với các khách hàng nổi bật như Manulife, AIA, VIB Bank, Vietravel…


Từ bỏ mức lương cao ở một quốc gia phát triển để về Việt Nam khởi nghiệp từ đầu, gia đình cản tôi dữ lắm. Tuy nhiên, tôi cũng rất kiên định với con đường đã chọn. 

 

Ở Việt Nam, ngay thời gian đầu khởi nghiệp, tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và cả doanh nghiệp lớn. Tôi nhận thấy, dù quy mô công ty như thế nào thì những ông chủ doanh nghiệp, những người đứng mũi chịu sào vẫn luôn tìm kiếm một hệ thống quản trị để thỏa mãn các yếu tố: Tổng hợp, kết nối và đồng bộ thông tin từ nhiều nguồn (thông tin nội bộ, khách hàng, đối tác hoặc từ các ứng dụng công cụ) nhằm phục vụ cho việc cộng tác nhóm, quản lý thông tin tập trung và tạo ra một “Source of trust” (nguồn thông tin đáng tin cậy).

 

Tuy nhiên, họ đang gặp các rào cản như nhân sự, chi phí, kiến thức lập trình... để phát triển hệ thống phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Từ những nhu cầu đó, kết hợp với xu hướng nền tảng No-code (nền tảng phát triển ứng dụng không cần biết nhiều về lập trình) đang phát triển trên thế giới, Autotable.vn đã được hình thành.   

 

Trong quá trình khởi nghiệp, thành lập công ty, anh đã gặp những khó khăn, vướng mắc nào? Làm thế nào để hóa giải những khó khăn đó và tạo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp của mình?

 

Trong quá trình xây dựng và phát triển Autotable, cũng giống như các start-up khác, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. 

 

Đơn cử, chiến lược phát triển, Autotable là một nền tảng khá linh hoạt cho phép người dùng tự định hình được giải pháp dành cho mình, cũng vì vậy, trong ban lãnh đạo, chúng tôi đã có rất nhiều ý tưởng về hướng đi để đưa sản phẩm ra thị trường. Lẽ dĩ nhiên, là 1 giải pháp SaaS (Software as a Service - Phần mềm dạng dịch vụ, hoạt động trên nền tảng web).

 

Thị trường lý tưởng nhất của Autotable chính là ứng dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, có số lượng đông đảo và nhu cầu chuyển đổi số nhanh chóng với lợi thế về bộ máy linh hoạt, dễ thích nghi. 

 

Mặc dù vậy, với nguồn lực hạn hẹp, chúng tôi hiểu rằng, để có thể tiến vào thị trường, Autotable cần những “tiếng vang” lớn và những hợp đồng với các doanh nghiệp đầu ngành để chứng minh những lợi ích mà Autotable có thể mang lại. 

 

Thực tế là việc tiếp cận thị trường không hề đơn giản, khi Autotable là một giải pháp rất mới, chưa có tên tuổi, kể cả đối với doanh nghiệp siêu nhỏ chứ chưa nói đến các doanh nghiệp là những tập đoàn lớn. 

 

 

Chính trong thời điểm ban lãnh đạo đang loay hoay tìm phương thức để tồn tại và tạo những tiếng vang lớn nhằm khẳng định độ tin cậy của giải pháp, Autotable đã nhận được sự quan tâm từ một trong những hãng Hàng không lớn của Việt Nam. 

 

Cơ duyên này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho Autotable đối với tập khách hàng siêu lớn và cũng giải được bài toán thắc mắc trong chính ban lãnh đạo về khả năng giải quyết những bài toán phức tạp hơn của giải pháp. 

 

Đồng thời, chúng tôi liên tục kế thừa và cập nhật các công nghệ từ các dự án vào Autotable để ứng dụng ngày càng hoàn thiện hơn.

 

Vấn đề tiếp theo là trong quá trình triển khai của Autotable với các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung cũng có khá nhiều điểm khác biệt so với thị trường Âu, Úc, Mỹ. Đặc biệt là các doanh nghiệp chưa có một bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, việc sử dụng các công cụ của Autotable để thiết lập, cấu trúc ứng dụng theo ý muốn còn gặp nhiều trở ngại. Điều này một phần là vì khái niệm về 1 nền tảng no-code như Autotable còn khá mới tại Việt Nam.

