Không để Covid-19 gây tổn thương tâm lý xã hội

Quán triệt tinh thần "Còn con người là còn tất cả", Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cấp, các ngành của Thủ đô phải nâng cao trách nhiệm trong phòng chống dịch Covid-19, không để xảy ra tổn thất về người.

Thực hiện: Kỳ Thành - Thu Trang

 

"Còn con người là còn tất cả..."

Phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội diễn ra chiều ngày 16/3, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ngành, các cấp phải phấn đấu giữ thành phố an toàn trước dịch bệnh.

Trao đổi về tình hình dịch bệnh trên thế giới và diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và TP. Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội cho rằng cần lường trước cả những tình huống xấu nhất, dẫn tới những tâm tư, xao động trong quần chúng nhân dân.

“Còn con người là còn tất cả. Người Á Đông coi trọng việc người mất được về nhà, trăng trối với con cháu”, ông nói và nhận định, dịch bệnh Covid-19, ngoài những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thì chắc chắn sẽ để lại tổn thương lớn với tâm lý xã hội, văn hóa.

“Đất nước chúng ta đã trải qua 2 cuộc chiến tranh. Chúng ta hãy hình dung những gia đình có con em hi sinh trên chiến trường, đến nay chưa tìm được hài cốt. Vài chục năm sau, những tổn thương này chưa hết. Chúng ta thấy rõ nguy cơ nên phải giữ được, không bị tổn thất về con người là thành quả lớn nhất, còn kinh tế sẽ khắc phục được”, ông nhìn nhận.

Khẳng định lại quan điểm nhất quán của Chính phủ và Thành phố là phải thực hiện 2 nhiệm vụ song song, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: “Nhưng trên hết phải là an toàn, phòng chống tốt dịch bệnh. Để xảy ra hậu quả, tổn thương cho xã hội là rất lâu, chưa thể tính toán hết được”.

Nhắc lại câu chuyện về những người già ở Châu Âu, trước khi mất chỉ muốn bác sĩ đưa điện thoại để gọi một cuộc cho con cháu, ông Chung cho rằng, “những điều đó sẽ gây tổn thương rất lâu”.

“Qua bài học đó, tôi muốn nhấn mạnh thông điệp phải nâng cao trách nhiệm của chúng ta trong bộ máy, từ trách nhiệm của thành phố cho đến cơ sở”.

Kêu gọi người dân bình tĩnh và yên tâm trước tình hình dịch bệnh và những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền Thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ: “Cần hết sức bình tĩnh vì chúng ta đang hoàn toàn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chưa có nguy cơ không kiểm soát được. Ban Chỉ đạo của Thành phố đang nhận sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương sát sao từng phút, do đó hoàn toàn có thể yên tâm”.

Toàn cảnh phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội ngày 16/3. (Ảnh: KTĐT)

Không để lặp lại “bài học lớn” gây hoang mang cộng đồng

Nói về khả năng phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố có thể huy động nguồn lực lấy được 1.500 - 2000 mẫu/ngày. Trong những ngày tới, năng lực xét nghiệm của Thành phố có thể cao hơn từ 2.000 - 2.500 mẫu/ngày.

Đối với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm những người đi đi về từ vùng dịch, khách nước ngoài, du học sinh đã và đang về nước…, ông Chung cho biết, Thành phố đang tổ chức khai báo y tế, tổ chức đo thân nhiệt, những người này vẫn có thể phát bệnh trong những ngày tới. Thành phố có đủ kit xét nghiệm từ 4-6 tiếng đồng hồ. Đối với trường hợp F1, F2, những người từ vùng dịch sẽ được xét nghiệm miễn phí 2 lần. Toàn bộ kinh phí sẽ do Thành phố sẽ chi trả.

Về các biện pháp mà Hà Nội sẽ áp dụng để chống dịch Covid-19, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, thứ nhất là công tác tiếp tục tuyên truyền đến tất cả người dân trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thứ hai là cần tập trung mọi nguồn lực để phát hiện các trường hợp nghi ngờ, ca bệnh từ các nhóm nguy cơ lây nhiễm cao; có biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu mức thấp nhất việc lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ ba là quản lý chặt chẽ số người đã xác minh lịch trình, số người tiếp xúc F1, F2… Giám sát chặt chẽ những công dân đang cách ly tại các khu tập trung và cách ly tại nhà.

Nếu đã có quyết định cách ly tại nhà mà không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra lây nhiễm trên cộng đồng, sẽ đề nghị Công an Thành phố xử lý theo quy định, thậm chí có thể xem xét để truy tố hình sự, ông Chung nhấn mạnh.

Thứ tư, yêu cầu người dân thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Các tòa nhà công sở, toàn bộ hệ thống giáo dục trên địa bàn phải tổ chức vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo đủ điều kiện để cho học sinh quay lại trường học nếu Thành phố quyết định cho đi học lại vào tháng 4.

Thứ năm, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải thông tin công khai, minh bạch đến người dân các trường hợp dương tính với Covid-19. Các quận, huyện phải xây dựng phương án cách ly, điều trị cụ thể, đủ cơ sở vật chất một cách đồng bộ, nhất là bảo hộ cho bác sĩ, nhân viên y tế tuyến 1.

Nhắc lại “bài học lớn” ở Trung Quốc và Italy, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lưu ý, nếu các bác sĩ, y tá không đủ bảo hộ, làm kiệt sức đến lúc nhiễm bệnh sẽ gây tâm lý hoang mang lớn trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống, khám chữa bệnh.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành - Thu Trang 16/03/2020 23:00