 

Đồng thời, người dùng thường sẽ thích thú với những giải pháp hoàn toàn đáp ứng nhu cầu ngay từ bước đầu tiếp cận. Bên cạnh đó, kể cả với những khách hàng sẵn sàng cho việc tự xây dựng theo nhu cầu quản lý của mình, việc khởi đầu từ số 0 chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định. 

 

Để hóa giải vấn đề này, đội ngũ Autotable đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, cũng như tham khảo trực tiếp với nhà quản lý các doanh nghiệp đầu ngành, xây dựng ra những mẫu Template cho nhiều lĩnh vực và nhu cầu quản lý và vận hành khác nhau. 

 

Nhờ đó, Autotable giúp tối ưu sự đơn giản, dễ sử dụng cho người dùng, kết hợp với hệ thống hướng dẫn, Templates dựng sẵn đa dạng. Người sử dụng có thể áp dụng ngay vào nhu cầu, công việc, mục đích kinh doanh của mình, giảm thời gian phải tìm hiểu, nghiên cứu Autotable khi phải tạo hệ thống từ con số 0.

 

Đó chính là cách giúp Autotable được người dùng đón nhận và phát triển.

 

Giá trị Autotable mang đến cho khách hàng là gì, thưa anh?

 

Như đã chia sẻ ở trên, việc có thể cộng tác với nhiều hãng hàng không của Việt Nam là những dấu mốc phát triển đáng nhớ cho những nỗ lực của cả đội ngũ, cũng như đem lại sự tự tin cho chúng tôi để có thể tiếp tục phát triển theo định hướng đặt ra.

 

Đặc biệt hơn, các đợt dịch Covid-19 vừa qua đã minh chứng cho sự quan trọng của hệ thống tổng hợp, kết nối và đồng bộ thông tin, cũng như áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, giảm tương tác trực tiếp khi mà các doanh nghiệp, khách hàng phải thay đổi phương cách làm việc để phù hợp với tình hình mới. 

 

Về triết lý kinh doanh và với khách hàng, chúng tôi tin tưởng mỗi doanh nghiệp luôn tự chuyển mình, sáng tạo ra những mô hình, phương thức kinh doanh ưu Việt hơn để cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. Do đó, những công cụ phục vụ cho doanh nghiệp không thể đi sau mà luôn phải đồng hành, thậm chí sẵn sàng đi trước. Nếu doanh nghiệp ngừng sáng tạo và cải tiến, họ sẽ đi lùi, nhưng nếu những cải tiến hay sáng tạo đó không được những công cụ hỗ trợ hiệu quả thì họ sẽ vẫn cứ đứng yên tại chỗ vì khó khăn trong việc kiểm chứng hay nhân rộng. 

 

Với Autotable, một nền tảng có khả năng tùy biến cao phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, triết lý sáng tạo và sẵn sàng thay đổi là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi không kỳ vọng chỉ mang lại giá trị, hiệu quả cho ngày hôm nay của khách hàng mà còn phải là công cụ cho sáng tạo và cải tiến ngay ngày hôm sau. 

 

Chính triết lý này đã thúc đẩy chúng tôi xây dựng khả năng tùy biến của Autotable luôn ở mức độ cao và sự tùy biến này không bị giới hạn ở kỹ năng công nghệ. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể trao quyền sáng tạo này đến mọi vị trí.

 

Dự án AutoTable sẽ hỗ trợ như thế nào cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, thưa anh?

 

Mặc dù còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên trên với thế giới, các giải pháp No-code đang cực kỳ phát triển, được đầu tư mạnh mẽ và kỳ vọng sẽ mang lại những phương thức chuyển đổi số đơn giản và trực tiếp hơn cho doanh nghiệp. 

 

Đặc biệt hơn, Autotable là một trong những giải pháp đầu tiên được phát triển bởi đội ngũ tại Việt Nam và ban lãnh đạo đặt mục tiêu hướng tới không chỉ thị trường Việt Nam mà còn là thị trường Đông Nam Á hoặc xa hơn là Châu Á trong tương lai. 

 

Với lợi thế là một nền tảng công nghệ linh hoạt, đa dạng và dễ thích nghi, Autotable có tiềm năng nhanh chóng tiếp cận các thị trường khác nhau so với những ứng dụng đã được định hình và phát triển cho các thị trường mục tiêu cụ thể. 

 

Sự am hiểu nhu cầu tại địa phương, cách thức phục vụ những khách hàng châu Á khó tính sẽ là những điểm mấu chốt để Autotable có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ phương Tây. 

 

Ví dụ, Autotable không chỉ kết nối với các ứng dụng quốc tế như Facebook, Google, chúng tôi đã và đang hợp tác và kết nối với nhiều nhà phát triển tại địa phương từ các kênh bán hàng, các phần mềm kế toán, quản lý thông dụng để hỗ trợ khách hàng trong việc nhanh chóng tổng hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau và tạo ra “Source of Trust” như đã nêu ở trên. 

 

Việc này sẽ mang lại cho start-up nói riêng, doanh nghiệp nói chung những “Deep Insights” (góc nhìn sâu sắc) để nâng cao hiệu quả trong phân tích, quản trị và vận hành doanh nghiệp.

 

 

Đối với một start-up về công nghệ, những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ, thưa anh?

 

Trước đây, để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp phần mềm nói riêng và doanh nghiệp công nghệ nói chung, Chính phủ đã có nhiều chính sách miễn giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghệ nước nhà. 

 

Tuy nhiên, ngành công nghệ phần mềm trong vài năm trở lại đây đã có những thay đổi ở nhiều mặt khiến các start-up về công nghệ thực sự khó có thể đáp ứng được những quy định của Chính phủ để được miễn giảm thuế TNDN nhằm có thể tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu sản xuất. 

 

Có thể lấy ví dụ như một doanh nghiệp phần mềm có thể được miễn giảm thuế khi thực hiện gia công phần mềm cho khách hàng và cơ quan thuế căn cứ trên hợp đồng và khối lượng công việc thực hiện của hợp đồng để tính toán khoản thuế miễn giảm. Tuy nhiên hiện nay, việc gia công theo từng hợp đồng đi ngược lại triết lý phát triển của start-up là tạo ra giải pháp và cung ứng cho toàn thị trường với giá cả hợp lý để khách hàng có thể giảm các khoản đầu tư lớn ban đầu cho công nghệ nhưng vẫn có được các sản phẩm hữu dụng. 

 

 

Điều này tạo ra các vấn đề như sau:

 

Doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu những nhóm vấn đề của nhiều doanh nghiệp để tạo ra 1 sản phẩm có thể giải quyết vấn đề đó. Như vậy về mặt sản xuất phần mềm, start-up vẫn phải thực hiện đủ các quy trình theo Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

 

Tuy nhiên, thay vì việc thực hiện theo hợp đồng cho từng khách hàng thì đối tượng của start-up nhắm tới là nhóm khách hàng. Do đó, start-up phải tự đầu tư thực hiện toàn bộ các quy trình trên rồi mới phát hành và phân phối sản phẩm phần mềm ra thị trường. Khi thương mại hóa sản phẩm, start-up chỉ có thể ký hợp đồng kinh tế là mua bán hoặc phân phối. Mặc dù, start-up để có được sản phẩm cung cấp ra thị trường đã thực hiện đầy đủ các bước của sản xuất phần mềm. Việc này khiến start-up không được miễn giảm thuế TNDN vì cơ quan thuế không thể xác định giao dịch kinh tế là sản xuất phần mềm dựa trên hợp đồng và hóa đơn.

 

Mặt khác, để thúc đẩy việc triển khai công nghệ đến mọi mặt của đời sống, doanh nghiệp phần mềm phần lớn đang triển khai việc thương mại hóa sản phẩm theo dạng cho thuê (leasing) hay bán quyền sử dụng (license) cho khách hàng nhằm mục tiêu giảm chi phí đầu tư ban đầu cho khách hàng của mình, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. 

 

 

Đây là hình thức mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng như chi phí đầu tư thấp, dịch vụ chăm sóc (cập nhật, hỗ trợ và sửa lỗi) tốt trong quá trình sử dụng, quyền được linh hoạt lựa chọn giải pháp thay thế theo nhu cầu ở các thời điểm khác nhau. Đối lập với quyền lợi của khách hàng, start-up mặc dù vẫn đóng góp cho sự phát triển của kinh tế thông qua việc cung cấp giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng lại phải đối mặt với vấn đề chia nhỏ lợi nhuận. 

 

Tức là, thay vì nhận được khoản lợi nhuận ngay tại thời điểm chuyển giao công nghệ, start-up phải chấp nhận chuyển hóa doanh thu này thành các khoản thu trong vòng 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thế.

 

Đối với hoạt động dịch vụ phần mềm, do giá dịch vụ thấp nên doanh nghiệp luôn phải tận dụng lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất và bán hàng cho năm tiếp theo.

 

Start-up vẫn tiếp tục quy trình sản xuất phần mềm trong suốt quá trình dịch vụ phần mềm nhằm cải tiến sản phẩm và giữ chân khách hàng nhưng không thể liệt kê khối lượng theo quy trình được miễn giảm thuế trong từng hợp đồng dịch vụ cho thuê.

 

Chúng ta có thể nhận thấy, so với việc gia công phần mềm, start-up dịch vụ phần mềm vẫn thực hiện đầy đủ và có khi còn có khối lượng công việc lớn hơn, mang lại giá trị nhiều hơn cho không chỉ một mà rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách về miễn giảm thuế của Chính phủ vẫn chưa chạm đến được để tạo điều kiện cho start-up dịch vụ phần mềm phát triển.

 

Là một start-up phát triển phần mềm, Autotable kiến nghị chính phủ xem xét các chính sách miễn giảm thuế, có các hướng dẫn chi tiết hơn để các start-up được hưởng các chính sách hỗ trợ tốt giúp start-up có thêm nguồn lực để góp phần cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm cũng như của nền kinh tế 4.0 của Việt Nam.

 

 

Để Việt Nam thực sự trở thành "thiên đường" khởi nghiệp, theo anh Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần có những chính sách thiết thực nào cho các start-up?

 

Tôi cho rằng, cần có các gói hỗ trợ vay vốn từ Chính phủ để các bạn có ý tưởng, có sản phẩm tốt có thể dễ dàng tiếp cận hơn.  

 

Ngoài ra, Chính phủ có thể tạo môi trường khởi nghiệp bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và giảm các thủ tục hành chính để người khởi nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ hơn.

 

Việc xây dựng và phát triển cộng đồng, chia sẻ thông tin, kiến thức về khởi nghiệp có định hướng của Chính phủ cũng sẽ là giải pháp giúp người khởi nghiệp dễ định hình hướng đi và đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của đất nước.

 


   Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.

   Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.

   Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.

   Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?
   Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: [email protected].

Bình luận bài viết này
  • Hiếu 10:18 | 05-04-2021
    Theo mình thì chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến khởi nghiệp và đã bắt đầu có các chính sách điều chỉnh để hỗ trợ các startup. Tuy nhiên mình cho rằng cần có các hành động và định hướng cụ thể hơn như các gói vay (tương tự các gói vay phát triển nông thôn) hay các trung tâm – cộng đồng nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra Chính phủ còn có thể phổ biến và là đầu ra cho các sản phẩm của khởi nghiệp (Chính phủ đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số). Về mặt phát triển cộng đồng thì cần phổ biến, truyền tải kiến thức rộng rãi hơn qua các cuộc thi, các buổi đàm thoại để các startup có thể dễ tiếp cận cũng như chia sẻ những khó khan của mình hơn. Hiện nay các cuộc thi, các show truyền hình, các cộng đồng đều do các cá nhân, tổ chức thực hiện với mục tiêu riêng, do đó sẽ khó khan cho các startup riêng lẻ gia nhập và thực sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để phát triển. Tuy nhiên, một lần nữa phải nhắc lại là khi bạn đã rời bỏ con đường an toàn, chọn lựa con đường khởi nghiệp thì bạn phải có kế hoạch rõ ràng, chấp nhận khó khăn và tự thân vận động.
  • loantran.to 16:21 | 01-04-2021
    Anh nói, việc xây dựng và phát triển các cộng đồng, chia sẻ thông tin, kiến thức về khởi nghiệp có định hướng của Chính phủ sẽ là giải pháp giúp người khởi nghiệp dễ định hình hướng đi và đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của đất nước. Vậy anh có sẵn sàng xây dựng, phát triển một dự án như vậy không? Làm sao có một dự án chia sẻ hữu dụng, thiết thực, thay vì những show truyền hình mà các shark nói với người khởi nghiệp như thể ông chủ nói với nhân viên, kiến thức thu được cho người trẻ khởi nghiệp thì ít vì thời lượng chương trình không nhiều, xong chương trình, người xem nhớ về các start-up thì ít, việc quảng bá tên tuổi các shark thì nhiều. Làm sao có môi trường chia sẻ hài hòa hơn, thực tế hơn giữa các start-up và những người đi trước có kinh nghiệm?
Hồ Hạ 01/04/2021 10:01